Bài 1: Sức bật từ nghị quyết

Thực hiện Kết luận số 112-KL/ThU ngày 3/12/2019 của Thành ủy Lai Châu về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/ThU, ngày 12/12/2015 về các chi bộ, Đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ thành phố giúp bản, tổ dân phố phát triển giai đoạn 2020-2025 (Kết luận số 112-KL/ThU) đã được các liên chi bộ triển khai kịp thời, hiệu quả. Có thể nói những chủ trương của Thành ủy như một luồng sinh khí mới, tạo sức bật giúp cho đồng bào các dân tộc nơi đây vươn mình đi lên xây dựng đời sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Những ngày mùa thu tháng 9, đến bản Trung Chải (xã Sùng Phài) chúng tôi vui chung niềm vui của đồng bào địa phương khi cuộc sống của bà con ngày càng thay da đổi thịt. Những ngôi nhà gỗ khang trang, sạch đẹp hiện hữu bên vườn cây ăn quả xum xuê trái. Hiện đang là mùa thu hoạch lúa nên gia đình nào cũng bận rộn, hối hả lên nương. Bản Trung Chải có 54 hộ, 98% là đồng bào dân tộc Mông. Đến nay, bản không còn nhà tạm, nhà dột nát. Vậy nhưng, ít ai biết rằng, 3 năm trước số hộ nhà tạm của bản là 6 hộ, nhà dột nát 3 hộ, 16 hộ chưa cứng hóa nền, số lao động chưa có việc làm ổn định 95%, hộ nghèo và cận nghèo 24 hộ.

Người dân bản Trung Chải phát triển kinh tế từ chăn nuôi.

Người dân bản Trung Chải phát triển kinh tế từ chăn nuôi.

Nguyên nhân của sự việc trên là do bản có đất canh tác ít, tính chủ động và ý chí vươn lên của một bộ phận người dân trong bản chưa cao, dẫn đến khó khăn trong công tác tuyên truyền vận động, thuyết phục bà con triển khai các mô hình sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống. Thực hiện Kết luận số 112-KL/ThU, Liên chi bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Thanh tra, Tư pháp, Ngân hàng Liên Việt, Trường THPT thành phố được giao nhiệm vụ giúp bản Trung Chải phát triển toàn diện.

Một trong những việc làm đầu tiên của liên chi bộ đó là củng cố hoạt động của các tổ chức tại bản, nâng cao chất lượng hoạt động, sinh hoạt chi bộ. Đồng thời, nắm tình hình của bản nói chung, của từng hộ nghèo, cận nghèo nói riêng để làm cơ sở xây dựng và hoàn thiện kế hoạch giúp bản đúng, trúng, hiệu quả.

Chia sẻ về việc giúp bản, chị Nguyễn Thị Thanh Tình - Phó trưởng Phòng GD&ĐT thành phố cho hay: Với vai trò là tổ trưởng, Phòng đã chủ động phối hợp với các chi bộ, Đảng ủy xã Sùng Phài để có biện pháp hỗ trợ phù hợp, toàn diện. Một mặt chúng tôi củng cố hệ thống chính trị bản, mặt khác chúng tôi tuyên truyền, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự. Xác định cái khó của bản đó là thiếu đất canh tác, bà con còn duy trì các hủ tục lạc hậu, chúng tôi tổ chức họp liên chi bộ bàn, thống nhất các phương án hỗ trợ thích hợp. Theo đó, đối với các hộ gia đình có thành viên trong độ tuổi lao động, liên chi bộ đã tuyên truyền giới thiệu vào làm việc tại Công ty TNHH chè Shan Trúc Thanh và các công ty ở tỉnh, thành khác với số lượng hơn 50 người. Nhờ đó, nhiều gia đình có nguồn thu để cải thiện cuộc sống.

Các liên chi bộ thường xuyên phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương xuống cơ sở nắm bắt tình hình trong dân cư.

Các liên chi bộ thường xuyên phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương xuống cơ sở nắm bắt tình hình trong dân cư.

Song song với giới thiệu việc làm cho các lao động, liên chi bộ còn hóa thân thành các “nông dân chuyên nghiệp” trực tiếp xuống hướng dẫn, tuyên truyền hộ gia đình thâm canh tăng vụ; cách chăm sóc, thu hái chè, rau màu đúng mùa vụ. Đặc biệt, để người dân trong bản tự lực cánh sinh, vươn lên trong cuộc sống, liên chi bộ đã làm mô hình điểm thông qua việc hỗ trợ 2 hộ gia đình nuôi ngan thương phẩm vào giữa năm 2023. Theo đó, mỗi hộ được cấp 30 con, với tổng chi phí gần 4 triệu đồng từ nguồn kinh phí do liên chi bộ huy động trong cán bộ công chức, đảng viên.

Là một trong 2 hộ đầu tiên được hỗ trợ ngan, anh Thào A Sùng phấn khởi nói: Không những được hỗ trợ con giống, gia đình còn được cán bộ hướng dẫn cách chăm sóc, phòng bệnh nên đàn ngan phát triển khỏe mạnh. Sau hơn 5 tháng nuôi, các cán bộ lại tiếp tục ủng hộ mua ngan thịt của gia đình. Với 30 con ngan, gia đình thu về gần 10 triệu đồng. Sau mỗi lứa gia đình lại trích ra 1,5 triệu đồng để duy trì và tái đàn đến tận bây giờ.

