BAF hút vốn 'thần tốc' cho kế hoạch tham vọng mảng chăn nuôi
Để thực hiện các kế hoạch kinh doanh tham vọng, chỉ sau ba năm niêm yết, vốn điều lệ của BAF đã tăng gấp ba từ 780 tỷ đồng lên 2.390 tỷ đồng nhờ việc liên tục phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Với biên lợi nhuận khá mỏng do thị trường chịu nhiều biến động, Công ty CP Nông nghiệp BAF Việt Nam định hướng tái cấu trúc giảm dần tỷ trọng mảng nông sản để tập trung nguồn lực phát triển mảng chăn nuôi có biên lợi nhuận cao hơn. Để thực hiện kế hoạch này, hàng nghìn tỷ đồng vốn đã, đang và sẽ được ban lãnh đạo công ty huy động từ các cổ đông.
Trong diễn biến mới nhất, BAF vừa công bố tài liệu trình ĐHĐCĐ phương án phát hành 65 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 15.500 đồng/cổ phiếu cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (không giới hạn số lượng).
Toàn bộ 1.007,5 tỷ đồng huy động được sẽ dùng để phát triển mảng chăn nuôi của công ty. Trong đó, số tiền 557,5 tỷ đồng để mua cám, phụ gia, nguyên vật liệu phục vụ các trang trại heo và 450 tỷ đồng để mua heo giống/heo cai sữa/heo hậu bị. Thời gian giải ngân từ quý IV/2024 đến quý IV/2025.
Sau phát hành, số cổ phiếu lưu hành của BAF sẽ tăng lên 304 triệu và các cổ đông mới sẽ nắm giữ 21,4% cổ phần công ty. Kết phiên ngày 8/10, cổ phiếu BAF có thị giá 22.200 đồng/cổ phiếu, cao hơn 43% so với giá phát hành.
Tập trung mảng chăn nuôi
Trải qua gần 8 năm hoạt động và phát triển trong lĩnh vực chăn nuôi, quy mô đàn của BAF hiện có gồm 11.000 heo nái ông bà và heo nái cụ kỵ, trên 38.000 heo nái bố mẹ, tương đương với một triệu heo nái hậu bị và heo thịt thương phẩm. Hệ thống trang trại hiện có 36 trại nuôi heo thịt và heo giống hiện đại đã đi vào hoạt động, trải dài khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Ban lãnh đạo công ty cho biết cần huy động vốn để thực hiện mục tiêu mảng chăn nuôi đạt 1,5 triệu con heo thịt thương phẩm bán ra thị trường trong năm 2025 và 10 triệu con heo thịt thương phẩm bán ra vào năm 2030. Tổng đàn heo nái dự kiến đạt 400.000 con vào năm 2030 để hướng tới mục tiêu trở thành Top 3 doanh nghiệp chăn nuôi hàng đầu Việt Nam.
Ngày 16/9 vừa qua, BAF đã ký kết hợp tác chiến lược với Muyuan Foods Co., Ltd (Trung Quốc). Theo đó, hai bên hướng đến mục tiêu đưa BAF trở thành tập đoàn chăn nuôi hàng đầu tại Việt Nam vào năm 2030, đồng thời nâng cao nhận diện thương hiệu trên toàn thế giới.
Thỏa thuận này tập trung vào việc chuyển giao công nghệ thiết bị chuồng trại và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quy trình chăn nuôi, nhằm đảm bảo an toàn sinh học và bảo vệ môi trường.
Ông Trương Sỹ Bá - Chủ tịch HĐQT BAF Việt Nam cho biết, hợp tác với Muyuan sẽ giúp BAF nâng cao nhận diện thương hiệu. Thỏa thuận này tập trung vào việc chuyển giao công nghệ thiết bị chuồng trại và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quy trình chăn nuôi, nhằm đảm bảo an toàn sinh học và bảo vệ môi trường.
Muyuan thành lập năm 1992, hiện sở hữu chuỗi chăn nuôi khép kín từ chế biến thức ăn, chăn nuôi đến giết mổ và chế biến thịt lợn. Năm 2023, công ty sở hữu 1.125 trang trại và sản lượng gần 64 triệu con lợn, 10 nhà máy giết mổ, qua đó đứng đầu thế giới về khối lượng giết mổ heo.
Đẩy mạnh thu hút vốn cổ đông
Xu hướng chuyển dịch của BAF càng được đẩy mạnh với những diễn biến trái ngược từ hoạt động kinh doanh ghi nhận trong quý II vừa qua. Cụ thể, doanh thu thuần chỉ đạt 1.226 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ do doanh thu từ mảng nông sản giảm tới hơn 950 tỷ đồng.
Ngược lại, mảng chăn nuôi tăng trưởng tới 228% lên mức 805 tỷ, nâng tỷ trọng trong cơ cấu hoạt động lên mức 66%.
Công ty chứng khoán DSC cho rằng, sự suy giảm của mảng nông sản nằm trong định hướng lâu dài của BAF - chuyển dịch cơ cấu sang mảng chăn nuôi với biên lợi nhuận cao (20-30%) hơn và thị trường ổn định hơn mảng nông sản (biên lãi chỉ 2%).
Để thực hiện các kế hoạch cơ cấu, nợ vay của BAF đang trong đà tăng kể từ đầu năm 2023 để bổ sung vốn cho việc mở rộng các trang trại heo và thực hiện dự án Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Tính đến hết quý II/2024, BAF có 2.062 tỷ nợ vay, trong đó hơn 60% là nợ vay dài hạn. Việc tăng vay khiến chi phí tài chính của BAF cũng đội lên theo khiến lợi nhuận bị ăn mòn.
Tuy nhiên, DSC cho rằng nợ vay của BAF sẽ không tăng mạnh như năm ngoái bởi doanh nghiệp đang thực hiện kế hoạch tăng vốn, giúp giảm bớt áp lực về nguồn tiền đầu tư dự án.
Đáng chú ý, chỉ sau 3 năm niêm yết, vốn điều lệ của BAF đã tăng gấp ba từ 780 tỷ đồng lên 2.390 tỷ đồng nhờ việc liên tục phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Gần đây nhất, trong quý III, công ty đã kết thúc đợt chào bán 68,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ gần 2:1) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, qua đó thu về 684 tỷ đồng phục vụ hoạt động kinh doanh.
Ngày 25/6, BAF báo cáo kết quả đăng ký phát hành 7.176.000 cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) năm 2023 với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, công ty chỉ bán được 2.488.000 cổ phiếu và còn “ế” tới 4.688.000 cổ phiếu.
Lãnh đạo công ty cho biết lý do chủ yếu bởi “người lao động là các công nhân tại các trang trại từ bỏ quyền mua do chưa có nhiều cơ hội được tiếp cận các thông tin liên quan đến chứng khoán và thị trường chứng khoán nên không có nhu cầu mua cổ phiếu”.
Trong năm 2024, BAF lên kế hoạch tham vọng với doanh thu tăng 6,6%, lên 5.543,9 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng 893,2%, lên 305,9 tỷ đồng. Kết thúc nửa đầu năm 2024 với lãi sau thuế đạt 154,61 tỷ đồng, BAF đã hoàn thành hơn 50 % so với kế hoạch năm.