Những người 'thổi hồn' cho các trạm y tế xã
Sự tận tâm, tận lực của các cán bộ y tế cơ sở với tinh thần trách nhiệm và tình thương yêu đối với người dân là biểu hiện cao cả của hình ảnh 'Lương y như từ mẫu.'
Ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam, từ các bản làng, thôn quê, hình ảnh những chiến sỹ áo trắng băng rừng, vượt suối, không ngại khó, ngại khổ đã góp phần lan tỏa hy vọng và tăng niềm tin yêu của người dân với ngành y.
Sự tận tâm, tận lực của các cán bộ y tế cơ sở với tinh thần trách nhiệm và tình thương yêu đối với người dân là biểu hiện cao cả của hình ảnh "Lương y như từ mẫu."
Sau đại dịch COVID-19 và “thảm họa” do lũ lụt xảy ra vừa qua, chúng ta càng thấy được vai trò của y tế cơ sở và y tế dự phòng trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, trong phòng chống dịch.
Những “chiêu” của trạm trưởng y tế vùng nước mặn Bạc Liêu
Lần mở chiếc máy tính, các file tài liệu được sắp xếp khoa học, bác sỹ Phạm Thị Bích Thu - Trưởng Trạm Y tế xã Vĩnh Hậu A (huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) mở phần danh sách quản lý 1.000 người bệnh tăng huyết áp, 600 bệnh nhân tiểu đường. Đây là một con số quản lý các bệnh nhân có bệnh không lây nhiễm mà không phải trạm y tế nào cũng làm được như vậy.
Chị Thu bảo để có được danh sách các bệnh nhân một cách quy củ là công sức của tất cả các nhân viên y tế của Trạm không ngừng trong thời gian qua đi khám, tầm soát và vận động người dân khám sức khỏe để phát hiện bệnh đưa vào diện theo dõi thường xuyên.
Theo lời bác sỹ Thu, đối với những người cao tuổi và người khuyết tật đi lại khó khăn, trạm bố trí nhân lực và trực tiếp bác sỹ tới tận nhà để kiểm tra sức khỏe cho họ hoặc đưa họ ra châm cứu tại xã khi có nhu cầu. Bác sỹ Thu chia các nhân viên y tế phụ trách các ấp; hàng năm Trạm y tế lên kế hoạch để tới các ấp ở vùng xa trung tâm cách từ 5-6km như ấp Giồng Tra nhằm tuyên truyền và tổ chức 2-3 đợt khám sàng lọc/năm để phát hiện sớm bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính để đưa vào diện quản lý sớm. Khi bệnh nhân tới trạm y tế xã khám sẽ được nhân viên y tế tư vấn tận tình về cách dùng thuốc và cách để phòng tránh bệnh tăng nặng lên.
Làm sao để người dân tin tưởng đến khám nhiều, khi bệnh nhân đến khám đông sẽ có nguồn thu, có thể chi những khoản để tăng thêm thu nhập cho nhân viên tại trạm y tế, đảm bảo cuộc sống cho nhân viên y tế họ sẽ gắn bó lâu dài chính là phương châm mà bác sỹ Thu luôn đau đáu trong mình và vận dụng những kiến thức, kỹ năng mà mình có được để tạo nên một sức bật mới cho Trạm Y tế xã Vĩnh Hậu A.
Việc nâng cao năng lực chuyên môn để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân để người dân tin tưởng đội ngũ y bác sỹ của trạm và đến khám thường xuyên sẽ là động lực và tạo nên nguồn thu để trạm y tế hoạt động bền vững.
Bác sỹ Phạm Thị Bích Thu
“Với tôi, khi trạm tế đã được đầu tư nâng cấp khang trang và sạch đẹp, việc nâng cao năng lực chuyên môn để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân để người dân tin tưởng đội ngũ y bác sỹ của trạm và đến khám thường xuyên sẽ là động lực và tạo nên nguồn thu để trạm y tế hoạt động bền vững,” bác sỹ Thu bày tỏ.
