Bài cuối: Dấu hỏi về sự minh bạch
Tại một số bếp ăn bệnh viện công lập Thanh Hóa, quá trình lựa chọn đơn vị cung cấp suất ăn đang bị đặt dấu hỏi lớn về sự thiếu minh bạch.

Bếp ăn của Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Xương.
Không chỉ tồn tại các vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), tại một số bếp ăn bệnh viện công lập Thanh Hóa, quá trình lựa chọn đơn vị cung cấp suất ăn đang bị đặt dấu hỏi lớn về sự thiếu minh bạch. Thậm chí, có dấu hiệu chuyển nhượng sau khi trúng đấu giá…
Chỉ định thầu - nguồn thu không minh bạch?
Từ tháng 7/2022, Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Xương chỉ định hộ cá thể Lê Văn Phong (xã Quảng Ninh, Quảng Xương) vào nhận kinh doanh dịch vụ nhà ăn, quầy hàng tạp hóa trong khuôn viên bệnh viện với giá trị giao khoán 7.100.000 đồng/tháng.
Điều khó hiểu là giữa Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Xương và đơn vị cung ứng suất ăn tồn tại hai bản hợp đồng, một bản hợp đồng 60 tháng (từ ngày 1/7/2022 - 30/6/2027) và bản hợp đồng 36 tháng (1/7/2022 - 30/6/2025).
Đáng lưu ý, cả hai bản hợp đồng giữa bệnh viện ký với đơn vị cung ứng suất ăn đều yêu cầu phải nộp tiền mặt và nộp hàng tháng thay vì nộp vào tài khoản của bệnh viện. Kế toán trưởng của bệnh viện này cho biết, năm 2022 và năm 2023 thì nộp tiền mặt nhưng năm 2024 đến nay đã nhắc và đơn vị có nộp vào tài khoản.
Trên thực tế, tiền dịch vụ của bệnh viện nộp về kho bạc năm 2022, 2023, phía bệnh viện không cung cấp được chứng từ có khoản dịch vụ cho thuê nhà ăn bệnh viện.
Khi đề nghị minh chứng việc tiền được gửi vào tài khoản từ năm 2024, bệnh viện lại cho rằng miễn thu cho đơn vị năm 2024, còn từ đầu năm 2025 đến nay, đơn vị cung ứng suất ăn chưa nộp. Việc miễn thu cũng như chậm đóng kinh phí không đúng như trong hợp đồng, phía Bệnh viện huyện Quảng Xương không có bất kỳ văn bản nào chứng minh điều này.
“Năm 2024, chúng tôi thống nhất không thu do đơn vị này có đầu tư sửa chữa cơ sở vật chất. Năm 2025 thì từ đầu năm đến nay họ chưa nộp về”, bà Bùi Thị Lan, Kế toán trưởng Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Xương phân trần.
Ông Nguyễn Văn Nhiên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Xương cho rằng, hộ kinh doanh cá thể nên có những cái không chặt chẽ như công ty được.
Lý giải cho việc chỉ định thầu mà không thông qua đấu giá, đấu thầu theo quy định, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Xương cho biết, không chỉ nơi ông quản lý mà nhiều bệnh viện đang chung tình trạng giống nhau.
“Theo quy định bệnh viện nhóm 3 phải xây dựng đề án trình Sở Y tế, Sở Tài chính, trình UBND tỉnh, UBND tỉnh trình HDND phê duyệt. Thế nhưng, không phải bây giờ mà trước đó 3 năm là chúng tôi đã phải thuê người làm đề án để đấu thầu vì chúng tôi làm mãi không được. Nhưng cũng không ai duyệt cho”, ông Nguyễn Văn Nhiên thông tin.

Bếp ăn tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc mỗi ngày cung cấp khoảng 150 suất cho bệnh nhân và cán bộ bệnh viện.
