Bài ca Trường Sa vắt qua hai thế kỷ - Bài 1: Trường Sa hiện đại, thân thương

Tôi được đi thăm huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) lần đầu tiên vào năm 1996 và năm 2024 này, tôi ra Trường Sa lần thứ sáu. Mỗi chuyến đi, tôi đều có nhiều kỷ niệm, như là nốt nhạc tạo thành bài ca Trường Sa vắt dài qua hai thế kỷ...

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đến Trường Sa lần này là sự hiện đại, cuộc sống của quân dân trên đảo có nhiều khởi sắc. Nhưng điều đọng lại mãi trong lòng chính là tình cảm đặc biệt và niềm tin về những con người Trường Sa thân thương, kiên cường giữa trùng khơi...

Niềm vui hiện đại, khang trang

So với những con tàu đưa tôi ra Trường Sa gần 30 năm trước, tàu KN-290 hiện đại hơn rất nhiều. Trên tàu có cả nhà ăn rộng, chỗ tập thể thao, máy giặt, máy sấy... và một số phòng nghỉ không kém gì khách sạn; công tác bảo đảm hậu cần đầy đủ, chu đáo. Đồng chí Đinh Hoàng Giang, Thuyền trưởng tàu KN-290 cho biết: Tàu KN-290 của Cục Kiểm ngư Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) là một trong những con tàu hiện đại của Việt Nam với lượng giãn nước 2.400 tấn, tốc độ tối đa 21 hải lý/giờ, tầm hoạt động 5.000 hải lý. Tàu có hệ thống điều khiển hoàn toàn tự động từ buồng lái, có sân đậu và nhà chứa máy bay trực thăng... Trong điều kiện bão cấp 12, tàu vẫn hoạt động tốt.

 Tàu KN-290 hoạt động ở Trường Sa.

Tàu KN-290 hoạt động ở Trường Sa.

Trường Sa khi tôi ra lần đầu tiên chưa có sóng điện thoại di động, nay thì ở đâu cũng gọi được về đất liền. Đặc biệt, Trường Sa là huyện đầu tiên của Việt Nam sử dụng nguồn năng lượng sạch. Các đảo chìm, đảo nổi đều có hệ thống điện gió, điện mặt trời, bảo đảm cơ bản nhu cầu điện cho quân dân trên đảo, đồng thời hỗ trợ ngư dân đánh bắt hải sản tại ngư trường này.

Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Trường, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng đảo Trường Sa Đông: Ở Trường Sa, gió biển mang theo hơi mặn cùng với nắng gắt khiến các thiết bị nhanh xuống cấp, việc thay thế phụ tùng hỏng rất khó khăn do ở xa đất liền. Vì thế, đơn vị phải thường xuyên kiểm tra, lau chùi, bảo quản hệ thống thiết bị điện...

 Hệ thống điện gió, điện năng lượng mặt trời tại đảo Đá Lát.

Hệ thống điện gió, điện năng lượng mặt trời tại đảo Đá Lát.

Đến đảo Tốc Tan B, người đầu tiên chúng tôi gặp là Trung sĩ Cao Lương Thiện làm nhiệm vụ báo hiệu tàu ra, vào đảo. Quê ở thị xã Sông Cầu (Phú Yên), Thiện tốt nghiệp đại học năm 2022 thì đầu năm 2023 tình nguyện nhập ngũ. Thượng úy Lê Công Quốc, Đảo trưởng đảo Tốc Tan B cho biết: Chủ nhân của Trường Sa hôm nay, đại đa số là những người trẻ, khỏe và trình độ văn hóa cao.

Vào thăm trạm hải đăng trên đảo An Bang, chúng tôi khá bất ngờ khi thấy cả Trạm trưởng Đoàn Hoàng Bách và 3 nhân viên đều có sách tự học tiếng Anh. Trạm trưởng Bách chia sẻ: Hải đăng An Bang nằm gần đường biển quốc tế. Tất cả những thông số của hải đăng đã được đăng ký với Hiệp hội Báo hiệu hàng hải quốc tế để ghi lên hải đồ quốc tế về kinh độ, vĩ độ, đặc điểm báo hiệu hàng hải và quốc gia thiết lập. Đây là những dấu hiệu để người đi biển xác định được vị trí, phương hướng, tốc độ, khoảng cách trước và sau con tàu. Người đi biển chỉ cần căn cứ vào đặc điểm của đèn biển đã được đăng ký và thông báo trên hải đồ quốc tế là biết đó là đèn, vùng biển của quốc gia nào...

