Bài 1: Chưa thu hồi dứt điểm vốn ứng quá hạn

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn thấp so với mức bình quân chung của cả nước. Trong đó, nhiều địa phương, sở, ngành chưa giải ngân được hoặc tỷ lệ giải ngân rất thấp, đặc biệt là tiến độ giải ngân một số tiểu dự án, dự án thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Tổng số vốn ứng quá hạn của Quỹ phát triển đất trong báo cáo tại phiên giải trình ngày 3.10.2023 của Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai đến nay cũng chưa thu hồi dứt điểm; hoạt động điều hành của Quỹ phát triển đất còn lúng túng…

Đó là những hạn chế đáng lưu ý Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai thẳng thắn chỉ ra trong Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính - đầu tư xây dựng được tổ chức mới đây.

Điều hành Quỹ phát triển đất còn lúng túng

Thời gian qua, UBND tỉnh Gia Lai và các sở, ngành liên quan đã có nhiều cố gắng lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện trên các lĩnh vực tài chính - đầu tư xây dựng” đạt được một số kết quả tích cực. Theo đó, đã ban hành hệ thống văn bản thuộc thẩm quyền để hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các sở, ngành, địa phương, đơn vị; chỉ đạo và đôn đốc các chủ đầu tư, địa phương thực hiện quy trình đầu tư, các lĩnh vực liên quan đến đầu tư công, thành lập các tổ công tác kiểm tra nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 và giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.

Tập thể thành viên Quỹ phát triển đất đã tiếp thu, tích cực triển khai thực hiện các kết luận của Thường trực HĐND tỉnh tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 3.10.2023 như: Xây dựng bổ sung, điều chỉnh kế hoạch ứng vốn, bố trí kế hoạch ứng vốn từ Quỹ phát triển đất; thực hiện nghiêm túc Quyết định số 595/QĐ-UBND ngày 2.11.2020 “Ban hành điều lệ tổ chức, hoạt động và Quy chế quản lý, sử dụng Quỹ phát triển đất tỉnh Gia Lai”. Việc triển khai dự án Khu Công nghiệp Nam Pleiku, UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan chỉ đạo triển khai các bước và thủ tục tiếp theo đầu tư hạ tầng giao thông giai đoạn 1 - Hệ thống đường mương nước thải khu công nghiệp, hệ thống giao thông, thoát nước.

 Đoàn giám sát Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh khảo sát thực tế tại một số công trình, dự án hoàn thành đã được phê duyệt quyết toán trên địa bàn huyện Chư Pưh. Ảnh: Thu Thảo

Đoàn giám sát Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh khảo sát thực tế tại một số công trình, dự án hoàn thành đã được phê duyệt quyết toán trên địa bàn huyện Chư Pưh. Ảnh: Thu Thảo

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Thường trực HĐND tỉnh, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn thấp so với mức bình quân chung của cả nước (đến ngày 17.9.2024, tổng số vốn đã giải ngân là: 1.674,993/4.436,840 tỷ đồng, đạt 37,8% tổng kế hoạch vốn của năm). Trong đó, nhiều địa phương, sở, ngành chưa giải ngân được hoặc tỷ lệ giải ngân rất thấp, đặc biệt là tiến độ giải ngân một số tiểu dự án, dự án thuộc ba chương trình mục tiêu quốc gia.

Tổng số vốn ứng quá hạn của Quỹ phát triển đất trong báo cáo tại phiên giải trình ngày 3.10.2023 của Thường trực HĐND tỉnh đến nay cũng chưa thu hồi dứt điểm, một số địa phương chưa tích cực hoàn trả vốn ứng cho Quỹ phát triển đất, Quỹ phát triển đất chưa quyết liệt trong thu hồi vốn ứng quá hạn theo quy định; một số địa phương có phát sinh số thu tiền sử dụng đất nhưng chưa ưu tiên hoàn trả vốn ứng cho Quỹ; hoạt động điều hành của Quỹ phát triển đất còn lúng túng, đặc biệt là phương án xem xét giải quyết nhu cầu ứng vốn của UBND thành phố Pleiku để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư đường Nguyễn Văn Linh, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Nội dung này giữa Quỹ phát triển đất, các sở, ngành và UBND thành phố Pleiku còn có ý kiến khác nhau, chưa thống nhất trong việc áp dụng quy định pháp luật có liên quan về việc sử dụng Quỹ phát triển đất của tỉnh.

Nhiều dự án phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần

Những hạn chế trên, theo Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai, một phần từ nguyên nhân khách quan do một số quy định của Trung ương: Luật Khoáng sản, các văn bản hướng dẫn thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là các dự án thực hiện nguồn vốn sự nghiệp còn bất cập, vướng mắc. Các dự án bố trí từ nguồn thu tiền sử dụng đất, nguồn xổ số kiến thiết nhưng các nguồn này thu không ổn định, dẫn đến việc bố trí vốn về các địa phương không kịp thời; nguồn vật liệu đất san lấp còn thiếu, không bảo đảm phục vụ thi công các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh dẫn đến nhiều dự án đầu tư công chậm tiến độ; quy định mới về hệ thống phòng cháy, chữa cháy dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai nhấn mạnh các nguyên nhân chủ quan như: Việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 chưa sát với khả năng, nguồn lực của địa phương, chưa lường được các yếu tố phát sinh nên còn nhiều dự án phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần so với nghị quyết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; tình trạng dự án của giai đoạn phải điều chỉnh nguồn vốn, quy mô, thay đổi thiết kế ban đầu, chuyển tiếp sang giai đoạn 2021 - 2025 còn nhiều; năng lực của cơ quan quản lý dự án, một số chủ đầu tư còn hạn chế. Cùng với đó, công tác tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách đã được phân cấp, được giao nhiệm vụ còn chậm, chưa kịp thời; phối hợp giữa sở, ngành với UBND một số địa phương; giữa sở, ngành với sở, ngành chưa chặt chẽ, cá biệt có nội dung còn kéo dài đã ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ.

BẢO PHƯƠNG

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bai-1-chua-thu-hoi-dut-diem-von-ung-qua-han-post393584.html
Zalo