Bài 1: Xây dựng không phép… muốn vẫn có cách
Thời gian gần đây, công tác cấp phép và quản lý trật tự xây dựng (TTXD) trên địa bàn cả nước, nhất là tại các đô thị đã có nhiều chuyển biến tích cực. Song, tại các đô thị lớn vẫn là vấn đề 'nóng' gây bức xúc trong dư luận và gây ra những hệ lụy lâu dài.
Cùng với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và tốc độ dân số cơ học tăng nhanh tại các đô thị, kéo theo nhu cầu về xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, xã hội và nhà ở tăng nhanh. Nhưng trong quá trình này đã xảy ra những tiêu cực liên quan đến TTXD gây bức xúc trong dư luận và khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước.
Đất nông nghiệp “điểm nóng” về xây dựng không phép
Tốc độ đô thị hóa trên cả nước diễn ra mạnh mẽ, sự gia tăng dân số cơ học đều đặn theo từng năm, khiến hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhu cầu về nhà ở tăng nhanh. Thế nhưng, ở các đô thị lớn – nơi thu hút rất đông người lao động đến sinh sống và làm việc, để có được một nơi “chui ra, chui vào”, một “mảnh đất cắm dùi”… là một câu chuyện không hề đơn giản.
Tại Hà Nội, với những người lao động, việc kiếm đất ở đã khó, mua được đất có sổ đỏ, xây cho mình một “tổ ấm” để an cư lạc nghiệp, mở nhà xưởng sản xuất càng trở lên khó khăn hơn rất nhiều. Và cũng từ đây, các mảnh đất xen kẹt, đất nông nghiệp… bỗng trở lên hút khách hơn bao giờ hết. Song, việc tổ chức xây dựng khi chưa được cơ quan chức năng chấp thuận đang tiềm ẩn rất nhiều hệ lụy.
Huyện Hoài Đức – đơn vị hành chính chuẩn bị lên quận là một trong những ví dụ điển hình cho tình trạng dựng nhà ở, nhà xưởng… trên đất nông nghiệp. Sau nhiều ngày thâm nhập, bám địa bàn, trong vai người có nhu cầu mua đất xen kẹt (đất nông nghiệp nằm sát khu dân cư), nhóm phóng viên chúng tôi đã phần nào hiểu được đường đi, nước bước để một công trình xây dựng trên đất nông nghiệp có thể “qua mặt” lực lượng chức năng địa phương, bỏ qua các quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC) như thế nào!?
Theo đó, để có thể xây dựng trên đất nông nghiệp, chủ đất phải “làm luật”, và giá làm luật xây dựng nhà, xưởng sẽ thay đổi theo từng năm. Cụ thể, một cò mồi tại thôn Ngãi Cầu, xã An Khánh cho hay, các đây 1 - 2 năm việc xây dựng khá dễ dàng, từ 300.000 – 600.000 đồng/m2; hoặc trọn gói tùy theo diện tích công trình kèm theo cả lắp điện, nước.
Khi chúng tôi đề cập về việc nhà xưởng diện tích lớn thì vấn đề PCCC và điện ba pha xử lý thế nào? Người này cũng nhấn mạnh rằng, xử lý đơn giản chỉ cần chi ra vài chục triệu đồng, chỉ về ở hoặc cho thuê. Nếu có người thuộc cơ quan chức năng đến kiểm tra thì lánh đi, tạm đóng cửa 1 - 2 ngày...
Với mánh khóe tương tự, tại địa bàn xã La Phù, theo tìm hiểu có đến vài chục nhà ở, nhà xưởng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Thậm chí có chủ hộ xây cả công trình dạng biệt thự. Trong vai người muốn mua mảnh đất xen kẹt tầm giá dưới 1 tỷ để xây và ở tạm. Một người tên T. B. N (xã La Phù) dẫn chúng tôi đi giới thiệu cho một loạt nhà, xưởng đã xây dựng (cả cũ, mới).
