Bài 3: Không để rủi ro diễn tiến thành khủng hoảng

Việc áp dụng các biện pháp cụ thể là yếu tố then chốt để đối phó với những thách thức an ninh phi truyền thống đang ngày càng phức tạp.

Đối phó với những thách thức từ an ninh phi truyền thống hiện nay vừa là yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp an ninh quốc gia, bảo vệ Tổ quốc

Đối phó với những thách thức từ an ninh phi truyền thống hiện nay vừa là yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp an ninh quốc gia, bảo vệ Tổ quốc

An ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống (ANPTT), tuy là hai lĩnh vực khác nhau, nhưng thực chất là một thể thống nhất. Cả hai cùng hướng đến mục tiêu chung là đảm bảo an ninh quốc gia và thúc đẩy sự phát triển bền vững.

ANPTT khác với an ninh truyền thống ở trọng tâm là nhận diện và quản trị các rủi ro không chỉ ở cấp độ cá nhân, gia đình, mà còn mở rộng đến cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương và quốc gia. Đây là một thách thức toàn diện, đòi hỏi sự phối hợp đa chiều để đưa ra các giải pháp phòng ngừa và ứng phó hiệu quả.

Thực hiện tốt phương châm quản trị ‘4 tại chỗ’

PGS.TS. Đỗ Cảnh Thìn, Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng những vấn đề ANPTT nếu như không được ngăn chặn, xử lý, giải quyết kịp thời và đúng đắn thì sẽ tích tụ và đến lúc bùng phát mạnh, dẫn đến hậu quả rất lớn về trật tự xã hội, an ninh, đến sự phát triển của quốc gia. "Nếu chúng ta chủ quan, không quan tâm đến vấn đề ANPTT, những thách thức của ANPTT thì tất yếu chúng chuyển hóa dần từng bước, đến lúc nào đó trở thành thách thức trực tiếp đến vấn đề quốc phòng, an ninh, sức mạnh của quốc gia. Đấy là điều mà chúng ta phải quan tâm", PGS.TS. Đỗ Cảnh Thìn bày tỏ quan điểm.

Nêu vấn đề an ninh mạng, Phó Tổng Giám đốc VNPT Vinaphone Nguyễn Trọng Nghĩa cho hay, môi trường mạng đi nhanh hơn môi trường thực. Trong môi trường thực, nếu chúng ta bước nhầm thì có thể bước vào vũng nước, nhưng trong môi trường mạng nếu lướt nhầm ngón tay, chúng ta đã có rủi ro lớn. Đã có nhiều báo cáo đánh giá năng lực mạng lưới, năng lực hạ tầng thông tin của Việt Nam sẽ sánh ngang với các nước phát triển nhưng ở phạm trù về an ninh an toàn mạng thì chúng ta cần đánh giá cặn kẽ hơn.

Một trong những bài học thành công trong Quản trị ANPTT ở Việt Nam, đó là Việt Nam đã thực hiện rất tốt phương châm quản trị "4 tại chỗ": Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ.

PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, chuyên gia tội phạm học, Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội

PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, chuyên gia tội phạm học, Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội

Theo đánh giá của PGS.TS. Đỗ Cảnh Thìn, trên thực tế, phương châm "4 tại chỗ" đã phát huy hiệu quả trong phòng chống dịch COVID-19 cũng như ứng phó một số thiên tai, hoạn nạn, hỏa hoạn… Từ nền tảng "4 tại chỗ", thời gian qua, nhiều địa phương cũng có thêm các sáng kiến khác có thể giải quyết, ứng phó với thách thức ANPTT rất hiệu quả. Do đó, phương châm này cần tiếp tục tăng cường, sáng tạo hơn nữa bởi nó đem lại hiệu quả cao nhất là chúng ta giải quyết được nhiều vấn đề, mọi thứ ngay ở cơ sở.

"Khi vấn đề đã giải quyết được ở cơ sở thì nó không lan tỏa, không bùng phát, không ảnh hưởng diện rộng và như vậy chúng ta sẽ đảm bảo được an ninh trật tự", PGS.TS. Đỗ Cảnh Thìn phân tích.

