Bài 2: Miền Tây đang thiếu cơ hội nội sinh kinh tế
Thực trạng 'Chảy máu' lao động tại vùng ĐBSCL đã tạo ra những 'khoảng trống lòng người', bên cạnh đó làm những làng quê trở lên đìu hiu. Thực trạng, hệ lụy và đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng di dân ở ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng?
Mang theo câu chuyện đầy cảm xúc “khiếm khuyết tình thương” của gia đình bà Nguyễn Ngọc Rỡ, chị Naeng Sóc Ray như đã đề cập trong phần đầu loạt bài ĐBSCL “chảy máu”’ lao động, đau đáu với ước mơ làng quê đáng sống, chúng tôi tiếp tục thực tế về vùng nông thôn tỉnh Sóc Trăng để tìm hiểu thêm về tình trạng lao động “tha hương cầu thực”. Ông Tô An Lương (ấp Đào Viên, xã Viên Bình, huyện Trần Đề) ban đầu trao đổi với vẻ mặt đầy niềm nở nhưng chẳng được bao lâu thì những giọt nước mắt lại trào ra khi nhắc đến các con, cháu mình.
Làng quê chỉ toàn người già, trẻ nhỏ
Vợ chồng ông Tô An Lương đều 74 tuổi, mặc dù có 8 người con nhưng hiện ở quê chỉ có hai ông bà. Bà Phan Thị Bảy, vợ ông bệnh nặng, chân tay bị teo cơ và chỉ có thể đi lại bằng đôi chân của chồng. Bà Bảy bị đãng trí, chẳng đợi chúng tôi hỏi tới, bà thích gì nói nấy. Những lời nói không đầu không đuôi, không đi vào mạch câu chuyện đang diễn ra nhưng lại toát lên nỗi nhớ con, nhớ cháu… đến da diết. Nỗi nhớ đó, không chỉ được thể hiện bằng sự sốt sắng chen ngang câu chuyện mà còn hiện rõ bằng chính những giọt nước mắt lăn dài trên má bà.
Ông Tô An Lương cũng nghẹn ngào, mắt đẫm lệ khi nói về việc các con phải đi làm xa: “Gia đình tôi chỉ có dịp 3 ngày Tết là đông đủ, vui lắm. Người già thì mong ở gần con cái nhưng cũng phải biết suy nghĩ. Tức là gia đình khó khăn, ít đất nên con phải đi làm xa. Ở trong điều kiện của tôi mà con cái ở lại quê thì biết làm gì, còn khó khăn hơn. Nhớ con thì rất nhớ nhưng cũng phải chấp nhận thôi”.
Gần nhà ông Tô An Lương, vợ chồng ông Liêu Thương đang nuôi 5 đứa cháu nhỏ để vợ chồng 4 người con đi làm ở Bình Dương. Đứa cháu lớn tên Liêu Phước Bảo năm nay 10 tuổi nhưng đang học lớp 1. Khi Phước Bảo đến tuổi đi học, cha mẹ tối ngày lo lao động, kiếm tiền, chưa lo chữ cho em. Nhà không đất sản xuất, trước dịch Covid-19, vợ chồng ông Liêu Thương cũng đi làm cùng các con, nay ông không đi nữa.
“Tôi cũng muốn đi làm nhưng đi nữa cháu mình ngu luôn, không biết học, không biết chữ. Ráng cho nó đi học chứ không nó mù chữ như tôi, cha mẹ tụi nó cũng không biết chữ. Cực thì cực rồi nhưng thương cháu, đâu có bỏ tụi nó được. Ai thuê gì tôi làm lấy, gáng làm mà lo cho tụi nhỏ”, ông Thương nói.
Tuyến kênh Nông Trường của ấp Đào Viên dài khoảng 2,5 km, có 134 hộ dân sinh sống. Ngoài hộ ông Lương, ông Thương nhà chỉ còn người già và trẻ nhỏ thì rất nhiều hộ khác cũng trong trường hợp tương tự; cách khoảng lại có căn nhà bỏ hoang vì cả hộ đã rời quê đi làm xa. Thống kê của UBND xã Viên Bình, có đến 175 hộ gia đình trong tổng 2.053 hộ dân đi làm ngoài tỉnh. Trong hơn 4.100 người trong độ tuổi lao động thì có đến hơn 3.100 người đi làm xa. “Do đặc thù, xã Viên Bình chủ yếu là nông nghiệp, trồng lúa. Trên địa bàn có 3 doanh nghiệp, giải quyết được hơn 30 lao động. Trong lúc nhàn rỗi thì người dân đi các tỉnh bạn làm, tới mùa lúa bà con về. Còn với những hộ ít ruộng, người ta cho thuê rồi đi các tỉnh làm có thu nhập ổn định hơn”, ông Lê Văn Hộ, Phó Chủ tịch UBND xã Viên Bình cho biết.
Tại sao người lao động phải “tha hương”?
Huyện Trần Đề đang có hơn 25.700 trong tổng số hơn 68.500 dân số trong độ tuổi lao động đi làm ngoài tỉnh. Còn cả tỉnh Sóc Trăng có 163.000 trên tổng số 637.000 người lao động, đang làm việc cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh, chủ yếu ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM và Long An.
Ông Hoàng Vũ, Trưởng phòng Việc làm – Tiền lương và An toàn Lao động, Sở Lao động – Thương binh & Xã hội Sóc Trăng cho biết, thực trạng di dân gây thiếu hụt lao động cục bộ tại địa phương, nhất là thời điểm thu hoạch vụ mùa sản xuất nông nghiệp. Do tỉnh Sóc Trăng chỉ có duy nhất 1 Khu Công nghiệp An Nghiệp hoạt động, giải quyết được khoảng 18.000 lao động. Trong khi, còn phải chờ được đầu tư cảng nước sâu Trần Đề và đường cao tốc hoàn thành để “đón luồng gió đầu tư mới” thì giải quyết việc làm mới được nhiều hơn.