Dấu hiệu trúng đấu giá rồi “sang tay”
Tại Bệnh viện Đa khoa TP Thanh Hóa, đơn vị cung cấp suất ăn hiện tại không phải là đơn vị đứng tên trong hồ sơ trúng đấu giá.
Tại biên bản họp lựa chọn ký hợp đồng về việc nấu ăn tại bệnh viện, có một số thành phần cá nhân tham gia đăng ký. Ông Trần Việt Dũng (phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa) được lựa chọn vào thực hiện dịch vụ nấu ăn tại bệnh viện với giá giao khoán 9.200.000 đồng/tháng.
Tuy nhiên, trên bản hợp đồng lại thể hiện bệnh viện ký với ông Nguyễn Sỹ Quyết (thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa) cũng với giá giao khoán 9.200.000 đồng/tháng.
Bệnh viện Đa khoa huyện Triệu Sơn cho rằng bếp ăn là do tổ dinh dưỡng của bệnh viện thực hiện, không có đấu thầu, hay đấu giá với đơn vị nào. Tuy nhiên, khi cung cấp hồ sơ, cán bộ bệnh viện lại cung cấp giấy đăng ký kinh doanh và chứng nhận ATVSTP của một hộ kinh doanh mang tên Vũ Văn Thao (thị trấn Triệu Sơn, huyện Triệu Sơn). Đơn vị này cũng không cung cấp được hồ sơ việc thu chi liên quan đến hoạt động của bếp ăn.
Bệnh viện Đa khoa huyện Triệu Sơn lý giải, giấy chứng nhận ATVSTP là của đơn vị cung cấp suất ăn cũ. Tuy nhiên, khi bệnh viện chấm dứt hợp đồng với đơn vị và giao bếp ăn về cho phòng hành chính thì thấy giấy chứng nhận ATVSTP vẫn còn hạn nên vẫn để sử dụng.
Ông Nguyễn Ngọc Hân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Triệu Sơn cũng cho rằng, mấy năm trước, bệnh viện có làm đề án gửi lên cấp trên để đấu thầu, đấu giá bếp ăn, tuy nhiên không được duyệt và cũng không thấy phản hồi trở lại.
Ông Phùng Đức Toàn, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Y tế Thanh Hóa, cho biết: “Trước đây, sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, theo Nghị định 151/2017/NĐ-CP là phải làm đề án trình UBND tỉnh phê duyệt.
Những năm trước, Sở có phê duyệt cho một số đơn vị, sau này một số đơn vị có đề xuất, lý do chưa phê duyệt là theo Nghị định 114/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 151/2017/NĐ-CP, không phải làm đề án nữa mà chỉ báo cáo, đề xuất cơ quan cấp quản lý phê duyệt phương án. Với Nghị định 114/2024/NĐ-CP, bắt đầu có hiệu lực thì các đơn vị đang làm thủ tục lên, Sở Y tế cũng đang phải xem xét”.
An toàn thực phẩm trong bếp ăn bệnh viện có vai trò quan trọng trong bảo vệ sức khỏe và hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân; phục vụ trực tiếp cho cán bộ, nhân viên công tác tại bệnh viện và người nhà bệnh nhân. Vì thế, những lỗ hổng trong hệ thống bếp ăn bệnh viện không chỉ là vấn đề quản lý nội bộ, mà còn là thước đo trách nhiệm của ngành Y tế.
Khi một đơn vị cung cấp suất ăn không đủ năng lực vẫn được chọn, khi việc giám sát bị buông lỏng, thì trách nhiệm không thể chỉ một cá nhân. Đó là sự thỏa hiệp giữa nhiều bên, nơi quyền lợi được đặt cao hơn sức khỏe của người bệnh.
Điều 10b, Nghị định 114/NĐ-CP ngày 15/9/2024 về khai thác tài sản công tại cơ quan Nhà nước nêu rõ: “Việc lựa chọn tổ chức, cá nhân khác thực hiện quyền khai thác nhà ăn, căng tin, nhà/bãi xe được thực hiện theo các hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc đấu giá theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản…”.