Bài 4: Bình yên trở lại bản làng
Thành trì vững chắc nhất để phòng, chống tà đạo, đạo lạ xâm nhập vào đời sống của người dân, nhất là đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa chính là niềm tin của mỗi người dân đối với Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương. (Tiếp theo và hết)
Do vậy, cần tiếp tục phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần phong phú, lành mạnh cho mọi người dân nhằm tạo “sức đề kháng”, “miễn dịch” mạnh mẽ trước hoạt động của các tà đạo, đạo lạ.
Quay đầu là bờ
Anh Vàng A Sình, dân tộc H’Mông ở bản Huổi Khon 2, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên), là một trong số hàng trăm người đã từng bỏ đạo Tin lành để theo tà đạo “Bà cô Dợ” vì tin lời ngon ngọt của các đối tượng lừa phỉnh “theo Bà cô Dợ không làm cũng có ăn; ốm đau không cần thuốc cũng khỏi bệnh”!. Suốt gần ba năm theo “Bà cô Dợ”, gia đình anh Sình ngày càng nghèo khó hơn.
Khi được lực lượng công an, bộ đội biên phòng giải thích bản chất của tà đạo, anh Vàng A Sình đã tự nguyện bỏ tà đạo trở về sinh hoạt với đạo chính thống, yên tâm sản xuất phát triển kinh tế. Anh Vàng A Sình cho biết: Trong đợt dịch Covid-19, gia đình tôi được các anh công an xã, cán bộ xã, huyện hướng dẫn cách phòng bệnh; các tổ chức đoàn thể, cán bộ y tế trao thuốc, tiêm vắc-xin phòng bệnh cho nên mọi người trong nhà, trong bản đều khỏe mạnh.
Sau việc đó, tôi thấy tà đạo là xuyên tạc, không đúng cho nên tôi không tin, không theo. Còn anh Vàng A Khá ở bản Đoàn kết, xã Mường Toong, năm 2016 từng tin theo tà đạo Giê Sùa đã bỏ tà đạo, trở về cuộc sống đời thường, hiện được tín nhiệm giữ chức Bí thư Chi bộ bản Đoàn kết, hiện là hạt nhân tiêu biểu trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa phương.
Trung tá Vũ Duy Hưng, Trưởng Công an huyện Mường Nhé, cho biết: Theo đúng tinh thần chỉ đạo từ Bộ Công an về việc hỗ trợ xây dựng nhà cho người nghèo, khó khăn về nhà ở, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, Công an huyện cử cán bộ, chiến sĩ tham gia làm nhà cho gần 1.150 gia đình trên địa bàn. Trong số đó, có 13 gia đình với tổng số 73 nhân khẩu theo từng tà đạo “Bà cô Dợ” và “Giê Sùa”. Tại huyện Nậm Pồ, một gia đình ở xã Na Cô Sa từng theo tà đạo cũng được hỗ trợ làm nhà.
Còn chị Y Tor, thôn Kon Gu 1, xã Ngọc Wang (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) nhắc tới những ngày tháng cũ vẫn không giấu khỏi ánh mắt đượm buồn khi mẹ mình lạc lối đi theo kẻ xấu. Để giúp mẹ thoát khỏi tà đạo “Hà Mòn”, chị Y Tor kiên trì thuyết phục, vận động mẹ hằng ngày. Từ thành công với người trong gia đình, bằng sự kiên trì, nhiệt huyết, chị Y Tor đã vận động người dân trong buôn từ bỏ tà đạo, quay trở về sinh hoạt tại nhà thờ.
Y Tor nói: Giờ nhiều người kinh tế khá giả, có người xây được nhà ở khang trang, con cái được đi học đàng hoàng, cho nên mình rất vui. Có được niềm vui đó là nhờ chính quyền địa phương luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, tin tưởng vào sự đổi thay của những người trót lầm lỡ.
Từng bị lôi kéo, trở thành thành phần cốt cán của tà đạo “Hà Mòn” tại thôn Kon Gu 1, anh A Kai cho biết đó là khoảng thời gian đen tối của cuộc đời mình. Sau khi được tuyên truyền, nhận ra cái sai của mình, anh A Kai đã từ bỏ tà đạo, cùng cán bộ, chiến sĩ công an đi thuyết phục các đối tượng khác quay trở về sinh hoạt tôn giáo thuần túy. Anh A Kai cùng hai hộ gia đình A Giáo, A Chaoh nhận sự hỗ trợ của Nhà nước xây dựng nhà Đại đoàn kết.
Riêng anh A Kai được tạo điều kiện đi làm công nhân nông trường cao-su, được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc hơn 300 gốc cà-phê, gia đình canh tác hơn 1,5 sào lúa. Ngoài ra, anh A Kai còn nhận thầu xây dựng các công trình dân dụng cho nên đời sống kinh tế được cải thiện, gia đình vươn lên thành hộ khá giả trong thôn.
Tại xã Tả Ngảo, điểm sáng chuyển hóa địa bàn huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu). Bí thư Đảng ủy xã Tả Ngảo Trần Thế Tuấn cho biết: Đến năm 2023, cơ bản không còn đạo lạ trên địa bàn, tuy nhiên, không vì thế mà huyện chủ quan, lơ là. Hiện, chính quyền địa phương cùng các lực lượng chức năng thường xuyên bám nắm địa bàn, tuyên truyền người dân không nghe người xấu, theo những tôn giáo không được Nhà nước công nhận. Bên cạnh đó, tích cực giúp đồng bào tìm cách phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; hỗ trợ hiện vật, con giống, dựng nhà cho các gia đình khó khăn, giúp họ vươn lên trong cuộc sống.
