Bài 2: Đảng là đạo lý và trí tuệ Việt Nam

Bài 2: Đảng là đạo lý và trí tuệ Việt Nam

TS. Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

Năng lực và trách nhiệm cầm quyền của Đảng hiện nay, tối thiểu về phương diện đổi mới tư duy và tổ chức thực tiễn, nổi bật 10 loại vấn đề mang tính quy luật và quy luật chính trị mang ý nghĩa phương pháp luận cơ bản và cấp bách cần giải quyết.

Trước tiên là quy luật cầm quyền với tính chính danh và chính pháp của Đảng. Lịch sử Việt Nam 95 năm qua, có thể nói là lịch sử đất nước lựa chọn, khẳng định và thực thi mục tiêu phát triển đất nước gắn với sự lựa chọn đảng chính trị lãnh đạo đất nước. Đảng Cộng sản Việt Nam được Nhân dân Việt Nam lựa chọn là người duy nhất lãnh đạo dân tộc; lịch sử đất nước giao phó là người duy nhất cầm quyền, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Điều đó làm nên địa vị lịch sử của Đảng một cách tất yếu. Sinh ra trong lòng dân tộc và đồng hành cùng dân tộc bẻ gãy gông xiềng nô lệ quàng lên cổ đất nước, giành lại độc lập cho Tổ quốc, lập nên chính quyền của Nhân dân và Đảng trở thành đảng cầm quyền.

Vấn đề quan trọng hơn hết và quyết định tất thảy là, địa vị cầm quyền đó của Đảng đã được bảo đảm bởi thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam; và vị thế nước Việt Nam XHCN hơn 79 năm qua, trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định và trọng thị. Vì“Đảng ta là Đảng của giai cấp, đồng thời cũng là của dân tộc, không thiên tư, thiên vị”. Khi “quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc là một... cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”. Đảng là đạo lý Việt Nam.

Qua hơn 79 năm cầm quyền, trong đó 40 năm Đổi mới, Đảng càng trưởng thành toàn diện. Dư luận quốc tế nhận định: Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là chính đảng duy nhất cầm quyền là một mô hình thành công đặc biệt và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là đối với các nước đang phát triển vì rất nhiều mô hình đã được thử nghiệm, nhưng chưa thấy mô hình nào thành công; thành công của Việt Nam cũng là thành công của toàn thế giới. Mô hình của Việt Nam đã đạt đến mô hình của chủ nghĩa xã hội. Đảng là trí tuệ Việt Nam đáp lại sự khát bỏng về giải đáp nhu cầu lịch sử tất yếu.

Trọng trách, vinh dự được cầm quyền của Đảng trước Nhân dân là do lịch sử Dân tộc giao phó và được Nhân dân Việt Nam thừa nhận, ủy thác và tin theo, chứ tuyệt đối không phải “từ trên trời rơi xuống” hay sự sắp xếp chủ quan của bất cứ ai, sự ngộ nhận của bất cứ giai cấp, tầng lớp nào. Và, cùng với Đảng, từng có nhiều đảng chính trị khác hoạt động và tranh quyền lãnh đạo, chứ đâu phải câu chuyện phiếm lịch sử về “đảng toàn trị” hoặc “... muốn có dân chủ, phải đa đảng” (!).

Không nghi ngờ rằng, lịch sử dân tộc Việt Nam sinh ra Đảng Cộng sản Việt Nam, đến lượt mình, Đảng đáp lại yêu cầu của lịch sử dân tộc, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về quy mô, tốc độ, chiều sâu của công cuộc phát triển đất nước và phù hợp với xu thế tiến bộ của thời đại. Đó là biện chứng phát triển tự nhiên, tất yếu của dân tộc Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là nhu cầu phát triển tất yếu của đất nước hiện nay, trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, dưới ngọn cờ của Đảng.

Đó là sự tất yếu lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tính chính danh, chính pháp, chính tín bảo đảm tư cách pháp lý và đạo lý. Qua thực tiễn, Đảng nâng cao và phát triển tính chính năng, chính thực, chính uy để thực thi thành công trách nhiệm lãnh đạo, cầm quyền phù hợp với lịch sử dân tộc, khát vọng của Nhân dân và xu thế thời đại.

Thứ hai là vai trò lãnh đạo duy nhất, mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, trách nhiệm pháp lý và lịch sử cầm quyền của Đảng.

Nếu Đảng lãnh đạo, cầm quyền là toàn bộ tầm nhìn, phương pháp, cách thức và tập trung nhất, cao nhất là nghệ thuật nắm lấy chính quyền nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể nhân dân, thông qua đó, khẳng định quyền uy của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, trực tiếp chi phối và quyết định sự phát triển của đất nước, bằng quyết sách chính trị, tổ chức bộ máy và đội ngũ đảng viên của Đảng, bằng thực lực sức mạnh hữu hình và vô hình, bằng uy tín của Đảng; thì một cách tự nhiên, Đảng chịu trách nhiệm lịch sử trong thực tiễn dẫn dắt phát triển của đất nước, phù hợp với thời đại.

Nói một cách hình ảnh, nếu đó là nghệ thuật Đảng hóa thân trong Nhà nước và các thành viên hệ thống chính trị và dẫn dắt đất nước phát triển theo chủ kiến và chiến lược bằng thực lực, uy tín của mình và nương theo xu thế phát triển tất yếu của thời đại, thì một cách tất yếu Đảng cầm quyền và chịu trách nhiệm pháp lý, lịch sử về sự cầm quyền của mình.

Như thế, Đảng cầm quyền không phải Đảng làm trực tiếp tất cả mọi việc, nhưng bất cứ việc gì diễn ra trong xã hội cũng không nằm ngoài tầm quán xuyến và chi phối của Đảng. Đảng là hạt nhân, là trung tâm của hệ thống chính trị nhưng Đảng không phải là toàn bộ hệ thống chính trị. Đảng lãnh đạo Nhà nước nhưng Đảng tuyệt đối không “lấn quyền” Nhà nước, càng không phải là “Đảng hóa Nhà nước”; đến lượt mình, Nhà nước không phải là “bản sao” của Đảng, “Nhà nước hóa Đảng”, làm những công việc của Đảng và “đóng dấu bản quyền” Nhà nước lên đó.

Đảng lãnh đạo Nhà nước nhằm bảo đảm sự thống nhất hành động, dưới sự dẫn dắt của Đảng, Nhà nước hoàn thành trọng trách theo vị thế, chức năng của mình thực hiện mục tiêu chung của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, tầm nhìn chính trị bao quát nhưng cụ thể của Đảng - người lãnh đạo trong vị thế là người cầm quyền - phải là năng lực chuyên biệt nổi bật trước hết về chính trị của một đảng chính trị. Đó là chính năng của Đảng.

Đảng cầm quyền để Nhân dân là chủ và làm chủ, bảo đảm phục vụ vô điều kiện cho Nhân dân thực thi vị thế, trách nhiệm của mình một cách toàn diện, triệt để, sâu sắc trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Đó là mục tiêu tối thượng của sự nghiệp cầm quyền. Đó là yêu cầu về sự cân bằng, hài hòa giữa địa vị, vai trò cầm quyền và mục tiêu cầm quyền của Đảng đối với sự phát triển của đất nước.

Không phải là cơ quan quyền lực nhà nước, nhưng Đảng giữ quyền lực về chính trị, tư tưởng chính trị, tổ chức bộ máy và nhân sự, kiểm tra... chi phối, dẫn dắt đối với toàn bộ hệ thống chính trị và sự vận động của chế độ, của đất nước và hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp, pháp luật. Đó là trách nhiệm lịch sử. Đảng không phải, không thể, và trong thực tế phải giữ mình không được phép là cơ quan “siêu quyền lực”, “đứng trên quyền lực của Nhà nước và quyền lực của Nhân dân”, “đứng ngoài, đứng trên Hiến pháp và pháp luật”... Và, khi dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước không được “đứng trên Nhân dân”, “cai trị Nhân dân”. Đó là vinh dự cầm quyền.

Theo đó, càng không thể phạm vào quan liêu, mệnh lệnh, tham nhũng, lợi ích nhóm hay nhóm lợi ích..., dù là Đảng hay Nhà nước. Vì, Đảng cầm quyền chứ không phải Đảng là Nhà nước, Đảng làm thay việc hay tiếm quyền Nhà nước. Vì, Đảng cầm quyền nhưng dân là chủ và để dân làm chủ. Mọi “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.

Và cũng hợp lẽ tự nhiên, theo quy mô, tốc độ và chiều sâu của sự nghiệp đổi mới, vị thế, vai trò, năng lực cầm quyềntrách nhiệm lịch sử - pháp lý của Đảng không ngừng tăng lên.

Thứ ba là nguyên tắc cầm quyền toàn diện và duy nhất cầm quyền, phương châm cầm quyền của Đảng để Nhân dân là chủ và làm chủ đất nước.

Nhận sứ mệnh lịch sử dân tộc là người duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng chịu trách nhiệm trước lịch sử, trước Nhân dân Việt Nam về vận mệnh và sự phát triển của đất nước.

Về nguyên tắc, Đảng không chia sẻ quyền lãnh đạo cho bất kỳ ai hoặc buông lỏng quyền đó - quyền mà lịch sử và Nhân dân giao phó cho Đảng là người “đứng mũi chịu sào” trước lịch sử. Làm trái đi, Đảng tự tước bỏ vị trí, vai trò cầm quyền của mình; đi ngược lịch sử và đi ngược nguyện vọng của Nhân dân mà Đảng là đại biểu trung thành, là trái với đạo lý mà Đảng là sự chung đúc với tư cách “là đứa con nòi”; là thoái thác trách nhiệm lịch sử mà Dân tộc giao phó trong vị thế “vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của Nhân dân”.