Đồng quan điểm rằng "4 tại chỗ rất quan trọng và hiệu quả trong giải quyết từng nhiệm vụ", Đại tá, GS.TS. Bùi Minh Thanh (Viện An ninh phi truyền thống, ĐH Quốc gia Hà Nội) khuyến nghị cần nâng cao nhận thức của cán bộ chủ chốt ở địa phương thông qua việc tăng cường đào tạo, đặc biệt là môn quản trị an ninh truyền thống, ANPTT.

Nhấn mạnh vai trò của giáo dục đào tạo là vô cùng quan trọng, PGS.TS. Hoàng Đình Phi, Hiệu trưởng Trường Quản trị và Kinh doanh, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng, cần giáo dục từ bé đến lớn, lồng ghép nội dung rất đơn giản về an toàn, ổn định cho trẻ em. Ở các bậc cao hơn, cần tăng cường các nghiên cứu sâu mang tính đánh giá và dự báo, đồng thời phải đơn giản hóa các kết quả nghiên cứu thành những phương trình cụ thể, lý thuyết ngắn gọn, những phương trình dễ hiểu, dễ nhớ, dễ triển khai. Quá trình này cần có ý kiến của Chính phủ, của Bộ GD&ĐT, sự ủng hộ đồng lòng của các cấp chính quyền địa phương và các cấp lãnh đạo.

Theo PGS.TS. Hoàng Đình Phi, phải đào tạo được những con người đi trước, tiên phong đủ kiến thức, công cụ quản trị, đủ tầm nhìn chiến lược, đủ tư duy chiến lược và đủ khát vọng đam mê cống hiến cho Tổ quốc, sẵn sàng phấn đấu, cống hiến thời gian, tâm sức, trí tuệ của mình để đảm bảo an toàn cho từng đứa trẻ, từng người phụ nữ, từng người già và từng người công nhân, bảo đảm an toàn cho từng nhà máy, xí nghiệp phát triển bền vững, tức là an ninh cho từng doanh nghiệp, địa phương thì quốc gia chắc chắn sẽ phát triển bền vững.

Kiểm soát tốt đe dọa nhỏ ban đầu để không phát triển thành khủng hoảng

Theo Trung tướng, GS.TS. Nguyễn Xuân Yêm - Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội, để phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa ANPTT thì đầu tiên là phải có hệ thống chính sách pháp luật tương đối tốt, hoàn chỉnh, giúp cho các cơ quan chức năng của Nhà nước có thể kiểm soát được các mối đe dọa.

Thứ hai, tăng cường nâng cao năng lực về quản trị quốc gia, kiểm soát tốt được mối đe dọa nhỏ ban đầu để không phát triển thành khủng hoảng, thảm họa. "Biện pháp rất quan trọng là chúng ta phải ngăn ngừa ngay từ đầu, ngay từ nhỏ để không phát triển thành vấn đề lớn", Trung tướng, GS.TS. Nguyễn Xuân Yêm nhấn mạnh.

Trung tướng, GS.TS. Nguyễn Xuân Yêm - Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống

Trung tướng, GS.TS. Nguyễn Xuân Yêm - Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống

Thứ ba là phải tăng cường đào tạo nguồn nhân lực. GS.TS. Nguyễn Xuân Yêm đề xuất đưa chương trình tập huấn về quản trị ANPTT thành chương trình bắt buộc trong giáo dục quốc phòng an ninh cho các cơ quan Đảng, chính quyền, địa phương.

Thứ tư, phải đầu tư nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực này. Cho đến thời điểm này, ở Việt Nam mới chỉ có 3 đề tài khoa học cấp Nhà nước nghiên cứu vấn đề mang tính quan điểm chung về an ninh phi truyền thống. Trong khi đó, có khoảng 20 vấn đề an ninh phi truyền thống rất cần nghiên cứu chuyên sâu ở Việt Nam như an ninh kinh tế, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh môi trường…

Bên cạnh hiểu rõ hơn về ANPTT và xác định rõ các mối đe dọa ANPTT để có cách ứng xử kịp thời, phù hợp với nguồn lực và đặc thù sẵn có, cần tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế để nâng cao hiệu quả phát hiện, nhận diện các thách thức ANPTT, các yếu tố tác động từ sớm, từ xa để phối hợp, khắc phục, giải quyết triệt để từ gốc các vấn đề phát sinh, góp phần hiệu quả vào công cuộc bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Theo GS.TS. Nguyễn Xuân Yêm, một giải pháp lớn là phải tăng cường công tác truyền thông để tất cả các cấp, các bộ ngành từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là các tổ chức, doanh nghiệp, những đơn vị cơ sở, nơi có thể xuất phát rủi ro lớn, nguy cơ lớn, từ những đốm lửa nhỏ cháy thành đốm lửa lớn đe dọa ANPTT của cá nhân, của con người, cộng đồng, của tổ chức, doanh nghiệp và hơn cả là an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, GS.TS. Nguyễn Xuân Yêm khẳng định, không có lý luận sắc bén, không có cơ sở khoa học chắc chắn thì không thể nào truyền thông được, chúng ta không thể có nền tàng lý luận để ban hành các nghị quyết, chính sách, các chiến lược, các kế hoạch, hành động, các đề tài, dự án để chủ động phòng ngừa rủi ro, ứng phó với các mối nguy để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân, tổ chức, doanh nghiệp và hơn cả là an ninh kinh tế, an ninh quốc gia.

Nhận diện và quản trị rủi ro

Ông Nguyễn Văn Sự, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho rằng nhận diện và quản trị rủi ro là giải pháp quan trọng để quản lý tốt an ninh phi truyền thống.

Đối với những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, những sự cố về cháy nổ, xăng dầu… nếu kiểm soát không tốt sẽ gây mất an toàn và ảnh hưởng rất lớn. Từ những tình huống như vậy trong quá trình quản trị, ông Sự cho biết Petrolimex quan tâm đến 3 yếu tố.

Thứ nhất là hệ thống cơ sở vật chất vì biến đổi khí hậu tác động hay những sự cố mất an toàn tại kho, cảng… đều ảnh hưởng đến xăng dầu. Vì vậy trong quá trình đầu tư, họ cố gắng đầu tư những công nghệ hiện đại nhất phù hợp với quy hoạch. Công nghệ phải hiện đại để trong mọi tình huống chúng ta có thể tránh được rủi ro xảy ra. Ví dụ, vừa qua bão YAGI gây ảnh hưởng lớn tại Hải Phòng và Quảng Ninh nhưng rất may mắn cầu tàu của Petrolimex và những cầu xuất nhập đương đầu với gió bão cấp 12-13 vẫn không bị ảnh hưởng, bảo đảm nguồn cung thông suốt.

Công ty xăng dầu diễn tập phòng cháy chữa cháy gắn với bảo đảm an ninh trật tự tại kho xăng dầu

Công ty xăng dầu diễn tập phòng cháy chữa cháy gắn với bảo đảm an ninh trật tự tại kho xăng dầu

Thứ hai, bên cạnh hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư bài bản, thông suốt từ kho, cảng đến cửa hàng xăng dầu, Petrolimex rất quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực, trong đó bao gồm cả nhận thức, tư duy, trình độ, đi từ thực tiễn, có những chương trình đào tạo bài bản, chuyên sâu… để làm chủ, bình tĩnh ứng phó trước mọi tình huống, dự báo từ an toàn thông tin, an toàn phòng chống cháy nổ.

Thứ ba là các thể chế, quy định hiện nay phải cụ thể và nhận thức về vấn đề này xuyên suốt từ lãnh đạo cao nhất đến người lao động; phải có quy chế kiểm tra, kiểm soát, thực hiện tốt sẽ khen thưởng, vi phạm sẽ khiển trách, phê bình và có những hình thức xử lý phù hợp.

Như vậy, cả hệ thống "trên dưới một lòng" cùng với hệ thống cơ sở vật chất tốt, hiện đại, với tổ hợp của 3 yếu tố này như kiềng 3 chân sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp ứng phó với những rủi ro có thể xảy ra.

GS.TS. Nguyễn Xuân Yêm cũng đồng tình, nhấn mạnh rằng rất cần thiết phải nhanh chóng đẩy mạnh việc nhận diện và đề xuất các giải pháp phòng ngừa, ứng phó trước các nguy cơ đe dọa ANPTT. Điều này bao gồm xây dựng các kế hoạch, phương án khung để đối phó hiệu quả với những thách thức ngày càng phức tạp trong lĩnh vực này.

"Chúng tôi kỳ vọng Nhà nước, mà trực tiếp là Bộ KH&CN, sẽ quan tâm và triển khai một chương trình khoa học trọng điểm cấp quốc gia về an ninh phi truyền thống. Chương trình này không chỉ tạo cơ sở khoa học vững chắc để nghiên cứu sâu hơn, mà còn thúc đẩy việc xây dựng các chính sách, chiến lược mang tính bền vững, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia và sự phát triển ổn định trong bối cảnh mới", GS.TS. Nguyễn Xuân Yêm chia sẻ.

Đây là nguy cơ rất lớn và chúng ta khó có thể phát triển bền vững nếu không nhận diện, phòng ngừa và ứng phó hiệu quả với các nguy cơ đe dọa ANPTT. Tác hại của các nguy cơ này là vô cùng nghiêm trọng.

Ví dụ, chỉ trong một tuần, một sự cố có thể khiến tỉnh Yên Bái mất đi toàn bộ thành quả đạt được trong suốt một năm. Đó là thời điểm trong cơn bão YAGI vừa rồi, tỉnh Yên Bái thu nhập cả tỉnh 2023 đạt 4.100 tỷ đồng nhưng chỉ sau 1 tuần bão lũ, sạt lở... tỉnh Yên Bái đã thiệt hại tới 4.600 tỷ đồng, làm giảm sự phát triển bền vững về kinh tế xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc phòng của đất nước.

Điều này cho thấy, nếu không hành động kịp thời để hạn chế rủi ro, đất nước chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt.

Ngoài ra, một vấn đề quan trọng khác là cần tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực và đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Việc nâng cao nhận thức và năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ là yếu tố then chốt để ứng phó hiệu quả với những thách thức mới trong bối cảnh an ninh phi truyền thống ngày càng phức tạp.

Hiện nay, vấn đề ANPTT ở Việt Nam đang được triển khai ở nhiều nơi, với mỗi bộ, ngành chịu trách nhiệm một lĩnh vực riêng lẻ. Điều này dẫn đến sự phân tán và thiếu kết nối trong công tác quản lý và ứng phó. Trong khoa học, có thuật ngữ "hiệu ứng cánh bướm" để chỉ những tác động nhỏ có thể gây ra những hệ quả lớn nếu không được giải quyết khéo léo. Đối với ANPTT, một sự cố nhỏ nếu không được xử lý kịp thời có thể bùng phát, trở thành vấn đề nghiêm trọng đe dọa an ninh quốc gia.

Vì vậy, cần có một chiến lược tổng thể và đồng bộ để nâng cao năng lực quản lý an ninh phi truyền thống. "Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn Chính phủ sớm phê duyệt một chương trình tổng thể quốc gia về phòng ngừa và ứng phó các nguy cơ đe dọa ANPTT.

Chúng tôi cho rằng kiến thức về an ninh phi truyền thống cần được phổ cập đến toàn dân, dựa trên phương châm "ba sẵn sàng, bốn tại chỗ" – bài học kinh nghiệm quý báu của cha ông chúng ta, nhấn mạnh rằng "nước xa không cứu được lửa gần", Những kinh nghiệm hay cần được tổng kết và nhân rộng để tạo thành mạng lưới ứng phó hiệu quả", GS.TS. Nguyễn Xuân Yêm nhấn mạnh.

Cuối cùng, Việt Nam không thể tự mình giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống mà cần tăng cường hợp tác quốc tế, đồng thời đẩy mạnh sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành trong nước. Chỉ khi có sự hợp lực ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế chúng ta mới có thể chủ động ứng phó với các nguy cơ đang ngày càng phức tạp và khó lường.

Nhật Linh

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/bai-3-khong-de-rui-ro-dien-tien-thanh-khung-hoang-102241211191454561.htm
Zalo