BÀI 2: Góc nhìn không thể thiếu trong nét đẹp văn hóa người Tràng An
Thời ngôi nhà vườn ở số 115 Hàng Bạc (số 6 Đinh Liệt) được xây dựng, chủ nhân của nó – vợ chồng cụ Phạm Văn Thanh và cụ Phạm Thị Tề - được biết đến là một trong những đại gia nức tiếng ở đất Hà thành,'phất' lên nhờ nghề lọc vàng. Từ nơi khác tìm đến mảnh đất Thăng Long để sinh sống, buôn bán và dần dần tụ họp lại thành phường nghề, họ đã góp phần tạo nên những gam màu đặc trưng riêng về bức tranh Kẻ Chợ - góc nhìn không thể thiếu trong nét đẹp văn hóa người Tràng An. Ngôi nhà vườn độc đáo này cũng là một trong những địa chỉ 'đỏ' được đưa vào cuốn sách 'The 36 Guild streets's area Hanoi's Ancient quarter' của Nhật hướng dẫn du lịch phố cổ Hà Nội.
NÉT PHONG TỤC ĐẸP GỢI NHẮC "HỒN TRÀNG AN"
Theo lời kể của ông Phạm Ngọc Giao – con trai thứ của vợ chồng cụ Phạm Văn Thanh, thì gia đình ông vốn xuất thân từ làng Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương – ngôi làng cổ thuộc vùng châu thổ sông Hồng nổi tiếng với nghề làm vàng bạc. Ngày đó, cụ Phạm Văn Thanh học hành giỏi giang, thông thạo cả tiếng Hán Nôm lẫn tiếng Pháp, đỗ tú tài vào một ngôi trường danh tiếng bậc nhất lúc bấy giờ nhưng vì hoàn cảnh nghèo khó nên theo bố mẹ lặn lội ra Hà Nội để tìm kế sinh nhai từ năm 1890.
Trong số những đồ đạc ít ỏi mà gia đình ông mang theo khi ấy có câu đối được khắc trên hai tấm gỗ hương với nội dung: “Vũ quá cầm thư nhuận/ Phong lai lúp mặc hương” (có nghĩa là: “Bão táp qua đi, tiếng đàn sẽ dịu êm/ Gió lành đến, cuộc đời lại lên hương”). Hai câu đối này hiện vẫn đang gia đình ông Giao lưu giữ cẩn thận trong căn phòng lưu niệm kiêm gian thờ nằm ở tầng 2 ngôi biệt thự vườn ở số 115 Hàng Bạc. Tính ra đến nay, hai câu đối đậm chất thơ và nhạc này cũng ngót nghét cả trăm năm tuổi.
Hồi tưởng lại, ông Phạm Ngọc Giao bảo, ngày xưa ông bà nội của ông tích góp tiền mua được một căn nhà cũng nằm trên phố Hàng Bạc nhưng sau công việc làm ăn khó khăn, cuộc sống túng thiếu quá nên đành phải bán nhà rồi xin thuê lại chính căn nhà vừa bán đó để có vốn làm ăn. Trước khi lên Hà Nội lập nghiệp, ông nội của ông không quên tìm đến một thầy đồ có tiếng để xin chữ mang theo và được cho chữ ngụ ý nhắc nhở về việc sống ở đâu cũng cần “sống cho phải đạo” bởi có đạo đức thì cuộc sống sẽ tốt đẹp, không sợ sóng gió hay gian truân. Sau này khi gia đình gặp biến cố về kinh tế, lời nhắc nhở đó vẫn được các thành viên trong gia đình ông Giao tâm niệm giữ gìn đến nơi đến chốn, chẳng ai bảo ai đều tự nhủ miễn sao sống phải có đạo đức, cần cù, chăm sỉ, siêng năng và có một nghề để làm.
