BÀI 2: Loại trừ 'giặc dốt' tiến đến nâng cao dân trí

Bài 1: Từ xóa đói đến giảm nghèo bền vững

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất xem trọng công tác giáo dục - đào tạo. Người đã chỉ rõ: “Nạn dốt là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta… Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”.

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Bác đề nghị một trong những công việc khẩn cấp lúc bấy giờ là “diệt giặc dốt”, xóa nạn mù chữ. Bác cũng đã chỉ dẫn về “sửa đổi chế độ giáo dục cho phù hợp với hoàn cảnh của nhân dân” như học đi đôi với lao động, lý luận đi đôi với thực hành.

ĐẦU TƯ LỚN CHO GIÁO DỤC

Sau ngày đất nước thống nhất, ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang đã có nhiều nỗ lực trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cho thế hệ sau. Đầu tư cho giáo dục là một trong những lĩnh vực ưu tiên của tỉnh xuyên suốt mấy mươi năm qua.

Việc đầu tư cho giáo dục bắt đầu từ việc cải thiện cơ sở vật chất, trường lớp, tạo điều kiện cho học sinh được học hành trong điều kiện tốt hơn. Những mái trường tre lá tạm bợ, xiêu vẹo ngày nào dần được thay bằng những ngôi trường khang trang, tiện nghi; những lớp học 3 ca không còn nữa. Tính đến cuối năm học 2023 - 2024, mạng lưới trường học trên địa bàn tỉnh phát triển rộng khắp, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu học tập của nhân dân.

Trường lớp được xây dựng khang trang, không còn trường tạm và trên 74% trường học trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn quốc gia (trong ảnh: Trường Tiểu học Tân Lập 1, huyện Tân Phước). Ảnh: ĐỖ PHI

Trường lớp được xây dựng khang trang, không còn trường tạm và trên 74% trường học trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn quốc gia (trong ảnh: Trường Tiểu học Tân Lập 1, huyện Tân Phước). Ảnh: ĐỖ PHI

Trong đó, bậc học mầm non có 188 trường mầm non và 133 cơ sở giáo dục mầm non độc lập, tư thục. Giáo dục phổ thông, có 158 trường tiểu học, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật cấp tỉnh và 1 trường chuyên biệt dạy trẻ khuyết tật; 123 trường trung học cơ sở và 38 trường trung học phổ thông.

Tỉnh còn có Trung tâm Giáo dục thường xuyên cấp tỉnh, 5 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện, 170 trung tâm học tập cộng đồng, 3 trường trung cấp nghề, 2 trường cao đẳng và 1 trường đại học. Toàn tỉnh hiện có hơn 74% trường học đạt chuẩn quốc gia.

Cùng với đầu tư trường lớp, cơ sở vật chất phục vụ dạy và học thì việc đầu tư nguồn nhân lực cho ngành Giáo dục cũng được tỉnh quan tâm. Hiện tại, giáo viên của tỉnh đều có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đội ngũ giáo viên, cán bộ ngành Giáo dục đã không ngừng đổi mới tư duy, đổi mới phương pháp và phong cách làm việc, từ đó góp phần nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục.

DÂN TRÍ NGÀY CÀNG CAO

Sau ngày đất nước giải phóng, Tiền Giang đối mặt với tình trạng mặt bằng dân trí thấp với trên 30% dân mù chữ. Cùng với xây dựng quê hương, hàn gắn vết thương chiến tranh, tỉnh đã nỗ lực đẩy mạnh công tác xóa mù chữ cho người dân. Đến ngày 3-2-1977, Tiền Giang long trọng làm Lễ công bố đã xóa nạn mù chữ cho 132.500 người (đạt tỷ lệ 96,4%).

Tiếp tục đầu tư nhiều giải pháp phát triển giáo dục, năm 1996, tỉnh được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học. Đến tháng 12-2004, tỉnh tiếp tục được công nhận là tỉnh thứ 20 của cả nước đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục đúng độ tuổi.

Phát huy thành tựu đạt được, toàn tỉnh tiếp tục thực hiện nhiệm vụ mục tiêu chống mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; đến tháng 12-2006, tỉnh đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở. Hiện nay, 100% địa phương trong toàn tỉnh Tiền Giang đều đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Chất lượng giáo dục và đào tạo của Tiền Giang không ngừng nâng lên. Ảnh: ĐỖ PHI

Chất lượng giáo dục và đào tạo của Tiền Giang không ngừng nâng lên. Ảnh: ĐỖ PHI

Quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất để học sinh được đến lớp, tỉnh Tiền Giang đã không ngừng lãnh đạo, chỉ đạo ngành Giáo dục tỉnh nhà từng bước đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy theo hướng chuẩn hóa, hiện đại. Từ đó nâng cao chất lượng dạy học, đào tạo nhiều thế hệ có năng lực, chuyên môn giỏi, đạo đức tốt, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và cho đất nước.

Chất lượng giáo dục của tỉnh nhà từng bước được nâng lên, thể hiện qua kết quả xếp loại hạnh kiểm và học lực của học sinh năm sau tốt hơn năm trước và học sinh Tiền Giang liên tục đạt thành tích cao trong các cuộc thi cấp khu vực, toàn quốc và quốc tế.

Trong kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia năm học 2023 - 2024, Tiền Giang đoạt 46 giải và xếp hạng Nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về số lượng học sinh giỏi Quốc gia trung học phổ thông; tỷ lệ Tốt nghiệp trung học phổ thông của tỉnh đạt 99,7%.

Tiếp tục chăm lo sự nghiệp giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang xác định chủ đề năm học 2024 - 2025 là: “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, toàn ngành Giáo dục tập trung 11 nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, ngành thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; tiếp tục thực hiện các thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục; đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng; nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng - an ninh và giáo dục thể chất, y tế trường học; tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành…

MAI HÀ

(còn tiếp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202409/tien-giang-qua-55-nam-thuc-hien-di-chuc-cua-chu-tich-ho-chi-minh-bai-2-loai-tru-giac-dot-tien-den-nang-cao-dan-tri-1020055/
Zalo