Bài 1: Lấy chồng từ tuổi 'trăng chưa tròn'
Chỉ cần 'ưng cái bụng' những cô bé mới 13, 14 tuổi đã sẵn sàng bỏ lại sau lưng trường lớp và cả tương lai phía trước để làm vợ, làm mẹ. Tỉnh Nghệ An nói chung và huyện Kỳ Sơn nói riêng đã triển khai nhiều giải pháp để chống tảo hôn nhưng chưa mang lại kết quả.
Mẹ con cùng tảo hôn
Ngôi nhà của anh Và Tồng Xo (35 tuổi) và vợ Xồng Y Bố (32 tuổi) nằm tít tắp sau đỉnh dốc bản Nậm Càn (xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An). Cũng như nhiều gia đình người Mông nơi đây, nhà chị Bố rất nghèo. Ngôi nhà gỗ cũ kỹ trống trước, hở sau và trong nhà chẳng có lấy một vật dụng gì đáng giá.
Hôm chúng tôi đến, nhà chị Bố như lớp trẻ mẫu giáo khi có đến hàng chục cháu nhỏ đang chơi đùa vui vẻ trước sân nhà. Cô bé lớn nhất, gương mặt thanh tú cho biết tên là Và Y Chì, con gái của chị Bố, học lớp 7. Ôm đứa em nhỏ vào lòng, ngồi bên bậc cửa, nhìn xa xăm, Y Chì cho biết, đang trong thời gian nghỉ hè nên em ở nhà vừa trông nhà vừa trông em. Có khoảng 10 đứa bé trong bản cũng đến chơi với chị em Y Chì.
Theo bé Y Chì, đã nhiều năm nay bố mẹ và các chị lớn đi làm ăn xa, ở nhà chỉ có Chì và 2 đứa em Và Bá Cô (9 tuổi) và Và Y Dở (6 tuổi). Suốt mấy năm qua, ngoài việc đến trường đi học, Y Chì còn có nhiệm vụ chăm lo cho 2 em. Mới 13 tuổi nhưng cô bé này vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được bố mẹ giao phó.
Chị Lầu Y Mò - Chủ tịch Hội LHPN xã Nậm Càn - cho biết, gia đình chị Bố thuộc diện hộ nghèo. Nhà chị Bố có 6 người con. Chị Bố lên chức mẹ từ năm 14 tuổi nên năm nay con lớn của chị là Và Y Đơ đã 18 tuổi. Cũng chẳng "kém cạnh" mẹ, mới 18 tuổi nhưng Y Đơ đã có con 3 tuổi. Đáng nói, đây là con của Đơ với người chồng thứ 2. Trước đó, năm 14 tuổi, Đơ lấy chồng nhưng không lâu sau đó hai vợ chồng chia tay khi chưa kịp có con.
Cách nhà chị Bố mấy bước chân là nhà của chị Và Y Mò và Lầu Bá Tháy. Cũng như vợ chồng chị Bố, cả 2 vợ chồng Mò đều đi làm ăn xa, để lại 2 con nhỏ Lầu Y Lý (11 tuổi) và Lầu Y Na (2 tuổi) cho bà nội chăm sóc.
Bên ngôi nhà gỗ, lợp tranh, bé Y Lý đang dỗ dành đứa em nhỏ. Đôi mắt buồn rười rượi, hỏi bé có nhớ bố mẹ không, cháu chỉ gật đầu khe khẽ. "Cháu ít khi được gặp bố mẹ. Cháu ở nhà với bà, một buổi đi học, buổi về trông em. Phải đến Tết bố mẹ mới về nhưng cũng chỉ được ít ngày", bé Y Lý cho biết.
Tảo hôn chủ yếu do đôi trẻ tự quyết
Chủ tịch Hội LHPN xã Nậm Càn Lầu Y Mò kể về trường hợp nữ sinh Và Y X. sinh ngày 3/4/2010 mà năm 2023 đã lấy chồng. Thời điểm Và Y X. lấy chồng, em đang là nữ sinh lớp 7 Trường PTDT Bán trú. Chồng em đến từ bản Buộc Mú, xã Na Ngoi, cùng huyện. Hai người quen nhau trong một lần đi chơi hội. Chỉ sau vài lần hẹn hò, hai người đã yêu nhau và quyết định "về chung một nhà" mặc cho gia đình Y X. ra sức phản đối.
