Bài 1: 'Lỗ hổng' thu thuế thương mại điện tử
Thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm qua, tuy nhiên, số thu thuế từ lĩnh vực này vẫn chưa phản ánh đúng với quy mô phát triển.
Số thu thuế thương mại điện tử còn hạn chế
Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam ngày càng phát triển. Quy mô thị trường thương mại điện tử các năm gần đây đã tăng trưởng mạnh (từ 16,4 tỷ USD năm 2022 lên đến 20,5 tỷ USD năm 2023 và đạt 25 tỷ USD trong năm 2024).
Bộ Tài chính cho biết, đối tượng hoạt động thương mại rất đa dạng: có 500 nghìn tổ chức, cá nhân kinh doanh từ hơn 400 sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước. 120 nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có phát sinh thu nhập từ hoạt động thương mại điện tử; 31.000 tổ chức, cá nhân Việt Nam khai thay, nộp thuế thay cho các nhà cung cấp nước ngoài sử dụng dịch vụ quảng cáo và hơn 4.200 tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ sàn TMĐT như TikTok shop. Các tổ chức, cá nhân nước ngoài phát sinh thu nhập trên sàn TMĐT Việt Nam (Shopee, Lazada) với tổng lượt giao dịch là 183 triệu lượt, doanh thu giao dịch là 16.641 tỷ đồng.

(Ảnh minh họa)
Theo số liệu của Bộ Công Thương cung cấp, năm 2023 có 929 địa chỉ website, ứng dụng đã đăng ký với Bộ Công Thương theo quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên qua rà soát, nhiều địa chỉ website chỉ được thiết lập để phục vụ việc bán hàng của chính đơn vị thiết lập website mà chưa phải là website cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử.
Ngoài các hoạt động kinh doanh trên các sàn TMĐT lớn trong nước, các hộ, cá nhân còn hoạt động kinh doanh trên các nền tảng cung cấp dịch vụ sàn TMĐT nước ngoài như: Booking, Agoda, Airbnb, Tripadvisor... (nền tảng sàn thương mại điện tử dịch vụ lưu trú); các nền tảng nội dung thông tin số, nền tảng mạng xã hội như: Netflix, Spotify (nền tảng thuê bao); Google, Youtube, Facebook, Tiktok (nền tảng quảng cáo, mạng xã hội); Apple Store, CH Play (nền tảng kho ứng dụng)...
Bên cạnh đó, hiện nay đang xuất hiện đối tượng kinh doanh mới đó là các cá nhân là người ảnh hưởng lớn (KOL-Key Opinion Leader) trong xã hội, thực hiện kinh doanh trên các sàn TMĐT, nền tảng số thông qua việc livestream quảng cáo bán hàng hóa, dịch vụ. Theo thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước, các KOL được chia thành 3 nhóm chính: KOL có uy tín, ảnh hưởng trong xã hội, từ đó tạo ra ảnh hưởng trên không gian mạng (chiếm khoảng 21,8%), KOL không có uy tín trong xã hội nhưng tạo ra ảnh hưởng nhờ có lượng theo dõi lớn trên không gian mạng (chiếm khoảng 42%), KOL có ảnh hưởng gián tiếp trên không gian mạng (chiếm khoảng 36,2%). Thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy, một số KOL livestream quảng cáo, bán hàng có doanh thu hàng chục tỷ, trăm tỷ đồng…
Tuy nhiên, tổng số thu từ hoạt động kinh doanh TMĐT của doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong nước và nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 20% quy mô doanh thu thị trường TMĐT và tỷ trọng này đang có xu hướng giảm từ 20,1% năm 2022 xuống 17,4% năm 2024. Như vậy, có thể thấy rằng nhiều đối tượng kinh doanh chưa thực hiện việc kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật thuế đối với doanh thu từ hoạt động TMĐT.
Quản lý thu thuế chưa hiệu quả
Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật Quản lý thuế: Đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế VAT và thuế TNDN tại Việt Nam theo phương pháp tỷ lệ tính trên doanh thu. Tỷ lệ phần trăm để tính thuế VAT trên doanh thu được thực hiện theo Luật thuế VAT và chỉ áp dụng cho cung cấp dịch vụ.
Tỷ lệ phần trăm để tính thuế TNDN trên doanh thu được thực hiện theo quy định của Luật thuế TNDN áp dụng cho cung cấp hàng hóa và dịch vụ. Việc đăng ký, kê khai nộp thuế thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

(Ảnh minh họa)
Hiện nay các nhà cung cấp nước ngoài đang thực hiện kê khai, nộp thuế trên Cổng Thông tin điện tử của Cục Thuế như sau: Đối với thuế VAT: áp dụng tỷ lệ 5% đối với dịch vụ. Đối TNDN 1% đối với hàng hóa và 5% đối với dịch vụ.
