Bài 3: 'Đi đầu, bước trước' trong cuộc cách mạng chuyển đổi số
Trong quá trình sắp xếp, kiện toàn bộ máy, việc thúc đẩy chuyển đổi số luôn được Công an tỉnh Hà Tĩnh 'đi trước một bước'. Với mục tiêu xuyên suốt: 'chuyển đổi số là mũi nhọn để thúc đẩy bộ máy tinh - gọn - mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả', lực lượng công an đã triển khai nhiều cách làm quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo để đưa Hà Tĩnh trở thành điểm sáng của cả nước.


Trong quá trình sắp xếp, kiện toàn bộ máy, việc thúc đẩy chuyển đổi số luôn được Công an tỉnh Hà Tĩnh “đi trước một bước”. Với mục tiêu xuyên suốt: “chuyển đổi số là mũi nhọn để thúc đẩy bộ máy tinh - gọn - mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”, lực lượng công an đã triển khai nhiều cách làm quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo để đưa Hà Tĩnh trở thành điểm sáng của cả nước.

Năm 2018, toàn ngành công an bắt đầu thu thập thông tin dân cư, phục vụ xây dựng Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư - bước mở đầu cho công cuộc chuyển đổi số (CĐS). Ngày 1/7/2021, CSDL quan trọng này chính thức vận hành, giúp các cấp, ngành có thông tin gốc làm nền móng để phát triển dữ liệu. Đến nay, nguồn dữ liệu này luôn “đúng, đủ, sạch, sống” và ngày càng được làm “giàu”, phục vụ công tác quản lý, xây dựng dữ liệu nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu phòng chống tội phạm.

Đại tá Đặng Hoài Sơn - Phó Giám đốc Công an tỉnh chủ trì hội nghị triển khai đợt cao điểm thực hiện Luật Căn cước vào tháng 7/2024.
Cũng trong năm 2021, công an toàn tỉnh chính thức bước vào chiến dịch lịch sử - sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân (CCCD). Với thử thách được đánh giá là chưa từng có, khối lượng công việc lớn và chưa có kinh nghiệm để nghiên cứu, học hỏi nhưng công an mỗi đơn vị luôn quyết tâm với mục tiêu cao nhất. Đến ngày 10/5/2023, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã hoàn thành việc thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho 1.130.342/1.130.342 công dân đủ điều kiện trên địa bàn, trở thành địa phương về đích thứ 2 của cả nước (sau tỉnh Hà Nam).

Hà Tĩnh là địa phương đứng thứ 2 trên cả nước về thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước.
BÍ QUYẾT ĐỂ THÀNH CÔNG LÀ ĐẾN TỪNG NHÀ ĐIỀU TRA CƠ BẢN, LẬP DANH SÁCH RÀ SOÁT, CHIA CÁC NHÓM ĐỐI TƯỢNG CỤ THỂ; BỐ TRÍ PHƯƠNG TIỆN ĐẾN NƠI ĐỊA HÌNH PHỨC TẠP ĐƯA ĐÓN NGƯỜI DÂN…
Thiếu tá NGUYỄN TUẤN ANH - Trưởng Công an xã Kỳ Lạc (huyện Kỳ Anh)
Thiếu tá Nguyễn Tuấn Anh - Trưởng Công an xã Kỳ Lạc (huyện Kỳ Anh) khẳng định, bí quyết để trở thành một trong những đơn vị hoàn thành sớm của huyện là công an xã phải huy động 100% lực lượng thu nhận hồ sơ vào ban đêm; thường xuyên về thôn, cùng cán bộ cơ sở vận động bà con; đến từng nhà điều tra cơ bản, lập danh sách rà soát, chia các nhóm đối tượng cụ thể; bố trí phương tiện đến nơi địa hình phức tạp đưa đón người dân…
Những ngày căng mình xây dựng CSDL quốc gia về dân cư và thực hiện chiến dịch cấp CCCD đã giúp công an toàn tỉnh có cơ hội đúc rút được kinh nghiệm tốt, cách làm hay để triển khai Luật Căn cước (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024). Công an tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai tuyên truyền dưới nhiều hình thức với điểm nhấn là việc tổ chức 2 cuộc thi: “Tìm hiểu Luật Căn cước trong Công an nhân dân” và “Tìm hiểu pháp luật về căn cước, định danh và xác thực điện tử của Việt Nam”. Đồng thời, mở đợt cao điểm để thực hiện, bắt đầu từ ngày 22/7 - 2/9/2024. Đến nay, Hà Tĩnh đã thu nhận 586.620 hồ sơ cấp thẻ căn cước cho công dân, trong đó có 208.989 hồ sơ cho công dân từ 0-6 tuổi, 254.159 hồ sơ cho công dân từ 6-14 tuổi và 123.472 hồ sơ cho công dân hơn 14 tuổi. Số lượng này chủ yếu là cấp, đổi thẻ CCCD cho người đủ 14, 25, 40 và 60 tuổi; số khác có nhu cầu do sắp xếp, thay đổi tên gọi đơn vị hành chính; ngoài ra còn có công dân ngoại tỉnh có hộ khẩu tạm trú tại Hà Tĩnh...

