Bài 1: Dưới ánh sáng Tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp tục đổi mới, phát triển nền báo chí nước nhà

TS. Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. Lời tòa soạn: Là người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta; đồng thời là người khai sinh, xây dựng, người thầy của nền báo chí cách mạng Việt Nam, và như chính Người nhận 'là một người có nhiều duyên nợ với báo chí', Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn vẹn và hòa quyện cả cuộc đời mình trong Đảng, trong nền báo chí cách mạng nước nhà.

Nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Báo Đại biểu Nhân dân trân trọng giới thiệu loạt bài của TS. Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, về tiếp tục đổi mới, phát triển nền báo chí nước nhà dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam Ảnh: Tư liệu TTXVN

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam Ảnh: Tư liệu TTXVN

Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và ở Người, nhà cách mạng và nhà báo thống nhất và xuyên thấm làm một. Duyên nợ của Người với báo chí thực chất là mục đích của cuộc cách mạng - do Đảng ta lãnh đạo mà Người là lãnh tụ - một cuộc cách mạng nhằm cởi ách nô lệ cho cả dân tộc, mang lại cuộc sống tự do, hạnh phúc cho mỗi con người, xây dựng đất nước văn minh, giàu mạnh theo con đường XHCN.

Thật sự vừa là tiếng nói của Đảng, Nhà nước vừa là diễn đàn của Nhân dân

Mục đích ấy đã khiến Người mang mối "duyên nợ với báo chí", và dưới sự lãnh đạo của Người, Đảng ta, trong mọi hoàn cảnh và điều kiện đều coi công tác báo chí là một bộ phận hợp thành chỉnh thể hữu cơ sự nghiệp lãnh đạo cách mạng của mình và nỗ lực sử dụng báo chí như một mặt trận "tuyên truyền, cổ động, tổ chức và lãnh đạo cách mạng" hết sức quan trọng.

Mục đích thống nhất và cao cả ấy tạo ra một hệ quy chiếu, chi phối một cách thống nhất và triệt để tất cả các quan niệm và nỗ lực của Đảng trong việc xác lập hệ giá trị của nền báo chí cách mạng và là động lực mạnh mẽ đối với công tác báo chí cách mạng, trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh.

Và, dưới ánh sáng tư tưởng của Người, chúng ta không ngừng xây dựng một nền báo chí cách mạng vừa là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của các tổ chức chính trị, xã hội vừa là diễn đàn của Nhân dân.

Tròn 99 năm trước, ngày 21.6.1925, bằng kỳ công của Nguyễn Ái Quốc, tờ Thanh Niên, đứa con nòi của nền báo chí cách mạng Việt Nam đã khai sinh nền báo chí cách mạng nước nhà. Và cách đây hơn 94 năm, tại Hội nghị thành lập Đảng ta (từ ngày 3 đến 7.2.1930), dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, cùng với việc thông qua các văn kiện quan trọng của Đảng, Hội nghị quyết định: "Ban Trung ương có thể xuất bản một tạp chí lý luận và ba tờ báo tuyên truyền"(1). Như vậy, ngay từ thuở cách mạng trứng nước, Hồ Chí Minh đã ý thức rõ ràng, báo chí là một mặt trận để "tuyên truyền, cổ động, tổ chức và lãnh đạo cách mạng"; ngay từ lúc vừa khai sinh, Đảng ta đã bắt tay ngay vào việc xây dựng và phát triển một nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Trải 99 năm, hiện nay, cả nước có 798 cơ quan báo chí, gồm 127 báo và 671 tạp chí, với 41.000 người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, trong đó có 20.508 người được cấp thẻ nhà báo. Có thể nói, chưa bao giờ như hiện nay, tiếng nói của Đảng, của Nhà nước, của các tổ chức chính trị, xã hội mà báo chí nước ta lãnh nhiệm; diễn đàn của toàn thể nhân dân nước ta mà báo chí gánh vác lại hùng hậu và rộng khắp về quy mô, sâu sắc và phong phú về tính chất, mạnh mẽ về tốc độ phát triển và đa dạng về hình thức đến như vậy.

