Bài 2: Tạo đột phá trong tự chủ và minh bạch đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước

Dự thảo Dự thảo luật quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp không chỉ kế thừa các quy định ổn định từ Luật 69/2014/QH13 mà còn bổ sung, hoàn thiện các nội dung phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

Việc hoàn thiện Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp dựa trên tinh thần tạo thuận lợi để doanh nghiệp phát huy trí tuệ, năng động, tạo không gian cho doanh nghiệp sáng tạo và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Việc hoàn thiện Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp dựa trên tinh thần tạo thuận lợi để doanh nghiệp phát huy trí tuệ, năng động, tạo không gian cho doanh nghiệp sáng tạo và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Nâng cao tính tự chủ - Tạo đòn bẩy cho doanh nghiệp nhà nước

Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được xây dựng dựa trên các chủ trương lớn của Đảng, như Nghị quyết 12-NQ/TW về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, Quy định 178-QĐ/TW về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật, và Nghị quyết 57-NQ/TW về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia. Chính phủ nhấn mạnh rằng dự thảo đã kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật 69/2014/QH13, đồng thời sửa đổi, bổ sung để giải quyết các vướng mắc thực tiễn, đảm bảo không chồng chéo với Luật Doanh nghiệp và các luật liên quan khác.

Tại Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 21/3/2025 về nhiệm vụ, giải pháp của doanh nghiệp nhà nước góp phần tăng trưởng kinh tế hai con số, phát triển đất nước nhanh và bền vững, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ phương án tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; trong đó lưu ý về vấn đề phân cấp phân quyền, công tác cán bộ, chính sách tiền lương, tăng vốn điều lệ cho doanh nghiệp... trên tinh thần tạo thuận lợi để doanh nghiệp phát huy trí tuệ, năng động, tạo không gian cho doanh nghiệp sáng tạo và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Một trong những nguyên tắc cốt lõi của Luật là Nhà nước chỉ thực hiện quyền, nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ sở hữu vốn, không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh và quản lý điều hành của doanh nghiệp, từ đó nâng cao tính tự chủ và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp.

Cùng với đó, Dự thảo Luật đã cắt giảm 30% thủ tục hành chính, tương đương 7/24 thủ tục so với Luật 69/2014/QH13, bao gồm các thủ tục như phê duyệt báo cáo tài chính, chiến lược kinh doanh 5 năm, kế hoạch sản xuất kinh doanh hằng năm, và phê duyệt quỹ tiền lương, thù lao. Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty được trao quyền chủ động quyết định nhiều nội dung quan trọng, như ban hành chiến lược kinh doanh 5 năm, kế hoạch kinh doanh hằng năm, huy động vốn, cho vay vốn, và quyết định chính sách tiền lương, thù lao, tiền thưởng cho người lao động và người quản lý. Đặc biệt, doanh nghiệp được phép huy động vốn vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu mà chỉ cần thông báo cho cơ quan đại diện chủ sở hữu để giám sát, chuyển từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh.

Phạm vi đầu tư vốn nhà nước cũng được mở rộng, bao gồm các lĩnh vực mới như phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, các doanh nghiệp tại địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh, và các công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia. Chính phủ cho biết các lĩnh vực then chốt, thiết yếu của nền kinh tế sẽ được quy định cụ thể để đảm bảo linh hoạt trong điều hành, đồng thời đáp ứng ý kiến đề xuất bổ sung lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa - xã hội vào phạm vi đầu tư.

Quy định về phân phối lợi nhuận cũng được hoàn thiện, với mức trích Quỹ Đầu tư phát triển doanh nghiệp không quá 50%, phần lợi nhuận còn lại nộp ngân sách nhà nước, trừ trường hợp sử dụng để bổ sung vốn điều lệ hoặc đầu tư dự án theo quy định của Chính phủ, nhằm tăng cường nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp. Dự thảo Luật còn bổ sung các quy định cụ thể về quản lý vốn tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ, thông qua người đại diện phần vốn nhà nước.

Phát huy hiệu quả giám sát trong quản lý vốn nhà nước

Bên cạnh việc tăng cường tự chủ, dự thảo Luật đặt trọng tâm vào nâng cao tính minh bạch và hiệu quả giám sát trong quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Chính phủ nhấn mạnh rằng các quy định về chuyển nhượng vốn, thoái vốn, và cơ cấu lại vốn nhà nước được hoàn thiện nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, và thu hồi tối đa vốn đầu tư.

Tại Cuộc họp với các bộ, ngành, doanh nghiệp về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp ngày 7/3/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, về bố cục, Luật phải đảm bảo dễ theo dõi, dễ hiểu, dễ thực hiện. Về nội dung, Luật sửa đổi phải đảm bảo nguyên tắc: chỗ nào có vốn nhà nước thì chỗ đó phải quản lý. Về khái niệm, phải phân định rõ khái niệm vốn nhà nước tại doanh nghiệp và khái niệm ngân sách nhà nước.Về đối tượng quản lý, chủ sở hữu vốn nhà nước chỉ quản lý đến doanh nghiệp F1. Từ F2 trở xuống giao cho đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước quản lý, để vừa tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy sự sáng tạo, chủ động.

Để nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát, dự thảo Luật bổ sung quy định về tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của cơ quan đại diện chủ sở hữu, phục vụ đánh giá, cảnh báo rủi ro và quyết định công tác nhân sự. Bộ Tài chính được giao chủ trì lập kế hoạch và tổ chức giám sát, kiểm tra việc đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đảm bảo tính chuyên nghiệp và chặt chẽ. Việc đánh giá, xếp loại doanh nghiệp được thực hiện dựa trên hiệu quả hoạt động tổng thể, loại trừ các yếu tố tác động từ nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh, hoặc các dự án thử nghiệm công nghệ mới, nhằm phản ánh đúng thực chất năng lực vận hành của doanh nghiệp.

Dự thảo Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, và người đại diện phần vốn nhà nước. Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc bảo toàn, phát triển vốn, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về các vi phạm gây tổn thất vốn, tài sản của doanh nghiệp. Họ cũng có trách nhiệm giải trình các nội dung liên quan đến hoạt động đầu tư và quản lý vốn theo yêu cầu của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát, và đảm bảo tính chính xác, trung thực của thông tin cung cấp. Kiểm soát viên có nhiệm vụ đưa ra ý kiến độc lập về chỉ tiêu đánh giá doanh nghiệp và phương án phân phối lợi nhuận, trong khi người đại diện phần vốn nhà nước phải chịu trách nhiệm trước cơ quan đại diện chủ sở hữu, với chế tài không được tiếp tục đảm nhiệm vai trò nếu không hoàn thành nhiệm vụ.

Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp không chỉ là bước tiến trong việc nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước mà còn tạo nền tảng pháp lý vững chắc để doanh nghiệp nhà nước vận hành theo cơ chế thị trường, cạnh tranh bình đẳng, và phát triển bền vững. Những thay đổi này hứa hẹn sẽ thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế nhà nước, đồng thời góp phần thực hiện các mục tiêu chiến lược của đất nước trong giai đoạn 2021 - 2030.

Làm rõ các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp tại phiên họp diễn ra ngày 17/4/2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, thay đổi căn bản nhất của Dự thảo Luật lần này so với dự thảo trước là quy định về đối tượng quản lý. Đồng thời, Dự thảo Luật cũng được thiết kế tương đối bao quát và đảm bảo thông thoáng. Dự thảo quy định quản lý với tất cả các doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Nội dung này được thiết kế đan xen ở các chương trong dự thảo. Nhóm doanh nghiệp dưới 50% vốn sở hữu của nhà nước sẽ được quản lý thông qua người đại diện vốn. Theo đó, dự thảo quy định theo hướng, người đại diện vốn nhà nước có trách nhiệm theo dõi, đánh giá tình hình quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, người đại diện vốn có thể đề xuất Nhà nước tăng thêm vốn, hoặc ngược lại.

Bích Thủy

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/bai-2-tao-dot-pha-trong-tu-chu-va-minh-bach-dap-ung-yeu-cau-phat-trien-dat-nuoc.html
Zalo