Lực lượng công an tận tình hỗ trợ công dân từ 6-14 tuổi thu nhận mống mắt để làm thẻ căn cước.
Để trở thành địa phương đứng thứ 2 cả nước về thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước, công an các địa phương đã chủ động tham mưu chủ tịch UBND cùng cấp - tổ trưởng tổ công tác triển khai Đề án 06 trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc quyết liệt; làm tốt công tác tuyên truyền về lợi ích của thẻ căn cước, đa dạng hình thức triển khai, đặc biệt khai thác tối đa mạng xã hội, các nhóm Zalo kết nối bình yên, hệ thống phát thanh để công dân hiểu và ủng hộ. Bên cạnh đó là huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là ngành GD&ĐT, thông qua các nhóm phụ huynh. Công an cấp xã cũng thành lập các tổ công tác gồm nhiều đơn vị cùng tham gia như: đoàn thanh niên, bảo vệ dân phố, thôn trưởng/tổ trưởng tổ dân phố và tổ chức thi đua giữa các thôn, tổ dân phố tạo nên ngày hội, tạo sức lan tỏa trong Nhân dân…




Trong chiến dịch cấp CCCD và thẻ căn cước, Công an Hà Tĩnh không quản ngày đêm, làm việc theo phương châm “hết việc chứ không hết giờ”.
Cũng nhờ vậy, công an cấp xã đã có cơ hội lăn xả, cọ xát trên thực tế; nắm vững nghiệp vụ để thích ứng với nhiệm vụ mới. Ngay sau khi có chủ trương giải thể công an huyện và đưa nhiệm vụ cấp thẻ căn cước về công an xã, Công an tỉnh đã tổ chức các đoàn khảo sát, kiểm tra địa điểm thực hiện thu nhận, tạo thuận lợi cho người dân. Ngoài Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH (Công an tỉnh), 12 trụ sở công an huyện cũ đã được lựa chọn. Công an tỉnh cũng đã tổ chức đào tạo, tập huấn đối với đội ngũ thực hiện nhiệm vụ và thành lập các tổ công tác, bố trí lực lượng thường trực tại các điểm thu nhận nhằm tháo gỡ khó khăn ban đầu. Với sự hỗ trợ đắc lực của Công an tỉnh, công an xã từng bước vượt qua khó khăn và đạt kết quả đáng ghi nhận. Tính riêng từ ngày 1/3/2025 đến nay, công an toàn tỉnh đã thu nhận 9.650 hồ sơ cấp thẻ căn cước và 739 tài khoản định danh điện tử.

Lãnh đạo Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH (Công an tỉnh) trực tiếp theo dõi tình hình cấp thẻ căn cước và tài khoản định danh điện tử VNeID cho công dân trên địa bàn.
Thượng tá Trần Hữu Cảnh - Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH (Công an tỉnh) đánh giá: “Trước đây, các đội Cảnh sát QLHC về TTXH (công an cấp huyện) đóng vai trò chủ chốt trong thực hiện cấp thẻ căn cước; sau sắp xếp tổ chức bộ máy, công an cấp xã tiếp nối sứ mệnh đó. Dù thời gian đầu tiếp nhận còn bộn bề khó khăn nhưng với tinh thần cầu tiến, ham học hỏi, công an cấp xã đã từng bước chinh phục. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, lực lượng này đã cho thấy sự đầu tư nghiêm túc với công việc chuyên môn; thường xuyên trau dồi, cập nhật kiến thức công nghệ, sẵn sàng đảm nhận các nhiệm vụ”.