Vĩnh Hậu A là một xã thuộc vùng ven biển, xã được chia thành 6 ấp: 12, 15, 16, 17, Cây Gừa, Giồng Tra. Trạm Y tế xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, được xây dựng theo thiết kế 2 tầng, gồm 16 phòng và các hạng mục phụ trợ, được bàn giao sau khi xây mới hoàn toàn và đưa vào hoạt động từ cuối tháng 1/2024.
Về làm Trưởng Trạm Y tế xã Vĩnh Hậu A hơn 1 năm nay, bác sỹ Thu bảo Trạm luôn đảm bảo trực 24/24 giờ mỗi ngày để đón tiếp người bệnh đến thăm khám và tổ chức sơ cấp cứu, chuyển bệnh nhân nặng lên tuyến trên. 8 cán bộ nhân viên y tế, bao gồm cả nhân viên hợp đồng khám khoảng 600 bệnh nhân/tháng. Xã có hơn 9.000 người dân, tham gia bảo hiểm y tế đầy đủ, chiếm gần 90%. Các bác sỹ tại Trạm Y tế đang quản lý được 70-80% bệnh nhân tăng huyết áp và tiểu đường với gần 1.000 bệnh nhân tăng huyết áp, 600 bệnh nhân tiểu đường. Mỗi năm tại trạm khám sản, theo dõi sức khỏe cho khoảng 70-80 thai phụ (trên 95% người dân khám thai tại đây).
Nhờ sự quan tâm và hỗ trợ tận tình từ phía cán bộ y tế và chính quyền địa phương, Trạm Y tế xã Vĩnh Hậu A đã hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu cơ bản về chăm sóc sức khỏe của người dân. Trạm có 2 bác sỹ, trong đó có 1 bác sỹ đông nên đẩy mạnh nhiều dịch vụ của lĩnh vực đông y như, xoa bóp bấm huyệt, chiếu đèn điều trị đông y.
Cùng với việc hoàn thành tốt kế hoạch khám bệnh ban đầu cho người dân, trạm y tế xã còn duy trì hoạt động phòng, chống dịch, tổ chức tiêm chủng mở rộng, thực hiện chương trình dân số-kế hoạch hóa gia đình, vệ sinh môi trường, y tế học đường; phối hợp với tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đi từng ngõ, gõ từng nhà để chăm sóc sức khỏe người dân
Tại Trạm y tế xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) vào ngày triển khai tiêm chủng cho trẻ em có rất đông bệnh nhân tới khám bệnh. Bác sỹ Hoàng Ngọc Đức - Trưởng Trạm y tế xã Cam Tuyền khi thì khám sàng lọc sức khỏe cho trẻ em trước khi tiêm chủng, khi thì khám bệnh cho người bệnh tăng huyết áp đến khám.
Trạm y tế xã Cam Tuyền được xây mới với nguồn kinh phí từ Dự án đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở sử dụng nguồn vốn vay và viện trợ không hoàn lại của Ngân hàng Thế giới và khánh thành vào năm 2022. Trạm y tế trên tổng diện tích 1.500m2, khu nhà chính 2 tầng rộng rãi, 13 phòng khang trang, có các phòng chức năng phục vụ cho khám bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu, tiêm chủng mở rộng, truyền thông giáo dục sức khỏe... còn lại là các phòng làm việc của nhân viên y tế. Từ khi được xây mới hoàn toàn, trạm đã được mua sắm, trang bị thêm máy điện tim, đo đường huyết, máy đo lưu lượng định - đo chức năng hô hấp, máy bắt nhịp tim thai... nên công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân được thuận lợi hơn rất nhiều.
Trạm y tế cũng được đầu tư phát triển về mọi mặt cả cơ sở vật chất và trình độ chuyên môn. Trạm có 6 nhân viên y tế, có bác sỹ, nữ hộ sinh, điều dưỡng, dược sĩ trung học phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, tiêm chủng mở rộng cho hơn 5.000 hộ dân trên địa bàn. Trạm y tế theo dõi và quản lý 487 người bệnh tăng huyết áp. Trước đây trung bình có 7-10 người dân đến thăm khám tại trạm mỗi ngày, hiện nay đã tăng lên 15-17 người đến thăm khám mỗi ngày khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, khám dự phòng nhiều bệnh.