“Số doanh nghiệp trên địa bàn không nhiều, quy mô không lớn, sử dụng lao động ít. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngoài tỉnh người ta áp dụng tiền lương tối thiếu của vùng, đa số là vùng I. Mức tiền lương, thu nhập của người lao động cao hơn so với Sóc Trăng đang tính ở vùng III và vùng IV, lương thấp hơn rất nhiều. Rất khó để giữ chân lao động tại địa phương”, ông Vũ cho biết thêm.
Sóc Trăng có khoảng 70% người trong độ tuổi lao động ở khu vực nông thôn. Thực tế, địa phương nào, khu vực nào càng xa trung tâm, đông đồng bào dân tộc, có tỷ lệ hộ nghèo cao và chậm phát triển công nghiệp, thì càng có tỷ lệ di dân càng cao. Ở tỉnh An Giang với hơn 65% số người trong độ tuổi lao động ở khu vực nông thôn cũng xảy ra tình trạng tương tự. Địa phương này có 3 khu công nghiệp đang hoạt động, tỷ lệ doanh nghiệp vào không cao. Huyện biên giới Tri Tôn nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer, cũng nghèo nhất của tỉnh An Giang không có khu công nghiệp nào hoạt động, có đến hơn 40.400 trên tổng số khoảng 74.500 người trong độ tuổi lao động di dân, đứng đầu tỉnh An Giang.
“Tôi nghĩ di dân cũng phù hợp với quy luật thôi. Thứ nhất là chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, từ thủ công sang công nghệ, máy móc nên lao động dôi dư ra, rồi đi tìm kiếm việc làm. Thứ 2, từ lâu tỉnh đã kêu gọi các danh nghiệp về nhưng doanh nghiệp về chưa nhiều so với nhu cầu lao động của An Giang. Trong khi, doanh nghiệp thu hút lao động cũng không được nhiều; còn cơ hội việc làm ở đô thị, thành phố lớn nhiều thì họ đến dể tìm kiếm cơ hội việc làm, thu nhập tốt hơn”, ông Châu Văn Ly, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH An Giang nêu nguyên nhân di dân ở địa phương.
ĐBSCL đang đi trước về sau
Trong Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2023 do VCCI công bố, số doanh nghiệp vùng ĐBSCL năm 2021 là gần 45.800, chỉ bằng 8% của cả nước; Trong khi dân số của vùng là 17,3 triệu, chiếm 18% số dân cả nước; Tỷ lệ doanh nghiệp trên 1.000 dân của vùng ĐBSCL cũng chỉ bằng 40% bình quân cả nước.
Kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2021 của Tổng Cục thống kê thể hiện, An Giang có hơn 3.900 doanh nghiệp, chỉ giải quyết được hơn 68.000 việc làm; Sóc Trăng có hơn 2.300 doanh nghiệp, cũng chỉ có gần 43.000 lao động làm việc. Trong khi Long An - điểm sáng phát triển công nghiệp trong vùng có gần 8.000 doanh nghiệp, giải quyết được 338.000 việc làm. Qua đó đã thể hiện rõ địa phương nào thu hút đầu tư kém, có ít doanh nghiệp, phát triển kinh tế chậm, tỷ lệ di dân sẽ cao. Thực tế, Long An và TP.Cần Thơ là những địa phương phát triển công nghiệp, dịch vụ đứng đầu vùng ĐBSCL và cũng là những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo và di dân thấp nhất trong vùng.
TS. Vũ Thành Tự Anh, Trưởng nhóm nghiên cứu báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2023 cho biết, quy luật khách quan là lao động sẽ đi đến nơi có nhiều cơ hội việc làm nhất. Còn thực tế ở ĐBSCL, tỷ lệ di dân cao nhưng người ở lại vẫn thiếu việc làm và tỷ lệ thất nghiệp của vùng cao hơn mặt bằng chung của cả nước, điều đó rất bất thường. “ĐBSCL đang kém phát triển vì nhiều lý do, đứng ở góc độ kinh tế thì lý do quan trọng nhất là do thiếu đầu tư và thiếu doanh nghiệp. Chúng ta đang thiếu cơ hội nội sinh kinh tế, làm cho giới trẻ đi tìm cơ hội ở chỗ khác. Đây là vấn đề rất quan trọng không chỉ về mặt phát triển kinh tế, mà còn là vấn đề an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo”, ông Tự Anh phân tích.
Vào thập niên 90, GDP của vùng ĐBSCL chiếm tới 27% toàn quốc; cách đây 2 thập niên GDP của vùng giảm xuống 16% và hiện chỉ còn chiếm 12% cả nước. Xét trên tổng thể phát triển Quốc gia, sự đóng góp kinh tế của ĐBSCL đang đi lùi thì các vùng khác, các địa phương khác sẽ tiến lên để đóng góp nhiều hơn vào kinh tế đất nước đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Rõ ràng “ĐBSCL đang đi trước về sau”.
Một vùng đồng bằng rộng lớn, trù phú như ĐBSCL thực tế lại đang diễn ra thực trạng suy giảm, kém giữ chân được lao động, thiếu doanh nghiệp, chậm phát triển trong thời gian dài. Vấn đề di dân cần được giải quyết và chúng tôi sẽ nêu những giải pháp trong bài cuối của loạt bài: “ĐBSCL “chảy máu”’ lao động, đau đáu với ước mơ làng quê đáng sống”.