“Ông cụ tôi bảo nhìn vào chữ họ xin là biết đó là người thế nào. Họ xin chữ phú quý, xin nhà, xin phát tài…còn mình chỉ xin chữ bình yên, hạnh phúc.” – ông Phạm Ngọc Giao nhớ lại lời dặn năm xưa của ông nội và tự hào kể thêm, sau này ông cũng được người trong nhà dạy rằng, xin chữ và cho chữ là một nét văn hóa đẹp mà nét văn hóa này có thể thấy rõ nhất ở Thăng Long kinh kỳ - nơi xuất hiện rất nhiều “danh Nho”, nhà văn hóa lớn của dân tộc, góp phần tạo nên lối sống đặc trưng của người Hà Nội.
Theo đó, nét văn hóa này ở mảnh đất ngàn năm văn hiến hay ở chỗ, cả người xin chữ và người cho chữ đa phần đều là những người có văn hóa, có trình độ và có đạo đức. Sở dĩ vậy bởi phải hiểu được giá trị sâu xa của con chữ thì người ta mới xin, còn người cho chữ được mặc định là người đáng để người khác tìm đến xin chữ, có đạo đức và được người ta kính nể. Thế nên năm xưa vào những dịp lễ lạt hay các ngày trọng đại như làm nhà, cưới hỏi…phong tục này là điều thường thấy ở Hà Nội.
Hiện giờ trong gian phòng thờ của gia đình ông vẫn lưu giữ cả cặp câu đối quý khắc chữ vàng trên gỗ được một nhà Nho người họ Chu tặng cách đây 98 năm như một kỷ vật thiêng liêng. Hai câu đối có nội dung: “Cư gia hữu hằng quy chính công trương nhẫn/ Xử thế vô biệt pháp liễu thứ lâu thiên”, dịch nôm ra có nghĩa là, ở trong nhà cần tôn trọng sự công bằng và đức tính kiên nhẫn, còn ra bên ngoài thì không có gì bằng đối nhân xử thế khéo léo mềm mại như cây liễu và sang trọng nhưng khiêm tốn như lâu đài. Cặp câu đối này được chú thích rõ niên đại là từ thời Bảo Đại nguyên niên Thu, tức là vào năm 1926 sau khi vua Bảo Đại lên ngôi thay cho vua Khải Định. Lối sống này được các con cháu trong gia đình ông Giao thấm nhuần và xem như kim chỉ nam để sửa mình trong cuộc sống.
CHỮ "TÍN" CỦA NGƯỜI KẺ CHỢ
Cụm từ “người Kẻ Chợ” thật ra là để “định danh” cộng đồng cư dân chủ yếu từ các làng nghề ở nhiều địa phương đã di cư đến kinh thành Thăng Long xưa để làm ăn và sinh sống, mang theo những kỹ - mỹ thuật tinh hoa truyền thống lâu đời, góp phần tạo nên những khu phố tiểu thủ công nghiệp và buôn bán giao thương sầm uất ở chốn kinh kỳ, sau này trở thành tên gọi chung cho Thăng Long – Hà Nội. Cũng chính họ đã làm dày thêm, đậm thêm nét văn hóa bán buôn không thể thiếu và không lẫn vào đâu được ở mảnh đất này, đó chính là văn hóa “trọng chữ tín”.
Như chia sẻ của nhà văn Đỗ Phấn trong một cuộc chuyện trò hàn huyên với tôi gần đây thì năm xưa, ngay cả chợ Đồng Xuân – một trong những chợ đầu mối lớn nhất ở miền Bắc với tuổi đời lên tới hàng trăm năm, việc nhập hàng hay xuất hàng cũng hoàn toàn dựa vào chữ “tín”, cả người giao lẫn người bán chỉ xác nhận với nhau bằng miệng, chẳng cần phải hóa đơn giấy tờ gì. Thời ấy, chữ “tín” có sức nặng hơn nhiều con chữ được viết ra trên giấy, người ta sợ mất chữ “tín” hơn cả mất tiền. Nét văn hóa này cũng được gia đình cụ Phạm Văn Thanh và cụ Phạm Thị Tề gìn giữ trong công việc làm ăn buôn bán, từ khi còn cơ hàn cho đến lúc thành danh, giàu có.