Ngày 6/1/2022, Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Theo Đại tá Đặng Hoài Sơn - Phó Giám đốc Công an tỉnh: “Đề án 06 góp phần thực hiện hai mục tiêu chính: tạo chuyển đổi số ngay từ trong ngành công an và công an là cơ quan thường trực để thực hiện chuyển đổi số”.

Dấu ấn nổi bật để chuyển đổi số trong nội bộ ngành là việc vận hành Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an tỉnh vào tháng 11/2023. Đây là hệ thống kỹ thuật được ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại, kết nối với hệ thống thông tin liên lạc vô tuyến, hữu tuyến, vệ tinh và chia sẻ thông tin với hệ thống Trung tâm Thông tin chỉ huy Bộ Công an, công an các địa phương. Trung tâm được bố trí màn hình led hiển thị hơn 150 mắt camera để theo dõi.
Thượng tá Phạm Thanh Trâm - Trưởng phòng Tham mưu (Công an tỉnh) khẳng định: “Đây là “cánh tay đắc lực” giúp lực lượng công an tăng cường năng lực giám sát; chủ động phát hiện, xử lý đối tượng tội phạm, tình huống phức tạp; phục vụ hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ huy giải quyết, xử lý các tình huống về ANTT. Hiện nay, Trung tâm thường xuyên được nâng cấp về công nghệ, phần mềm, hướng tới thay thế con người bằng hệ thống camera 24/24h; định hướng liên kết tới hệ thống camera toàn tỉnh; phục vụ công tác nghiệp vụ tìm kiếm phương tiện. Đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng các phần mềm kỹ thuật nghiệp vụ để phục vụ tốt chuyên môn, tham mưu nâng cấp hệ thống Trung tâm đảm bảo yêu cầu công tác trong tình hình mới”.



Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an tỉnh là "cánh tay đắc lực" giúp lực lượng công an tăng cường năng lực giám sát; chủ động phát hiện, xử lý đối tượng tội phạm, tình huống phức tạp...
Thời gian qua, nhiều ứng dụng số hóa đã được Công an tỉnh xây dựng, triển khai nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ của ngành trong công tác quản lý hành chính, đấu tranh phòng chống tội phạm. Theo đó, phần mềm “Tuyển công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia CAND” được triển khai vào tháng 12/2024 cài đặt, sử dụng trên mạng nội bộ của Công an tỉnh liên thông từ cấp xã, có chức năng nhập thông tin cá nhân, thân nhân của công dân đăng ký thực hiện nghĩa vụ tham gia CAND, giúp thống kê, báo cáo, quản lý chiến sĩ trong quá trình công tác, rèn luyện, phấn đấu; phần mềm “Đánh giá sự hài lòng của người dân” tại các trung tâm hành chính công giúp lãnh đạo các địa phương nắm bắt ý kiến, phản ánh của người dân đối với cán bộ để kịp thời có hướng chấn chỉnh, hỗ trợ người dân thuận tiện trong giao dịch hành chính.
CÙNG VỚI TẬP TRUNG CHUYỂN ĐỔI SỐ NỘI BỘ NGÀNH, CÔNG AN HÀ TĨNH LÀ LỰC LƯỢNG ĐI ĐẦU TRONG VIỆC THÚC ĐẨY XÃ HỘI SỐ, GIÚP NGƯỜI DÂN TIẾP CẬN, THỤ HƯỞNG GIÁ TRỊ CỦA CHUYỂN ĐỔI SỐ, ĐẶC BIỆT LÀ ĐỀ ÁN 06.
Cùng với tập trung chuyển đổi số nội bộ ngành, Công an Hà Tĩnh là lực lượng đi đầu trong việc thúc đẩy xã hội số, giúp người dân tiếp cận, thụ hưởng giá trị của chuyển đổi số, đặc biệt là Đề án 06. Trong vai trò cơ quan thường trực, lực lượng công an cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo thực hiện Đề án 06 của cấp trên; thường xuyên phối hợp, tập huấn, nâng cao chất lượng hạ tầng công nghệ, quản trị trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, phối hợp các ngành, địa phương tổ chức thực hiện.


