Bài 1: Đưa nông sản, đặc sản địa phương đến gần hơn người tiêu dùng
Kết hợp kênh bán hàng truyền thống và kênh thương mại điện tử trong khâu tiêu thụ nông sản, đặc sản, các HTX cho thấy sự nhạy bén trong công tác thị trường.
Kết hợp kênh bán hàng online và truyền thống
Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và thương mại dịch vụ Bản Việt (xã Bảo Lý, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) có 7 thành viên tham gia và kinh doanh ở 3 ngành nghề chính: Sản xuất, chế biến, và kinh doanh cơm cháy với thương hiệu "Én Vàng"; sản xuất, kinh doanh các loại bánh tươi; sản xuất kinh doanh thức ăn chế biến sẵn, trong đó, cơm cháy là sản phẩm chính của HTX.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Bùi Thị Hải Yến - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Sản xuất và thương mại dịch vụ Bản Việt cho biết, Thái Nguyên không chỉ có chè mà còn rất nhiều các nông sản thế mạnh khác, trong đó, phải kể đến gạo. Định vị hướng đi của HTX là bền vững, do đó, HTX quan tâm đến chất lượng, truy xuất nguồn gốc, có như vậy mới bảo vệ được giá trị và thương hiệu của sản phẩm.
Hiện sản phẩm đang bán trên kênh truyền thống, trực tiếp tại cửa hàng. Ngoài sản xuất, chúng tôi có phối hợp liên kết với các cửa hàng đặc sản Thái Nguyên, cửa hàng đặc sản các vùng miền để bao tiêu đầu ra cho bà con. Ngoài ra, còn bán hàng trên kênh online, tuy nhiên, kênh bán hàng này chưa được HTX phát triển mạnh.
“Hiện tại, chúng tôi đã được TikTok Việt Nam hỗ chợ, đưa các sản phẩm lên kênh TikTok, Shopper, Fanpage, website, mỗi một kênh có điểm yếu và điểm mạnh riêng. Chúng tôi nhìn vào đó để tìm kiếm những điểm phù hợp với HTX, với sản phẩm của đơn vị nhất và lựa chọn đồng hành của các nền tảng đó”, bà Hải Yến chia sẻ.
Cũng theo bà Hải Yến, khác với phương thức bán hàng truyền thống tại các cửa hàng, siêu thị như trước đây, việc livestream bán hàng qua mạng xã hội giúp các HTX có thể giới thiệu, quảng bá sản phẩm bất cứ thời gian nào, ở đâu. Từ đó, khách hàng biết, cảm nhận được quy trình và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, HTX thì dễ dàng tiếp cận được các khách hàng.
Trong thời gian tới, HTX Sản xuất và thương mại dịch vụ Bản Việt sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc, thiết bị sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời mở rộng quy mô sản xuất để cho ra các sản phẩm mới, giúp người dân địa phương tiêu thụ gạo và các sản phẩm nông nghiệp khác. Mục tiêu của HTX Bản Việt là đưa sản phẩm cơm cháy "Én Vàng" tham gia chương trình OCOP để khẳng định chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước,…
HTX 3T nông sản Cao Phong (HTX 3T Farm) (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) hiện là đơn vị duy nhất tại Hòa Bình có dây chuyền sơ chế sau thu hoạch sản phẩm cam tươi, sản lượng bình quân hàng năm khoảng trên 300 tấn. Giá bán bình quân cao hơn mặt bằng chung thị trường khoảng 20%. Giá bao tiêu cho thành viên HTX cao hơn mặt bằng chung thị trường thấp nhất là 10%.
Cùng với kênh bán hàng truyền thống, HTX 3T Farm cũng phát triển kênh thương mại điện tử. Sau mỗi lần livestream, HTX đã kết nối với các cơ sở sản xuất, nhà phân phối, chốt được các đơn hàng trên kênh của mình. Bà Vũ Thị Lệ Thủy - Giám đốc HTX 3T Farm - cho biết, có thời điểm HTX chốt bán được 3 tấn cam/ngày nhờ livestream. Ngoài ra kênh facebook với hơn 1.000 theo dõi giúp HTX giới thiệu sản phẩm online một cách thuận tiện.
Bên cạnh đó, HTX đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng mối liên kết bền vững với người tiêu dùng thông qua các chương trình giáo dục, các buổi trải nghiệm thực tế truyền thông về lợi ích của sản phẩm nông nghiệp bền vững. Đồng thời, HTX đã phát triển các mô hình kinh doanh sáng tạo, như cửa hàng nông sản sạch, trang trại tham quan và học tập, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và thúc đẩy tiêu dùng xanh.