“Thủ trưởng-bố”, “thủ trưởng-mẹ”

Đó là cách gọi rất đỗi thân thương của các chiến sĩ trẻ ở Trường Sa dành cho những thành viên trong đoàn công tác chúng tôi.

Trung tướng Lưu Phước Lượng, nguyên Phó tư lệnh về Chính trị Quân khu 9 đã 77 tuổi nhưng rất thích vui đùa, hát cùng các chiến sĩ. “Lão tướng” Lượng được bộ đội trên tàu, trên đảo gọi bằng ông, bằng bác, bằng ba và ông cũng gọi các chiến sĩ bằng con.

 Đoàn công tác và cán bộ, chiến sĩ cùng hát trên đảo Nam Yết.

Đoàn công tác và cán bộ, chiến sĩ cùng hát trên đảo Nam Yết.

Trung tướng Lê Quang Minh, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam là trưởng đoàn công tác, đến đảo nào, ngoài việc kiểm tra cũng dành thời gian giao lưu với cán bộ, chiến sĩ. Các chiến sĩ ban đầu còn e ngại, nhưng sau khi nghe những lời thăm hỏi, động viên thân tình của thủ trưởng liền thay đổi cách xưng hô, gọi thủ trưởng là bố, xưng con. Hỏi chuyện các sĩ quan trẻ về hoàn cảnh gia đình, thấy nhiều người vẫn là “lính phòng không”, Trung tướng Lê Quang Minh liền nhắc: "Các cậu phải mạnh dạn lên, quyết tâm “tấn công” trên “mặt trận” lấy vợ nhé"! Nghe thủ trưởng nói vậy, tất cả đều cười vui vẻ, thân tình.

Đoàn công tác ra Trường Sa lần này có khá nhiều nữ sĩ quan. Ban đầu, nhiều chiến sĩ gọi các chị là “thủ trưởng” vì thấy đều mang quân hàm cấp tá, nhưng khi nghe các chị nói chuyện, một số chiến sĩ thay đổi cách xưng hô, gọi các chị là “mẹ” rất tự nhiên.

Tại đảo Đá Lát, Hạ sĩ Lê Hoàng Anh (quê ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa) hồn nhiên sà vào lòng Thượng tá Cao Thị Ngọc, cán bộ Ban Công đoàn Quốc phòng và nói: “Thủ trưởng ơi, mẹ con nhìn giống thủ trưởng lắm!”. Khi “mẹ Ngọc” hỏi: “Con có người yêu chưa?” thì Lê Hoàng Anh bẽn lẽn trả lời: "Con chưa có ạ". Chị Ngọc nói luôn: "Thế thì làm con rể mẹ" khiến các chiến sĩ cùng reo vui.

Đến đảo Trường Sa Đông, Thượng tá Nguyễn Thúy Cúc, Trưởng phòng Phục vụ bạn đọc, Thư viện Quân đội, trao đổi về cách đọc sách và trò chuyện thân mật cùng các chiến sĩ. Tình cảm ấm áp của chị đã làm cho nhiều chiến sĩ xúc động, xin được chụp ảnh cùng để gửi về gia đình. Khi chia tay, nhận bông hoa được làm từ những con ốc biển của bộ đội đảo xa, đôi mắt chị Cúc rơm rớm lệ.

Đến đảo nào, các “thủ trưởng-mẹ” cũng trao quà của Ban Phụ nữ Quân đội tặng bộ đội, nhân dân. Hội Phụ nữ cơ sở của Chi nhánh Trường Sơn 97 (Binh đoàn 12) còn gửi Thượng tá Phạm Anh Duy, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Chi nhánh mang thư và hạt giống rau đến tặng từng đảo. Trung úy Nguyễn Tiến Dũng, Chính trị viên đảo Tốc Tan B xúc động nói: "Sự có mặt và tình cảm ấm áp của các nữ thủ trưởng như những người chị, người mẹ dành cho bộ đội đảo xa là nguồn cổ vũ, động viên, khích lệ chúng tôi rất lớn”.

