Bài 4: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, học tập suốt đời là con đường duy nhất, hướng đi tất yếu của mọi quốc gia để bảo đảm sự phát triển thịnh vượng, bền vững. Chỉ khi đẩy mạnh thực chất học tập suốt đời, chúng ta mới giàu có những ý tưởng, giải pháp, sáng kiến để giải quyết những đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, những vấn đề mới, chưa có tiền lệ.

Vun đắp văn hóa hiếu học

Nghị quyết số 23-NQ/TU của Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác khuyến học trên địa bàn TP Hà Nội từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh, các cấp, ngành và toàn xã hội đều phải vào cuộc để công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập có kết quả tương xứng với vị trí, vai trò của Thủ đô; tập trung xây dựng xã hội học tập gắn với xây dựng văn hóa, xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh mà Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị đã đề ra.

Trong đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu đối với công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Phấn đấu mỗi tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, gia đình cán bộ, đảng viên trở thành “Đơn vị học tập”, “Công dân học tập”, “Gia đình học tập” để làm nòng cốt trong việc xây dựng các mô hình học tập trong Nhân dân. Phấn đấu mỗi DN là hạt nhân quan trọng trong việc đào tạo, đào tạo lại người lao động; mỗi người dân có ý thức tự học để nâng cao trình độ bản thân, nhất là năng lực tự học trong kỷ nguyên số để góp phần triển khai thành công phong trào thi đua “Cả nước xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030” mà Thủ tướng Chính phủ đã phát động.

Thấm nhuần quan điểm này, Chủ tịch Hội Khuyến học Cầu Giấy Nguyễn Văn Hách cho biết, thời gian qua, Hội Khuyến học quận đã tham mưu để các cấp ủy Đảng có Nghị quyết lãnh đạo, chính quyền có kế hoạch lãnh đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của công tác khuyến học; có đầu tư kinh phí, hỗ trợ hoạt động. Cùng với đó, Hội Khuyến học Cầu Giấy thực hiện phối kết hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể trong hoạt động khuyến học; phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ và hội viên khuyến học. Đồng thời, hội đã quán triệt và hướng dẫn kịp thời các văn bản của cấp trên, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể của cấp mình về công tác khuyến học để tổ chức thực hiện; đẩy mạnh công tác dân vận khéo và công tác thi đua khen thưởng trong công tác khuyến học...

Lãnh đạo Liên đoàn Lao động TP Hà Nội và quận Đống Đa bấm nút phát động Phong trào ''Quận Đống Đa với Bình dân học vụ số''. Ảnh: Trần Long

Lãnh đạo Liên đoàn Lao động TP Hà Nội và quận Đống Đa bấm nút phát động Phong trào ''Quận Đống Đa với Bình dân học vụ số''. Ảnh: Trần Long

Theo PGS.TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội, chất lượng giáo dục ở Hà Nội đứng tốp đầu trong cả nước. Các em học sinh tham gia những cuộc thi đạt giải rất cao. Sự ham học của người dân ở Hà Nội thể hiện ở khắp nơi, từ nội thành đến ngoại thành; diễn ra ở nhiều thế hệ. Phong trào học tập của Hà Nội vừa rộng, vừa sâu và có ở tất cả các nơi.

“Khi mọi người càng học thì càng thấy mình cần có kiến thức, càng học thì thấy kiến thức mình đang có là chưa đủ. Cho nên, mọi người cần học ở tất cả mọi nơi, dưới nhiều hình thức, qua máy tính, điện thoại thông minh. Bây giờ ở nông thôn, người nông dân cũng cần phải học để hiểu biết thế nào là nông nghiệp hữu cơ. Người dân cũng phải học chuyển khoản để đi chợ không dùng tiền mặt. Nói tóm lại, do nhu cầu của cuộc sống, sự phát triển của xã hội thì mọi người làm việc ở ngành nào, lĩnh vực nào cũng cần phải học, nếu không sẽ bị tụt hậu và đào thải” - PGS.TS Bùi Thị An chia sẻ.

Chúng ta đang sống trong thời đại mà mà tri thức, kiến thức, hiểu biết sẽ giúp con người phát huy cao độ tiềm năng để tận dụng tốt các cơ hội, ứng phó hiệu quả với những thách thức để phát triển bền vững; cũng là thời đại mà khối lượng kiến thức của nhân loại tăng lên hằng ngày theo cấp số nhân. Chỉ khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nhà nhà, người người thực hiện hiệu quả học tập suốt đời, xây dựng được đội ngũ cán bộ dám làm, dám nói, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh, chúng ta mới vững vàng tiến vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trích bài viết “Học tập suốt đời” của Tổng Bí thư Tô Lâm

Để vun đắp văn hóa hiếu học, đòi hỏi sự tham gia chung tay của gia đình, nhà trường và toàn xã hội, đồng thời cần ý thức tự giác của bản thân mỗi người, mỗi học sinh. Như Tổng Bí thư Tô Lâm nói xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời chỉ thành công khi mỗi công dân ý thức được trách nhiệm của bản thân mình đối với việc tự học tập suốt đời; mỗi cán bộ, đảng viên luôn ý thức rõ học tập suốt đời là nhiệm vụ cách mạng với thái độ nghiêm túc và ý thức tự giác cao.