Thế nhưng, những ngày giữa tháng 6/2024, khi chúng tôi về Nậm Càn, Chủ tịch Hội LHPN xã Lầu Y Mò cho biết, cuộc hôn nhân chóng vánh ấy đã sớm kết thúc chỉ sau mấy tháng. Nguyên nhân được biết là do Y X. còn quá nhỏ dại. Về nhà chồng nhưng em chẳng biết thổi cơm và không được nhà chồng chấp nhận nên chia tay.
Theo thống kê của UBND huyện Kỳ Sơn, từ năm 2020 đến hết quý I/2024, toàn huyện có 850 người tảo hôn (kết hôn trước tuổi quy định). Năm 2020 có 164 người tảo hôn, năm 2022 lên 171 người. Năm 2023, số người tảo hôn "tăng đột biến" lên đến 278 người. Riêng 3 tháng đầu năm 2024 cũng đã có đến 90 người tảo hôn, trong đó có 13 học sinh THCS, 3 học sinh trường THPT, 14 học sinh thuộc các Trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp.
Những con số theo báo cáo trên có thể chưa thống kê hết được các trường hợp tảo hôn trong thực tế. Lý do là nhiều gia đình biết việc cho con kết hôn sớm là vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt nên họ không tổ chức lễ cưới mà chỉ ngầm công nhận hôn nhân trong nội bộ giữa 2 bên gia đình. Những trường hợp này tuy không đưa vào báo cáo thống kê nhưng thực chất là tảo hôn.
Báo cáo của UBND Kỳ Sơn có đưa ra thông tin đáng chú, đó là xu hướng tảo hôn trong hầu hết các trường hợp những năm gần đây thường do các em quen biết, tìm hiểu, yêu đương rồi tự quyết định (ít có trường hợp cha mẹ bắt ép). Trường hợp bắt ép thường rơi vào bên nhà gái do ảnh hưởng của tập tục lạc hậu, xuất phát từ định kiến giới.
Báo cáo cũng đề cập đến lý do liên quan đến tập tục văn hóa đã ảnh hưởng tình trạng kết hôn trước tuổi quy định. Đối với văn hóa, tập tục của người Mông ở Kỳ Sơn, khi gái trai yêu nhau, người con trai đưa người con gái về nhà chơi nếu bước qua cửa giữa (cửa chính) thì coi như "nhập ma nhà trai".
Hiện nay nhiều trường hợp chưa đủ tuổi kết hôn (đang là học sinh) yêu nhau, bạn trai đưa bạn gái về nhà ở vài hôm thì coi như sự việc đã rồi. Các bậc làm cha mẹ người Mông hiện nay thường phải thuận theo ý con để tránh sự việc đáng tiếc xảy ra (nếu vị ngăn cản quyết liệt có thể các em bỏ nhà ra đi, thậm chí vào rừng ăn lá ngón tự tử).
Bố mẹ của cô gái thì cho rằng con gái nhà mình mà đến nhà ở nhà họ thì "đã là ma nhà họ" phải cho lấy nhau, nếu không sẽ mất danh dự gia đình, con gái coi như một đời chồng sau này sẽ "mất giá" và khó lấy được người chồng ưng ý.
Chủ tịch UBND xã Nậm Càn Xồng Bá Lầu cho biết: "Trẻ ngày nay trưởng thành sớm hơn và thời đại công nghệ phát triển, giao thông thuận lợi… các cháu dễ dàng kết nối với nhau hơn nên việc tìm hiểu, yêu đương của các cháu trở nên dễ dàng mà không còn là sự mai mối, sắp đặt từ bố mẹ. Thế nhưng, người Mông vẫn còn quan niệm con gái đi chơi với con trai là "ma nhà trai" nên phải lấy. Nhiều bố mẹ cứ thấy con gái đi chơi như vậy đã thúc ép con cưới".
(Còn nữa)