Theo quy định của Luật Thuế VAT đối với hộ, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng TMĐT, nền tảng số có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế VAT và thuế TNCN trừ trường hợp doanh thu của hộ, cá nhân kinh doanh dưới mức 100 triệu (200 triệu từ năm 2026) không chịu thuế giá VAT và thuế TNCN. Đối với cá nhân không cư trú có hoạt động kinh doanh trên nền tảng TMĐT, nền tảng số thì chỉ thu thuế VAT đối với việc cung cấp dịch vụ do hàng hóa cung cấp là hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng nộp thuế VAT tại khâu nhập khẩu.
Hộ, cá nhân kinh doanh là đối tượng phải kê khai, tính thuế VAT theo phương pháp tính trực tiếp theo doanh thu (tỷ lệ phần trăm trên doanh thu) trong đó, tỷ lệ phần trăm đối với hàng hóa là 1% và đối với dịch vụ là 5% và vận tải, dịch có gắn với hàng hóa là 3%. Doanh thu để tính thuế VAT là tổng số tiền bán hàng hóa, dịch vụ ghi trên hóa đơn bán hàng, bao gồm các khoản phụ thu và phí thu thêm mà cơ sở kinh doanh được hưởng.
Theo quy định tại Luật thuế TNCN, cá nhân cư trú kinh doanh nộp thuế TNCN theo tỷ lệ trên doanh thu, trong đó, tỷ lệ phần trăm đối với hàng hóa là 0,5%, đối với dịch vụ là 2% và dịch vụ gắn với hàng hóa là 1,5%. Cá nhân không cư trú nộp thuế TNCN theo tỷ lệ trên doanh thu, trong đó, tỷ lệ phần trăm đối với hàng hóa là 1%, đối với dịch vụ là 5% và dịch vụ gắn với hàng hóa là 2%. Doanh thu tính thuế là toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Bộ Tài chính nhận định, việc quản lý thu thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh trên nền tảng TMĐT, nền tảng số do các Cục thuế, Chi cục thuế (trước sắp xếp) quản lý thu nên chưa thực sự hiệu quả, số thu thuế từ hoạt động kinh doanh TMĐT rất nhỏ so với quy mô và tốc độ tăng trưởng của hoạt động kinh doanh TMĐT, nền tảng số.
Bộ Tài chính cho hay, theo số liệu quản lý thu thuế trong giai đoạn từ năm 2022 đến 2024, kết quả tổng số thu thuế của các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT có xu hướng tăng (năm 2022 là 83 nghìn tỷ đồng, năm 2023 là 97 nghìn tỷ đồng và năm 2024 là 116 nghìn tỷ đồng) trong đó số thu từ hộ, cá nhân kinh doanh rất thấp (năm 2022 là 183 tỷ đồng và năm 2023 là 67 tỷ đồng, năm 2024 dự kiến đạt 2,5 nghìn tỷ đồng).
Theo số liệu của Cục Thuế, tính đến hết tháng 2/2025 đã có 130 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài với số thu tháng 2 ước đạt 2.791 tỷ đồng; có hơn 33.000 hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký, khai thuế, nộp thuế trên Cổng Thương mại điện tử dành cho hộ, cá nhân kinh doanh với số nộp gần 160 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, hiện nay có thực trạng phát sinh một số lượng lớn các gian hàng kinh doanh trên các nền tảng TMĐT chưa định danh được người bán (thống kê tại 5 sàn TMĐT lớn là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Grab thì có hơn 300 nghìn gian hàng chưa định danh được người dùng với doanh số kinh doanh trên 70 nghìn tỷ).
Phó cục trưởng Cục Thuế Mai Sơn chỉ rõ, trong thời gian vừa qua, công tác quản lý hộ kinh doanh đã đạt được những kết quả khá. Điển hình như số hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh do ngành Thuế quản lý đã triển khai bao quát hơn, trong đó cơ sở dữ liệu lớn (BigData) đã được chú trọng xây dựng để phục vụ công tác quản lý thuế tốt hơn. Kết quả số thu từ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh năm 2024 đạt 25.953 tỷ đồng, bằng 120% số thu năm 2023.
“Tuy nhiên, kết quả quản lý thuế hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh vẫn chưa đạt được yêu cầu đặt ra, nhất là so với yêu cầu theo chỉ đạo của Đảng, Chính phủ cần phải có giải pháp chính sách có tính đột phá phương thức quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh nhà hàng, khách sạn và dịch vụ nhằm hạn chế tối đa thủ đoạn “lách luật” để trốn thuế gây ra tình trạng thất thu cho ngân sách nhà nước”, ông Mai Sơn nhấn mạnh.
Từ ngày 1/4, việc triển khai giải pháp quy định các sàn TMĐT thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay cho cá nhân, hộ kinh doanh trên sàn sẽ đảm bảo quản lý chặt chẽ, minh bạch nghĩa vụ thuế của thương nhân kinh doanh trên sàn, nhất là đối với các gian hàng chưa được định danh trên sàn TMĐT.
Bài 2: Kinh nghiệm thu thuế từ các sàn thương mại điện tử trên thế giới