Bài 4: Nhân dân là chủ thể và mục tiêu đổi mới
TS. NHỊ LÊ - Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sảnKhởi nguyên từ sự kiên định chủ nghĩa Mác - Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã hoạch định ngày càng rõ ràng đường lối đổi mới đúng đắn, xuất phát từ thực tiễn đất nước, trên cơ sở đó xác lập những nét chủ yếu quan niệm độc lập và sáng tạo về xã hội XHCN và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Bài 1: Kiên định con đường xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Bài 2: Đổi mới tư duy và mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Bài 3: Nắm lấy phương châm ổn định, đổi mới và phát triển nhân văn bền vững
Hợp quy luật và hợp lòng dân
Nói cách khác, nhờ độc lập sáng tạo trong đường lối đổi mới và kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tham khảo một cách chọn lọc kinh nghiệm của các nước, Việt Nam đã tìm thấy hướng vượt qua những thử thách hiểm nghèo, đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, chuyển sang bước phát triển mới.
Xét về mặt phương pháp luận, hệ thống tồn tại và thay đổi dần tới trạng thái cuối cùng của hệ thống cũ là hệ thống mới. Nó biến đổi nhưng không đứt đoạn, rời rạc; biến chất, nhưng là kết quả của một quá trình liên tục. Đó là biện chứng của sự phát triển XHCN ở Việt Nam. Chúng ta “bỏ qua” chế độ tư bản chủ nghĩa chứ không “bò qua”, càng không “bay qua”. Chính vì vậy, các giải pháp đổi mới ở Việt Nam thể hiện rõ nét đặc điểm Việt Nam, mang tính hệ thống khá chặt chẽ, phù hợp và hiệu quả với một trật tự, hình thức, bước đi và biện pháp giải quyết không chủ quan, nóng vội, nhưng cũng không do dự, cầu toàn. Phương thức này là tất yếu cho sự phát triển chủ nghĩa xã hội mà chúng ta đã lựa chọn và đang kiên trì thực thi.
Trước hết, Việt Nam đã tạo dựng được một môi trường ổn định, nhất là về chính trị, xã hội để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trung tâm là xây dựng kinh tế, nắm chắc khâu then chốt là không ngừng chỉnh đốn và đổi mới Đảng nhằm khắc phục tình trạng tụt hậu xa hơn về kinh tế, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền dân tộc. Văn hóa được coi là một mục tiêu, động lực phát triển xã hội, đặt giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, đặng phát triển đất nước,... như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Chủ nghĩa xã hội là phải có biện pháp chứ không chỉ là đường lối, là có mục đích và cách làm.
Và cứ như thế, qua mỗi giai đoạn, ở từng chặng đường, trên mỗi phương diện, Việt Nam đã chủ động, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, học hỏi và tìm tòi sáng tạo, bổ sung, điều chỉnh kịp thời, bảo đảm đất nước phát triển đúng hướng và đạt hiệu quả cao. Càng ở vào những thời điểm khó khăn nhất, càng độc lập, sáng tạo và càng bám sát cuộc sống sinh động, phức tạp của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, càng trân trọng, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của nhân dân, từ cơ sở và lấy đó làm cơ sở cho việc tìm tòi, hoạch định đúng đắn lộ trình, những hình thức, phương pháp, bước đi của công cuộc xây dựng xã hội XHCN, thì càng nhiều cơ hội tìm thấy hướng đi đúng cho những vấn đề phức tạp. Hợp quy luật và hợp lòng dân, đó là phương châm quán xuyến tất cả những quyết sách chính trị và tổ chức thực tiễn đổi mới của Đảng ta.
Theo đó, 10 mối quan hệ lớn được xác định: Quan hệ giữa ổn định, đổi mới và phát triển; Giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; Giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng XHCN; Giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; Giữa nhà nước, thị trường và xã hội; Giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; Giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; Giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; Giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ; Giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Đây là những mối quan hệ lớn, phản ánh các tính quy luật và quy luật mang tính biện chứng, những vấn đề lý luận cốt lõi về đường lối đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam.