Chẳng vậy mà trong ký ức của người con thứ Phạm Ngọc Giao, thì cửa hiệu lọc vàng nhãn hiệu Sư Tử mà bố mẹ ông gây dựng, vào thời kỳ hoàng kim, kẻ ra người vào tấp nập suốt cả ngày. Lúc bấy giờ dù mới chỉ là cậu bé hơn 10 tuổi nhưng ông Giao vẫn nhớ như in hình ảnh đoàn người từ khắp các tỉnh thành phía Bắc kéo về chật cứng nhà mình để lọc vàng, rồi mua bán vàng. Họ mang theo cả thúng với bao tải đựng vàng thô nhìn hoa cả mắt, đổi vàng thô lấy vàng cốt hoặc nhờ gia đình chế tác lại.
Khi đó, người làm cho tiệm vàng của bố mẹ ông đông tới hơn chục người, làm luôn tay luôn chân, hàng trăm lạng vàng làm ra phải đựng vào thúng với chậu, có khi bày la liệt trên sập nhưng chẳng bao giờ mất đi một li một lai. Còn người bán với người mua thì cũng hoàn toàn chỉ dựa vào chữ “tín”. Bản thân ông Giao khi học đến cấp 2 đã được bố mẹ dạy cho cách gói vàng rồi đưa vàng đem đi giao cho khách. Thế nên mới có chuyện thật như đùa là nhiều hôm ông đi học mà trong cặp sách có tới cả chục lá vàng. Ngày ấy, ông đi giao vàng cho người ta chẳng có giấy tờ sổ sách gì, mà cũng chẳng bị mất cắp hay lừa lọc bao giờ. Còn bố mẹ ông thì làm ăn thật thà, lấy chữ “tín” làm đầu, lọc vàng làm vàng đúng tiêu chuẩn, tiền công phân minh rõ ràng, cũng không vì đông khách mà “làm giá”.
Cũng bởi trọng chữ “tín” nên tiệm vàng của gia đình ông ngày một nổi tiếng và đông khách, trở thành nhãn hiệu vàng hàng đầu ở miền Bắc, lưu truyền trong câu ví: “Bắc vàng Sư Tử, Nam vàng Kim Thành” ý chỉ hai tiệm vàng lớn nhất Việt Nam những năm đầu thập niên 40. Nhờ công việc ăn nên làm ra, bố mẹ ông tích góp mua được ba căn nhà, một ở phố Hàng Bè, một ở phố Hàng Vôi và một ở phố Cầu Gỗ. Tuy nhiên cả ba căn nhà này sau đó đều được các cụ bán đi để dồn tiền mua căn nhà vườn ở số 115 Hàng Bạc hiện giờ.
NẾP NHÀ VÀ CHẤT HÀO HOA CHỐN KINH KỲ
Nói như cách gọi vui bây giờ thì anh chị em ông Giao ngày xưa thuộc vào hàng cậu ấm, cô chiêu được “sinh ra từ vạch đích”. Thế nhưng từ khi các con còn rất nhỏ, vợ chồng cụ Phạm Văn Thanh và cụ Phạm Thị Tề luôn dạy các con không được có suy nghĩ ỷ lại mà phải có chí tiến thủ, tự lập và đặc biệt coi trọng “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín”.
Sự giáo dục ấy theo hồi tưởng của ông Giao không phải bằng lý thuyết suông mà là những hành động, lời nói cụ thể diễn ra trong cuộc sống hàng ngày khi bố mẹ ông luôn quan tâm đối xử với người giúp việc như ruột thịt trong nhà. Hơn chục nhân công trong nhà ông thời đó chủ yếu là những người lang thang cơ nhỡ được gia đình ông cưu mang, tất cả đều gọi bố mẹ ông là “cậu, mợ” như cách mà anh em ông vẫn gọi bậc thân sinh ra mình.
