Bài 4: Dùng 'biện pháp mạnh' chống tảo hôn

Để ngăn chặn tình trạng tảo hôn, năm 2023 UBND huyện Kỳ Sơn đã ban hành công văn về việc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn và yêu cầu các xã thực hiện nghiêm. Tính đến 31/12/2023, toàn huyện đã xử phạt 245 trường hợp vi phạm hành vi tổ chức tảo hôn, với số tiền lên đến 455 triệu đồng.

 Ở xã Nậm Càn (Kỳ Sơn, Nghệ An), nhiều đứa trẻ lớn phải chăm sóc em nhỏ vì bố mẹ đi làm ăn xa.

Ở xã Nậm Càn (Kỳ Sơn, Nghệ An), nhiều đứa trẻ lớn phải chăm sóc em nhỏ vì bố mẹ đi làm ăn xa.

Buồn lắm khi ký quyết định xử phạt

Là xã vùng biên, nơi chỉ có hơn 400 hộ đồng bào người Mông sinh sống nhưng xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn luôn là điểm nóng về tảo hôn. Ông Xồng Bá Lầu – Chủ tịch UBND xã Nậm Càn - cho biết: Từ đầu năm 2024 đến nay, ông đã phải ký biên bản xử phạt đến 19 trường hợp vi phạm về tảo hôn và tổ chức tảo hôn.

"Chính quyền xã đã vào cuộc rất quyết liệt nhưng tình trạng tảo hôn vẫn rất nhiều. Phải ký quyết định xử phạt tôi cũng rất buồn nhưng đây là biện pháp hành chính cần thiết và hy vọng sẽ phần nào ngăn chặn được tình trạng tảo hôn", ông Lầu chia sẻ.

Cũng theo ông Lầu, ngăn chặn tảo hôn quyết liệt nhưng vẫn phải mềm mỏng, khéo léo. Cách đây 3 năm, một nữ sinh đang học lớp 8 bị gia đình phải đối kết hôn. Cô bé và người yêu đã "phản ứng" bằng cách lên núi ăn lá ngón. Chỉ đến khi lá độc ngấm vào cơ thể, họ mới báo cho người nhà. Phát hiện sự việc thì đã quá muộn, cả 2 người đều tử vong thương tâm.

Bố mẹ đi làm ăn xa, bé trai người Mông này ở xã Nậm Càn đã 6 tuổi nhưng chưa biết nói đang được bà nuôi dưỡng. Cháu cũng chưa được đi khám để xem nguyên nhân vì sao cháu lại chậm nói.

Bố mẹ đi làm ăn xa, bé trai người Mông này ở xã Nậm Càn đã 6 tuổi nhưng chưa biết nói đang được bà nuôi dưỡng. Cháu cũng chưa được đi khám để xem nguyên nhân vì sao cháu lại chậm nói.

Không chỉ Nậm Càn, thời gian vừa qua xã Mường Lống, Nậm Cắn… cũng đã xử phạt rất nhiều trường hợp tảo hôn và tổ chức tảo hôn. Đây được xem là "biện pháp mạnh" được UBND huyện Kỳ Sơn chỉ đạo thực hiện trong Công văn số 445, ngày 24/3/2023 về việc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn.

UBND huyện Kỳ Sơn xác định, tảo hôn là một tập tục lạc hậu tồn tại đã lâu, gây ra nhiêu hậu quả nghiêm trọng cho chính người vi phạm, cho gia đình và toàn xã hội. Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, Chính quyền từ cấp huyện đến xã đã có nhiều biện pháp, cách cách làm và chỉ đạo nhằm làm giảm tình trạng này. Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn trong những năm gần đây vẫn chưa có chiêu hướng giảm.

Để góp phần làm giảm tình trạng vi phạm pháp luật về tảo hôn trên địa bàn huyện Kỳ Sơn trong thời gian tới, UBND huyện yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn kiểm tra, rà soát các trường hợp vi phạm về tảo hôn, tổ chức tảo hôn từ 01/01/2023 đến nay, gửi công văn thông báo rộng rãi cho Ban quản lý các bản và Nhân dân trên địa bàn, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 1, Điều 58 Nghị định 82/2020/NĐ-CP…

Thực hiện tổng thể các giải pháp

Để đẩy tùi tình trạng tạo hôn, huyện Kỳ Sơn xác định phải có sự vào cuộc của tất cả các cơ quan khác trong hệ thống chính trị. Vì vậy, cần nâng cao năng lực lãnh đạo, đề cao trách nhiệm chính trị, thực sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến xã và tận chi bộ trong thực hiện tổng thể các giải pháp phòng chống, tiến tới xóa nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn.

