Bài 5: Quyết tâm, quyết liệt trong quản lý hoạt động bến bãi tại huyện Nam Sách - Hải Dương

Hiện nay, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hải Dương còn chậm tiến độ theo Nghị quyết số 36 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về quản lý hoạt động bến bãi. Nhưng với sự quyết liệt triển khai, huyện Nam Sách đã đạt được những kết quả cụ thể theo đúng lộ trình.

Lời tòa soạn

Các bến bãi ven sông, ven kênh trục nội đồng giúp thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua hoạt động vận tải hàng hóa, cung ứng nguồn khoáng sản và vật liệu xây dựng phục vụ dự án, công trình, dân sinh. Tuy nhiên, hiện nay tại nhiều địa phương vẫn còn tồn đọng những bất cập về quản lý hoạt động bến bãi như: Không phù hợp quy hoạch, không có giấy phép, thiếu thủ tục pháp lý, để xảy ra vi phạm về đê điều, đất đai, môi trường, đầu tư, giao thông…

Việc xử lý vi phạm, chấm dứt hoạt động và giải tỏa bến bãi cũng gặp khó khăn do các bến bãi đã hình thành từ rất lâu, nhiều chủ bến bãi chây ì không chấp hành quy định, một số chính quyền địa phương còn lơ là và chưa thực hiện đúng theo chỉ đạo. Mặc dù vậy, vẫn có những địa phương nỗ lực và quyết liệt tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý hoạt động bến bãi.

Từ thực trạng kể trên, Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường tiếp tục triển khai chuyên đề"Đánh giá hiện trạng quản lý, khai thác và sử dụng bến bãi ven sông, ven kênh trục nội đồng", qua đó khảo sát và ghi nhận thực tiễn tại địa bàn tỉnh Hải Dương. Cụ thể là thực tiễn tại huyện Nam Sách - địa phương đã đạt nhiều kết quả cụ thể về xử lý vi phạm, dừng hoạt động và giải tỏa bến bãi.

Quyết liệt triển khai Nghị quyết số 36 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy

Ngày 29/12/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương ban hành Nghị quyết số 36 về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý hoạt động bến bãi ven sông, ven kênh trục nội đồng trên địa bàn. Theo chỉ đạo tại Nghị quyết này, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm trong công tác quản lý hoạt động bến bãi tại địa phương mình. Nghị quyết cũng nêu rõ mục tiêu chấm dứt hoạt động và hoàn thành việc giải tỏa các bến bãi không có quy hoạch trên địa bàn tỉnh trước ngày 31/12/2024.

Thực hiện Kế hoạch số 266/KH-UBND được UBND tỉnh ban hành ngày 24/1/2024 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 36, UBND huyện Nam Sách đã chỉ đạo các cơ quan liên quan, các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm. Để cụ thể hóa Kế hoạch số 266/KH-UBND của UBND tỉnh, UBND huyện Nam Sách đã ban hành 19 văn bản chỉ đạo về hoạt động của các bến bãi ven sông, ven kênh trục nội đồng.

Huyện này chủ động và tích cực rà soát hệ thống bến bãi trên địa bàn; quyết liệt trong xử lý các vi phạm còn tồn động, dừng hoạt động đối với các bến bãi chưa đủ thủ tục pháp lý và giải tỏa bến bãi không phù hợp quy hoạch. Theo báo cáo tiến độ triển khai đến ngày 30/8 của UBND huyện, toàn huyện có 27 tổ chức, cá nhân hoạt động bến bãi. Trong đó có 1 bến bãi không phù hợp quy hoạch và 26 bến bãi phù hợp quy hoạch.

Huyện Nam Sách đóng khe phai một số khu vực, không cho phương tiện xe ô tô các loại chạy qua, nhất là các phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng của bến bãi.

Huyện Nam Sách đóng khe phai một số khu vực, không cho phương tiện xe ô tô các loại chạy qua, nhất là các phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng của bến bãi.

Đối với bến bãi không phù hợp quy hoạch của ông Hoàng Văn Đoàn ở xã Nam Tân (tại vị trí K7+980 - K8+050 tuyến đê hữu Kinh Thầy), UBND xã đã thanh lý Hợp đồng giao khoán và quản lý quỹ đất theo quy định của pháp luật; đồng thời ông Đoàn đã thực hiện tháo dỡ công trình xây dựng trên bến bãi.