Trên thực tế, đổi mới phải trên cơ sở bảo vệ, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, mà rường cột là tinh thần đại đoàn kết toàn dân, trong đó nòng cốt là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân lên sức mạnh nội sinh dân tộc và những thành tựu đạt được. Mặt khác, coi trọng tiếp thu, sử dụng phù hợp những thành tựu và kinh nghiệm của thời đại, thậm chí phải hành động với ý thức rất rõ rằng, học tập và vận dụng các hình thức kinh tế, các phương pháp quản lý nền kinh tế thị trường của các nước tư bản chủ nghĩa là những “bước lùi” tất yếu, để đẩy tới công cuộc đổi mới đất nước. Ở đây, Việt Nam đã nỗ lực phát huy tinh thần độc lập sáng tạo, lường tránh hai khuynh hướng rập khuôn giáo điều và thực dụng trên phương diện này, giữ vững định hướng XHCN trong công cuộc đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Sự nghiệp đổi mới của Việt Nam không chỉ xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, mà còn là sự đáp lại yêu cầu và phù hợp với sự thúc bách của thời đại. Do đó, việc mở rộng không ngừng quan hệ đối ngoại, hội nhập với thế giới vì mục tiêu hòa bình, độc lập và phát triển đi đôi với giữ vững độc lập, tự chủ, giữ vững bản sắc và những truyền thống tốt đẹp của dân tộc trở nên như một tất yếu đẩy tới công cuộc đổi mới.
Chính từ nhận thức rõ và chuẩn bị điều kiện để hành động như vậy, nên nhiều thập niên qua, từ "hội nhập kinh tế quốc tế" tiến tới "hội nhập quốc tế", từ "mong muốn làm bạn" tới "sẵn sàng làm bạn", từ "chủ động" tới "tích cực, chủ động"… chúng ta đã không ngừng mở rộng quan hệ ngoại giao với trên 180 nước trên thế giới trên nhiều mặt chính trị, kinh tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, nghệ thuật, phá bỏ thế bị bao vây, cô lập, cấm vận, cải thiện quan hệ quốc tế, tham gia chủ động và tích cực vào đời sống của cộng đồng nhân loại, nâng cao vị trí của đất nước trên trường thế giới, tạo đà thuận lợi cho công cuộc đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Chính từ đây, Việt Nam nhìn thấy rõ hơn vị thế của đất nước, tiên liệu đúng đắn những bước đi, biện pháp nhằm khắc phục cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, xây dựng xã hội XHCN phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam và xu thế phát triển của thế giới. Và qua đây, đã cho thấy một cách thuyết phục nguyên tắc độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trong xu thế toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng luôn tiềm tàng những thời cơ và những nguy cơ của thế giới hôm nay.
Giữ vững và phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng
Sự kiên định chủ nghĩa Mác - Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh bao hàm việc giữ vững và nâng cao vai trò lãnh đạo đất nước của Đảng ta trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Nói cách khác, giữ vững và nâng cao sự lãnh đạo của Đảng là một biểu hiện cơ bản nhất, nổi bật nhất và tập trung nhất của sự kiên định với các quy luật xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng thời chính là một tất yếu lịch sử, một đòi hỏi cấp bách có ý nghĩa quyết định sự tồn vong của đất nước ta trong thời đại ngày nay.
Nhìn lại sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là quá trình khắc phục cuộc khủng hoảng vừa qua, càng thấy nổi bật lên sự khẳng định đầy thuyết phục: giữ vững, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với đất nước, dân tộc và chế độ - một bảo đảm cơ bản cho mọi thắng lợi. Sở dĩ phải nhấn mạnh và khắc sâu nhiệm vụ đó để thấy rằng, các thế lực thù địch với chủ nghĩa xã hội luôn âm mưu phá hoại nền tảng tư tưởng và tổ chức của Đảng, phá hoại sự đoàn kết thống nhất của Đảng từ bên trong, làm cho Đảng suy yếu, tan rã. Họ luôn đòi Đảng ta thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, mưu toan tước bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng chính là mưu đồ đưa đất nước, dân tộc và chế độ ta vào thảm họa diệt vong bắt đầu từ việc lật đổ Đảng. Bài học xương máu từ sự sụp đổ của các quốc gia XHCN ở Đông Âu và Liên Xô vừa qua đã cho thấy rõ các thủ đoạn “mềm” và “hiểm” đó.
