Bài 2: Mạng 'ảo' nhưng vi phạm 'thật'
Tại Việt Nam, mạng xã hội thu hút hàng chục triệu người dùng và ngày càng không thể thiếu trong đời sống xã hội. Từng bước nhận diện những thông tin có nội dung xấu độc, vi phạm các quy định pháp luật, cơ quan chức năng đang dần kiểm soát, quản lý môi trường 'ảo' này một cách hiệu quả.
Nhận diện tin giả “ăn theo” sự kiện thật
Tin giả thường xuất hiện khi có các vấn đề nóng, nhạy cảm diễn ra trong đời sống thật. Khi đó, mạng xã hội trở thành một công cụ cho việc tán phát tin giả, tin sai sự thật với tốc độ chóng mặt và gây ra hậu quả, trong nhiều trường hợp là rất lớn.
Điển hình, khi dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát cũng là thời điểm bùng phát nạn tin giả trên mạng xã hội. Chỉ tính riêng năm 2020, cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính hơn 1.000 trường hợp đăng tải thông tin không chính xác về dịch Covid-19.
Những ngày vừa qua, khi Hà Nội và các tỉnh phía Bắc hứng chịu siêu bão số 3 kéo theo lũ, lụt với rất nhiều thiệt hại về người và tài sản, hệ thống cơ sở hạ tầng..., cũng là thời điểm mà nạn tin giả bùng phát trở lại trên các nền tảng mạng xã hội. Khi bão còn chưa “đổ bộ” Hà Nội, sáng 7-9-2024, nhiều tài khoản, nhóm kín trên mạng xã hội đã lan truyền “nhận định” Điện lực Hà Nội sẽ cắt điện toàn bộ lúc 19h cùng ngày khiến không ít gia đình lo lắng. Điện lực Hà Nội cũng đã lên tiếng bác bỏ và thực tế thì chỉ những khu vực xảy ra đổ cây, đè vào đường dây điện hoặc ngập nước mới bị cắt điện để bảo đảm an toàn.
Rồi khi bão số 3 tan, hoàn lưu bão gây mưa, lũ khiến mực nước nhiều con sông tại Hà Nội lên cao, cũng là lúc xuất hiện tin giả vỡ đê tại huyện Sóc Sơn, rồi vỡ đê tại huyện Ứng Hòa gây hoang mang dư luận. Cơ quan chức năng thành phố đã nhanh chóng lên tiếng bác bỏ và mới đây, cơ quan công an cũng đã xử phạt hành chính với các đối tượng tung tin giả.
Tương tự, tại các tỉnh bị bão lũ, tin giả liên tiếp xuất hiện, cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương đã xử phạt nhiều trường hợp. Tỉnh Hải Dương phạt hành chính 21 trường hợp tung tin giả về tình hình mưa lũ. Tỉnh Quảng Ninh cũng nhanh chóng xử lý trường hợp đưa tin giả, trong đó có vụ tin đồn vớt được 16 thi thể tại Cẩm Phả, vụ thấy bàn tay người trong bụng cá. Các địa phương khác: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Phú Thọ cũng xử lý nhiều trường hợp tung tin giả về vỡ đê…
Một vấn nạn khác trên mạng xã hội, đó là đưa thông tin sai sự thật nhằm bôi nhọ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, gây những tổn thất vô cùng lớn về danh dự và kinh tế.
Đơn cử, vụ việc gần đây nhất, cuối tháng 7-2024, mạng xã hội lan truyền thông tin 16 nam giới bị lây nhiễm HIV từ một nữ nhân viên nhà máy Samsung Thái Nguyên. Cùng với thông tin này, một video ghi lại hình ảnh nhạy cảm được cho là của nữ nhân viên cũng được chia sẻ, phát tán trên mạng xã hội. Cơ quan công an tỉnh Thái Nguyên vào cuộc điều tra, đã khởi tố 6 cá nhân về việc truyền bá văn hóa phẩm đồ trụy, và đang tiếp tục mở rộng điều tra, có thể số lượng bị can không dừng ở đó. Đáng chú ý, cơ quan y tế đã xác nhận nữ nhân viên kia không nhiễm HIV.
Qua vụ việc này có thể thấy, từ một tin đồn, tin sai sự thật nhưng được các bị can cắt ghép, chia sẻ, tán phát trên mạng xã hội, đã không chỉ gây tổn hại nghiêm trọng đến danh dự, uy tín của người, pháp nhân có liên quan, mà còn gây hoang mang dư luận, những phản ứng tiêu cực. Qua đó, cũng có thể thấy, không ít người dân còn thiếu hiểu biết pháp luật, không ý thức về hành vi chia sẻ thông tin, hình ảnh, clip là vi phạm pháp luật.