Trong số 26 bến bãi phù hợp quy hoạch, có 2 bến bãi có thủ tục pháp lý và không có vi phạm về xây dựng công trình, nhà lán; 5 bến bãi có thủ tục pháp lý nhưng tồn tại công trình và nhà lán vi phạm của các tổ chức, cá nhân: Công ty Minh Tuấn (tuyến đê tả Thái Bình thuộc xã Minh Tân), bà Nguyễn Thị Liền, Công ty CP Tùng Lộc, Công ty Hưng Thịnh Phát, Doanh nghiệp tư nhân Thanh Tùng (cùng trên tuyến đê hữu Kinh Thầy thuộc xã Thanh Quang).

Trong số 18 bến bãi phù hợp quy hoạch nhưng chưa đủ thủ tục pháp lý, đến nay huyện đã dừng hoạt động 12/18 bến bãi; hiện chỉ còn 6 bến bãi chưa dừng hoạt động của các tổ chức, cá nhân: Công ty Đặng Long (đê hữu Lai Vu xã Cộng Hòa), các hộ kinh doanh Đoàn Bá Bình, Nguyễn Xuân Mạnh, Nguyễn Văn Hoàn (cùng trên tuyến đê tả Thái Bình thuộc xã Hiệp Cát), ông Đỗ Đình Viêm (đê tả Thái Bình xã An Sơn), ông Phạm Ngọc Luân (đê tả Thái Bình xã Thái Tân).

Cùng với việc dừng hoạt động của các bến bãi chưa đủ thủ tục pháp lý, huyện Nam Sách cũng tập trung hướng dẫn các tổ chức, cá nhân này hoàn thiện thủ tục pháp lý cho hoạt động bến bãi. Đây cũng là một trong những mục tiêu quan trọng theo Nghị quyết số 36/NQ-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương; cụ thể tỉnh này phấn đấu từ năm 2026, 100% bến bãi có hoạt động sản xuất, kinh doanh phải đảm bảo đầy đủ thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật.

Ngày 17/5/2024, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Nam Sách đã xây dựng Kế hoạch số 01/KH-ĐKT để kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động bến bãi ven sông, ven kênh trục nội đồng trên địa bàn. Từ ngày 27/5 đến 31/5, Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra đối với hoạt động bến bãi của 27 tổ chức, cá nhân và hướng dẫn các thủ tục liên quan đến hoạt động bến bãi như: Lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đối với hoạt động liên quan đến đê điều, thủy lợi; hoàn thiện thủ tục pháp lý về đê điều, thủy lợi; các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động cảng, bến thủy nội địa.

Khe phai ở xã Cộng Hòa đã được đóng lại.

Khe phai ở xã Cộng Hòa đã được đóng lại.

Tăng cường xử lý và giải tỏa vi phạm trong hoạt động bến bãi

Nghị quyết số 36/NQ-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương cũng nêu rõ quan điểm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp để đưa các bến, bãi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật; đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, chủ bến, bãi; đối với các trường hợp cố tình vi phạm phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trên tinh thần của Nghị quyết số 36, huyện Nam Sách đã tăng cường kiểm tra, rà soát và xử lý các vi phạm còn tồn đọng về hoạt động bến bãi trên địa bàn. Kết quả rà soát theo báo cáo của UBND huyện, có 1 bến bãi tồn tại vi phạm về đầu tư; 21 bến bãi tồn tại vi phạm về đất đai; 1 bến bãi tồn tại vi phạm về môi trường; 20 bến bãi tồn tại vi phạm về đê điều, thủy lợi; 4 bến bãi vi phạm về giao thông; 1 bến bãi có vi phạm khác.

Theo báo cáo của UBND huyện về tình hình, tiến độ và kết quả thực hiện quản lý hoạt động của các bến bãi trên địa bàn đến ngày 30/8/2024, toàn huyện đã tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm của 14 bến bãi với tổng diện tích hơn 1.525m². Cụ thể: Bến bãi của bà Hoàng Thị Bé (xã Nam Tân) tháo dỡ toàn bộ 89,3m² nhà lán; bến bãi của Công ty An Minh (xã Thanh Quang) đã tháo dỡ hơn 247,6m² nhà lán, còn 36m²; bến bãi không phép của ông Đỗ Đình Viêm (xã An Sơn) tháo dỡ xong toàn bộ 154,9m² nhà lán; bến bãi không phép của ông Phạm Ngọc Luân (xã Thái Tân) tháo dỡ toàn bộ 80,99m² nhà lán…

Nhiều nhà lán tại các bến bãi trên địa bàn huyện Nam Sách đã và đang tiếp tục được tháo dỡ để đảm bảo lộ trình giải tỏa.