Chị Tình chia sẻ thêm: Sau hơn 1 năm triển khai mô hình điểm, bà con trong bản thấy hiệu quả nên tháng 8 vừa qua, 7 hộ trong bản tự bỏ tiền ra, nhờ chúng tôi mua con giống về mở rộng chăn nuôi. Có hộ mua hơn 70 con. Hi vọng, đây là bước ngoặt thay đổi nhận thức giúp bà con trong bản thoát nghèo. Trong hơn 3 năm phụ trách giúp bản chúng tôi đã hỗ trợ, giúp đỡ được 10 hộ thoát nghèo. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ bà con bằng những công việc cụ thể, thiết thực.

Sản xuất nông nghiệp là lợi thế được người dân bản Suối Thầu tận dụng để phát triển kinh tế.

Sản xuất nông nghiệp là lợi thế được người dân bản Suối Thầu tận dụng để phát triển kinh tế.

Bản Suối Thầu cũng là một trong những địa bàn khó khăn của xã Sùng Phài. Bản có 80 hộ 335 nhân khẩu với 35 hộ nghèo, 11 hộ cận nghèo. Sản xuất lúa 1 vụ, chăn nuôi còn nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế chưa cao.

Được phân công phụ trách giúp đỡ bản, Liên chi bộ Kinh tế, Khối dân, Trung tâm Y tế, Công ty Cổ phần chè Lai Châu đã xây dựng Đề án “Giúp bản Suối Thầu, xã Sùng Phài phát triển giai đoạn 2020-2025”. Hằng năm, Liên chi bộ phối hợp với chi bộ bản khảo sát, đánh giá lại thực trạng bản trên các lĩnh vực, làm cơ sở để xây dựng và ban hành kế hoạch giúp bản Suối Thầu phát triển.

Đồng chí Hoàng Thị Thanh - Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Lai Châu cho biết: Dựa trên lợi thế của bản diện tích đất sản xuất rộng nên chúng tôi đã tuyên truyền người dân thâm canh tăng vụ, đưa các loại cây, con giống có năng suất vào sản xuất, chăn nuôi. Đồng thời, trực tiếp hỗ trợ giống ngô cho bà con. Trong 3 năm qua, chúng tôi đã hỗ trợ gần 400kg giống CP811, CP111, HN88 với tổng giá trị hơn 20 triệu đồng, ngoài ra hỗ trợ bản 13 máy nông nghiệp với giá trị 104 triệu đồng. Cùng các đơn vị liên quan triển khai thực hiện dự án nâng cấp, sửa chữa kênh thủy lợi bản Suối Thầu; giúp đỡ xóa 4/4 nhà ở dột nát, hỗ trợ hoàn thiện tiêu chí nhà ở nông thôn cho các hộ dân chưa có nền cứng theo kế hoạch chung xây dựng nông thôn mới của thành phố với tổng số tiền là 205 triệu đồng.

Là hộ nghèo, được liên chi bộ quan tâm xây cho một ngôi nhà mới khang trang, kiên cố, ông Vàng A Sử xúc động nói: Ở tuổi gần đất xa trời, tôi chưa một lần nghĩ tới được ở trong ngôi nhà khang trang như hiện nay. Nhưng thật may mắn gia đình tôi được Liên chi bộ Kinh tế, Khối dân, Trung tâm Y tế, Công ty Cổ phần chè Lai Châu cùng các đơn vị hỗ trợ xây nhà ở, tôi mừng lắm. Có nhà kiên cố tôi yên tâm sinh sống, động viên con cháu tăng gia sản xuất, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Trong 3 năm qua các Liên chi bộ đã chủ động phối hợp trong việc triển khai hỗ trợ, giúp đỡ bản phát triển. Từ đó, tạo điều kiện giúp cho hộ nghèo có cuộc sống ổn định, yên tâm lao động sản xuất, có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi mục tiêu xóa đói giảm nghèo trên địa bàn.

Các liên chi bộ hỗ trợ người dân trồng chè.

Các liên chi bộ hỗ trợ người dân trồng chè.

Nói tới vai trò của các liên chi bộ trong việc giúp dân phát triển, Bí thư Chi bộ bản Trung Chải Giàng A Khoa hồ hởi: Nhờ các liên chi bộ nhiệt tình giúp đỡ, cầm tay chỉ việc, không ngại khó ngại khổ tuyên truyền tới từng gia đình, người dân bà con đã quyết tâm tự giác lao động, vượt lên đói nghèo. Với phương châm không để cho đất nghỉ, các hộ đã tận dụng từng khoảng đất trồng rau xanh, chăn nuôi gia súc, gia cầm để có thêm thu nhập, nâng cao cuộc sống.

Với những cách làm cụ thể, phù hợp, các liên chi bộ đã góp phần quan trọng tạo sức vươn trên các vùng cao nghèo. Mỗi liên chi bộ đã hóa thành các "tàu trưởng" chèo lái các bản khó ngày càng ấm no, hạnh phúc.

(Còn nữa)

Bạch Dương - Hoài Thương

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B/b%C3%A0i-1-s%E1%BB%A9c-b%E1%BA%ADt-t%E1%BB%AB-ngh%E1%BB%8B-quy%E1%BA%BFt
Zalo