Còn nhiều việc cần làm
Điểm yếu nhất để đối tượng xấu dễ dàng lợi dụng xúi giục, lôi kéo người dân theo tà giáo chính là hiểu biết hạn chế và cuộc sống nghèo khó. Chính vì vậy, vấn đề gốc rễ, bài học kinh nghiệm từ những “điểm sáng” xóa bỏ tà đạo, đạo lạ là không ngừng đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí cho nhân dân.
Về nguyên nhân chủ quan, Thiếu tướng Sùng A Hồng, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên thẳng thắn chỉ ra: để xảy ra tà đạo, đạo lạ có phần do chính quyền, các cơ quan chức năng thiếu sự sâu sát, bao quát không toàn diện, nắm bắt tình hình không đầy đủ từ cơ sở; tổ chức bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở một số địa phương thiếu ổn định, có nhiều biến động, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, dễ dàng tạo “kẽ hở” để kẻ xấu lợi dụng…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Điện Biên Mùa A Sơn nhận định: Vấn đề mấu chốt nhất là phải chú trọng, thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số để người dân hiểu, không theo đối tượng xấu. Làm được như vậy, kẻ xấu không có cơ hội tiếp cận, hoặc, nếu có tiếp cận được thì người dân cũng không nghe, không tin.
Từ nhận thức này, tỉnh Điện Biên tiếp tục quan tâm, làm tốt hơn nữa công tác cán bộ, đào tạo cán bộ tại chỗ là người dân tộc thiểu số, am hiểu phong tục tập quán, tín ngưỡng của người dân bản địa. Thực tiễn vận động quần chúng cho thấy rất cần có đội ngũ cán bộ hiểu cơ sở, miệng nói, tay làm, làm để cho dân thấy, dân tin, khi ấy nói dân sẽ nghe. Từ việc làm tốt công tác đấu tranh chống tà đạo sẽ kéo theo các mặt công tác khác sẽ đạt kết quả ngày càng tốt hơn.
Có thể thấy, việc ổn định tình hình tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của công cuộc đổi mới đất nước, phát triển kinh tế-xã hội, đoàn kết dân tộc và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Theo đó, công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và công tác bảo đảm an ninh trên lĩnh vực tôn giáo là những nhiệm vụ quan trọng, vừa bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nâng cao đời sống tinh thần của người dân, vừa hạn chế sự chống phá của các thế lực thù địch, góp phần tạo sự ổn định và phát triển bền vững đất nước.
Việc chủ động triển khai nắm tình hình, dự báo kịp thời mọi âm mưu, hoạt động lôi kéo, thu hút người tham gia các hội nhóm tà đạo mới, triển khai biện pháp phòng ngừa, đấu tranh là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm số đối tượng theo tà đạo ngoan cố, có những hoạt động chống phá chính quyền.
Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Hoài Bắc nhận định: Các quốc gia trên thế giới tiếp tục mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác trên nhiều lĩnh vực kinh tế văn hóa xã hội; các luồng di cư ngày càng nhiều, chủ yếu từ các quốc gia chậm phát triển đến các nước phát triển, tạo ra sự đan xen và hội nhập văn hóa giữa các quốc gia dân tộc; thực tế đó khiến các tôn giáo có cơ hội thâm nhập và lan tỏa. Chính vì vậy, trong xu thế xã hội mở sẽ khó có thể cưỡng lại hiện tượng cải đạo, bỏ đạo, bỏ tôn giáo này theo tôn giáo khác của các tín đồ. Do đó, trên bình diện quốc tế, vấn đề tôn giáo, dân tộc tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng trong thời gian tới, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ cho rằng cần tiếp tục phát huy vai trò tham mưu với Đảng, Nhà nước trong công tác xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; tiếp tục nghiên cứu, tham mưu Chính phủ ban hành nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
Trong thực tiễn quản lý, đấu tranh và ngăn chặn các loại hình tà đạo đã nảy sinh những khó khăn, bất cập do việc bổ sung, hoàn thiện pháp luật chưa theo kịp thực tiễn để làm căn cứ đấu tranh xử lý, nhất là về tiêu chí để phân biệt cũng như quy định về biện pháp, chế tài xử lý đối với các hoạt động vi phạm này... Những hạn chế đó dẫn đến tình trạng nhiều đối tượng tiếp tục tái phạm, thậm chí có tư tưởng coi thường pháp luật, không hợp tác khi cơ quan chức năng mời làm việc, không khai báo hoặc khai báo quanh co... gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các tà đạo, đạo lạ, tổ chức tôn giáo trái pháp luật.
Việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, công chức, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo và người dân trong giai đoạn mới cũng rất quan trọng.
Bên cạnh đó, cần đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; tăng cường công tác đối ngoại tôn giáo, thúc đẩy hoạt động hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới về vấn đề tôn giáo; đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với tình hình tôn giáo và công tác tôn giáo của Nhà nước Việt Nam.
Mặt khác, cần tiếp tục tăng cường phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị, giữa các cơ quan đảng với chính quyền các cấp, bảo đảm việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo được kịp thời và hiệu quả; kịp thời giải quyết những nhu cầu chính đáng của các cơ sở tín ngưỡng, của các tôn giáo bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật; chủ động cung cấp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan để thống nhất tổ chức triển khai thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác tôn giáo.