Nhiều nhà lán tại các bến bãi trên địa bàn huyện Nam Sách đã và đang tiếp tục được tháo dỡ để đảm bảo lộ trình giải tỏa.

Bên cạnh việc tăng cường quản lý hoạt động bến bãi, huyện Nam Sách cũng nỗ lực xử lý vi phạm công trình thủy lợi. Theo báo cáo kết quả rà soát của UBND huyện, Qua rà soát, toàn huyện có tổng số 193 trường hợp vi phạm công trình thủy lợi trước ngày 1/7/2018. Trong đó, có 59 trường hợp làm nhà kiên cố, 22 trường hợp làm nhà tạm, 23 trường hợp xây tường bao... Đến ngày 30/8/2024, huyện đã tiến hành giải tỏa 6 trường hợp vi phạm; 187 trường hợp còn lại đã được xác định cụ thể và lập biên bản, cho phép tiếp tục sử dụng nhưng không được mở rộng hoặc thay đổi kết cấu (theo quy định của Luật Thủy lợi).

79 trường hợp vi phạm sau ngày 1/7/2018 cũng đã được giải tỏa hết (riêng trong tháng 8 đã giải tỏa 40 trường hợp). Ngoài ra, 1 trường hợp vi phạm phát sinh năm 2024 ở xã Nam Hồng do đổ bê tông làm đường đi qua kênh tưới trạm bơm thôn Đụn đã được UBND huyện chỉ đạo lập biên bản và giải tỏa vào ngày 28/5.

Như vậy, 273 trường hợp vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Nam Sách đã được xử lý trong tháng 8; sớm hơn so với thời hạn 31/12/2024 của tỉnh và kế hoạch xong trong tháng 10 của huyện.

Tước giấy phép hoạt động của 4 tổ chức, cá nhân tập kết vật liệu xây dựng trong mùa mưa lũ

Để đảm bảo an toàn phòng chống thiên tai trong mùa mưa lũ, huyện có văn bản chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các cơ quan liên quan thực hiện đóng khe phai đê La (xã Hiệp Cát) và khe phai Cổ Pháp (xã Cộng Hòa); thiết lập Barie chốt chặn các đầu dốc lên của các bến bãi.

Thiết lập chốt chặn tại các đầu dốc lên của bến bãi.

Thiết lập chốt chặn tại các đầu dốc lên của bến bãi.

UBND huyện cũng ban hành công văn số 692/UBND-NN ngày 14/6/2024 về việc yêu cầu các bến bãi dừng hoạt động từ ngày 15/6/2024 đến 30/10/2024; thực hiện di chuyển toàn bộ máy móc, trang thiết bị, giải tỏa toàn bộ vật liệu, nguyên liệu và các vật khác gây cản lũ trên bãi sông.

Theo đánh giá của UBND huyện, cơ bản các chủ bến bãi trên địa bàn đã chấp ngành nghiêm các quy định tại công văn chỉ đạo kể trên. Tuy nhiên, còn một chủ bến bãi vẫn chưa thực hiện theo quy định. Ngày 19/9, UBND huyện Nam Sách đã ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính và tước giấy phép đối với 4 doanh nghiệp vi phạm quy định liên quan đến đê điều.

Trước đó, vào thời điểm kiểm tra ngày 30/8/2024 tại tuyến đê hữu Kinh Thầy thuộc địa bàn xã Thanh Quang (Nam Sách), cơ quan chức năng phát hiện các vi phạm: Hộ kinh doanh Nguyễn Thị Liền còn để trên bãi sông khoảng 1.875m³ cát đen, 1.540m³ cát vàng, 470m³ đá dăm, 405m³ đá mạt; Công ty Cổ phần Tùng Lộc còn để trên bãi sông khoảng 3.934m³ than; Công ty TNHH than Hưng Thịnh Phát còn khoảng 2.740m³ than trên bãi sông; Doanh nghiệp tư nhân Thanh Tùng còn để trên bãi sông khoảng 857m³ cát đen, 412m³ đá cộn.

