Đào tạo nhân lực ngành vi mạch bán dẫn - Bài 2: Khi các trường đại học nhập cuộc
Ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đang đứng trước những cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ chưa từng có, đã, đang và sẽ thu hút nhiều dự án đầu tư lớn từ các tập đoàn đa quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng phát triển, ngành này cũng đang đối mặt với thách thức lớn về nguồn nhân lực, khi dự kiến cần 10.000 kĩ sư mỗi năm và thực tế hiện nay chỉ đáp ứng chưa tới 20%.
Khi trường Đại học chọn ngách riêng
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa cho biết, hiện các trường đại học (ĐH) không đứng ngoài dòng chảy đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ của ngành công nghiệp bán dẫn. Để đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực, trường ĐH có thể tuyển mới để đào tạo từ đầu, hoặc sinh viên các ngành gần có thể chuyển đổi để học chuyên sâu trong 1-2 năm cuối; hoặc kĩ sư đã tốt nghiệp các ngành gần có thể học bổ sung các khóa đào tạo từ vài tháng tới 1-2 năm để đáp ứng được yêu cầu của lĩnh vực bán dẫn, vi mạch.
Trung tâm Phenikaa Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn đặt mục tiêu đến năm 2030 đào tạo hơn 8.000 kĩ sư thiết kế vi mạch có chứng chỉ quốc tế và đào tạo ít nhất 12.000 kĩ sư, công nhân bậc cao có chứng chỉ quốc tế làm việc trong các nhà máy ATP ở các lĩnh vực: thiết kế chip số, chip tương tự, sản xuất chip, đóng gói và kiểm thử.
“Việc xây dựng chương trình đào tạo càng phải được căn cứ vào nhu cầu thực tế về số lượng và chất lượng từ các doanh nghiệp, đó là việc đầu tiên cần làm. Từ đó các trường cần xác định trong 50.000 kĩ sư vi mạch có các khối kiến thức, kĩ năng sau 4 năm đào tạo có thể làm việc được, làm việc ở đâu trong lĩnh vực nào của vi mạch bán dẫn”.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội
PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Trưởng khoa Điện tử, Trường Điện - Điện tử, ĐH Bách khoa Hà Nội thông tin, trường thường xuyên nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp mong muốn hợp tác trong đào tạo tuyển dụng kĩ sư vi mạch với số lượng lên đến hàng trăm nhân sự mỗi năm.
Hiện ĐH Bách khoa Hà Nội có 2 chuyên ngành đào tạo trực tiếp và 7 ngành đào tạo gần về thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử, hỗ trợ ứng dụng chip bán dẫn, đó là các ngành: Điện tử Viễn thông; Thiết kế vi mạch; Hệ thống nhúng; Điện/Tự động hóa; Cơ điện tử; Kĩ thuật máy tính/Khoa học máy tính; Vật lí kĩ thuật; Vật liệu/Vật liệu điện tử; Công nghệ Vi điện tử và Nano với tổng số hơn 3.300 sinh viên. Lộ trình đào tạo các cử nhân, kĩ sư làm việc trong lĩnh vực chip bán dẫn tại ĐH Bách khoa Hà Nội đã rút ngắn đào tạo tại doanh nghiệp từ 6-9 tháng xuống 3-6 tháng.
Theo ông Minh, ĐH Bách khoa Hà Nội vốn là ĐH kĩ thuật đa ngành hàng đầu và có phòng thí nghiệm nghiên cứu bán dẫn và làm chip từ 1978 với sự giúp đỡ của Hà Lan, đã có truyền thống đào tạo kĩ sư thiết kế vi mạch và kĩ sư vật liệu điện tử bán dẫn từ trước năm 2000 trong các ngành/đơn vị như Vật lý Kĩ thuật, Điện tử Viễn thông và Khoa học vật liệu/ITIMS. Năm 2023, ĐH Bách khoa Hà Nội mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch trong ngành đào tạo Kĩ thuật Điện tử Viễn thông, và ngành Kĩ thuật vi điện tử và Công nghệ nano. Các chương trình này sẽ tập trung vào cung cấp nhân lực chất lượng cao, chuyên gia, trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và sản xuất - đóng gói - kiểm tra vi mạch. Bên cạnh đó, Nhà trường còn có các hoạt động nhằm tăng số lượng, nâng chất lượng của nguồn nhân lực chip bán dẫn như tổ chức các khóa học ngắn hạn, đào tạo chuyển đổi kĩ sư ngành gần, phối hợp với doanh nghiệp trong hoạt động xây dựng chương trình, đào tạo dựa trên dự án.
Cơ hội lớn, thách thức không nhỏ
Chia sẻ với Tiền Phong, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay, yêu cầu nguồn nhân lực từ 30.000 - 50.000 phục vụ ngành kĩ sư vi mạch trước năm 2030 vừa là cơ hội, vừa là thách thức với các trường ĐH trong việc xây dựng chương trình đào tạo.
Theo ông Điền, dù trường ĐH lớn như ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TPHCM đã có kinh nghiệm trong đào tạo kĩ sư thiết kế vi mạch bán dẫn, nhưng để đảm bảo chất lượng và số lượng trước sự bùng nổ về nhu cầu, trước sự đầu tư của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), sự chia sẻ và hợp tác giữa các trường về cách đào tạo, giảng dạy, nghiên cứu và thực hành cho ngành vi mạch cần phải được thực hiện một cách hiệu quả và đồng bộ. Ông Điền cho rằng, để đào tạo các nguồn nhân lực chất lượng cần sự chung tay của các bên liên quan, các ban bộ ngành, các cơ quan, các doanh nghiệp lớn ở Hà Nội và TPHCM. Bên cạnh đó, chi phí vận hành thường xuyên cũng khá lớn so với ngân sách của một trường ĐH. Vì vậy, cần xác định rõ mục tiêu đào tạo nhân lực ở công đoạn này mới có thể có hướng đầu tư.