Huyện Kỳ Sơn tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Kỳ Sơn

Huyện Kỳ Sơn tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Kỳ Sơn

Trên cơ sở mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể của Nghị quyết, Bí thư Đảng ủy, Thường trực, Ban Thường vụ Đảng ủy các xã, thị trấn nắm chắc tình hình ở địa phương, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo để đạt mục tiêu được giao trong Nghị quyết. Lấy kết quả thực hiện mục tiêu làm cơ sở cho công tác đánh giá, xếp loại các tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên trong năm.

Tiếp tục tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho toàn thể Nhân dân, nhất là các em học sinh, thiếu niên chưa đủ tuổi kết hôn, người dân, cán bộ, công chức, viên chức với hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng, đa dạng, phong phú về hình thức, sâu sắc về nội dung:

Các chi bộ, ban quản lý bản xây dựng nghị quyết của chi bộ, nghị quyết của ban quản lý bản về thực hiện các giải pháp tổng thể các biện pháp, cách làm xóa nạn tảo hôn trên địa bàn; bổ sung vào quy ước, hương ước bản các biện pháp xử lý các trường hợp vi phạm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Một tiết mục của các em học sinh tại tìm hiểu pháp luật về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện Kỳ Sơn

Một tiết mục của các em học sinh tại tìm hiểu pháp luật về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện Kỳ Sơn

Thống nhất thực hiện các nội quy không dự đám cưới, đám hỏi, làm vía, liên hoan, ăn uống, làm phong tục và các hình thức tổ chức cưới khác đối với các trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, phê bình nghiêm túc các bố, mẹ có con, cháu vi phạm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; những người đứng ra tổ chức, tham gia tổ chức tảo hôn trước cộng đồng dân cư bằng hình thức thông báo trên loa phát thanh của bản, trong các cuộc họp dân, sinh hoạt chi bộ, đoàn thể. Thông báo kịp thời cho chính quyền, Công an xã để xử lý theo quy định của pháp luật.

Vận động và thực hiện phong trào thi đua các bản đồng bào dân tộc Mông 2 năm liên tiếp không có tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; các bản đồng bào dân tộc Thái, dân tộc Khơ Mú 3 năm liên tục không có tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… Những bản có nhiều đóng góp và thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết được biểu dương và xem xét đề nghị các cấp khen thưởng kịp thời. Bên cạnh đó, nghị quyết cũng chủ trương không xem xét công nhận "bản văn hóa" đối với các bản xảy ra tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong năm đề nghị xét tặng…

Nghị quyết cũng đề cao và phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, người đầu dòng họ trong giáo dục con cháu không vi phạm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Động viên, khuyến khích các dòng họ cam kết "dòng họ không tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống". Xem xét khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng các dòng họ 2 năm liên tiếp không có con cháu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Tuyên truyền phổ biến pháp luật, giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống luôn được huyện Kỳ Sơn chú trọng

Tuyên truyền phổ biến pháp luật, giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống luôn được huyện Kỳ Sơn chú trọng

Bên cạnh đó, chính quyền sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Giao các phòng, ban như Phòng Giáo dục – Đào tạo, Phòng Văn hóa – Thông tin, Phòng tư pháp, Phòng Dân tộc… thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quản lý.

Tập trung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc Kỳ Sơn góp phần quyết định ngăn chặn, đẩy lùi và xóa tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Thực hiện có hiệu quả, có trọng tâm trọng điểm các chương trình mục tiêu quốc gia; ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (đường giao thông, điện lưới quốc gia) vào các xã, bản vùng sâu vùng xa để hiện đại hóa nông thôn, tạo thuận tiện cho Nhân dân giao lưu văn hóa, phát triên kinh tế tại địa phương.

Ông Vi Mỹ Sơn, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An: "Phải kiên trì tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho người dân biết được hệ lụy của tảo hôn. Tảo hôn là vi phạm pháp luật, thậm chí là cần đưa ra xét xử công khai một vài trường hợp để răn đe cho các trường hợp khác.

Rõ ràng, có nơi, có lúc, những quy định pháp luật về tảo hôn chưa được thực thi một cách nghiêm minh, những người làm cha/mẹ phó mặc số phận con cái; nhà trường, xã hội chưa thực sự quyết liệt với nạn tảo hôn. Để ngăn chặn tình trạng này, bên cạnh biện pháp tuyên truyền thì luật pháp phải được xem như công cụ để răn đe, điều chỉnh hành vi.

(Còn nữa)

Minh Châu

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/bai-4-dung-bien-phap-manh-chong-tao-hon-20240620124232961.htm
Zalo