Đẩy mạnh phong trào "Bình dân học tập số"

Trong bài viết “Học tập suốt đời” của Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, cách mạng 4.0 đang diễn ra với quy mô và tốc độ chưa từng có, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tri thức, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số khiến một phần nội dung giảng dạy tại nhà trường hôm nay có thể thành lạc hậu, lỗi thời sau vài năm. Hơn thế, những điều phổ biến hiện nay thì 10 năm trước còn chưa xuất hiện và có 65% những công việc hiện nay sẽ bị thay thế bởi công nghệ trong những năm tới. Với thế giới phức tạp, không ổn định và biến đổi khôn lường, tri thức phải không ngừng được bổ sung, tuổi thọ con người dài hơn, thời gian về hưu đủ dài, buộc người cao tuổi phải học và hoạt động để không bị lạc hậu với xã hội hiện đại.

Chính vì vậy, để cùng đất nước vững vàng tiến vào Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong bối cảnh hiện nay, cần đẩy mạnh phong trào "học tập số", phổ cập, nâng cao kiến thức khoa học công nghệ, kiến thức số, thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng phát động phong trào và ra mắt nền tảng "Bình dân học vụ số". Theo Thủ tướng, phong trào "Bình dân học vụ số" có ý nghĩa quan trọng, nhân văn sâu sắc đối với sự phát triển đất nước, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công cuộc phát triển quốc gia số, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.

Triển khai phong trào này, thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội, các quận, huyện, thị xã đã đẩy mạnh học tập, ứng dụng AI vào giải quyết công việc cũng như dạy và học. Theo đó, tại huyện Đan Phượng, từ giữa tháng 3/2025, UBND huyện tổ chức lễ phát động đợt thi đua cao điểm phát triển công dân số “Cuộc đua luyện AI” trên địa bàn huyện năm 2025.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng cho biết, huyện tổ chức “Cuộc đua luyện AI” thể hiện quyết tâm của đội ngũ cán bộ, giáo viên và lao động địa phương luôn chủ động học tập trong kỷ nguyên số. Chương trình sẽ giúp trang bị cho người tham gia kiến thức và tư duy AI First (ưu tiên sử dụng AI) để áp dụng ngay vào thực tiễn, qua đó nâng cao hiệu quả công việc cũng như chất lượng dịch vụ công. “Với quyết tâm và tầm nhìn, huyện mong muốn có thể tiên phong viết tiếp câu chuyện về một phong trào “Bình dân học AI” kiểu mới, góp phần nâng cao dân trí và tạo bệ phóng cho phát triển bền vững trong kỷ nguyên số” - bà Đào Thị Hồng chia sẻ.

Ở cấp cơ sở, Chủ tịch Hội Khuyến học phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Nguyễn Thị Tạo cho biết, thực hiện tốt “Bình dân học vụ số” giúp mỗi người có thể nắm bắt, làm chủ công nghệ số, từ đó tham gia vào mọi hoạt động kinh tế số, xã hội số... “Nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng đó, Hội Khuyến học phường Yên Hòa đã có nhiều giải pháp giúp Nhân dân, đặc biệt những người làm công tác khuyến học tiếp cận công nghệ. Đồng thời tuyên truyền, vận động hội viên tích cực nghiên cứu, học tập qua các trang thông tin điện tử, mạng internet, thực hành, học hỏi từ đồng nghiệp, con cháu; khích lệ ý thức học tập suốt đời…” - bà Nguyễn Thị Tạo nói.

Chuyển đổi số chính là chìa khóa để mở ra cánh cửa tương lai. Để “Bình dân học vụ số” trở thành phong trào toàn dân, toàn diện, đồng bộ, rộng khắp và đạt được mục tiêu đặt ra, các cấp ủy, chính quyền từ TP tới cơ sở đặc biệt là thế hệ trẻ cần nhất quán quan điểm coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nói đến phong trào “Bình dân học vụ số” là phải đi từng ngõ, đến từng nhà, hướng dẫn từng người. Hà Nội cũng phải đi đầu trong lĩnh vực này để đạt được mục tiêu đề ra; việc học có hiệu quả thì phải rất cụ thể, rất chi tiết. Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại thì dứt khoát phải đi đầu trong phong trào “Bình dân học vụ số”.

PGS.TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội.

TS Lê Doãn Hợp - nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT, nguyên Viện trưởng Viện ứng dụng công nghệ và Chuyển đổi số Việt Nam cho rằng, để theo kịp tiến bộ khoa học công nghệ, thông tin thì mỗi người phải tự nâng cao sự tự giác học tập, tìm tòi. Đặc biệt với thế hệ trẻ có nhiều lợi thế về nhận thức, cơ hội tiếp cận thông tin phải là những người đi đầu trong tiếp cận thành tựu khoa học công nghệ của thế giới. “Cần đào tạo thực chất, giúp người dân biết cách sử dụng công nghệ số trong đời sống và công việc hằng ngày chứ không chỉ dừng lại ở việc nghe lý thuyết. Học và ứng dụng ngay trong thực tế, mang lại lợi ích thiết thực, áp dụng vào công việc và đời sống. Đồng thời, phải giữ vững được văn hóa truyền thống, tiếp thu văn minh và ứng xử trong đời sống” - TS Lê Doãn Hợp nhấn mạnh.

(Còn nữa)

Trần Oanh - Thiện Quang

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bai-4-khoi-day-khat-vong-phat-trien-dat-nuoc-phon-vinh-hanh-phuc.684682.html
Zalo