Bài 2: Bám sát thực tiễn để tham mưu sát, trúng
Lê Hồng Hạnh - Trưởng Phòng Tư pháp thị xã Hồng Lĩnh, Hà TĩnhPhương án sắp xếp, sáp nhập cấp xã như thế nào hiện đang là mối quan tâm rất lớn từ dư luận, người dân, đặc biệt là cán bộ, công chức. Dù phương án như thế nào chăng nữa thì 'xác định rõ các điều kiện bảo đảm để chính quyền cấp xã hoạt động hiệu quả trước, trong và sau khi sắp xếp' là mệnh lệnh, yêu cầu bắt buộc các cấp có thẩm quyền cần quan tâm, bám sát thực tiễn để tham mưu sát, trúng, hướng tới mục tiêu phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của người dân.
Cấp xã không phải là “huyện thu nhỏ”
Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính quy định quy mô dân số của xã miền núi, vùng cao là 5.000 người trở lên, xã khác từ 8.000 người trở lên, phường từ 5.000 người trở lên. Theo dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính đang được Bộ Tư pháp thẩm định, xã, phường mới sau sáp nhập cần có diện tích tự nhiên và quy mô dân số đạt từ 300% trở lên so với tiêu chuẩn của cấp cơ sở theo quy định hiện hành.
Theo dự thảo mới đang được lấy ý kiến, đối với tiêu chuẩn quy mô dân số của xã miền núi, vùng cao hoặc có đường biên giới quốc gia trên đất liền mà có từ 30% trở lên dân số là người dân tộc thiểu số thì mức tối thiểu là 7.500 người. Phường mới sau sắp xếp có đồng thời diện tích tự nhiên từ 35km2 trở lên; quy mô dân số từ 50.000 người trở lên; riêng phường ở miền núi, vùng cao có quy mô dân số từ 35.000 người trở lên. Trường hợp sắp xếp từ 4 đơn vị hành chính cấp xã trở lên thành 1 xã, phường mới thì không phải đánh giá tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số.

Cán bộ xã Ea'Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk phổ biến, giải thích quy định pháp luật cho người dân. Ảnh: Bình Nguyên
Kết luận 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã chỉ rõ đối với cấp xã: Cần xác định rõ các mô hình chính quyền địa phương cấp xã đối với khu vực đô thị, nông thôn, miền núi, đồng bằng, hải đảo, quy mô dân số, diện tích, lịch sử, văn hóa, các vấn đề về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, dân tộc, tôn giáo... Xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, định biên của chính quyền địa phương cấp xã. Làm rõ mối quan hệ công tác giữa các cấp chính quyền địa phương (giữa cấp tỉnh và cấp xã); mối quan hệ công tác theo ngành dọc từ Trung ương đến cấp xã (giữa bộ, ngành Trung ương, các sở chuyên ngành và đơn vị, cá nhân phụ trách theo lĩnh vực), bảo đảm hoạt động thuận lợi, đồng bộ, liên thông, hiệu lực, hiệu quả; xác định rõ các điều kiện bảo đảm để chính quyền cấp xã hoạt động hiệu quả trước, trong và sau khi sắp xếp.
“Dân gian có câu đố: Còn nhỏ em mặc áo xanh. Khi lớn bằng anh, em thay áo đỏ. Xã khi bé thì mặc áo xanh. Bây giờ tăng quy mô về dân số và diện tích thì đương nhiên phải thay đổi, “em thay áo đỏ”. Vấn đề ở đây là áo mới như thế nào để vừa vặn và quan trọng nhất là thoải mái vận hành hướng tới mục tiêu phục vụ Nhân dân tốt nhất. Tùy đặc thù từng địa phương, có địa phương quy mô tăng nhưng ít; cũng có những địa phương như tại TP. Hồ Chí Minh có xã lên đến hơn 200.000 dân, khối lượng công việc sẽ tăng lên đột biến. 85% chức năng quản lý nhà nước của huyện đưa về, thì rõ ràng “thay áo” hay là xây dựng phương án, cần tính toán kỹ lưỡng số lượng, chất lượng cán bộ, công chức và cơ cấu tổ chức bộ máy cho phù hợp. Có thể không nhiều phòng, ban, ngành như cấp huyện hiện nay nhưng rất cần có sự phân chia bộ phận cụ thể theo lĩnh vực cho rõ trách nhiệm, nhất là giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cho dân - bà Lê Vân, Phường 7, Quận 8, TP. Hồ Chí Minh phân tích.
"Áo mới" cho bộ máy tổ chức mới
Một thuận lợi sau sắp xếp cấp xã, không tổ chức cấp huyện đó chính là nguồn nhân lực có chất lượng dồi dào từ cấp huyện sẽ được sắp xếp tăng cường cho các cấp, trong đó có cấp xã. Một chiếc áo rộng rãi, chắc chắn, vận hành trơn tru, không bị ngắt quãng cho một cơ thể mới được hình thành đó là điều mà mọi người dân, cán bộ, công chức đều mong mỏi.
Phường chúng tôi có gần 10 nghìn dân với 2 công chức tư pháp - hộ tịch nhưng mà hồ sơ, thủ tục hành chính lĩnh vực tư pháp - hộ tịch bình quân mỗi ngày khá lớn. Hầu hết thời gian 8 tiếng chỉ giải quyết mảng hộ tịch, chứng thực trong khi quy định công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã còn phải tham mưu cho UBND cấp xã nhiều đầu việc khác. Nếu sắp xếp thành phường quy mô lớn hơn mà bộ phận tư pháp - hộ tịch lại ghép với bộ phận khác, số lượng biên chế giảm thì rất khó khăn, áp lực. Do đó, tôi kiến nghị khi xây dựng phương án chính quyền xã mới cần kế thừa mô hình cũ, nhất là cần rõ trách nhiệm của từng bộ phận. Nếu vì áp lực biên chế mà dồn văn phòng, nội vụ, tư pháp thành một bộ phận thì rất khó để phân rõ trách nhiệm và điều hành, người đứng đầu cũng không thể quán xuyến được. Có thể không thành lập phòng mà chia rõ bộ phận rạch ròi thì mới rõ người, rõ việc, lãnh đạo UBND cũng dễ dàng quán xuyến mà điều hành bởi 90% hồ sơ, thủ tục hành chính ở cấp xã liên quan đến công dân, tổ chức là thuộc lĩnh vực tư pháp - hộ tịch” - bà Trần Thị Thu Huyền, công chức tư pháp - hộ tịch phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh bày tỏ.
Còn theo ông Lê Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Ea’Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk: Một lĩnh vực khác hầu như công chức cấp xã phải làm ngày làm đêm mới bảo đảm tiến độ, biên chế thiếu đó là mảng địa chính, nông nghiệp, xây dựng và môi trường. Trong đó, nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường khá phức tạp nhưng lại do công chức địa chính kiêm nhiệm. Tuy nhiên, công chức địa chính chỉ hoàn thành được lĩnh vực đất đai, xây dựng đã kín hết thời gian làm việc nên mảng môi trường hầu như đối phó hoặc bỏ trống.
“Sắp tới, bỏ cấp huyện, sắp xếp xã, tôi mong cấp xã sẽ được tăng cường thêm biên chế lĩnh vực địa chính, môi trường, đặc biệt là môi trường. Mô hình thì nên dựa trên bộ máy cũ để xây dựng phương án cho phù hợp, không nên ôm đồm vì cấp xã là cấp trực tiếp với dân, cần rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm” - ông Lê Hồng Thái bày tỏ.