Việc triển khai học bạ số ở bậc tiểu học do ngành GD&ĐT Hà Tĩnh thí điểm trong năm học 2023-2024 và mô hình sinh trắc học được Sở Tư pháp áp dụng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06.
Công an tỉnh thường xuyên theo dõi, đôn đốc, tích cực tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện; duy trì hoạt động các nhóm điều hành xuyên suốt từ tỉnh đến thôn, xóm. Công an cấp huyện thành lập các tổ công tác lưu động, bố trí máy móc, thiết bị, sẵn sàng phục vụ người dân. Công an xã phát huy tối đa vai trò nòng cốt với phương châm “bám người dân, bám cơ sở” đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng và tiện ích của ứng dụng VNeID, tài khoản định danh điện tử.

Công an Hà Tĩnh về cơ sở hướng dẫn người dân cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử.
.............................
HÀ TĨNH ĐƯỢC ĐÁNH GIÁ LÀ 1 TRONG 15 TỈNH CÓ CÁCH LÀM HAY TRONG ĐỀ ÁN 06.
Đặc biệt, để quá trình thực hiện Đề án 06 thông suốt, hiệu quả, Công an tỉnh thường xuyên giao ban định kỳ để tháo gỡ các “điểm nghẽn”. Nhờ vậy, Hà Tĩnh được đánh giá là 1 trong 15 tỉnh có cách làm hay trong Đề án 06.
Góp phần vào sự thành công của Đề án 06 không thể thiếu các mô hình điểm. Công an tỉnh xác định 27 mô hình điểm làm đòn bẩy cho công cuộc chuyển đổi số. Một trong những mô hình nổi bật là cấp phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) trên ứng dụng VneID. Sau khi Công an tỉnh thực hiện nhiệm vụ này vào tháng 3/2025, toàn tỉnh đã tiếp nhận 9.659 hồ sơ cấp phiếu LLTP (gồm 1.336 hồ sơ từ Sở Tư pháp chuyển sang), trong đó có 7.989 hồ sơ qua ứng dụng VNeID; cấp 6.558 phiếu LLTP, gồm 5.964 phiếu qua ứng dụng VNeID.

Công an tỉnh tiếp nhận nhiệm vụ cấp phiếu lý lịch tư pháp từ Sở Tư pháp vào ngày 27/2/2025.
Ngoài cấp phiếu LLTP, Hà Tĩnh tiếp tục duy trì vị trí đứng đầu cả nước về chi trả lương hưu, chế độ BHXH không dùng tiền mặt; đạt kết quả cao trong thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tại 100% cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn; hoàn thành rà soát thông tin đối với 100% đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội…
Video: Ông Nguyễn Văn Phương (thôn Đan Trung, xã Thạch Long, Thạch Hà) chia sẻ về những tiện ích Đề án 06 mang lại.
Đại tá Đặng Hoài Sơn - Phó Giám đốc Công an tỉnh khẳng định: “Nhờ cách triển khai bài bản, hiệu quả, công cuộc chuyển đổi số tại Hà Tĩnh đã chuyển mình rõ nét để bắt nhịp với xu thế mới. Trong đó, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy đã có tác động tích cực, góp phần chuyên môn hóa sâu hơn các lực lượng để các nhiệm vụ được vận hành thông suốt, hiệu quả...”.
BÀI, ẢNH: THÙY DƯƠNG - VĂN CHUNG - LÊ DŨNG - XUÂN LÝ
THIẾT KẾ: HUY TÙNG
(CÒN NỮA)

Bài 1: Công an Hà Tĩnh kiện toàn bộ máy tinh, gọn, mạnh, đáp ứng yêu cầu
Bắt đầu từ năm 2018, cuộc cách mạng tổ chức bộ máy đã được Công an tỉnh Hà Tĩnh triển khai chủ động, toàn diện; thể hiện tính gương mẫu, đi đầu với cách tiến hành thận trọng, bài bản, khoa học. Đến nay, sau 3 lần kiện toàn, bộ máy công an toàn tỉnh ngày càng chuyên nghiệp, chính quy; tạo đà hoàn thành tốt mục tiêu: xây dựng lực lượng thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Bài 2: Hội tụ sức mạnh, lập công xuất sắc
Với việc sắp xếp, bố trí cán bộ theo hướng nâng cao chất lượng, chuẩn hóa chức danh và phát huy phẩm chất, năng lực, Công an tỉnh Hà Tĩnh ngày càng vững mạnh, toàn diện, lập nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm; tạo được niềm tin trong Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà.