Bài 2: Cơ hội để công nghiệp văn hóa bứt tốc
Điểm nổi bật nhất trong Luật Thủ đô (sửa đổi) là những chính sách mới về phát triển văn hóa. Trong đó, Luật cho phép thành phố Hà Nội xây dựng những chính sách ưu đãi đầu tư vào văn hóa, cho phép xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa, khu phát triển thương mại và văn hóa. Đây sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để thu hút đầu tư, tạo đà cho công nghiệp văn hóa bứt tốc.
Hà Nội đã quan tâm phát triển công nghiệp văn hóa trong nhiều năm qua và đã trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa hàng đầu của cả nước. Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Nhưng khi triển khai, vẫn còn nhiều vướng mắc, nhất là khi vai trò của Nhà nước trong phát triển công nghiệp văn hóa có nhiều thay đổi so với các lĩnh vực khác. Đó là nhân lực, vốn đầu tư của công nghiệp văn hóa chủ yếu đến từ cộng đồng các nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà thiết kế, doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa-sáng tạo. Bài toán khó nhất chính là thu hút nguồn lực đầu tư vào công nghiệp văn hóa. Luật Thủ đô đã có lời giải cho những vấn đề này.
Những chính sách có tính đột phá để phát triển công nghiệp văn hóa thể hiện rõ ở Điều 41 và Điều 43. Trước đây, Hà Nội rơi vào tình trạng "vừa thừa, vừa thiếu" hạ tầng văn hóa, khi nhiều đơn vị quản lý, sử dụng hạ tầng công không sử dụng hết công năng, nhưng lại không thể hợp tác với doanh nghiệp để khai thác. Điều 41 đã "mở khóa" cho vướng mắc này, với việc cho phép nhượng quyền khai thác, quản lý với nhà đầu tư, doanh nghiệp các công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao hoặc công trình kiến trúc có giá trị.
Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám chia sẻ: "Điều 41 của Luật Thủ đô đã có sự phân cấp rất mạnh mẽ, theo tinh thần là thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp có thẩm quyền trong việc xây dựng đề án, quyết định liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật". Quy định này sẽ tạo đà để các cơ quan, đơn vị của thành phố tối ưu hóa việc khai thác, phát huy giá trị thiết chế văn hóa.
Luật Thủ đô còn đưa ra những cơ chế đặc thù khi cho phép các nhà đầu tư được hưởng ưu đãi cao hơn quy định hiện hành. Cụ thể, nhà đầu tư vào lĩnh vực văn hóa theo danh mục được thành phố quy định được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 10 năm và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho thời gian còn lại; được áp dụng mức thuế suất 5% thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Một điểm đột phá của Luật là quy định về việc xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại khu vực bãi sông, bãi nổi sông Hồng và các địa điểm có lợi thế về không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch. Hội đồng nhân dân thành phố được giao thẩm quyền quy định về trình tự, thủ tục thành lập, tổ chức hoạt động và các chính sách ưu đãi cho các trung tâm này. Đây là bước đi quan trọng nhằm phát triển công nghiệp văn hóa thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần xây dựng Hà Nội trở thành thành viên của mạng lưới các Thành phố sáng tạo UNESCO.
Luật cũng có quy định mới về việc thành lập các khu phát triển thương mại và văn hóa. Các khu này được thành lập trên cơ sở các khu phố, tuyến phố, làng nghề, điểm dân cư nông thôn hiện hữu, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản. Mỗi khu sẽ có một hội đồng quản lý, điều hành gồm đại diện chính quyền cơ sở, tổ chức chính trị-xã hội, đại diện cơ sở sản xuất, kinh doanh và cộng đồng dân cư.
Ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết: "Hiện nay, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công-tư không có quy định về văn hóa. Chúng ta không xây dựng được vì chúng ta thiếu nguồn lực. Còn quy định về quản lý sử dụng tài sản công gây nhiều khó khăn cho đơn vị sự nghiệp về văn hóa. Chúng ta thấy Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm Văn hóa hoạt động khó khăn, thậm chí, có những nơi hoạt động cầm chừng do áp dụng quy định quản lý sử dụng tài sản công. Những vấn đề này đã được tháo gỡ bằng cơ chế, chính sách thông thoáng, phân cấp, phân quyền trong Luật Thủ đô. Thậm chí, nếu Hà Nội triển khai tốt việc này sẽ là tiền đề để chúng ta có thể sửa đổi những điều luật, những quy định này ở phạm vi cả nước".
Luật Thủ đô đã "mở khóa" nhiều điểm nghẽn, tạo đà cho công nghiệp văn hóa phát triển. Dư luận chờ đợi những quy định cụ thể, những biện pháp triển khai của thành phố Hà Nội sao cho thật sự hiệu quả, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân Thủ đô và cả nước trong xây dựng, phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm văn minh-văn hiến-hiện đại, trở thành "ngọn hải đăng" dẫn dắt sự phát triển công nghiệp văn hóa của cả nước.
---------------------------------