Bài 2: Cách nào để lãng phí điện không trở thành 'căn bệnh nan y'?

Mức lãng phí điện năng tại Việt Nam đang cao gấp 1,5 đến 6 lần so với mức trung bình thế giới. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng điện thiếu hụt có thể lên tới 27,7 tỷ kWh vào năm 2025. Mặc dù các cơ quan chức năng luôn nỗ lực kêu gọi tiết kiệm điện, tình trạng lãng phí điện vẫn diễn ra hàng ngày. Đây được xem như một 'căn bệnh' khó chữa của toàn xã hội.

Không ít bảng đèn quảng cáo "lên đèn" khi trời còn sáng.

Không ít bảng đèn quảng cáo "lên đèn" khi trời còn sáng.

Nơi lãng phí “vô hình”

Hơn 9 giờ sáng, ánh nắng đã rọi rực rỡ khắp phố phường Hà Nội, thế nhưng nhiều kiot và cửa hàng vẫn sáng trưng ánh đèn. Trước thắc mắc của chúng tôi, một chủ quầy hàng trên đường Quan Hoa (Cầu Giấy) thản nhiên đáp: “Hai bóng đèn này chỉ 15W thôi, không đáng là bao, tôi quen để vậy rồi, để lát nữa tôi tắt.”.

Đặc biệt, vào buổi tối, vì yêu cầu kinh doanh, không ít cửa hàng trang trí theo nguyên tắc “càng sáng càng tốt”. Nhưng đôi khi, ánh sáng ấy bị lạm dụng quá mức, nhất là tại các shop thời trang, các quán cafe. Trên các tuyến phố như Cầu Giấy, Nguyễn Trãi, Hai Bà Trưng hay Lý Thường Kiệt, ánh sáng từ các cửa hàng rực rỡ hơn cả nhu cầu thực tế.

Một nhân viên cửa hàng thời trang trên đường Cầu Giấy chia sẻ: “Phải bật sáng như vậy mới thu hút khách, hơn nữa bật mãi thành thói quen rồi. Ban ngày, dù ít khách hơn nhưng nếu bên trong thấy hơi tối thì tôi cũng vẫn bật đèn...”. Câu trả lời vừa thẳng thắn, vừa phảng phất sự thờ ơ với việc lãng phí tài nguyên.

9h sáng, nhiều bóng điện vẫn bật sáng trưng trong một cửa hàng trên đường Cầu Giấy dù không có khách qua lại.

9h sáng, nhiều bóng điện vẫn bật sáng trưng trong một cửa hàng trên đường Cầu Giấy dù không có khách qua lại.

Tình trạng này không chỉ diễn ra ở các cửa hàng kinh doanh mà tại các công sở, việc lãng phí điện cũng đang tiếp diễn. Chị Nguyễn Hồng Tươi (Đông Quan, Cầu Giấy, Hà Nội), nhân viên một ngân hàng có chi nhánh ở Linh Đàm, kể: “Mặc dù đã vào đông rồi, nhưng mỗi khi lên văn phòng, tôi vẫn thấy điều hòa đang chạy. Thực ra, dù buổi trưa có hơi ấm, nhưng thời tiết mùa này không cần thiết phải bật điều hòa”.

Không chỉ có chị Tươi, chị Cao Minh Hảo (Vũ Ngọc Phan, Đống Đa, Hà Nội), công chức tại một phường ở Hà Nội, cũng chia sẻ về tình trạng lãng phí điện ở công sở. “Ở cơ quan tôi, vào giờ nghỉ trưa, dù không có ai ở lại làm việc, nhưng nhiều hôm các thiết bị như máy photo, máy in vẫn để nguyên, không tắt nguồn. Thậm chí, có một số phòng, khi người ra ngoài một lúc, điện vẫn không được tắt, dù chỉ đi có ít phút, nhưng lẽ ra cũng nên tắt đi. Nhiều khi tôi nghĩ vậy cũng hơi lãng phí”, chị Hảo cho biết.

Mặc dù cơ quan chị đã lắp bóng đèn tiết kiệm năng lượng để tiết kiệm điện, nhưng việc không tắt bớt các thiết bị khi không sử dụng vẫn là thói quen khó bỏ. “Mọi người cứ nghĩ rằng nếu không dùng đến máy tính hay máy photo thì không ảnh hưởng gì, nhưng thực tế việc này lại tốn không ít điện. Chúng tôi đã nhiều lần nhắc nhở nhau nhưng không phải ai cũng chú ý”, chị Hảo nói.