Là con đẻ của phong trào cách mạng, chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng lý luận, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, báo chí cách mạng nước ta được Đảng trao cho sứ mệnh là người đi tiên phong trong việc bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, với chủ đề trung tâm và quán xuyến toàn bộ hoạt động là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là mục tiêu hoạt động, là tiêu chí quy định chức năng, nhiệm vụ, đồng thời, là sự nghiệp trọng đại thử thách bản lĩnh, là môi trường phát triển, là thước đo phẩm giá và hiệu quả của nền báo chí nước nhà. Cách mạng là điều kiện, là môi trường, là ngày hội của báo chí cách mạng; và báo chí cách mạng, đến lượt nó, lại cất cao tiếng nói của cách mạng, vì Nhân dân và nâng đôi cánh của cách mạng, thúc đẩy đất nước phát triển toàn diện và không ngừng.

Tất cả những điều đó đã tạo nên gương mặt, chất lượng và xu thế phát triển của nền báo chí Việt Nam, góp phần đưa cách mạng Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới. Không phải ngẫu nhiên tại Đại hội II Hội Nhà báo Việt Nam, tháng 4.1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Về nội dung viết, mà các cô các chú gọi là đề tài thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một đề tài là: Chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Duyên nợ của Bác đối với báo chí là như vậy đó"(2).

Nhìn rộng lớn và bao quát hơn, toàn bộ sự vận động và phát triển của báo chí nước nhà được bảo đảm và bị chi phối bởi hệ điều kiện cần thiết và đủ mạnh do cách mạng tạo ra để thực hiện trọn vẹn, đầy đủ, sâu sắc, thống nhất và hiệu quả các nhiệm vụ và chức năng của mình, bao hàm hàng loạt các yếu tố bên trong cũng như bên ngoài, trong đó yếu tố cơ bản và quan trọng nhất là sự vững mạnh của hệ thống chính trị, dưới ngọn cờ của Đảng.

Ngày càng xứng đáng là người tuyên truyền, cổ động và tổ chức tập thể dưới ngọn cờ của Đảng

Suốt hơn 94 năm hoạt động của mình, Đảng ta nỗ lực không mệt mỏi tạo dựng tất cả những điều kiện cho phép và trong khả năng có thể, vì sự lớn mạnh của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Mỗi bước trưởng thành của Đảng và Nhà nước ta là mỗi bước nâng nền báo chí lên một vị thếtầm cao mới; và mỗi bước phát triển của báo chí lại là tấm gương phản chiếu sự trưởng thành của Đảng, của chế độ; là động lực mạnh mẽquan trọng thúc đẩy sự phát triển, nâng cao trình độ dân chủ của xã hội, góp phần làm cho Đảng và Nhà nước ta vươn lên ngang tầm nhiệm vụ cách mạng, củng cố vững chắc chế độ xã hội ta. Báo chí là cây cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân; là phương tiện bảo đảm dòng thông tin hai chiều từ Đảng, Nhà nước tới Nhân dân và từ Nhân dân tới Đảng, Nhà nước, tạo nên sự hài hòa, thống nhất giữa Đảng với Nhân dân; là cơ quan tham mưu, tư vấn cho Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp lãnh đạo và quản lý đất nước, nói tiếng nói của Nhân dân đồng thời là diễn đàn của Nhân dân bày tỏ chí nguyện của mình trong công cuộc dựng xây đất nước, bảo vệ Nhân dân, bảo vệ Đảng và chế độ.

Và, dưới ngọn cờ của Đảng, báo chí càng phát triển lại càng hội tụ về và thống nhất hữu cơ với sự nghiệp cách mạng nước nhà, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh. Bởi, "chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Đối với một vấn đề, mọi người bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó, quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân tức là không phải chân lý"(3). Chân lý ấy là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà báo chí cách mạng nước ta đã và đang phấn đấu không mệt mỏi suốt gần 99 năm qua, và ngày càng xứng đáng là người tuyên truyền tập thể, người cổ động tập thể, người tổ chức tập thể, dưới ngọn cờ của Đảng, trong ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh.

Giữ vững định hướng chính trị tư tưởng

Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta tập trung phát triển một nền báo chí cách mạng Việt Nam có tính tư tưởng cao, tính chân thật mẫu mực, tính Nhân dân sâu sắc, tính chiến đấu mạnh mẽ, tính đa dạng sinh động và tính hiện đại không ngừng.

Nếu tất cả mọi nỗ lực của Đảng nhằm xây dựng nền báo chí nước nhà thực sự là tiếng nói của Đảng, của Nhà nước ta, của các tổ chức chính trị, xã hội, là diễn đàn của Nhân dân nước ta, thì một cách tự nhiên Đảng không thể không chăm lo và phấn đấu xây dựng một nền báo chí Việt Nam có tính tư tưởng cao, tính chân thật mẫu mực, tính Nhân dân sâu sắc, tính chiến đấu mạnh mẽ, tính đa dạng sinh động và tính hiện đại không ngừng.