Theo bà Thủy, mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững mà các thành viên đang thực hiện không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người nông dân mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước.
Vẫn còn những rào cản cho những đơn vị sản xuất nhỏ
Làm hàng nông, đặc sản địa phương, theo các HTX, việc đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất sạch, bền vững không làm khó họ. Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm là bài toán lớn cho cả những doanh nghiệp lớn chứ không chỉ HTX nhỏ.
Bà Hải Yến cho hay, chúng tôi làm hàng đặc sản, sản xuất ra các sản phẩm từ nguyên liệu đặc sản nên giá thành sản phẩm khá cao, vì vậy, giá bán sản phẩm không thể rẻ. Trong khi người tiêu dùng mong muốn được mua hàng với giá rẻ nhưng chất lượng, khiến HTX khó khăn lúc đầu. Làm sao để người dân tin tưởng và họ biết nguyên vật liệu được rõ ràng, chúng tôi phải giới thiệu từ quy trình sản xuất đến từng vùng nguyên liệu, lâu dần người tiêu dùng sẽ hiểu và tin tưởng lựa chọn sản phẩm.
Mong muốn đưa được sản phẩm vào kênh siêu thị, tuy nhiên, HTX cũng gặp phải rào cản đó là những đòi hỏi quá khắt khe khi vào hàng, đặc biệt là công nợ dài ngày và phí vào hàng khiến sản phẩm HTX chưa thể vào kênh phân phối hiện đại.
“Với các HTX, đồng vốn không có nhiều như các doanh nghiệp lớn, do đó, khi đẩy một lượng hàng lớn vào hệ thống phân phối, trong khi công nợ lên đến 40 - 60 ngày thì HTX không có đủ lực để làm. Vốn mỏng, nếu được sự đồng hành hỗ trợ để HTX có cơ hội vay các nguồn vốn của nhà nước thì HTX có thể đi xa hơn. Còn trong điều kiện như hiện tại, HTX buộc phải chấp nhận sự manh mún, hi vọng, tích tiểu thành đại, HTX sẽ dần lớn”, bà Hải Yến cho hay.
Còn theo bà Vũ Thị Lệ Thủy, HTX còn gặp rất nhiều khó khăn thử thách như quy mô còn hạn chế, chưa có công nghệ chế biến sâu để tạo giá trị gia tăng sản phẩm, chưa có nguồn nhân lực được đào tạo chính quy, cơ sở hạ tầng nhà kho, máy móc, chưa có điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm. Do đó, các thành viên HTX mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, đồng hành của các cấp chính quyền, các tổ chức, và toàn thể cộng đồng để cùng nhau xây dựng một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn và phát triển theo chuỗi giá trị bền vững.
HTX Trà Sơn Dung (tỉnh Thái Nguyên) đã nổi bật trong những năm gần đây nhờ vào nỗ lực xây dựng vùng nguyên liệu trà 50 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP và hướng tới sản xuất hữu cơ. HTX đã có 4 sản phẩm được chứng nhận OCOP 4 sao của tỉnh Thái Nguyên, trong đó có 1 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia và 2 sản phẩm tiêu biểu cấp khu vực.
Bà Nguyễn Thị Như Trang - Giám đốc HTX Trà Sơn Dung - chia sẻ, trà tại HTX được làm theo cách truyền thống đó sử dụng hoàn toàn từ than củi chọn lọc để xao xấy và lên hương sản phẩm. Hiện, đầu ra sản phẩm từ truyền thống, mở đại lý tại các tỉnh và bán tại các sàn thương mại điện tử, bán trực tiếp qua website của HTX.
Dù vậy, HTX cũng đang gặp nhiều khó khăn trong công tác đầu ra sản phẩm. Bởi hiện tại, có quá nhiều thương hiệu trà. Nhiều nơi, họ có thể thành lập HXT, công ty nhưng có thể là sản phẩm trôi nổi để đưa vào tiêu thụ. Người tiêu dùng khó phân biệt sản phẩm hàng trà chính hãng Tân Cương và trôi nổi.
Việc đưa sản phẩm vào kênh phân phối hiện đại với sản phẩm trà cũng gặp nhiều khó khăn do vấn đề ở tự thân sản phẩm. “Sản phẩm của HTX đa phần là hàng cao cấp, việc đưa hàng vào siêu thị thời gian để hàng rất lâu, trong khi trà là sản phẩm đặc thù, do đó, chất lượng sẽ không được đảm bảo”, bà Nguyễn Thị Như Trang chia sẻ và cho biết, định hướng của HTX là đẩy mạnh kênh bán hành online.