Bài cuối: Cần tiếng nói chung

Bài 1: Sức hấp dẫn của cây sầu riêngBài 2: Đối mặt nhiều rủi ro

Để cây sầu riêng phát triển bền vững, bên cạnh tập trung nâng cao chất lượng, việc thắt chặt liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa các nhà đang là vấn đề mấu chốt hiện nay.

QUẢN LÝ CHẶT QUY HOẠCH

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Tiền Giang, hiện nay, diện tích sầu riêng của tỉnh đã vượt so với mục tiêu năm 2025. Trong giai đoạn 2024 - 2025, tỉnh chỉ phát triển diện tích trồng mới theo Đề án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi khu vực Bắc Quốc lộ 1 tỉnh Tiền Giang” và Đề án “Phát triển cây sầu riêng tỉnh Tiền Giang đến năm 2025”.

Thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ bền chặt là vấn đề mấu chốt để phát triển bền vững cây sầu riêng.

Thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ bền chặt là vấn đề mấu chốt để phát triển bền vững cây sầu riêng.

Tỉnh phấn đấu tổng sản lượng sầu riêng đến năm 2025 đạt 310.000 - 366.000 tấn; năng suất sầu riêng bình quân ổn định đạt ở mức 20 - 22 tấn/ha. Trong đó, có 25% diện tích được công nhận sầu riêng an toàn (VietGAP, GlobalGAP), tỷ lệ sầu riêng xuất khẩu chiếm 70% - 80% sản lượng.

Để cụ thể hóa mục tiêu này, ngành Nông nghiệp đang phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát lại hiện trạng sản xuất; đồng thời, đề xuất UBND tỉnh định hướng phát triển cây sầu riêng của tỉnh đến năm 2030, phù hợp với thực trạng của địa phương và quy hoạch cây ăn trái của Bộ NN-PTNT. Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam cho biết, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp để quản lý quy hoạch đối với cây trồng này.

Theo bà Nguyễn Như Thủy Tiên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Nguyễn Như Thủy Tiên, việc thu mua và tiêu thụ sầu riêng tại thị trường nội địa và xuất khẩu đều có những thách thức và thuận lợi riêng. Nếu như thị trường nội địa phải đối mặt với vấn đề về giá cả và cạnh tranh với các loại trái cây khác thì khi xuất khẩu, sầu riêng phải đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe, cũng như đối mặt với sự cạnh tranh quốc tế.

Tuy nhiên, cả hai thị trường đều có những thuận lợi lớn từ nhu cầu tiêu thụ cao và nhờ vào những tiến bộ trong công nghệ, chính sách hỗ trợ từ Nhà nước; đặc biệt là cơ hội mở rộng thị trường, ngành sầu riêng Việt Nam vẫn có tiềm năng phát triển nhất định.

Để tận dụng những thuận lợi và khắc phục các khó khăn trên, ngành Nông nghiệp cần đầu tư hơn nữa vào việc cải thiện quản lý, nghiêm túc tập trung kiểm soát chất lượng sản phẩm, xây dựng các liên kết bền vững giữa nông dân, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng. Điều này nhằm xây dựng một chuỗi cung ứng hiệu quả, giúp giá cả hợp lý, cũng như giúp cho sầu riêng Việt Nam có cơ hội phát triển một cách bền vững nhất trong thời gian tới.

Cụ thể, Sở NN-PTNT đã có nhiều văn bản đề nghị địa phương quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, đặc biệt là chỉ chuyển đổi sang trồng cây sầu riêng trong vùng Đề án được phê duyệt và chuyển đổi theo đúng quy hoạch; đồng thời, phối hợp địa phương chỉ đạo quản lý chặt chẽ việc phát triển cây sầu riêng, quản lý sinh vật gây hại đối với vùng trồng, tăng cường kiểm tra, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu.

Để công tác quản lý các vùng sản xuất trồng trọt ngày càng chặt chẽ, Tiền Giang sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động xây dựng vùng trồng, duy trì các điều kiện, yêu cầu đối với vùng trồng, tăng cường giám sát vùng trồng sau thu hoạch; đồng thời, đảm bảo tuân thủ các quy định của nước nhập khẩu, đặc biệt quản lý các đối tượng kiểm dịch thực vật của các nước nhập khẩu.

Ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện công tác kiểm tra liên ngành về sử dụng mã số vùng trồng, tình hình liên kết thu mua, tiêu thụ sầu riêng trên địa bàn; kiên quyết đề nghị tạm dùng mã số các vùng trồng không tuân thủ các yêu cầu, điều kiện về duy trì mã số vùng trồng.

