Bài 1: Cây bút lớn và tư tưởng lớn về báo chí cách mạng

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất đồng thời là một nhà báo cách mạng vĩ đại, người khai sinh và đặt nền móng cho báo chí cách mạng Việt Nam. Với Bác Hồ, nhà cách mạng và nhà báo hòa quyện làm một, hoạt động cách mạng và hoạt động báo chí luôn song hành với nhau, gắn bó chặt chẽ với nhau, tạo điều kiện và hỗ trợ lẫn nhau.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay từ những ngày đầu Người đã nhận thức sâu sắc về hoạt động báo chí rất cần thiết. Người cho rằng: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng; để làm cách mạng cần phải tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, tập hợp và tổ chức quần chúng, một trong những phương thức hiệu quả nhất là thông qua và bằng hoạt động báo chí; ngược lại, hoạt động báo chí luôn đặt ra những yêu cầu đổi mới, sáng tạo và hiệu quả của hoạt động cách mạng. Chính vì vậy, cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ luôn gắn liền với hoạt động báo chí và chính Người đã sáng lập, lãnh đạo, dẫn dắt, phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam. Nhà cách mạng, nhà báo Hồ Chí Minh là một. Người coi báo chí là một phương tiện không thể thiếu trong các hoạt động cách mạng, nhất là trong điều kiện tiến hành vận động quần chúng làm cách mạng mà mình chưa nắm được chính quyền trong tay. Hoạt động báo chí là một trong những cách thức có hiệu quả để thực hiện lý tưởng, hoài bão và các nhiệm vụ cách mạng.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Bác Hồ mở đầu cuộc đời cách mạng bằng viết báo, rồi lập các cơ quan báo chí do chính mình và cộng sự trực tiếp chỉ đạo để triển khai những chủ trương, đường lối, chính sách và công việc theo tôn chỉ, mục đích của tổ chức cách mạng. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác luôn dành thời gian, tâm huyết cho hoạt động báo chí. Người đã có hơn 2.000 bài báo các loại, gần 300 bài thơ, gần 500 trang truyện và ký… với khoảng 150 bút danh, viết bằng nhiều thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc… Bác sáng lập ra 9 tờ báo trong và ngoài nước và cộng tác với nhiều tờ báo danh tiếng nước ngoài, nhất là những nơi Người đã tham gia hoạt động cách mạng như Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc…

Cuộc đời hoạt động báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng những bài viết và phong cách làm báo của Người đã để lại cho nền báo chí cách mạng Việt Nam và những người làm báo chân chính một di sản vô giá về tư tưởng chỉ đạo và những kinh nghiệm thực tiễn, những lời dạy cốt yếu. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh không thể không học và làm theo tư tưởng và phong cách làm báo cách mạng của Người.

Trước hết, điều căn cốt nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng Việt Nam là tính Đảng của báo chí. Đây chính là cơ sở để phân biệt báo chí cách mạng với báo chí phản cách mạng. Người cho rằng, báo chí chỉ đúng về chính trị khi nó được lãnh đạo của một đảng, dựa trên nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lênin, một đảng mang bản chất của giai cấp công nhân và gắn bó mật thiết với dân tộc, với nhân dân. Người luôn nhấn mạnh: Báo chí phục vụ ai? Báo chí vì cách mạng, vì Đảng, vì nhân dân - đó vừa là mục đích, vừa là điều kiện, vừa là tiêu chuẩn đạo đức trong hoạt động báo chí; đó cũng là tính đảng của báo chí, là biểu hiện sự trung thành của báo chí đối với Đảng, là cống hiến của báo chí vào sự nghiệp vĩ đại của Đảng. Người khẳng định: Báo chí của ta phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, cho hòa bình thế giới; báo chí là công cụ và phương tiện tuyên truyền, giáo dục, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, phục vụ đắc lực và hiệu quả cho mục tiêu, lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Thứ hai, báo chí cách mạng Việt Nam cần có tôn chỉ, mục đích rõ ràng, đúng đắn. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới”(1), suy rộng ra là phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và đóng góp tích cực cho hòa bình thế giới vì mục tiêu của thời đại là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Ở mỗi giai đoạn khác nhau của lịch sử, báo chí có những tôn chỉ, mục đích khác nhau, nhưng xuyên suốt vẫn là: Phục vụ cách mạng, phục vụ mục tiêu nhất quán, lý tưởng của Đảng là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phục vụ nhân dân lao động, bảo vệ quyền làm chủ và lợi ích hợp pháp của nhân dân; bảo vệ quan điểm, đường lối của Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về xã hội chủ nghĩa, cổ vũ, đồng hành cùng toàn Đảng, toàn dân xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; bảo vệ thành quả cách mạng của dân tộc Việt Nam; bảo vệ, đóng góp và cổ vũ các phong trào thi đua, hoạt động sáng tạo của nhân dân vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội của nghĩa, xây dựng một xã hội giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; thực hiện đại đoàn kết dân tộc, bảo đảm tiến bộ và sự ổn định, hòa bình của nhân loại.

Thứ ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chỉ rõ và yêu cầu báo chí cách mạng Việt Nam cần làm tròn vai trò, nhiệm vụ của mình. Vai trò và nhiệm vụ của báo chí cách mạng Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh có thể tóm tắt thành mấy vấn đề cơ bản sau: 1) Báo chí là công cụ đấu tranh giai cấp, là vũ khí đấu tranh cách mạng; là phương tiện, kênh thông tin để Đảng và Nhà nước thực hiện truyền thông nhà nước, tuyên truyền Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như đưa quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân và cộng đồng quốc tế; đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, cái độc hại, tiêu cực trong xã hội, đi ngược lại với lợi ích của Đảng, nhân dân và dân tộc, vạch trần tính chất phản động, giả dối, bịp bợm của kẻ thù của dân tộc. 2) Báo chí là công cụ bảo đảm thực hiện quyền công dân, quyền tự do ngôn luận theo pháp luật; là công cụ để người dân thảo luận, bày tỏ chính kiến của mình trước vận mệnh của đất nước, dân tộc; thông qua hoạt động của báo chí, cơ quan báo chí, nhà báo, nhân dân gián tiếp thực hiện quyền được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra, được giám sát, được hưởng thụ. 3) Báo chí thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội về tổ chức, hoạt động của cơ quan Nhà nước nói chung, yêu cầu Nhà nước phải thực hiện công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình đối với những nội dung phải công minh nhưng chưa công minh. 4) Báo chí là kênh thông tin quan trọng kết nối mọi mặt của đời sống xã hội trong nước với quốc tế, thực hiện chức năng kết nối thông tin, định hướng dư luận xã hội, đoàn kết xã hội. 5) Báo chí cách mạng phải góp phần phát hiện, cổ vũ, nhân rộng cái tốt, các điển hình tiên tiến, những sáng kiến hay trong phong trào thi đua ái quốc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thứ tư, một trong những tư tưởng cốt yếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng là xây dựng đội ngũ các nhà báo vừa “hồng” vừa “chuyên”. Người cho rằng: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đấu tranh...”. Đây thực sự là lời dạy quý báu của Người đối với những người làm báo cách mạng, đồng thời cũng là bài học “cốt tử” được đúc kết từ trong suốt cuộc đời lao động không mệt mỏi của vị lãnh tụ vĩ đại, người chiến sĩ cộng sản lỗi lạc và nhà văn hóa, nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh.

PGS, TS NGUYỄN TUẤN DŨNG (Trung tướng, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam)

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 12, tr. 166

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/bai-1-cay-but-lon-va-tu-tuong-lon-ve-bao-chi-cach-mang-781767
Zalo