Bài 1: Hồi sinh một ngành học … đìu hiu
Đất nước đang bước vào kỷ nguyên vươn mình, do đó, đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị là xu hướng tất yếu để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Thông điệp từ Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã rất rõ ràng rằng 'chỉ bàn làm, không bàn lùi', chính vì thế hàng loạt các đại dự án lớn như đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, đường sắt đô thị… chuẩn bị được đầu tư sẽ đưa hạ tầng của nước ta lên một tầm cao mới.
Vậy nhưng để triển khai được các đại dự án này, cần một nguồn nhân lực chất lượng khổng lồ và đây là vấn đề cần được quan tâm. Theo dự báo, dự kiến sẽ cần khoảng 220 nghìn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhiều dự án đường sắt sắp triển khai, đặc biệt là đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Việc gấp rút đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực này cũng đang trở thành vấn đề rất “nóng”.
Có năm chỉ… 15 sinh viên đăng ký
Là cơ sở chính đào tạo nhân lực bậc đại học cho ngành đường sắt, thế nhưng cả chục năm qua, ngành học này lại đìu hiu nhất trong Trường Đại học Giao thông vận tải. Trong câu chuyện với TS Phạm Thanh Hà, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Giao thông vận tải, chúng tôi được biết có năm ngành học này chỉ có… 15 sinh viên đăng ký. “Ngành đường sắt trước kia từng được nhiều sinh viên lựa chọn. Thế nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, sức hút của ngành này không còn. Phần lớn sinh viên theo học ngành đường sắt tại các cơ sở đào tạo về đường sắt lựa chọn các chương trình đào tạo văn bằng hai, tại chức hoặc đào tạo ngắn hạn. Nguyên nhân là ngành đường sắt của chúng ta nhiều năm qua gần như không phát triển, nhu cầu nhân lực cho ngành này cũng thu hẹp lại”, TS Phạm Thanh Hà lý giải.

Sinh viên ngành đường sắt được Đại học Giao thông vận tải đưa đi thực hành thực tế tại các dự án đường sắt đô thị.
Tuy vậy, bước vào năm học 2025, khi nhu cầu nhân lực để đáp ứng cho phát triển đường sắt tốc độ cao được đặt ra, nhà trường đã bắt đầu tuyển sinh đào tạo nhân lực cho lĩnh vực đường sắt tốc độ cao. Căn cứ vào năng lực đào tạo, dự báo về nhân lực của Bộ Giao thông vận tải, nhà trường tuyển sinh 300 sinh viên các chuyên ngành liên quan đến đường sắt gồm: Khai thác vận tải (chuyên ngành khai thác và quản lý đường sắt tốc độ cao, khai thác và quản lý đường sắt đô thị); Kỹ thuật cơ khí động lực (chuyên ngành kỹ thuật phương tiện đường sắt tốc độ cao); Kỹ thuật điện (chuyên ngành Hệ thống điện đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị); Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa (chuyên ngành điều khiển và thông tin tín hiệu đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị); Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông (chuyên ngành đường sắt tốc độ cao). “Dù nhu cầu nguồn nhân lực và làm chủ công nghệ lõi trong lĩnh vực đường sắt hiện đại tới đây là rất lớn, nhưng so với các ngành học khác, sức hút của ngành này với xã hội vẫn còn hạn chế. Điều này cũng là dễ hiểu bởi thời điểm này câu chuyện phát triển đường sắt hiện đại mới được đặt ra, và cần thời gian để xã hội bắt nhịp”, TS Phạm Thanh Hà nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, hoạt động đào tạo nhân lực đường sắt ở Việt Nam được thực hiện ở 2 cấp độ chính. Đào tạo công nhân kỹ thuật (lái tàu, bảo dưỡng - sửa chữa phương tiện, hạ tầng cầu, đường, thông tin - tín hiệu) chủ yếu do Trường cao đẳng Đường sắt thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đảm nhiệm. Còn đào tạo từ bậc đại học trở lên có 3 cơ sở chính tham gia gồm Trường đại học Giao thông Vận tải, Trường đại học Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, Trường đại học Công nghệ giao thông vận tải. Ngoài ra, hiện nay một số trường cũng đã mở nghiên cứu mã ngành.
Tuy nhiên, đây là ngành học kém hấp dẫn, không được quan tâm đầu tư, nên nhân lực chất lượng cao đang rất thiếu. Ngay tại Trường đại học Giao thông vận tải, trong số 90 tiến sĩ về kỹ thuật xây dựng công trình giao thông của trường chỉ có 5 tiến sĩ chuyên ngành đường sắt. Nhiều vị trí quan trọng trong lĩnh vực kỹ thuật, quản lý vận hành, an toàn đường sắt chưa có đủ nhân sự đáp ứng yêu cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan đến đường sắt cao tốc và đường sắt đô thị. Số lượng sinh viên chọn học tiếp cao học, tiến sĩ rất hạn chế.
