Bài 3: Cái nôi cải lương Nam Kỳ

Bài 1: Những dòng chảy lịch sử

Bài 2: Vị thế của Mỹ Tho đại phố

(ABO) Trong dòng chảy của lịch sử 345 năm, Mỹ Tho còn được ghi nhận là cái nôi của cải lương Nam Kỳ gắn với tên tuổi của rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng một thời.

Bởi Mỹ Tho là nơi sản sinh, nuôi dưỡng và phát triển cải lương với nhiều nghệ sĩ tài danh: Lê Thị Phỉ (Năm Phỉ), Lê Thị Nam (Bảy Nam), Phùng Há, Nguyễn Thành Châu (Năm Châu), Huỳnh Thủ Trung (Tư Chơi), Châu Văn Tú (Năm Tú)…

Tại Hội thảo khoa học “Di sản đô thị Mỹ Tho - tiềm năng và phát triển” được TP. Mỹ Tho tổ chức gần đây, khi bàn về cải lương ở Nam Kỳ, ông Nguyễn Thanh Lợi, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP. Hồ Chí Minh cho rằng, ngày 15-3-1918, thầy Năm Tú (tên thật là Châu Văn Tú, quê quán Vĩnh Kim, Châu Thành, Tiền Giang) khai trương rạp hát (mang tên Cinéma, nay ở phường 1, TP. Mỹ Tho) của mình với bảng hiệu “Gánh hát thầy Năm Tú - Mỹ Tho”, diễn vở Kim Vân Kiều của Trương Duy Toản. Ông cũng là người đầu tiên dùng danh từ “cải lương” để gọi cho gánh hát của mình “Ban hát cải lương Châu Văn Tú” và cấm các gánh hát khác không được dùng thương hiệu cải lương của ông.

Dấu tích rạp hát thầy Năm Tú. Ảnh: TL.

Dấu tích rạp hát thầy Năm Tú. Ảnh: TL.

Ngay từ những ngày đầu ra đời, rạp hát thầy Năm Tú là rạp hát đầu tiên ở Mỹ Tho thiết kế dành cho sân khấu. Khán giả chia làm 3 hạng: Hạng nhứt, hạng nhì, hạng ba và hai bên sân khấu có một số phòng đặc biệt dành cho khách quý. Rạp hát khang trang, chương trình đầy đủ, tập hợp được nhiều đào kép danh tiếng như: Tám Danh (Nguyễn Phương Danh), Ba Du, Bảy Thông, Phùng Há, Năm Phỉ, Năm Toàn…

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Lợi, sau khi sang lại gánh hát của André Thận, thầy Năm Tú cho sửa lại rạp hát để làm nơi diễn cải lương thường trực, mướn họa sĩ vẽ phông và trang trí sân khấu có màn kéo như các rạp hát Tây, tuyển thêm đào kép mới, soạn giả Trương Duy Toản được mời tiếp tục viết tuồng cho gánh hát. Gánh hát của thầy Năm Tú diễn đầu tiên ở Sài Gòn vào ngày 12-11-1922, sau đó ông cho gánh hát mỗi tuần diễn tại rạp thầy Năm Tú 3 đêm và tại rạp Eden ở chợ Lớn 3 đêm.

Đào kép của gánh hát được hãng đĩa Pathé Phono của Pháp có trụ sở ở Sài Gòn mời thâu tiếng. Đĩa hát Pathé loại 78 vòng có hình con gà trống của thầy Năm Tú có câu giới thiệu mở đầu: “Đây là gánh hát của thầy Năm Tú ở tại Mỹ Tho, ca cho hãng đĩa Pathé Phono nghe chơi”. Nhờ những đĩa hát này mà cải lương được phổ biến trên toàn quốc. Gánh hát thầy Năm Tú hoạt động cho đến năm 1928 thì rã gánh ở Cái Bè (tỉnh Mỹ Tho).

Rạp thầy Năm Tú nhận Bằng di tích lịch sử văn hóa vào năm 2015. Ảnh: TL.

Rạp thầy Năm Tú nhận Bằng di tích lịch sử văn hóa vào năm 2015. Ảnh: TL.

Nhiều tài liệu nghiên cứu cũng cho thấy, năm 1926, Georges Lê Công Phước và Nguyễn Ngọc Cương lập gánh Phước Cương tại Mỹ Tho, quy tụ dàn diễn viên gạo cội như đào Năm Phỉ, kép Tám Danh, Ba Du, Tám Mẹo… Gánh hát tuy ra đời muộn nhưng lại có tiếng tăm vì sở hữu dàn diễn viên tài năng, nhất là đào Năm Phỉ; y phục, trang trí rất khởi sắc so với các ban khác.

Hiện nay, hoạt động văn hóa nghệ thuật được tổ chức thường xuyên tại rạp thầy Năm Tú. Ảnh: Thu Hoài.

Hiện nay, hoạt động văn hóa nghệ thuật được tổ chức thường xuyên tại rạp thầy Năm Tú. Ảnh: Thu Hoài.

Cũng cần nói thêm một ít thông tin về nghệ sĩ nổi tiếng Năm Phỉ. Bà tên thật là Lê Thị Phỉ, sinh năm 1908, tại làng Điều Hòa (tỉnh Mỹ Tho cũ) trong một gia đình công chức. Ngay từ nhỏ bà đã có giọng ca thiên bẩm. Theo nghiên cứu của TS. Nguyễn Phúc Nghiệp, trong suốt 34 năm (1920-1954), bà đã thủ diễn hàng chục vai khác nhau, vai nào cũng được hoan nghên nhiệt liệt. Vai Bàng Quý Phi ở vở Xử án Bàng Quý Phi và vai Lan trong vở Lan và Điệp là hai vai thành công rực rỡ nhất đã đưa tên bà lên đỉnh cao nghệ thuật và vinh quang. Sở dĩ bà đạt được kỳ tích ấy, ngoài yếu tố thiên bẩm, còn có sự trau dồi, rèn giũa không ngừng nghề nghiệp của mình vì công chúng, vì nghệ thuật.

Trải qua chặng đường 345 năm, Mỹ Tho được ghi nhận là mảnh đất “phát tích” ra dòng ca tài tử, nơi sản sinh nhiều nghệ sĩ tài danh cũng như những ông bầu tâm huyết với loại hình kịch hát dân tộc, Mỹ Tho là cái nôi nghệ thuật sân khấu cải lương ở Nam Kỳ. Những gánh cải lương danh tiếng, những đào kép tên tuổi, rạp hát cải lương đầu tiên, cải lương Mỹ Tho đã có nhiều đóng góp cho việc hình thành và phát triển của nghệ thuật cải lương Nam Kỳ. Hơn thế, trong suốt chặng đường ấy, Mỹ Tho còn để lại nhiều dấu ấn đặc trưng riêng, tạo nên Mỹ Tho đại phố với nhiều tiếng vang trong vùng.

TT

(Còn tiếp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202412/my-tho-345-nam-va-nhung-khat-vong-bai-3-cai-noi-cai-luong-nam-ky-1030478/
Zalo