Ngược trở lại đầu năm, một tiktoker có bài viết đăng tải trên mạng xã hội, tố bị chủ một quán phở tại Hà Nội đuổi vì ngồi xe lăn, nhưng đó là thông tin sai sự thật, cố tình đưa nội dung "bẩn" để câu view, câu like. Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 5 triệu đồng với tiktoker. Đáng chú ý, trước đó, tiktoker này đã phải gỡ status, đến cửa hàng xin lỗi chủ quán phở, lên bài viết trên tài khoản cá nhân để xin lỗi cộng đồng về hành vi của mình…
Gia tăng các nhóm hành vi vi phạm
Nhận định về các hành vi vi phạm trên không gian mạng, các nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý cho rằng, việc phát tán tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội liên tiếp xảy ra và có chiều hướng gia tăng.
Nhiều nội dung tin tức, hình ảnh, video có nội dung sai sự thật, nhảm nhí, giật gân được đăng tải trên mạng xã hội. Thậm chí, có không ít đối tượng tìm mọi cách để được nổi tiếng trên mạng xã hội, kể cả việc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, sản xuất các nội dung phản cảm, thiếu tính giáo dục, giả mạo thông tin, kích động bạo lực, bôi nhọ, nói xấu chính quyền, tổ chức, cá nhân... Có những đối tượng vì động cơ vụ lợi kinh tế đã tạo dựng tin giả, tin sai sự thật, tán phát trên mạng xã hội, thu hút tương tác để bán hàng, nhận tiền ủng hộ…
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng nhiều địa phương trên cả nước đã, đang thực hiện các giải pháp mạnh mẽ nhằm xử lý các đối tượng phát tán tin giả, lan truyền tin đồn thất thiệt, bảo đảm môi trường mạng an toàn, trong sạch.
Đó là, cơ quan quản lý đã thành lập Trung tâm xử lý tin giả - chuyên tiếp nhận và xử lý các thông tin sai lệch. Không chỉ ở cấp bộ, ngành trung ương, hiện đã có 9 địa phương trên cả nước thành lập bộ phận chuyên trách xử lý tin giả. Thời gian qua, bộ phận này đã góp phần quan trọng vào việc phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương để đưa ra cảnh báo và bác bỏ các thông tin thất thiệt, trấn an dư luận.
Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã phối hợp với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, TikTok để ngăn chặn và gỡ bỏ các thông tin sai lệch (trong đợt bão lũ vừa qua, Facebook đã gỡ bỏ 36 tin, bài chứa thông tin sai sự thật liên quan đến bão lũ; TikTok đã chặn 51 tài khoản đăng tải thông tin xuyên tạc về tình hình phòng, chống thiên tai).
Hệ thống website tingia.gov.vn của Trung tâm xử lý tin giả đã tiếp nhận 45 trường hợp tin giả và chuyển sang các cơ quan chức năng để xử lý, điều tra.
Lãnh đạo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng khuyến nghị, người dân cần cảnh giác, tìm hiểu thông tin qua báo chí chính thống hoặc qua chính quyền địa phương. Đồng thời, người dân cần nâng cao cảnh giác bởi có thể vô tình trở thành người phát tán tin giả, vi phạm pháp luật và sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, với mức phạt hiện nay, phổ biến ở mức 7,5 triệu đồng đối với hành vi vi phạm là chưa đủ sức răn đe. Do vậy, tùy theo tính chất và mức độ cũng như tác động, cơ quan quản lý nhà nước nên mạnh tay xử lý hình sự; áp dụng phạt tiền thật nặng những trường hợp vi phạm.
Một vấn đề nữa cũng được các chuyên gia khuyến cáo là thực trạng lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng Việt Nam. Thời gian qua, đối tượng lừa đảo thường tiếp cận các nạn nhân qua gọi điện, nhắn tin, mạng xã hội, nền tảng OTT; sử dụng các phương thức dẫn dụ truy cập vào đường dẫn các trang web, fanpage giả mạo nhằm đánh cắp thông tin của người dân, dụ dỗ cài đặt các ứng dụng độc hại để thao túng, kiểm soát điện thoại của nạn nhân, từ đó chiếm đoạt tài sản.
Theo ông Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), Cục An toàn thông tin đã phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị triển khai nhiều giải pháp để phòng, chống lừa đảo trực tuyến. Trong đó, mục tiêu cần đạt được là nâng cao nhận thức cho người dân, xây dựng môi trường lành mạnh, an toàn trên không gian mạng, ngăn chặn lừa đảo từ khi manh nha, đồng thời, giảm thiểu tác động của lừa đảo đến người dân…