Cũng giống như chị Hảo, chị Đinh Hồng Điệp (Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội), một cán bộ khác đang công tác tại Hà Nội, cũng không khỏi lo ngại khi chứng kiến sự lãng phí điện tại nơi làm việc. “Nhiều bóng đèn được bật sáng cả ngày ở khu vực vệ sinh, mặc dù không phải lúc nào cũng có người. Thậm chí, ở những phòng họp lớn, sau cuộc họp, đèn vẫn sáng nguyên. Điều này không chỉ gây tốn kém mà còn tạo ra thói quen xấu đối với mọi người trong cơ quan”, chị Điệp chia sẻ.

Nhiều lần nhắc nhở đồng nghiệp tắt bớt đèn khi không cần thiết, nhưng chị Điệp cũng tỏ ra ngao ngán khi phần lớn mọi người đều bỏ qua, thậm chí nhiều khi “quên”. “Mọi người cứ nghĩ đó không phải trách nhiệm của mình, và việc tắt các thiết bị điện cũng chẳng ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, thói quen đó lại dẫn đến lãng phí không hề nhỏ”, chị Điệp giải thích.

Theo chị Điệp, sự thiếu ý thức tiết kiệm điện không chỉ là vấn đề trách nhiệm, mà còn do thói quen làm việc thiếu chú ý đến chi tiết nhỏ. “Nếu mỗi người trong chúng ta có thể thay đổi thói quen, từ việc tắt bớt đèn và điều hòa khi không cần thiết, thì chắc chắn sẽ tạo ra một sự thay đổi lớn”, chị Điệp nói.

Ban ngày, không chỉ một mà rất nhiều cửa hàng, kiot sửa chữa xe đèn vẫn sáng choang, cho dù chưa có khách tới.

Ban ngày, không chỉ một mà rất nhiều cửa hàng, kiot sửa chữa xe đèn vẫn sáng choang, cho dù chưa có khách tới.

Không chỉ ở công sở hay cửa hàng, lãng phí điện còn len lỏi vào từng gia đình, nơi những thói quen nhỏ lại gây ra lãng phí rất lớn. Nhiều người vẫn quên tắt các thiết bị khi không sử dụng, hay thậm chí sử dụng điều hòa ở nhiệt độ quá thấp mà không ý thức được tác động tiêu cực đến môi trường và tài nguyên quốc gia.

Chị Nguyễn Hương Giang (Trung Hòa, Cầu Giấy) chia sẻ: “Gia đình tôi từ khi có con nhỏ phải thuê thêm bà giúp việc, nhưng thói quen của bà là bật đèn cả ngày và để ti vi mở suốt, dù không ai ngồi xem… Mặc dù vợ chồng tôi đã nhắc nhở, nhưng tình trạng này vẫn không thay đổi.”.

Thật khó để tưởng tượng, nếu mỗi gia đình trong cả nước đều có những thói quen như vậy, mức độ lãng phí điện sẽ lớn đến mức nào?

Mỗi bóng đèn không cần thiết, mỗi giờ điều hòa chạy vô lý, mỗi thiết bị điện thừa sẽ không chỉ làm tăng hóa đơn gia đình mà còn tạo ra một gánh nặng khổng lồ đối với hệ thống điện quốc gia. Và khi cả triệu gia đình, hàng triệu hộ dân đều có những hành động lãng phí này, hệ quả sẽ là gì? Không chỉ gây thêm áp lực lên nguồn cung cấp điện, mà còn làm gia tăng tình trạng thiếu hụt năng lượng trong tương lai, đặc biệt khi Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng khô hạn kéo dài và biến đổi khí hậu.

Thay đổi thói quen để tiết kiệm điện ngay từ bây giờ

Theo thống kê của Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI), đặc thù của Thủ đô Hà Nội với trên 55% phụ tải điện cho sinh hoạt quản lý tiêu dùng. Trong những tháng hè, sản lượng điện toàn thành phố trong những ngày cao điểm nắng nóng có ngày lên tới mức 106,14 triệu kWh (mức cao chưa từng có trong lịch sử).