Đi theo T. B. N mới thấy sự “nhức nhối” về vấn đề vi phạm tại địa bàn này. Tại khu vực giáp nghĩa trang Miền Hạ, thôn Hoa Thám, cả loạt nhà xưởng được xây dựng trên đất nông nghiệp… Rồi ngay trên đường Hoa Thám (sát với khu đô thị Geleximco) nhà ở, xưởng sản xuất mọc lên trên đất nông nghiệp như một dãy phố, thậm chí có công trình hoành tráng như biệt thự; còn lại là các dạng nhà xây dựng từ 1 - 3 tầng… Và theo lời T.B.N để xây dựng những công trình trên, chủ nhà, chủ xưởng sẽ mất chi phí “làm luật” giao động từ 800.000 – 1,2 triệu đồng/m2.
Theo ghi nhận của chúng tôi, đây không chỉ là tình trạng của riêng huyện Hoài Đức mà còn là vấn đề của không ít địa phương trên địa bàn TP Hà Nội, trong đó có thể kể đến các quận, huyện như: Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín…
Bóc mẽ thủ thuật xây dựng sai phép
Theo tìm hiểu của chúng tôi cũng như những “cò mồi”, để có thể xây dựng các công trình trên đất nông nghiệp, ngoài việc phải có “mối”, “làm luật” theo giá chung, người có nhu cầu xây dựng, hoặc các tổ thợ được thuê, thầu phải tuân thủ nghiêm trình tự các bước, mua tôn, lưới che càng cũ càng tốt, trước hết dựng cột quây lại sau đó vào những ngày thứ Bảy, Chủ nhật là làm thần tốc bên ngoài, sau đó cứ túc tắc làm nội thất. Nguyên tắc là “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, phải có người trông nom, cảnh giới để tránh người lạ phát hiện… làm xong chỉ việc đến ở.
Thâm nhập tại địa bàn phường Định Công (quận Hoàng Mai), để “tránh” sự kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng, “không ai bảo ai”, những nhà thầu, chủ công trình xây dựng nhất loạt sử dụng phương án quây tôn toàn bộ công trình vi phạm, nâng tầng đến đâu, quây tôn đến đó. Sau khi vách tôn được tháo dỡ thì công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Điển hình như: công trình số 97, ngách 99 Định Công Hạ, công trình số 22/66/99 Định Công Hạ và công trình 2 tầng đang được quây tôn để xây dựng trên đất nông nghiệp tại khu vực giáp hồ Định Công…
Ngày 3/7/2024, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn ký ban hành Công văn số 2154/UBND-ĐT về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về TTXD trên địa bàn TP. Trong đó chỉ đạo các sở, ngành chuyện môn và UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm tra, xử lý các vi phạm TTXD trên địa bàn, khu vực được phân công theo dõi, quản lý đối với cả công trình xây mới và cải tạo, sửa chữa theo đúng quy định pháp luật.
Ngoài thủ thuật “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, tại những công trình xây dựng không phép, một chiêu trò cũng đang được rất nhiều người thực hiện là: xin gia cố, cải tạo, cam kết giữ nguyên hiện trạng... Nói như vậy là bởi, tại công trình có địa chỉ 85 phố Trần Hữu Tước, phường Nam Đồng (quận Đống Đa) – công trình nguyên bản là 1 tầng, 1 tum mái tôn, không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không được cấp phép xây dựng nhưng lợi dụng chủ trương cho phép cải tạo, sửa chữa và sự làm ngơ của chính quyền phường Nam Đồng, công trình trên đã được cải tạo thành 3 tầng, 1 tum.
Cũng với chiêu trò “cải tạo giữ nguyên hiện trạng”, công trình xây dựng giáp với trường mầm non Hoa Sen, đường Đặng Tiến Đông (giáp hồ Hoàng Cầu) dù nguyên bản là công trình có quy mô cải là 2 tầng. Song, sau khi tiến hành cải tạo, công trình này đã trở thành công trình cao 3 tầng.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, lãnh đạo các địa phương đều khẳng định sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, dù công trình đã có quyết định xử phạt hành chính, đã được phản ánh từ khi “chớm” vi phạm đến khi đi vào sử dụng vẫn chưa được xử lý!?
(Còn nữa)