Bài 3: Để Nghị quyết tiếp tục đi vào cuộc sống

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW, thành phố Hải Phòng đã nỗ lực vượt khó, đạt nhiều chỉ tiêu mà Nghị quyết đề ra. Đối với chỉ tiêu gặp nhiều thách thức, thành phố Hải Phòng cần có các giải pháp đột phá, với quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra.

Nhận diện những khó khăn, thách thức

Bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình triển khai Nghị quyết số 45-NQ/TW, trước mắt thành phố Hải Phòng còn nhiều khó khăn, thách thức, chưa đạt được các mục tiêu như kỳ vọng. Định hướng Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; là trọng điểm kinh tế biển của cả nước; có vai trò động lực phát triển của vùng Bắc bộ và của cả nước; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á... Đây là những khó khăn thực sự đòi hỏi cả thành phố phải có quyết tâm chính trị rất cao để tăng tốc mới có thể về đích.

Công tác thể chế hóa một số mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 45-NQ/TW còn chậm được triển khai; hiện có 4/7 chỉ tiêu chưa hoàn thành, gồm: Tỷ trọng đóng góp vào tổng sản phẩm (GDP) cả nước; Tỷ trọng đóng góp vào GDP vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; GRDP bình quân/người; Thu ngân sách trên địa bàn.

Quy mô, sức cạnh tranh của nền kinh tế thành phố chưa mạnh, còn khoảng cách khá lớn so với Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm. Mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành và giữa các ngành còn hạn chế; liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước còn chậm nên chưa thúc đẩy phát triển kỹ năng quản trị, chuyển giao công nghệ, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành. Dịch vụ logistics phát triển chậm, du lịch phát triển chưa thật sự bền vững.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, tính kết nối chưa cao. Vận tải hành khách công cộng chưa thực sự phát triển. Tình trạng ùn tắc vào các giờ cao điểm thường xuyên diễn ra. Hạ tầng, phương tiện đường sắt lạc hậu, chưa kết nối với các cảng, thường gây tắc nghẽn tại giao cắt với đường bộ trong nội đô. Một số công trình lớn kết nối ven biển còn triển khai chậm hoặc chưa được triển khai. Phát triển đường thủy nội địa chưa đúng với tiềm năng, chỉ đáp ứng được nhu cầu rất nhỏ và không hỗ trợ nhiều cho vận chuyển hàng hóa.

Đô thị Hải Phòng còn nhỏ, tốc độ mở rộng không gian đô thị còn chậm; một số tiêu chí đô thị loại I chưa đạt. Tính kết nối giữa các đô thị không đồng bộ. Hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị có nguy cơ quá tải, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Các vấn đề về môi trường, hạ tầng đô thị chưa được giải quyết triệt để.

Văn hóa - xã hội phát triển chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thiếu trung tâm lớn cấp vùng về giáo dục đào tạo, y tế. Các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa - xã hội phát triển chưa đáp ứng yêu cầu, chưa đồng đều, chưa thực sự huy động được các nguồn lực xã hội. Khoa học công nghệ chưa thật sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. An sinh, phúc lợi xã hội có nhiều tiến bộ nhưng chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ. Chất lượng nguồn nhân lực chậm được cải thiện, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế. Tiến độ thực hiện chuyển đổi số còn chậm.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có mặt còn hạn chế. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, một số mặt còn bất cập; Hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát ở một số tổ chức đảng chưa cao, chất lượng của một số cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Những hạn chế, tồn tại nêu trên, bên cạnh nguyên nhân khách quan do bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước không thuận lợi, tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, các nguyên nhân mang tính chủ quan vẫn là cơ bản. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế chưa cao; cải cách hành chính chưa đạt hiệu quả như mong muốn; việc phân cấp, phân quyền chưa thật sự mạnh mẽ; cơ chế đôn đốc, kiểm tra, giám sát và kiểm soát chưa thật sự hiệu quả. Công tác giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án đầu tư còn gặp nhiều khó khăn. Công tác đào tạo và thu hút nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được sự phát triển của các ngành kinh tế thành phố.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng, phát triển thành phố Cảng trong thời gian tới

Những kết quả đạt được trong thời gian qua đã và sẽ tạo đà thuận lợi cho sự phát triển của Hải Phòng trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, theo dự báo, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, thành phố Hải Phòng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức đối với sự phát triển bền vững của thành phố.

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 45 ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng nhấn mạnh: “Xuất phát từ thực tiễn yêu cầu phát triển, căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết số 45 và định hướng phát triển của Hải Phòng trong thời gian tới, thành phố Hải Phòng tiếp tục tập trung thực hiện 3 giải pháp đột phá. Đó là: Tập trung đầu tư xây dựng, phát triển Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng trở thành động lực tăng trưởng của thành phố trong giai đoạn tới. Ưu tiên nguồn lực đầu tư hệ thống hạ tầng trọng yếu có tính lan tỏa, kết nối cao”.

Thành phố xây dựng, hoàn thiện và kiến nghị với Trung ương sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng trong giai đoạn tới, trọng tâm là cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế, xã hội. Cụ thể: Giữ ổn định tỷ lệ điều tiết cho ngân sách thành phố trong giai đoạn ổn định ngân sách mới sau khi thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng; Ủy quyền, phân cấp cho thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư đối với Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất phù hợp với quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phân cấp cho thành phố Hải Phòng quyết định điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất thành phố, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện tương tự như điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng, việc điều chỉnh phải đảm bảo chỉ tiêu sử dụng đất thành phố được phân bổ; thành lập Khu thương mại tự do thành phố Hải Phòng nằm trong Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng.

Thành phố cũng tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh thu hút nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực thành phố có nhu cầu; trong đó trọng tâm là phát triển Trường Đại học Hải Phòng trở thành Đại học Hải Phòng (đại học vùng), là một trong các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu của Việt Nam và ngang tầm các trường đại học trung bình khá của khu vực Đông Nam Á, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố và đất nước; thu hút đầu tư cơ sở giáo dục Đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có năng lực uy tín.

Nhằm hiện thực hóa những mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị, ngoài sự nỗ lực, quyết tâm, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị thành phố, thành phố Hải Phòng rất cần sự ủng hộ của Trung ương, sự quan tâm, liên kết, hợp tác chặt chẽ của các ban, bộ, ngành, địa phương, trong đó đặc biệt là ủng hộ việc thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, Khu thương mại tự do thành phố Hải Phòng và sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.

Hy vọng với sự quyết tâm đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Cảng, Hải Phòng sẽ sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng, phát triển thành phố Hải Phòng đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Hải Nguyên - Duy Thanh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/bai-3-de-nghi-quyet-tiep-tuc-di-vao-cuoc-song-387743.html
Zalo