Bài 2: Kỳ tích 'Quỹ ngoại tệ đặc biệt' – B29

Con đường tiền tệ huyền thoại mà các cán bộ ngành Ngân hàng lập ra và vận hành có vai trò vô cùng quan trọng đối với công cuộc thống nhất đất nước. Quỹ ngoại tệ đặc biệt - B29 vừa vận dụng những nghiệp vụ ngoại hối phổ thông của ngân hàng, vừa phải kết hợp với các kỹ thuật quân sự, tình báo,. Xuyên suốt những hoạt động đó là ý chí cách mạng, là niềm tin và lòng trung thành tuyệt đối với Tổ quốc.

Lấy cái công khai làm bình phong cho hoạt động bí mật

Ngược dòng lịch sử năm 1965, để công tác hậu cần phục vụ kịp thời cho chiến trường, Bộ Chính trị quyết định thành lập Quỹ Ngoại tệ đặc biệt với phiên hiệu B29, đóng vai trò như một “ngân hàng ngoại hối đặc biệt”, cung ứng cho chiến trường miền nam. B29 được biên chế 14 cán bộ phụ trách. Người trực tiếp điều hành là ông Mai Hữu Ích (Bảy Ích) lúc đó là Phó Cục trưởng Cục Ngoại hối, đồng thời là Ủy viên Ban Viện trợ miền Nam. Để đảm đương trọng trách thực thi nhiệm vụ trong guồng máy hoạt động của Quỹ ngoại tệ đặc biệt, đội ngũ cán bộ cốt cán được lựa chọn đều là những người có năng lực, đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về tài chính-ngân hàng, thông thạo ngoại ngữ, có kinh nghiệm thực tiễn, có khả năng phân tích, tổng hợp. Nhiều đồng chí được đào tạo bài bản từ các nước như: Liên Xô, Trung Quốc, Pháp…

Ông Mai Hữu Ích - người tổ chức con đường AM (chuyển tiền mặt) - Ảnh tư liệu

Ông Mai Hữu Ích - người tổ chức con đường AM (chuyển tiền mặt) - Ảnh tư liệu

Tại miền bắc, B29 đặt tại trụ sở NHNN, tại miền nam, Ban Tài chính đặc biệt trực thuộc Trung ương Cục miền Nam với bí số N2683 là đầu mối tiếp nhận, sau đó tổ chức cất giữ và vận chuyển cho các khu và các tỉnh toàn miền nam để phục vụ kháng chiến.

Quỹ ngoại tệ đặc biệt” được đặt bí danh là B29. Hoạt động của quỹ này có nét đặc biệt đó là “Lấy cái công khai làm bình phong cho cái bí mật, mọi hoạt động của cái bí mật đều lấy danh nghĩa của cái công khai”.

B29 có danh nghĩa của một Cục Ngoại hối (để làm thủ tục khi cần thiết) nhưng với tính chất công việc đặc biệt bí mật, B29 như một “binh đoàn tiền tệ”, theo nguyên tắc của hoạt động tình báo, chịu sự chỉ đạo và báo cáo đơn tuyến với cấp trên.

Nguồn tiền viện trợ từ các nước xã hội chủ nghĩa và bạn bè quốc tế bao gồm nhiều loại như đô la Mỹ, đô la Hồng Kông, franc Pháp, bảng Anh... được B29 tập hợp, sau đó gửi vào tài khoản tại Vietcombank và qua đây gửi tiếp sang các ngân hàng ở Hồng Kông, Pháp và một số ngân hàng quốc tế lớn đáng tin cậy. Việc chuyển đổi tiền được thực hiện chủ yếu tại Hồng Kông dưới sự hỗ trợ về nghiệp vụ của Vietcombank, Bank of China. Khi đã đổi ra đô la Mỹ bằng tiền mặt, B29 chịu trách nhiệm đưa tiền từ Hồng Kông về Hà Nội, đóng gói và lưu trữ tại kho riêng của mình tại ngân hàng Quốc gia, chờ lệnh vận chuyển vào miền Nam theo chỉ đạo của Ban Viện trợ. Với những ý nghĩa lịch sử to lớn đó, những thành viên của Ban B29 phải bí mật hoạt động.

Tiền vận chuyển không thiếu một xu

Nguyên Phó Thống đốc NHNN Lê Văn Châu, nguyên cán bộ Quỹ Ngoại tệ đặc biệt B29 chia sẻ, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị và Trung ương Cục miền Nam mang bí số B29 (Trung ương), C32 (bộ phận kho quỹ của Ban Kinh – Tài thuộc Trung ương Cục) và B6 (Ban tài chính đặc biệt với các phiên hiệu: B68, D270, N2683…) đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hiểm nguy trong bom đạn cũng như sự kiểm soát gắt gao của địch để chi viện cho chiến trường.

Từ những phương thức vận chuyển tiền mặt (AM) hết sức thô sơ, tốn kém, sau đó các cán bộ chiến sĩ ngân hàng đã chuyển đổi sang phương thức chuyển khoản (FM), giúp cho việc vận chuyển tiền từ quỹ đặc biệt ở Hà Nội vào Nam đã rút từ 30 ngày xuống còn 6 ngày và sau đó chỉ còn 30 phút. Bên cạnh đó, còn có một “đường dây” bí mật làm nhiệm vụ đổi ngoại tệ và tiếp nhận các nguồn viện trợ của bạn bè quốc tế.