Ngôi nhà lúc nào cũng đông người là thế nhưng tuyệt nhiên không huyên náo ồn ào, ai nấy đều đi lại nhẹ nhàng, không nói to, càng không có tiếng quát tháo hay cãi nhau và trong cách giao tiếp đều lễ phép có thưa có gửi. Thậm chí, khi người làm trong nhà phải lòng nhau, đến tuổi dựng vợ gả chồng, bố mẹ ông cũng đứng ra giúp tổ chức cưới hỏi đàng hoàng. Trong số những người giúp việc cho gia đình ông năm nay có nhiều người tuổi đời còn rất trẻ và sau một thời gian gắn bó thì từ biệt gia chủ để lên đường tham gia hoạt động Cách mạng, có người ôm bom ba càng hy sinh anh dũng, cũng có người may mắn trở về, tiếp tục hoạt động năng nổ trong công tác lãnh đạo tổ chức Đoàn Thanh niên, thỉnh thoảng vẫn ghé về thăm bố mẹ ông.
Đặc biệt, cánh cổng dẫn vào ngôi biệt thự vườn của gia đình ông lúc nào cũng rộng mở, hàng xóm láng giềng hay người lạ từ nơi khác đến đều có thể ghé chân. Bố mẹ ông không quên dặn kỹ các con và cả người làm rằng:“Ai đến chơi nhà mình cũng đều là khách quý!”, phải tiếp đón chân tình và nồng hậu. Sau hàng chục năm, cánh cổng ấy đến nay vẫn luôn rộng mở.
Không chỉ vậy, trong hồi ức của ông Phạm Ngọc Giao, bố mẹ ông luôn nhắc mọi người trong nhà về văn hóa chào hỏi của người Hà Nội. Câu chào tưởng chừng đơn giản nhưng theo lời của bố mẹ ông thì “phân tích sâu tuyệt vời lắm” bởi “lời chào cao hơn mâm cỗ”, giúp dung hòa được mọi mối quan hệ ngoài xã hội cũng như trong gia đình.
Theo lời răn dạy của bố mẹ, anh chị em ông Giao và cả người làm đều hiểu được dạy rằng, “chào” phải đi liền với “hỏi” mới thể hiện được rõ sự tôn trọng và quan tâm chia sẻ với người khác. Ví như: “Chào bác, bác đi làm đấy ạ?”, “Chào cô, cô mới về ạ?”…Bố mẹ ông còn có biệt tài nghe âm lượng giọng nói, cách chào hỏi là biết được tính nết người khác thế nào, tâm trạng ra sao. Các cụ cũng dạy con cái về việc dù có đang giận dỗi đến mấy hay không hài lòng ai, nhưng hễ gặp người ta, vẫn phải chào hỏi trước vì điều này sẽ góp phần giảm bớt sự căng thẳng trong mối quan hệ, đem lại hòa khí cho cả hai bên.
“Đừng ác cảm với người khác. Cuộc đời giống như một tấm gương phản chiếu, cười với nó thì nó sẽ cười lại với mình. Không được làm điều gì sai trái, không nói tục và phải hòa nhã, chia sẻ với mọi người.” – ông Giao nhớ lại lời dặn của cha mẹ.
Trong ngôi nhà vườn rộng hàng trăm mét vuông, gian chính giữa ở tầng 1 được bố mẹ ông Giao dùng làm phòng ăn. Gia đình ông có một nguyên tắc bất di bất dịch, đó là khẩu phần ăn sẽ nấu theo từng bữa, đến bữa là phải ăn, nếu vì lý do gì đấy không về ăn được thì phải báo trước mới được “để phần”, còn không thì sẽ bị “cắt cơm”. Việc để phần thức ăn nếu có cũng được thực hiện gọn ghẽ từ đầu bữa, tuyệt đối không trút thức ăn thừa cho người sau.
Cũng theo ông Giao, khác với thói quen của phần lớn gia đình lúc bấy giờ và cả bây giờ, nhà ông có một quy định là không chấm chung nước mắm, mà ai ăn sẽ tự rót ra một chén nhỏ đủ dùng, ăn đến đâu rót đến đấy, cố gắng không được để thừa gây lãng phí. Nếp sinh hoạt đó vẫn được anh chị em ông Giao và các thế hệ con cháu tiếp sau gìn giữ.
