Bài 2: Cả hệ thống chính trị ứng phó với thiên tai

Trong bài viết trước, từ hiện trường trên núi Bản Vàng, chúng tôi đã kể câu chuyện về những nỗ lực của Trưởng thôn Vàng Seo Chứ trong việc khẩn cấp di chuyển 17 hộ dân xóm Bản Vàng đến nơi tránh trú an toàn giữa đợt mưa lũ khốc liệt của hoàn lưu của cơn bão số 3. Điều nhiều người còn ít biết, đằng sau sự việc đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị xã Cốc Lầu (huyện Bắc Hà) với quyết tâm phòng tránh, ứng phó với thiên tai, để lại những bài học còn quý hơn vàng.

Trong bài viết trước, từ hiện trường trên núi Bản Vàng, chúng tôi đã kể câu chuyện về những nỗ lực của Trưởng thôn Vàng Seo Chứ trong việc khẩn cấp di chuyển 17 hộ dân xóm Bản Vàng đến nơi tránh trú an toàn giữa đợt mưa lũ khốc liệt của hoàn lưu của cơn bão số 3. Điều nhiều người còn ít biết, đằng sau sự việc đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị xã Cốc Lầu (huyện Bắc Hà) với quyết tâm phòng tránh, ứng phó với thiên tai, để lại những bài học còn quý hơn vàng.

Ngày 16/9/2024, 17 hộ dân xóm Bản Vàng, thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu đã được di chuyển từ nơi tránh trú trên núi xuống ở tạm tại Nhà văn hóa xã Cốc Lầu, chờ dọn vào khu lán dã chiến ở tạm trong khi chờ khu tái định cư hoàn thành. Thời điểm này, chân tường trụ sở UBND xã Cốc Lầu vẫn còn bùn đất hoen màu do nước lũ từ sông Chảy tràn vào trước đó hơn chục hôm. Sau gần hai tuần thiếu ngủ do bận rộn ứng phó với mưa lũ, gương mặt ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cốc Lầu phờ phạc hơn.

Trong khi ông Tuấn đang bận trao đổi nhanh với cán bộ địa chính việc rà soát lại những hộ bị sạt lở, ảnh hưởng về nhà ở trên địa bàn để kịp thời hoàn thiện thủ tục làm khu tái định cư, thì điện thoại vẫn đổ chuông liên tục. Đó là điện thoại của các cán bộ xã, trưởng thôn gọi về, các đoàn thiện nguyện liên hệ để gửi hàng cứu trợ bà con vùng lũ… Phải mất một lúc lâu, ông Tuấn mới có dịp quay sang trò chuyện cùng chúng tôi.

Theo chia sẻ của ông Tuấn, trong những năm qua, xã Cốc Lầu ít khi có mưa lũ lớn và 10 năm trở lại đây không có người chết vì mưa lũ. Tuy nhiên, do địa hình phức tạp với núi cao, có nhiều khe suối, lại nằm ven sông Chảy nên vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất khi có mưa lớn.

Cơn bão số 3 năm 2024 được dự báo là “siêu bão”, cực kỳ nguy hiểm, để chủ động phòng tránh, các công điện của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của tỉnh, huyện được Đảng ủy, UBND xã Cốc Lầu cụ thể thành các văn bản “hỏa tốc” chỉ đạo trực tiếp đến các ban, ngành, đoàn thể xã, các thôn bản, để kịp thời lên các phương án khắc phục hậu quả trong trường hợp có tình huống xấu.

Xã Cốc Lầu có 7 thôn bản, nhiều thôn cách xa trung tâm xã đến hơn chục cây số đường khó. Trước khi mưa lũ xảy ra, Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn xã Cốc Lầu đã tổ chức các cuộc họp, khẩn trương rà soát những khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng do thiên tai và chủ động di dời 17 hộ dân thuộc 4 thôn Kho Vàng, Nậm Lòn, Hà Tiên, Cốc Lầu đến nơi an toàn. Đặc biệt, các nội dung tuyên truyền về cơn bão được cập nhật 24/24 giờ vào các nhóm zalo với các đầu mối là các bí thư chi bộ, trưởng thôn, an ninh cơ sở để tuyên truyền đến tận thôn, xóm, từng hộ dân.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tích cực, chủ động của các ban, ngành, đoàn thể và các thôn, bản trên địa bàn xã Cốc Lầu, nhiệm vụ phòng chống, ứng phó với hoàn lưu cơn bão số 3 được đặt lên hàng đầu. Những ngày đầu tháng 9/2024, nhóm zalo “Chủ tịch và trưởng thôn” của xã Cốc Lầu luôn sáng đèn với những tin nhắn trao đổi từ xã xuống thôn, từ thôn lên xã bất kể lúc đêm muộn hay sớm mai, để kịp thời thông tin về tình hình mưa lũ tại địa phương, từ đó kịp thời ứng phó khi có tình huống đột xuất xảy ra.

Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết: Trong mưa lũ mọi điều đều có thể xảy ra, việc cập nhật thông tin nhanh để có sự chỉ đạo, chung tay kịp thời là rất cần thiết. Do đó, trong các nhóm liên lạc, chúng tôi đều yêu cầu cơ sở phải thông tin tình hình, nếu có thiệt hại, nửa đêm cũng phải báo cáo. Đặc biệt, với đặc điểm các thôn ở cách xa nhau nên xã cũng chủ trương, để ứng phó và khi có sự cố mưa lũ xảy ra, thì tại chính các thôn, xóm phải nâng cao phương châm “4 tại chỗ”.

Sau câu chuyện khẩn cấp di chuyển 17 hộ dân xóm Bản Vàng lên núi lánh nạn, Trưởng thôn Kho Vàng Ma Seo Chứ cho biết: Trước khi hoàn lưu cơn bão ảnh hưởng đến Lào Cai, theo chỉ đạo của xã, trực tiếp là đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã qua nhóm zalo “Chủ tịch và trưởng thôn”, các trưởng thôn phối hợp với cán bộ xã rà soát địa hình, cảnh báo nguy cơ sạt lở. Đối với những hộ dân ở trong vùng có nguy cơ sạt lở, chúng tôi lập danh sách gửi về xã, đồng thời di chuyển người dân đến nơi an toàn khi trên địa bàn bắt đầu có mưa lớn vào ngày 7/9.

Bắt đầu từ ngày 7/9, trên địa bàn xã Cốc Lầu có mưa lớn. Nhìn dòng sông Chảy ngày càng dâng cao, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Tuấn trong lòng như lửa đốt. Mấy đêm dài anh không ngủ, chỉ để canh bản tin thời tiết, nhìn mưa, nhìn nước, để trao đổi với các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy xã, các ban ngành của xã kịp thời thông báo đến các thôn.

Rạng sáng 9/9, mưa lớn dữ dội trút xuống Cốc Lầu, nước sông Chảy dâng cao ngấp nghé mặt đường trục xã. Toàn xã bị mất sóng điện thoại, mất internet, mất điện. Để nắm được tình hình thiệt hại ở các thôn, kịp thời ứng cứu thì chỉ còn 1 cách duy nhất là lập, cử các nhóm đi đến từng thôn. Trưa 9/9, thông tin từ các thôn được tổng hợp, cơ bản 6 thôn khu vực vùng thấp, dọc bờ sông của xã đều có thể đi xe máy hoặc đi bộ đến được, các thôn cơ bản ổn định, không có thiệt hại về người.

Tuy nhiên, riêng thôn Kho Vàng gồm 4 xóm (Bản Vàng, Nậm Dẩn, Làng Kho, Kho Lạt) đường sạt lớn, trời lại mưa to nên không thể tiếp cận. Trong khi đó, có thông tin gấp từ người dân là một số nhà dân tại xóm Nậm Dẩn bị ngập lụt, lũ cuốn trôi 6 ngôi nhà khiến 3 người mất tích, làm Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Tuấn lòng như lửa đốt, đứng ngồi không yên. Bằng mọi biện pháp có thể, đến chiều 10/9, cấp ủy, chính quyền xã Cốc Lầu đã chỉ đạo các tổ công tác đến được với xóm Nậm Dẩn, Kho Lạt và Làng Kho ở ven sông Chảy, khẩn trương chỉ đạo các lực lượng cứu hộ của xã tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ di chuyển các hộ dân bị thiệt hại đến nơi tránh trú an toàn.

Trong đó, với xóm Nậm Dẩn có 6 nhà bị lũ cuốn trôi, 3 người thiệt mạng, lực lượng dân quân xã đã làm nhà bạt cho 4 hộ ở tại nơi an toàn trong xóm Nậm Dẩn; đưa 2 hộ dân đến ở cùng người nhà trong các thôn của xã. Sau rất nhiều nỗ lực, cố gắng, đến nay, các lực lượng đã tìm thấy thi thể 2/3 người bị mất tích và bàn giao cho gia đình an táng theo phong tục của địa phương.

Ông Đặng Văn Bình, Bí thư Chi bộ thôn Kho Vàng nhớ lại: Thời điểm xảy ra mưa lũ gây thiệt hại về người và nhà ở trên địa bàn thôn là vào rạng sáng 9/9. Khu vực bị thiệt hại nhất là Nậm Dẩn. Không tận mắt chứng kiến cảnh lũ cuốn nhà nhưng nhìn những ngôi nhà, cái thì bị cuốn sạch chỉ còn nền đất, cái thì hoang tàn như vừa bị ai đập phá tan nát, lòng tôi đau vô cùng. Trong cơn hoạn nạn, bà con nhanh chóng chung tay lo chuyển người còn sống đến nơi an toàn và cùng lực lượng chức năng tìm người mất tích, cùng gia đình lo hậu sự.