Bác sỹ Đức cho hay trước kia bệnh lý thông thường chưa xử lý được phải chuyển lên tuyến trên. Trạm y tế ở vị trí cũ đã xuống cấp nên người dân đến khám ít, từ khi khánh thành và đưa trạm y tế mới vào hoạt động, số lượng người đến khám tăng khoảng 60% so với trước.
Theo bác sỹ Đức, nhờ có cơ sở mới, trang thiết bị mới được đầu tư, cán bộ y tế được tập huấn bài bản, các y bác sỹ của Trạm y tế xã xã Cam Tuyền đã thực hiện được nhiều kỹ thuật hơn như: cấp cứu ban đầu, sốc phản vệ, các bệnh về hô hấp, sốt cao, co giật, viêm phế quản và các thủ thuật tiểu phẫu. Nhờ trạm y tế mới người dân đến thăm khám có quạt mát, ghế ngồi tại khu vực chờ khám; các phòng khám, phòng theo dõi sau tiêm chủng, phòng lưu bệnh trong ngày đều rộng rãi… cùng đó y bác sỹ làm việc cũng đỡ vất vả hơn, không còn chật chội như trạm cũ nên sẽ yên tâm gắn bó lâu dài.
Nhờ trạm y tế mới người dân đến thăm khám có quạt mát, ghế ngồi tại khu vực chờ khám; các phòng khám, phòng theo dõi sau tiêm chủng, phòng lưu bệnh trong ngày đều rộng rãi…
Bác sỹ Đức cho hay việc nâng cao chất lượng, phát huy vai trò các trạm y tế tuyến xã là yếu tố quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh, giúp phát hiện bệnh sớm, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Phụ trách y tế tại xã vùng núi còn rất nhiều khó khăn của tỉnh Lai Châu, y sỹ Đào Hồng Nhật - Trưởng trạm y tế xã Mù Sang (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) cho biết trạm có 7 cán bộ y tế, trong đó có 1 bác sỹ là những người đều đã gắn bó nhiều năm và đầy tâm huyết với y tế cơ sở. Mù Sang có 10 bản, bản xa nhất cách trạm y tế xã khoảng 15km. Vì khoảng cách giữa các bản rất xa, nên ngoài nhân lực y tế của trạm, Mù Sang có thêm 2 cô đỡ thôn bản, cùng đó tại 10 bản đều có nhân viên y tế thôn bản. Đây là những lực lượng được ví như “cánh tay nối dài” để công tác y tế cơ sở được thông suốt và hiệu quả hơn.
Y sỹ Đào Hồng Nhật cho biết tỷ lệ tiêm chủng mở rộng trên địa bàn khá cao, trong thời gian qua khi được cung ứng vaccine tiêm chủng mở rộng, cán bộ của trạm và nhân viên y tế thôn bản đã ‘đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng’ để mời, nhắc bà con đưa trẻ trong độ tuổi đến tiêm nhắc, tiêm bổ sung…
Làm cô đỡ thôn bản ở xã Mù Sang đã gần 13 năm, chị Tần Thị Út (huyện Phong Thổ, Lai Châu) chia sẻ, chị và đồng nghiệp là chị Tần Xa Nhị ở cùng xã, vừa làm nông nghiệp, vừa làm công việc cô đỡ thôn bản được gần 10 năm. Có những hôm nửa đêm, qua điện thoại gia đình gọi thai phụ gặp vấn đề về sức khỏe, họ phải nhờ chồng đèo đến bản, rồi trưởng bản hoặc gia đình ra đón đưa vào nhà vì đường đi khó khăn và đêm tối. Cũng có nhiều lần các cô đỡ phải đi bộ đến nhà thai phụ vì gia đình chỉ có một chiếc xe máy phải để chồng đi làm.