EVNHANOI cho biết, mặc dù điện không phải là nguồn tài nguyên vô tận, nhưng hiện tại nguồn điện vẫn đang bị lãng phí. Nếu thiếu hụt điện, mọi hoạt động sẽ bị gián đoạn, gây khó khăn và ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Việc sử dụng điện hợp lý và tiết kiệm không chỉ giúp giảm chi phí sinh hoạt cho các hộ gia đình, mà còn hỗ trợ các doanh nghiệp tăng hiệu quả sản xuất và kinh doanh.

Theo các chuyên gia năng lượng, yếu tố then chốt trong việc tiết kiệm điện chính là nhận thức. Thói quen tiết kiệm điện cần được hình thành dần dần qua thời gian, không thể đạt được chỉ thông qua các phong trào ngắn hạn. Chính vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương đã liên tục đưa ra các chỉ thị và hướng dẫn nhằm xây dựng thói quen tiết kiệm điện, từ các hộ gia đình đến các doanh nghiệp. Tiết kiệm năng lượng và điện sẽ chỉ thực sự hiệu quả khi trở thành một thói quen hàng ngày, nếu không, người tiêu dùng sẽ cảm thấy khó khăn khi áp dụng.

Nhiều cửa hàng, quán ăn... bật điện chiếu sáng quá mức dù chưa có bóng khách ghé ăn.

Nhiều cửa hàng, quán ăn... bật điện chiếu sáng quá mức dù chưa có bóng khách ghé ăn.

Để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm chi phí điện năng, nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ môi trường, EVNHANOI khuyến cáo người dân sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Các biện pháp bao gồm tắt các thiết bị điện không cần thiết, hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ nhiều điện vào giờ cao điểm (từ 12h00 đến 15h00 và từ 22h00 đến 24h00 hàng ngày). Bên cạnh đó, cần sử dụng điều hòa một cách hợp lý (đặt ở mức 26°C trở lên, kết hợp với quạt) và tránh sử dụng đồng thời nhiều thiết bị có công suất lớn.

Với các hộ gia đình, nên lựa chọn các thiết bị điện có nhãn năng lượng tiết kiệm, bảo dưỡng và vệ sinh thiết bị định kỳ để chúng hoạt động ổn định và tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, các thiết bị không sử dụng nên được rút phích cắm, vì chúng vẫn tiêu thụ năng lượng dự phòng, gây tăng hóa đơn tiền điện. Theo nghiên cứu của Viện Berkeley, các thiết bị không rút phích cắm có thể tiêu tốn từ 5% đến 10% lượng điện năng tiêu thụ trong gia đình.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, cần lên kế hoạch sản xuất hợp lý, tránh vận hành các thiết bị điện có công suất lớn vào giờ cao điểm. Doanh nghiệp cũng có thể lắp đặt hệ thống giám sát năng lượng để theo dõi và giảm thiểu lượng điện tiêu thụ. Việc đầu tư thay thế các thiết bị cũ, hiệu suất thấp bằng các thiết bị tiết kiệm điện và nâng cao nhận thức về tiết kiệm điện cho nhân viên cũng là những biện pháp quan trọng.

Thống kê của EVNHANOI trong năm 2023 cho thấy, khối hành chính sự nghiệp đã tiết kiệm được 48,44 triệu kWh. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả việc tiết kiệm điện trong các cơ quan, đơn vị công sở, EVNHANOI khuyến nghị tắt các thiết bị không cần thiết (như đèn chiếu sáng, điều hòa khi ra khỏi phòng), tắt các thiết bị điện khi hết giờ làm việc, sử dụng điều hòa ở nhiệt độ từ 27°C trở lên kết hợp với quạt, và không sử dụng đèn chiếu sáng ngoài trời vào ban đêm. Việc sử dụng năng lượng mặt trời (điện mặt trời mái nhà và hệ thống đun nước nóng từ năng lượng mặt trời) cũng là giải pháp hiệu quả giúp giảm tiêu thụ điện từ hệ thống điện quốc gia.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng điện thiếu hụt có thể lên tới 27,7 tỷ kWh vào năm 2025. Vì vậy, việc tiết kiệm điện không thể chờ đợi. Mọi người cần thay đổi thói quen tiêu thụ điện ngay từ bây giờ, góp phần giảm áp lực lên nguồn cung điện, bảo vệ tài nguyên năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong tương lai.

Bùi Lan - Thanh Hà

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/bai-2-cach-nao-de-lang-phi-dien-khong-tro-thanh-can-benh-nan-y-post533920.html
Zalo