Về phương hướng, Đảng cầm quyền để thực hiện độc lập tự do lên chủ nghĩa xã hội, để Nhân dân là chủ làm chủ được thực thi, bảo đảm bởi Nhà nước, với pháp luật giữ vị thế thượng tôn. Đó cũng chính là biểu hiện tập trung nhất, sinh động nhất toàn bộ mục tiêu cầm quyền của Đảng.

Về chiến lượcsách lược cầm quyền, cái bất biến là mục tiêu cầm quyền chiến lược, là lý tưởng của Đảng chi phối việc hoạch định cương lĩnh chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Điều cần khắc sâu là, tính chiến lược, thống nhất, phù hợp và hiệu quả phải xuyên suốt toàn bộ công việc cầm quyền của Đảng.

Thứ tư là phát triển cơ sở cầm quyền căn bản, phong phú, bền vững và rộng rãi của Đảng. Đảng lãnh đạo, cầm quyền bằng cơ sở toàn diện, tổng thể và hiện thực.

Về cơ sở lý luận chính trị cầm quyền, nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh và là bất biến. Điều đó không hề mâu thuẫn với việc Đảng chủ động không ngừng thâu thái những lý thuyết tinh hoa và tiến bộ khác trên thế giới một cách cầu thị lý luận và kinh nghiệm của các đảng cầm quyền trên thế giới; không kỳ thị, xa lánh những lý thuyết chính trị khác, thậm chí cả những lý thuyết chính trị không phù hợp với mình... để tự làm giàu một cách toàn diện lý thuyết và thực tiễn cầm quyền của Đảng.

 Một số tiết mục tại Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới với chủ đề "95 năm - Ánh sáng soi đường" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với UBND TP. Hà Nội và các đơn vị liên quan tổ chức. Ảnh: Lâm Hiển

Một số tiết mục tại Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới với chủ đề "95 năm - Ánh sáng soi đường" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với UBND TP. Hà Nội và các đơn vị liên quan tổ chức. Ảnh: Lâm Hiển

Đồng thời, tôn trọng và lắng nghe nhân dân, “học ở nơi dân chúng”, không ngừng tiếp thụ, thâu hóa thực tiễn, bổ sung và phát triển lý luận và kinh nghiệm cầm quyền phục vụ nhân dân nhằm phát triển lý luận cầm quyền, ngày càng nâng cao tính cách mạng, khoa học của lý luận và thực tiễn cầm quyền.

Về cơ sở pháp lý cầm quyền, bước lên vũ đài lịch sử, tiếp tục với tư cách lãnh đạo, kể từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 trở thành Đảng duy nhất cầm quyền và được Hiến định. Đảng không ngộ nhận, càng không tự vơ vào mình trọng trách lịch sử đó. Không chỉ được hiến định và pháp luật bảo vệ về pháp lý trên vị thế “vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân” mà bền chặt, sâu sắc hơn, thực lực chính trị và uy tín chính trị đã tôn vinh chỗ đứng về đạo lý lương tâm “vừa là trí tuệ, vừa là danh dự” của dân tộc, với tư cách là “đứa con nòi của giai cấp lao động”.

Vềcơ sở kinh tế - văn hóa - chính trị cầm quyền, Đảng đứng vững trên nền kinh tế quốc gia hiện đại, phát triển mạnh mẽ và bền vững, với xung lực là kinh tế tri thức, kinh tế số; xã hội có nền chính trị ổn định, văn minh và tiến bộ. Không có sức mạnh của quyền năng kinh tế rất khó có sức mạnh bền vững của quyền lực lãnh đạo chính trị. Vì, kinh tế là sự biểu hiện tập trung của sức mạnh quyền lực chính trị. Đồng thời, kiến tạo và phát triển nền văn hóa của sự phát triển bền vững, trước hết là văn hóa chính trị của Đảng, dựa trên nền tảng một nền kinh tế vững mạnh; và tới lượt nó, toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại của đất nước, không ngừng chủ động hội nhập quốc tế thấm đẫm văn hóa.

Về cơ sở xã hội - chính trị cầm quyền, để giữ vững vị thế và vai trò cầm quyền, Đảng đứng vững trên nền nhân dân. Nếu bản chất của Đảng là sự sáng tạo căn bản và độc đáo của Đảng so với các đảng cộng sản và công nhân khác, thì đây là một sáng tạo lớn của Đảng cầm quyền.

Cả về bình diện pháp lý và phương diện đạo lý đều bảo đảm cho Đảng cầm quyền chính danh, quang minh chính đại; không “tự vơ lấy”, càng không ảo tưởng về quyền đó và không ai có thể bác bỏ hay tranh đoạt được.

Bài 1: Đảng lãnh đạo, cầm quyền và sứ mệnh lịch sử của Đảng

03/02/2025 14:54

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bai-2-dang-la-dao-ly-va-tri-tue-viet-nam-post403559.html
Zalo