Tiền Giang sẽ xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý vùng trồng sầu riêng để thí điểm tại một số địa phương trồng sầu riêng trọng điểm. Qua đó, thể hiện các thông tin của vùng trồng sầu riêng thành bản đồ làm cơ sở nhân rộng bản đồ hóa toàn bộ vùng trồng sầu riêng của tỉnh.

ĐẨY MẠNH LIÊN KẾT

Trên thực tế, nâng cao chất lượng sản phẩm và thúc đẩy liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm bền chặt đang là vấn đề mấu chốt để cây sầu riêng phát triển bền vững. Do đó, ngành Nông nghiệp Tiền Giang đang tập trung thúc đẩy những nội dung này.

Nâng cao chất lượng trái sầu riêng là hướng đi tất yếu để trái cây đặc sản này phát triển bền vững.

Nâng cao chất lượng trái sầu riêng là hướng đi tất yếu để trái cây đặc sản này phát triển bền vững.

Theo đồng chí Trần Hoàng Nhật Nam, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ vận động nhân dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, phát triển sản xuất an toàn theo hướng GAP, không lạm dụng chất kích thích sinh trưởng trong sản xuất, đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu; đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ cây sầu riêng trước ảnh hưởng bất lợi của biến đổi khí hậu.

Ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục tuyên truyền nhà vườn thu hoạch sầu riêng đúng độ chín, không thu hoạch sầu riêng non; đặc biệt là tăng cường sử dụng phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng, đảm bảo chất lượng nhằm góp phần giữ vững uy tín sản phẩm trái sầu riêng Tiền Giang trên thị trường xuất khẩu.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Sầu riêng Ngũ Hiệp Trần Văn Toàn, để cây sầu riêng phát triển bền vững, các cấp, các ngành cần có cơ chế, chính sách mang tính chủ động, có biện pháp chế tài đủ mạnh đối với những trường vi phạm trong sản xuất, chế biến, xuất khẩu sầu riêng.

Một trong những giải pháp quan trọng là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người sản xuất nhận thấy lợi ích thực sự của mô hình hợp tác xã kiểu mới để tự nguyện tham gia.

Chính quyền cần tổ chức hướng dẫn, tập huấn thêm kiến thức, kỹ thuật chăm sóc sầu riêng cho nông dân; có chính sách phù hợp nhằm ổn định giá cả, chất lượng, giúp doanh nghiệp và nông dân an tâm sản xuất, thu mua. Ngoài thị trường Trung Quốc, cần mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước (như thị trường Ấn Độ).

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, ngành Nông nghiệp cũng đang tập trung hỗ trợ đẩy mạnh liên kết chuỗi trong sản xuất sầu riêng. Theo đồng chí Trần Hoàng Nhật Nam, một trong các giải pháp để giúp tiêu thụ sầu riêng của tỉnh là công tác xây dựng nhãn hiệu. Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm sầu riêng Ngũ Hiệp và nhãn hiệu tập thể sầu riêng Cai Lậy.

Hiện nay, tỉnh Tiền Giang đang tiến hành thực hiện tạo lập, quản lý và khai thác, phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Tiền Giang” dùng cho sản phẩm sầu riêng của tỉnh tại thị trường Việt Nam và Trung Quốc. Tỉnh sẽ thực hiện các hoạt động kết nối cung cầu các mặt hàng nông sản hàng hóa của tỉnh với các kênh phân phối như: Các siêu thị, trung tâm thương mại; các hãng hàng không; các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể; các chợ đầu mối nông sản tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội...

Thông qua các hoạt động kết nối này, nhiều sản phẩm nông sản của Tiền Giang, trong đó có sầu riêng đã có mặt tại hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại và các chợ đầu mối tại các thành phố lớn. Tỉnh sẽ vận động các doanh nghiệp liên kết với nông dân để hình thành chuỗi sản xuất - tiêu thụ khép kín; đồng thời, tiếp tục đầu tư tìm kiếm, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đặc biệt đối với mặt hàng sầu riêng đông lạnh, để tháo gỡ các khó khăn trong tiêu thụ.

Ngoài ra, Tiền Giangsẽ tăng cường kết nối cung cầu qua các sàn giao dịch điện tử; số hóa chuỗi cung ứng tiêu thụ sản phẩm. Ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục triển khai Dự án “Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sầu riêng tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030”; Kế hoạch 167 của UBND tỉnh về thực hiện cấp và quản lý mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2023 - 2025.

ANH PHƯƠNG - ANH THƯ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202410/de-cay-sau-rieng-phat-trien-ben-vung-bai-cuoi-can-tieng-noi-chung-1024079/
Zalo