Việc khẳng định vị trí, vai trò và sự lãnh đạo của Đảng không chỉ là vấn đề thuộc về nguyên tắc của lý luận Mác - Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, mà còn là kết luận được rút ra từ yêu cầu bức bách của lịch sử, từ tình cảm và lý trí sáng suốt của nhân dân ta. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở chỗ khẳng định, thừa nhận không thôi thì hoàn toàn chưa đủ. Cho nên, vấn đề giữ vững và phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng, trở thành quy luật, là vấn đề then chốt của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Chính bởi vậy, Đảng ta luôn nỗ lực rèn luyện bản lĩnh chính trị, học tập toàn diện kiến thức, tự phê phán nghiêm khắc những mặt non kém; đồng thời, lường trước, nhận diện và đẩy lùi những nguy cơ làm cho Đảng đánh mất vị trí, vai trò lãnh đạo của mình. Việt Nam sẽ không thể đi tới mục tiêu chủ nghĩa xã hội, trước mắt không thể vượt qua cuộc khủng hoảng mà đất nước đã từng lâm vào, nếu Đảng không tự vươn lên, tự đổi mới và chỉnh đốn mình nhằm ngăn chặn những mầm họa khủng hoảng từ trong Đảng: lợi ích nhóm, dấu hiệu sự phân hóa trong Đảng, nguy cơ xa rời cơ sở chính trị - xã hội, sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên giữ trọng trách... Trên thực tế, quan niệm đó đã biến thành hành động một cách chủ động, thận trọng và hiệu quả trong toàn Đảng. Đảng ta đã và đang tiếp tục tìm tòi những câu trả lời một cách nghiêm túc, đầy trách nhiệm trước lịch sử và trước nhân dân, dẫn dắt đất nước từng bước vượt qua khó khăn, thử thách, tự tin và vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Từ những kiến giải trên đây và từ tất cả những gì đã làm được hoặc chưa làm được trong hơn 77 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, dưới ngọn cờ của Đảng, nhất là hơn 35 năm đổi mới vừa qua, dù còn không ít khó khăn, nan giải, những chệch choạc ở lĩnh vực này hay phương diện khác, những mâu thuẫn to lớn đang đòi hỏi cần phải giải quyết một cách phù hợp và hiệu quả, rõ ràng chúng ta đã tạo được những tiền đề cơ bản và quan trọng về lý luận và thực tiễn để đất nước tiếp tục tiến lên theo định hướng XHCN. 10 năm trước, khi nhìn lại 25 năm công cuộc đổi mới ở Việt Nam, dư luận quốc tế đánh giá: “Chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Việt Nam đã khiến quốc gia này thành nước có sức ảnh hưởng lớn nhất tại bán đảo Đông Dương. Về đối ngoại, gây được tiếng vang với thế giới... Khác với các nước Đông Nam Á khác, bên cạnh những thành tựu kinh tế, Việt Nam vẫn chú trọng tới lĩnh vực xã hội và bảo vệ nhân dân với những chính sách cụ thể. Chính điều này đã giúp cho Hà Nội đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua tốt hơn nhiều so với những “con hổ châu Á” khác”; “Các đồng chí cộng sản Việt Nam kiên định chủ nghĩa Mác - Lenin và chủ trương xây dựng chủ nghĩa xã hội, đã đạt được những thành tích to lớn về mọi mặt”(24).
__________
(24) http://www.tinmoi.vn/Du-luan-quoc-te-dua-dam-tin-ve-Dai-hoi-Dang-Viet-Nam, ngày 13-1-2011