Thực tiễn cho thấy, báo chí là một nhân tố quan trọng, một phương tiện hết sức to lớn trong việc hướng dẫn nhận thức, hình thành dư luận xã hội tích cực. Và đến lượt nó, dư luận xã hội tích cực lại là tiền đề, điều kiện, là môi trường bảo đảm chính trị - xã hội ổn định. Bởi vậy, khi báo chí đánh mất định hướng chính trị, mất niềm tin, sẽ trở thành lực lượng tiêu cực và nó có sức phá hại ghê gớm. Điều này càng trở nên đặc biệt nguy hiểm khi lịch sử ở vào thời điểm bước ngoặt với những biến cố phức tạp, khó lường; nhất là lại trong bối cảnh quốc tế hóa thông tin với không gian thông tin toàn cầu đang “phẳng” đến mức như một "làng thông tin" hiện nay.

Vì thế, vấn đề giữ vững định hướng chính trị tư tưởng cho báo chí - mà ở đây là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội - làm cho báo chí tự ý thức, tự giác ngộ về điều đó, không ngừng cổ vũ, bảo đảm cho báo chí phát hiện, góp phần đấu tranh làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù, giữ vững ổn định chính trị - xã hội đất nước càng trở thành nhiệm vụ cấp bách, nặng nề đối với công tác báo chí của Đảng. Về mặt này, các thế lực thù địch và cả những người thiếu thiện ý vẫn thường công kích rằng, chúng ta đã chính trị hóa báo chí, rằng Đảng đã nắm lấy báo chí mà không để cho tư nhân làm báo chí, có nghĩa là đã tước bỏ quyền tự do báo chí(!).

Sự thật, ai cũng biết, trên thế giới, dù có nói ra hay không, các thế lực chính trị, tổ chức xã hội, tập đoàn kinh tế đều sử dụng báo chí như những công cụ phục vụ cho lợi ích của mình. Dù các chính trị gia, nhà tư tưởng phương Tây có cổ súy bao nhiêu cho "tính khách quan", "tự do", "dân chủ"... của báo chí của họ thì trên thực tế không một ai không sử dụng báo chí vào mục đích chính trị, coi đây là vũ khí lợi hại, là "phương tiện dẫn vào trái tim, khối óc con người", là "cây cầu dẫn thẳng vào trận địa"...

Thực tế đó không cho phép chúng ta được mơ hồ hay dao động, mất phương hướng. Ở đây và lúc này, lời chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng đặc biệt có giá trị: "Phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên, các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng"(4). Đó chính là tính đảng của nền báo chí cách mạng nước ta. Nghĩa là, báo chí phải phục vụ tự giác trên cơ sở khoa học và ý chí không thể gì lay chuyển sự nghiệp đổi mới. Nhận thức và hành động trái điều đó là chệch hướng chính trị, là đi ngược lại Nhân dân. Đó chính là nguyên tắc sáng tạo, là phẩm chất, ý thức, trách nhiệm của hệ thống báo chí và đội ngũ những người làm báo nước ta hiện nay.

Tính chân thật là đặc trưng của báo chí, hơn nữa là yêu cầu sống còn của nền báo chí cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết chớ nói, chớ viết càn"(5); "chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết"(6). Yêu cầu này xuất phát từ mục đích hoạt động của nền báo chí cách mạng là vì Nhân dân và từ vai trò định hướng và dẫn dắt dư luận xã hội to lớn của báo chí; và hơn nữa, như chính Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Càng ngày báo chí chúng ta càng được Nhân dân tin yêu, kẻ địch chú ý".

_________

(1) Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, t.2, tr.12.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.8, tr.410.

(3) Hồ Chí Minh: Sđd, t.8, tr.216.

(4) Hồ Chí Minh: Sđd, t.9, tr.414.

(5) Hồ Chí Minh: Sđd, t.4, tr.526.

(6) Hồ Chí Minh: Sđd, t.4, tr.530.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/bai-1-duoi-anh-sang-tu-tuong-ho-chi-minh-tiep-tuc-doi-moi-phat-trien-nen-bao-chi-nuoc-nha-i375767/
Zalo