Bài cuối: Cùng Thủ đô xây dựng ngành nông nghiệp hiện đại
Một trong những mục tiêu quan trọng mà Chương trình số 04-CTr/TU, Khóa XVII của Thành ủy Hà Nội đặt ra, đó là hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp thành phố vào năm 2025; để đạt mục tiêu trên, Hà Nội rất cần sự đồng lòng vào cuộc, ủng hộ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó có Agribank.
Bài 1: Tự hào góp phần vào sự phát triển của Thủ đô
21/10/2024 07:01
Tăng giá trị từ nông nghiệp công nghệ cao
Chương trình số 07-CTr/TU ngày 17.3.2021 của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025" đã xác định 7 nhóm chỉ tiêu; trong đó, có chỉ tiêu tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên tổng sản phẩm nông nghiệp đến năm 2025 đạt trên 70% (hiện đang ở mức 46%).
Thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU, Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến hỗ trợ và thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Đến nay, Hà Nội có 406 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó, có 262 mô hình lĩnh vực trồng trọt, 119 mô hình lĩnh vực chăn nuôi, 25 mô hình lĩnh vực thủy sản; tập trung ở các huyện: Hoài Đức, Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng…
Thành phố có 68 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm và chú trọng xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; khoảng 20 doanh nghiệp bước đầu đã tham gia đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và có duy nhất 1 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao tại xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức).
Mặc dù thực tế, quy mô sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Hà Nội chưa lớn nhưng đã tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm, mang lại thu nhập cao và đang khẳng định được vai trò trong thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Tại Hội thảo "Chuyển đổi số trong công tác quản lý chất lượng, chế biến, phát triển thị trường nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội" diễn ra mới đây, Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, 40% giá trị sản xuất nông nghiệp Hà Nội đến từ sản phẩm công nghệ cao.
Tính riêng nửa đầu năm 2024, tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của Hà Nội đạt 22.661 tỷ đồng, tăng 2,94% so cùng kỳ năm trước; trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp là 20.945 tỷ đồng, tăng 2,92%, thủy sản đạt 1.677 tỷ đồng, tăng 3,33% so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong thời gian này, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Hà Nội đạt hơn 1,2 tỷ USD, tăng 58,5%; trong đó, hàng nông sản đạt 836 triệu USD.
Hướng đến nông thôn mới cấp thành phố
Một trong những mục tiêu quan trọng mà Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đặt ra, đó là hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp thành phố vào năm 2025, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Tuy nhiên, đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ 4.0 đòi hỏi vốn lớn, trong khi nguồn lực tài chính của người dân và các nhà đầu tư hạn chế, chính sách của Trung ương và thành phố chưa đủ mạnh và đồng bộ, mới chỉ đáp ứng ở một số công đoạn trong chuỗi với quy mô nhỏ nên hoạt động đầu tư chưa được tập trung, nguồn vốn đầu tư còn ít, các mô hình sản xuất hiệu quả thiếu nguồn kinh phí để nhân rộng.
Trong bối cảnh trên, với sứ mệnh và trách nhiệm của nhà đầu tư tín dụng hàng đầu cho khu vực "Tam nông", Agribank đã chủ động nhập cuộc, chung tay cùng Thủ đô xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, có giá trị cao và mang lại thu nhập lớn cho người dân.
Với 268 điểm giao dịch trên địa bàn thủ đô, Agribank là Ngân hàng có số lượng điểm giao dịch lớn nhất trong các ngân hàng thương mại, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của kinh tế - xã hội trên địa bàn. Việc Agribank triển khai quyết liệt các giải pháp về tiền tệ; nâng cao chất lượng tín dụng; điều chỉnh mạnh cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung cho vay nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xây dựng nông thôn mới; cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tiện ích đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về vốn và dịch vụ ngân hàng cho người dân trên địa bàn.
Bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Agribank nỗ lực đẩy mạnh tín dụng thông qua nhiều giải pháp để hỗ trợ nền kinh tế nói chung và địa bàn thủ đô nói riêng. Trong thời gian qua, Agribank đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách thuận lợi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân kịp thời tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, thực hiện cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng.
Giai đoạn 2019 - 2023, bình quân dư nợ cho vay nền kinh tế của các chi nhánh Agribank khu vực TP. Hà Nội khoảng 135.000 tỷ đồng; cao nhất là năm 2023 đạt trên 144.485 tỷ đồng, đã cho thấy vai trò và nỗ lực của ngân hàng trong việc cung cấp vốn tín dụng cho sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế của Thủ đô. Nguồn vốn của Agribank đã hỗ trợ phát triển các dự án kinh tế trên toàn địa bàn, giúp hàng triệu hộ gia đình, cá nhân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng.