Bài 2: Tăng sức cơ động, diễn tập sát thực (Tiếp theo và hết)
Binh chủng Pháo binh (BCPB) quy định cấp lữ đoàn phải tổ chức xoay vòng huấn luyện các tiểu đoàn pháo binh, tên lửa cơ động đường dài đạt từ 500 đến 700km/năm. Đây là yêu cầu cao nhằm nâng cao sức cơ động và khả năng tác chiến của bộ đội pháo binh trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao.
Trong buổi huấn luyện “hợp luyện đại đội”, sau khi đã tiêu diệt mục tiêu ở trận địa, Đại úy Nguyễn Quốc Hải, Đại đội trưởng Đại đội 805, Tiểu đoàn 2 (Lữ đoàn 45, BCPB) hạ lệnh: “Đại đội thu pháo, thu trang bị vật chất, gọi xe mắc pháo ra vị trí, dàn đội hình cách đây 200m”... Khoảng 20 phút sau, toàn đại đội đã cơ động ra vị trí trận địa mới, làm mọi công tác chuẩn bị để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Trong đêm tối, rất nhiều công việc phải triển khai, nhưng tất cả các vị trí đều thực hiện đúng quy trình, khẩn trương, nhịp nhàng, bảo đảm các mốc thời gian đã đề ra.
Dịch chuyển đội hình là nội dung huấn luyện khá phức tạp, đặt ra yêu cầu cao về thể lực, sự dẻo dai; kỹ năng thao tác nhanh, chuẩn xác. Để thực hiện hiệp đồng thuần thục giữa các khẩu đội, các số và thời gian đúng quy định, yêu cầu quá trình huấn luyện trước đó phải hết sức công phu, cụ thể, tỉ mỉ. Bởi thực hiện nhiệm vụ cơ động cấp đại đội, tiểu đoàn, số lượng phương tiện, trang bị, vật chất rất lớn, cồng kềnh, trong khi đó một số xe pháo thế hệ cũ; cơ động dịch chuyển thường diễn ra vào ban đêm, nhiều địa hình lạ; cường độ làm việc của bộ đội rất lớn... Nhờ triển khai nhiều biện pháp phù hợp, hiệu quả, đã giúp trình độ, năng lực tổ chức chỉ huy, tác chiến của chỉ huy cũng như khả năng cơ động, hiệp đồng chiến đấu của các đơn vị thuộc BCPB được nâng lên rõ rệt.

Huấn luyện kéo pháo vào trận địa ở Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 45 (Binh chủng Pháo binh).
Theo Thượng tá Trần Đình Mạnh, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 45: Để nâng cao chất lượng huấn luyện cơ động, lữ đoàn đã đẩy mạnh thực hiện 3 khâu đột phá, trong đó chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện. Tổ chức huấn luyện phân đoạn để các khẩu đội, trung đội thuần thục các bước cơ động, sau đó hợp luyện cơ động chiến đấu từ đại đội đến tiểu đoàn. Đặc biệt, tăng cường huấn luyện thể lực, nâng cao sức dẻo dai, bền bỉ cho bộ đội, như: Luyện tập hành quân dã ngoại, hành quân mang vác nặng; luyện tập cơ động di chuyển, dịch chuyển pháo trên các loại địa hình, huấn luyện triển khai, thu hồi pháo trong điều kiện đêm tối, thời tiết phức tạp; huấn luyện vượt sông...
Nói về biện pháp huấn luyện nâng cao sức cơ động của bộ đội pháo binh, tên lửa, Thượng tá Lê Xuân Tuynh, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 490, cho rằng: “Đối với Lữ đoàn 490, chúng tôi xác định, trước hết người chỉ huy phải có trình độ, kiến thức cơ bản, có khả năng tư duy độc lập, sáng tạo, linh hoạt. Trong huấn luyện phân đội, tiến hành huấn luyện đồng bộ các bộ phận kế toán, đo đạc, đội phóng, dẫn hướng... Chú trọng rèn luyện kỹ năng sử dụng thành thạo vũ khí, trang bị, khí tài chiến đấu cả trong biên chế và khi được tăng cường khí tài mới. Trong diễn tập, chúng tôi tập trung rèn luyện, nâng cao khả năng cơ động dã ngoại của bộ đội ở điều kiện thời tiết phức tạp; xây dựng các tình huống diễn tập phù hợp với phương án tác chiến của binh chủng hợp thành trong từng hình thức chiến thuật, loại hình chiến dịch, chiến lược ở các quy mô, hình thức khác nhau, sát với thực tế chiến đấu”.
Để bảo đảm sức cơ động nhanh, an toàn thì vai trò của đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật là rất quan trọng. Đại tá Phạm Hồng Sinh, Chủ nhiệm Kỹ thuật BCPB cho biết: Bên cạnh kiện toàn đủ số lượng lái xe, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, hằng năm, ở cấp binh chủng và lữ đoàn đều tổ chức bổ túc tay lái cho 100% lái xe; thực hiện luân chuyển lực lượng lái xe huấn luyện và xe thường xuyên. Các lái xe luân phiên tham gia thực hiện nhiệm vụ cơ động huấn luyện dã ngoại, diễn tập có thực binh, bắn đạn thật; duy trì vững chắc chế độ huấn luyện tại chức và bồi dưỡng kiểm tra trình độ kỹ năng nghề cho nhân viên kỹ thuật. Những năm qua, dù cơ động phương tiện, khí tài rất lớn với hàng trăm nghìn ki-lô-mét nhưng binh chủng luôn bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Trong tác chiến, cơ động lực lượng là cơ sở để tạo lập thế trận và là biện pháp để bảo toàn lực lượng, nên công tác huấn luyện nâng cao sức cơ động phải chú trọng các bài tập từ khẩu đội đến lữ đoàn, trên nhiều dạng địa hình, cả ban ngày và ban đêm, sát với nhiệm vụ chiến đấu theo các phương án. Binh chủng đã chú ý truyền thụ, phát triển những kinh nghiệm về cơ động của bộ đội pháo binh trong các cuộc kháng chiến, nhất là chỉ huy, hiệp đồng cơ động phù hợp với đặc thù của đơn vị pháo chiến dịch.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Phong, Tư lệnh BCPB, khẳng định: “Hằng năm, các đơn vị trong binh chủng tổ chức diễn tập ở các cấp; chú trọng diễn tập thực binh có bắn đạn thật, diễn tập vòng tổng hợp cấp đại đội, tiểu đoàn pháo binh, tham gia diễn tập tác chiến hiệp đồng quân binh chủng có bắn đạn thật với các đơn vị trong toàn quân. Trong đó, nội dung thực hành cơ động lực lượng được BCPB hết sức coi trọng, chỉ đạo tăng dần mức độ khó, sát với thực tế chiến đấu. Năm 2020, binh chủng tổ chức bắn đạn thật cho các đơn vị hỏa lực, kết quả đạt giỏi, bảo đảm an toàn tuyệt đối”.