Các cơ sở đào tạo đã sẵn sàng vào cuộc
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, riêng khối nhân lực khai thác vận hành (vận hành chạy tàu và bảo trì hệ thống, từ năm 2035 - 2036) chúng ta cần khoảng 13.880 lao động. Trong đó khoảng 20% có trình độ đại học trở lên, phần còn lại là lao động có trình độ trung cấp hoặc cao đẳng. Trong vài năm tới, khối nhân lực quản lý dự án cần khoảng 500 người, khối tư vấn cần 1.200 - 1.300 người. Khối xây dựng là nhóm có nhu cầu nhân lực lớn nhất, lên tới 220.000 - 240.000 người. Tại thời kỳ cao điểm, khối này cần tới 18.000 - 20.000 kỹ sư, với 20 - 30% trong số đó là kỹ sư chuyên ngành xây dựng đường sắt (hạ tầng, phương tiện đường sắt). Theo Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Trần Thiện Cảnh, nguồn nhân lực đường sắt hiện nay của Việt Nam mới chỉ đáp ứng nhu cầu cơ bản của hệ thống đường sắt hiện hữu. Với nhu cầu phát triển của ngành đường sắt trong thời gian tới, Nhà nước cần có các chính sách phù hợp để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, ở nhiều mảng hoạt động: quản lý, xây dựng, khai thác - vận hành
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cho hay những năm qua, trường đã trực tiếp và cử nhiều đoàn công tác đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và châu Âu để tìm hiểu về đường sắt tốc độ cao. Từ giữa tháng 10-2024, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh đã thành lập Viện đường sắt tốc độ cao để chuẩn bị nguồn nhân lực cho các dự án sắp tới. Đây chính là thời điểm chín muồi nhất để nhà trường bắt đầu đào tạo về đường sắt tốc độ cao. Để triển khai dự án này, theo ông Tuấn, công tác chuẩn bị nguồn nhân lực rất quan trọng từ đầu tư, thi công đến vận hành, công việc này cần nhiều thời gian. Cần phải tập trung đào tạo từ sớm để nâng cao tính chủ động, nhanh chóng đào tạo đội ngũ nhân lực quản trị, vận hành, và áp dụng công nghệ hiện đại, số hóa toàn bộ hệ thống. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với các đơn vị đào tạo. "Để tận dụng tối ưu các lợi thế sẵn có, chúng tôi sẽ tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi từ các quốc gia tiên tiến và tiếp thu những bài học thực tiễn từ các dự án tương tự. Sự hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng sẽ tạo cơ hội trải nghiệm thực tế, qua đó hỗ trợ quá trình chuyển giao công nghệ và ứng dụng hiệu quả vào hệ thống giao thông hiện đại của Việt Nam", PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ. Vị này cũng nhấn mạnh, với tinh thần tự lực tự cường, Nhà trường sẽ đảm đương trọng trách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giao thông vận tải và góp phần vào sự phát triển của đất nước phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Trong khi đó, theo TS Phạm Thanh Hà, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Giao thông vận tải thì trước xu thế phát triển hệ thống đường sắt hiện đại, nhà trường cũng đã rà soát, xây dựng kế hoạch để triển khai tuyển sinh đào tạo nhân lực cho ngành đường sắt tốc độ cao. “Chẳng hạn như khi triển khai dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, Chính phủ sẽ tiến hành phân kỳ đầu tư. 10 năm tới là giai đoạn đầu tư xây dựng hạ tầng và nhà trường cũng đã có kế hoạch đào tạo kỹ sư cho dự án. Rồi khi triển khai thì công nghệ, phương tiện được nhập khẩu thì cần nhân lực để vận hành, nhà trường đã xây dựng kế hoạch để tuyển sinh đạo tạo thế nào cho phù hợp. Cán bộ đào tạo cũng đã được nhà trường đưa đi đào tạo tại các quốc gia có hệ thống đường sắt tốc độ cao phát triển. Cùng với đó, nhà trường cũng liên kết chặt chẽ với nhiều trường đại học ở nước ngoài như: Đại học Tây Nam Trung Quốc, Đại học Bắc Kinh… để đảm bảo đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành này tới đây”, TS Phạm Thanh Hà cho hay.
Theo ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, toàn bộ nhân lực xây dựng, vận hành các tuyến đường sắt mới, đặc biệt là tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đều phải qua đào tạo cơ bản, tức là 20.000 - 25.000 nhân sự trình độ đại học trở lên. Hiện tại, năng lực của các trường đại học trong nước đáp ứng được yêu cầu nhân lực cho dự án. Tuy nhiên, vấn đề là chất lượng đào tạo. Để thu hút được người học chất lượng đăng ký các chuyên ngành phục vụ đường sắt tốc độ cao, ngân sách nhà nước cần bố trí khoảng 2.000 tỉ đồng (tương đương 80 triệu USD) để ngành học này trở nên hấp dẫn hơn. Đây là khoản tiền để chi cho các việc: đào tạo cán bộ giảng dạy, đặc biệt là chuyên ngành chuyên sâu đường sắt tốc độ cao (dự kiến 100 thạc sĩ và 10 tiến sĩ ở nước ngoài); cung cấp 4.000 suất học bổng để thu hút người giỏi; trang bị phòng thí nghiệm, trang thiết bị mô phỏng thực hành.