Xúc động tình thầy-trò

Tại đảo Tốc Tan B, chúng tôi chứng kiến cuộc gặp gỡ cảm động giữa Đảo trưởng Lê Công Quốc và Đại tá Nguyễn Văn Minh, Phó chủ nhiệm Chính trị Trường Sĩ quan Lục quân 1. Quốc là học viên giỏi, sau khi ra trường năm 2019 thì tình nguyện ra Trường Sa công tác. Qua thầy Nguyễn Văn Minh, Đảo trưởng Lê Công Quốc nhắn nhủ với lớp học viên “đàn em”: “Được ra Trường Sa công tác là niềm vinh dự lớn. Môi trường biển, đảo tiền tiêu sẽ giúp sĩ quan trẻ nhanh trưởng thành”.

Đến đảo Thuyền Chài, Đại tá Nguyễn Văn Minh lại được gặp học trò “cưng”-Đại úy Đào Hữu Long (quê ở Đồng Hới, Quảng Bình). 4 năm công tác ở Trường Sa, nghe thầy Minh hỏi về vợ con, Long bẽn lẽn trả lời: "Em vẫn chưa có người yêu ạ". Đại tá Nguyễn Văn Minh ra lệnh vui: "Tôi yêu cầu đồng chí đợt nghỉ phép năm nay phải có người yêu và năm sau cưới vợ"...

Thiếu tướng, PGS, TS Trần Ngọc Tuấn, Phó giám đốc Học viện Quân y rất xúc động khi nhận được cái ôm thật chặt của Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Giáp Duy Minh, Bệnh xá trưởng Bệnh xá quân dân y đảo Trường Sa Đông. Vị tướng quân y ân cần hỏi thăm tình hình công việc, gia đình và tranh thủ nhắc học trò cũ cách xử lý một số tình huống cấp cứu ngư dân.

Trong hành trình công tác tại Trường Sa, các cán bộ, giảng viên của Học viện Chính trị, Học viện Hậu cần, Trường Sĩ quan Chính trị... đều rất vui khi gặp lại những học trò giờ đã trưởng thành. Rồi đây, tâm sự của những cựu học viên cùng với môi trường công tác ở Trường Sa sẽ được các thầy bổ sung vào bài giảng đầy phong phú, sinh động.

Văn công không biết mệt

Văn công Quân khu 4 tham gia đoàn công tác thăm huyện đảo Trường Sa chỉ có hơn chục người nhưng các anh, chị, em đã hát, múa không biết mệt, cả trên sân khấu và boong tàu, hát cho nhiều người nghe, hát cho một người nghe, hát có nhạc cũng như không có nhạc... Tiếng đàn, tiếng hát hòa cùng gió và sóng biển ầm ào, đến với những con người làm nhiệm vụ giữa biển cả mênh mông, làm cho ai cũng trào dâng niềm tự hào dân tộc cùng tình yêu Tổ quốc. Đến đảo nào, bộ đội, nhân dân cùng các thành viên đoàn công tác cũng đều vui vẻ tham gia giao lưu, say sưa hát. Các ca sĩ hát đến khàn cả giọng, vậy mà vẫn biểu diễn hết mình...

Thiếu tá QNCN Lê Na, Đội trưởng Đội ca của Đoàn Văn công Quân khu 4 tâm sự: “Cả 3 lần ra Trường Sa, tôi đều có cảm xúc đặc biệt trước những tình cảm thân thương của quân dân trên đảo. Chính sự nhiệt tình cổ vũ của người Trường Sa là lửa để các ca sĩ, nghệ sĩ cháy hết mình”.

(còn nữa)

Bài và ảnh: ĐỖ PHÚ THỌ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/bai-ca-truong-sa-vat-qua-hai-the-ky-bai-1-truong-sa-hien-dai-than-thuong-788373
Zalo