Ông Lý Văn Nhân (người dân thôn Kho Vàng) năm nay đã 61 tuổi, đến giờ vẫn chưa hết bàng hoàng, bởi từ khi cha sinh mẹ đẻ ở đất này chưa từng thấy thảm họa mưa lũ lớn như vậy. Ông Nhân xúc động, giọng đầy hàm ơn: Trong lúc gian nguy, khi thôn xóm bị cô lập với bên ngoài, điểm tựa của chúng tôi chính là bí thư chi bộ, các đảng viên, ban công tác mặt trận của thôn. Trong lúc gian nguy, các lực lượng đã trợ giúp bà con di chuyển đến nơi an toàn, giúp người “trắng tay” không bị đói, rét... Ân tình này, bà con mãi mãi không quên

Ngày 10/9, cùng với lo công tác cứu hộ, cứu nạn tại xóm Nậm Dẩn, xã Cốc Lầu cũng khẩn trương chỉ đạo các lực lượng tìm cách liên hệ với 17 hộ dân với 115 nhân khẩu tại xóm Bản Vàng ở trên núi nhưng không thể tiếp cận theo đường trục thôn, do đất đá sạt lấp đường. Sáng sớm 11/9, đoàn 6 người của xã gồm lực lượng công an, dân quân, an ninh cơ sở tìm đến xóm Bản Vàng theo con đường mòn xuyên núi. Anh Vạn Văn Thắng, thành viên Tổ Bảo vệ an ninh cơ sở thôn Cốc Lầu là một trong những người tham gia tìm kiếm hôm ấy chia sẻ: Đường chính vào xóm Bản Vàng bị cô lập nên tôi đã nghĩ ngay đến con đường mòn ngày bé vẫn theo các cụ đi câu cá có đi qua Bản Vàng. Sau khoảng 3 giờ đồng hồ mở lối qua 7 khe suối, 9 ngọn núi, đồi, tích cực tìm kiếm, đoàn cũng đến đỉnh núi Bản Vàng, nơi 17 hộ dân đang làm lán lánh nạn.

Đại úy Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Công an xã Cốc Lầu, người nhận nhiệm vụ đưa tổ công tác đi tìm kiếm 17 hộ dân bị mất liên lạc nhớ lại: Giữa những cơn mưa tầm tã, con đường mòn lên núi Bản Vàng trơn trượt, lầy lội, sạt lở, đi vô cùng vất vả nhưng anh em đều cố gắng hết sức để đến được Bản Vàng. Niềm vui vỡ òa khi gặp được người dân và biết tất cả đều an toàn. Tổ công tác cũng nắm tình hình, chia lực lượng xuống Bản Vàng, đưa được 3 người cao tuổi ở khu vực có nguy cơ sạt lở lên khu lánh nạn an toàn; tìm và nhắc 5 thanh niên đang trên đường xuống thôn lấy gạo quay lên núi. Buổi trưa hôm đó, mặc dù thấm mệt, tôi khẩn trương trở về xã và tiếp tục cùng đoàn 20 người leo dốc trở lại khu lán tạm trên đỉnh núi để tiếp tế lương thực, thực phẩm cho Nhân dân, đồng thời tuyên truyền các biện pháp đảm bảo an toàn cho bà con. Đến 22h cùng ngày, tổ công tác mới trở về đến trụ sở UBND xã.

Trước diễn biến bất thường của thiên tai và những tình huống khẩn cấp như trận mưa lũ vừa qua trên địa bàn xã Cốc Lầu, việc phát huy sự chủ động, tích cực của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tinh thần đoàn kết của Nhân dân chính là bài học quý hơn vàng được rút ra. Trong đó, xã biểu dương những cán bộ, đảng viên, người đứng đầu hết lòng vì Nhân dân như đảng viên trẻ, Trưởng thôn Kho Vàng Ma Seo Chứ, Bí thư Chi bộ Đặng Văn Bình,Trưởng Công an xã Nguyễn Mạnh Cường và các đảng viên, quần chúng khác. Các đồng chí đã thực hiện rất tốt việc chủ động phòng, chống mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”, nêu cao tính tự giác, trách nhiệm từ cơ sở, đảm bảo an toàn cho cộng đồng.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Cốc Lầu.

Trong hoàn cảnh thiên tai gây nhiều đau thương, “Kho vàng mười” thực sự được tìm thấy tại thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, đó chính là tinh thần, trách nhiệm các cán bộ, đảng viên, quần chúng gương mẫu của xã, của thôn xứng đáng với niềm tin của Nhân dân. Người dân sẽ còn mãi khắc ghi hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn xã Cốc Lầu dầm mưa, vượt lũ đến thôn xóm, để kịp thời trợ giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai. Qua mỗi khó khăn, niềm tin lại được đắp bồi và thắp sáng.

Trình bày: Khánh Ly

Tô Dung - Tuấn Ngọc

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/bai-2-ca-he-thong-chinh-tri-ung-pho-voi-sieu-bao-post391027.html
Zalo