Chị Tần Xa Nhị cho hay thông qua việc được tham dự các lớp tập huấn cho cô đỡ thôn bản tổ chức ở huyện và tại thành phố Lai Châu trong khuôn khổ các chương trình, dự án của ngành y tế và của các dự án, chị và các đồng nghiệp ở Lai Châu được nâng cao trình độ bản thân, có đủ năng lực cung cấp các dịch vụ sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục cho các cộng đồng chưa được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ này.
Cần ưu tiên nhân lực cho y tế cơ sở
Trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, y tế cơ sở luôn giữ vai trò, vị trí là tuyến y tế trực tiếp, gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân luôn được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp.
Nghị quyết số 99/2023/QH15, ngày 24/6/2023 của Quốc hội đã đánh giá, 100% quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương có trung tâm y tế; 99% xã, phường, thị trấn có trạm y tế; 97% trạm y tế xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020. Nhân lực y tế cơ sở từng bước được củng cố, 92% trạm y tế xã có bác sỹ làm việc; 78,9% trạm y tế xã có bác sỹ làm việc cơ hữu; số lượng nhân lực y tế có trình độ cao ngày càng tăng. Cơ sở vật chất, thiết bị được quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tiến với gần 80% trạm y tế xã được đầu tư kiên cố. Khả năng và chất lượng cung ứng dịch vụ y tế tại y tế cơ sở ngày càng được nâng lên, cơ bản thực hiện được chức năng, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là các khu vực biên giới hải đảo.
Hiện nay, trên 80% người dân có thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở y tế tuyến xã và huyện.
Tỷ lệ người dân khám chữa bệnh tại bệnh viện huyện và xã chiếm tỷ lệ cao trong tổng số lượt bệnh nhân khám chữa bệnh ở tất cả các tuyến (trên 70%).
Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước có gần 13.000 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (gồm khoảng hơn 2.000 cơ sở khám chữa bệnh và hơn 11.400 trạm y tế xã). Hệ thống khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được tổ chức từ trung ương đến địa phương, gồm cả các cơ sở công lập và ngoài công lập đã giúp người dân thuận lợi trong tiếp cận, sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh. Số lượt người có thẻ bảo hiểm y tế đi khám chữa bệnh tăng qua từng năm. Trong 15 năm đã có trên 2.120 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Năm 2023 có trên 174 triệu lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Y tế cơ sở (gồm tuyến huyện và tuyến xã) chiếm 95% số cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Giai đoạn 2018-2023, số lượt khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở chiếm khoảng gần 75% trong tổng số lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; số chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến này chiếm khoảng 34% tổng số chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Qua đó cho thấy vai trò quan trọng của y tế cơ sở trong việc khám chữa bệnh cho người tham gia bảo hiểm y tế ở tuyến đầu, góp phần nâng cao hiệu quả cung ứng dịch vụ y tế.
Hiện nay, số lượng nhân lực y tế tuyến cơ sở là trên 187.000 người, chiếm 40% tổng số nhân lực y tế của cả nước, trong đó nhân lực tuyến huyện là 115.000 người, tuyến xã là 72.000 người.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ, so với thời điểm Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW, cùng với sự thay đổi và phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, nhu cầu chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ngày càng cao và đa dạng, hệ thống y tế đang phải đối mặt với nhiều thách thức như già hóa dân số nhanh, thay đổi mô hình bệnh tật với sự gia tăng bệnh không lây nhiễm và diễn biến khó lường của một số dịch bệnh mới... Chính vì vậy, khi y tế cơ sở làm tốt vai trò sẽ phát hiện và đưa vào diện quản lý nhiều người bệnh ở giai đoạn sớm, hạn chế tình trạng bệnh nặng.
Để tạo bước chuyển biến đột phá và toàn diện về y tế cơ sở cần có cơ chế chính sách đầu tư đồng bộ về cả nhân lực và vật lực. Chỉ khi y tế cơ sở được quan tâm đầu tư thỏa đáng, thì sứ mệnh của y tế cơ sở trong thực hiện chức năng dự phòng và điều trị ban đầu cho người dân mới được phát huy một cách tối đa, trở thành giải pháp hữu hiệu để khắc phục vấn đề nan giải lâu nay là tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến trên, giúp mọi người được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng./.