Sau 10 năm làm nhiệm vụ, đến tháng 4/1975, các cán bộ chiến sĩ ngành Ngân hàng đã vận chuyển để chi viện cho chiến trường miền Nam khoảng 1 tỷ USD, hàng tỷ tiền Sài Gòn và hàng trăm triệu tiền Campuchia, Kíp Lào, Bath Thái Lan… Tất cả số viện trợ đó đều được vận chuyển, bảo quản an toàn, cấp phát theo quy định, không thiếu một xu.

Ông Mai Hữu Ích (gần) và ông Lữ Minh Châu trong thời kỳ các đơn vị B.29 và N.2683 bắt đầu phối hợp vận chuyển tiền bằng phương pháp FM năm 1966 (ảnh chụp lại từ tư liệu của đơn vị N.2683)

Ông Mai Hữu Ích (gần) và ông Lữ Minh Châu trong thời kỳ các đơn vị B.29 và N.2683 bắt đầu phối hợp vận chuyển tiền bằng phương pháp FM năm 1966 (ảnh chụp lại từ tư liệu của đơn vị N.2683)

Bác Lê Hoàng, nguyên Phó Thống đốc NHNN, thành viên Ban B29 cũng kể rằng, để đưa tiền vào chiến trường phải vận chuyển đường bộ theo đường mòn Hồ Chí Minh hoặc qua dãy Trường Sơn. Trong khi đó quân Mỹ rải bom, ngày đêm máy bay ném bom oanh tạc dãy Trường Sơn làm cho quỹ chi viện mất nhiều tháng trời mới vào đến chiến trường. Trung bình mỗi chuyến đi mất 30 ngày đêm, người vận chuyển vượt qua làn bom đạn để hoàn thành nhiệm vụ.

Có nhiều chiến sĩ đã hy sinh và gần 4 triệu USD bị “nung rục” do bom đạn. Tuy nhiên càng về sau thì yêu cầu càng cao nên đòi hỏi vận chuyển phải nhanh hơn nên Ban B29 phải tìm mọi cách vận chuyển theo đường biển và đường hàng không. Việc rút ngắn thời gian vận chuyển tiền đã phục vụ kịp thời cho nhu cầu kháng chiến, nếu trước đây mất hơn 30 ngày mới vào được chiến trường thì với cách vận chuyển bằng hàng không chỉ mất hơn 3 tiếng.

Và với sự quyết tâm của Ban B29, bằng những cách thức vận chuyển đó, trong một thời gian dài nguồn tiền viện trợ từ B29 vào các chiến trường miền Nam diễn ra khá đều đặn. Những chiến công thầm lặng của các chiến sĩ B29 đã góp công lớn vào chiến thắng oanh liệt của nhân dân Việt Nam và cũng mang lại dấu ấn quan trọng sự đóng góp của ngành Ngân hàng đối với cuộc kháng chiến.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chia sẻ, theo sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước bấy giờ, các chiến sĩ ngân hàng thực thi các nhiệm vụ trong thầm lặng, bí mật, chấp nhận tất cả những hiểm nguy, thậm chí hi sinh thì những bí mật ấy và cả thanh xuân của họ đều bị chôn vùi nơi chiến trường ác liệt. Và đây chắc chắn chỉ là một phần bé nhỏ trong những chặng đường lịch sử của con đường tiền tệ nói riêng và con đường chiến thắng của dân tộc ta nói chung.

Để đảm bảo con đường tiền tệ được an toàn, thông suốt, nhiều cán bộ ngân hàng đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên các mặt trận. Các thế hệ cha anh với tinh thần kiên trung, bất khuất, mưu lược, sáng tạo vượt qua môn vàn khó khăn, thử thách, hiểm nghèo, bằng mồ hôi, nước mắt và xương máu đã góp phần quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tiến tới thắng lợi 30/4/1975 lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Phó Thống đốc nhấn mạnh, lịch sử ngành Ngân hàng không thể không nhắc đến những chiến công thầm lặng nhưng đầy kỳ tích của các cán bộ công tác tại Ban B29 xưa kia. Được nghe lại lịch sử thời kỳ này mới càng thấm thía sự thông minh, khôn khéo của những người quản lý tài chính đã có nhiều sáng kiến để hoàn thành sứ mệnh chi viện nguồn lực tài chính của Nhà nước cho chiến trường miền Nam.

Những thế hệ đi sau sẽ luôn coi đây là giá trị lịch sử vĩ đại, giá trị tinh thần to lớn, là niềm tự hào của các thế hệ ngành Ngân hàng với công lao, đóng góp thầm lặng của các thế hệ cán bộ đi trước.

Vì những thành tích đặc biệt đóng góp vào thắng lợi chung của cả dân tộc, ngày 9/6/2009, Quỹ ngoại tệ đặc biệt B29 và Ban Tài chính đặc biệt N.2683 đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Quỳnh Trang

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/bai-2-ky-tich-quy-ngoai-te-dac-biet-b29-163496.html
Zalo