Các doanh nghiệp trên không thực hiện di dời vật liệu xây dựng ra khỏi bãi sông trong mùa mưa lũ theo quy định của Giấy phép hoạt động liên quan đến đê điều. Vì vậy, UBND huyện Nam Sách căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 35 Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ngày 6/1/2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai và thủy lợi, đê điều để ra quyết định xử phạt. Cụ thể, hộ kinh doanh Nguyễn Thị Liền bị xử phạt 15 triệu đồng; các doanh nghiệp còn lại cùng bị xử phạt mức 30 triệu đồng. Cả 4 tổ chức, cá nhân vi phạm đều bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành.

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH than Hưng Thịnh Phát có trụ sở tại TP.Chí Linh.

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH than Hưng Thịnh Phát có trụ sở tại TP.Chí Linh.

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Doanh nghiệp tư nhân Thanh Tùng.

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Doanh nghiệp tư nhân Thanh Tùng.

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Tùng Lộc.

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Tùng Lộc.

Quyết tâm hoàn thành xong trước ngày 31/12/2024 theo lộ trình của tỉnh

Bằng sự quyết tâm, quyết liệt tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý hoạt động bến bãi ven sông, ven kênh trục nội đồng trên địa bàn, huyện Nam Sách đã triển khai theo đúng nội dung và lộ trình đề ra tại Nghị quyết số 36 ngày 29/12/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 266 ngày 24/1/2024 của UBND tỉnh. Trong khi đó, nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Hải Dương vẫn còn chậm tiến độ dừng hoạt động, giải tỏa bến bãi ngoài quy hoạch theo lộ trình mà tỉnh đã đưa ra.

Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế môi trường đã có buổi làm việc với ông Mạc Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Sách. Theo chia sẻ của ông Tuấn, sau khi có Nghị quyết số 36 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 266 của UBND tỉnh, huyện giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường phụ trách. Tuy nhiên, do Phòng Tài nguyên và Môi trường nhiều việc nên huyện giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp quản từ tháng 6/2024. Triển khai theo chỉ đạo của huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo, tham mưu thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động bến bãi trên địa bàn.

Ông Mạc Văn Tuấn cho biết: Huyện rất quyết liệt trong việc triển khai theo tinh thần Nghị quyết số 36 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Những bến bãi chưa đủ điều kiện pháp lý mà phù hợp quy hoạch thì địa phương hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ. Những bến bãi chây ì không thực hiện theo quy định, huyện thông báo đến các xã nếu các chủ bến bãi không thực hiện tháo dỡ, không thực hiện yêu cầu xử lý vi phạm thì kể cả làm đơn đề nghị cấp phép cũng sẽ không xét. Đối với những tồn đọng còn lại, huyện quyết tâm phải hoàn thành xong trước ngày 31/12 theo lộ trình chung của tỉnh.

Ảnh chụp khe phai ở xã Hiệp Cát đã được đóng lại, lối đi phục vụ cho hoạt động dân sinh cũng đã được bố trí đảm bảo cho nhân dân.

Ảnh chụp khe phai ở xã Hiệp Cát đã được đóng lại, lối đi phục vụ cho hoạt động dân sinh cũng đã được bố trí đảm bảo cho nhân dân.

Trong việc quản lý hoạt động bến bãi, địa bàn huyện Nam Sách cũng gặp những khó khăn, vướng mắc như: Một số tổ chức, cá nhân kinh doanh bến bãi chưa chủ động, tích cực trong thực hiện các thủ tục về đất đai, đê điều, đầu tư để được cấp phép hoạt động theo quy định của pháp luật. Mặt khác, các thủ tục theo từng lĩnh vực chưa được hướng dẫn cụ thể dẫn đến các tổ chức, cá nhân khó khăn trong hoàn thiện thủ tục pháp lý.

Việc quản lý đất đai đối với các cơ sở bến bãi chưa được cấp phép ở một số xã còn chưa đảm bảo theo quy định; các xã thực hiện khoán thầu đất công điền song không có biện pháp quản lý chặt chẽ, để một số chủ cơ sở bến bãi tập kết vật liệu trên diện tích đất khoán mà không có biện pháp xử lý.

Vì vậy, UBND huyện mong muốn UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan có văn bản thống nhất hướng dẫn thủ tục cấp phép, hồ sơ liên quan để các cơ sở bến bãi hoàn thiện và thực hiện theo quy định của pháp luật.

Còn nữa...

Sông Hồng

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/bai-5-quyet-tam-quyet-liet-trong-quan-ly-hoat-dong-ben-bai-tai-huyen-nam-sach-hai-duong-93661.html
Zalo