Cũng trong câu chuyện về gia đình mình, ông Giao hào hứng tâm sự, ngày trước khi ông mới 12-13 tuổi, mỗi tháng được bố mẹ cho 10 đồng tiêu vặt. Số tiền này thời ấy cũng giá trị to lắm. Thế nhưng ông không tiêu pha gì bao giờ, chỉ để dành tiền để mua vé tàu điện, nhưng không phải để đi đâu cả, mà chỉ là lên tàu ngồi nghe người ta hát xẩm xuyên suốt những chuyến ngược xuôi, rồi biếu họ vài xu. Xẩm tàu điện cũng là một trong những nét văn hóa độc đáo lâu đời ở Hà Nội. Đến giờ ông vẫn nhớ như in hình ảnh người chồng kéo nhị cho vợ hát, sân khấu chính là sàn tàu điện leng keng. Cuộc sống mưu sinh của họ diễn ra ở trên chiếc tàu điện nhỏ và ông quan sát thấy, người soát vé cũng chẳng lấy tiền của họ bao giờ. Thế mới hay.
Thời điểm căn biệt thự vườn ở số 113 Hàng Bạc của gia đình được xây dựng, ông Giao từng nghe bố mẹ mình thổ lộ ước muốn có thể đưa được không gian xanh vào trong nhà một cách hài hòa nhất với thiên nhiên. Để chỉ cần bước vào đó có thể rũ bỏ được mọi ưu phiền, xô bồ ngoài cuộc sống, giúp tâm hồn thư thái để tiếp nhận những nguồn năng lượng tích cực mới. Khu vườn ở sân trước nhà sau đó trở thành một khu rừng nhỏ với rất nhiều loại cây, từ cây cảnh đến cây ăn quả, cây cho hương thơm và cây tỏa bóng mát. Trong số này có cả cây móng rồng – loài cây leo mọc hoang dã trong môi trường tự nhiên, có hương thơm đặc trưng của núi rừng. Mỗi lần về đến đầu phố là có thể ngửi thấy mùi hoa móng rồng thơm nức, nhất là sau mỗi trận mưa rào, không khí ẩm ướt, mùi hương ấy lại càng bay xa.
Trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, khu vườn năm xưa của gia đình ông Giao không còn được rộng như trước nhưng vẫn còn nguyên sự hiện hữu của những loại cây mà tính ra có tuổi thọ xấp xỉ với tuổi đời của những bậc cao niên trong nhà. Đó là cây cau tứ thời hay còn gọi là cau tứ quý, bốn mùa đơm hoa kết trái, cây được mang về trồng trong vườn từ năm 1950, khi mới cao cỡ chừng 60-70cm, giờ thân cây vươn tới cả chục mét, cau mẹ “đẻ” cau con. Hay cây hồng xiêm giống Xuân Đỉnh, cây khế ngọt, cây bưởi đào…chính tay ông Giao mang về trồng từ những năm còn là cây giống bé cỏn con.
Đặc biệt, trong “khu rừng” nhỏ ấy suốt nhiều năm qua vẫn có một đôi sóc trú ngụ, hàng ngày đi chơi khắp phố phường, lúc đói lại tìm về đây ăn quả rồi gọi nhau chuyền cành thoăn thoắt. Ông Giao bảo, đôi sóc này gồm một con sóc đen và một con sóc đuôi đỏ lông đen (loài sóc quý hiếm được đưa vào danh sách được bảo vệ). Chúng xuất hiện ở khu vườn từ thời bố mẹ ông còn sống. Sau ông được nghe thuật lại rằng, đôi sóc này bị người ta bắt trộm, lúc mở lồng giao cho khách ở trên phố thì cả đôi trốn được và cứ thế chạy thẳng rồi lạc vào khu vườn nhà ông. Sau quen dần với chỗ trú lý tưởng, hễ thấy bố mẹ ông hay người trong nhà ngồi chơi ở dưới sân là chúng chạy xuống loanh quanh trước mặt chẳng chút sợ sệt hay ngại ngần gì.