Bậc thầy võ thuật Đông Nam Á dạy Lý Tiểu Long tuyệt kỹ múa côn 'bất khả chiến bại': Vừa là bạn, vừa là thầy, là học trò
Ngoài những đòn quyền cước mạnh mẽ và nhanh như chớp, huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long còn nổi tiếng với kỹ năng múa côn điêu luyện. Vậy nguồn gốc của tuyệt kỹ này bắt đầu từ đâu.
Không chỉ được biết đến với khả năng thực chiến xuất sắc, Lý Tiểu Long còn gây ấn tượng bởi những cú đá liên hoàn và sự di chuyển linh hoạt. Đặc biệt, ông đã khiến khán giả trên toàn thế giới mê mẩn với kỹ năng sử dụng côn nhị khúc một cách thành thạo. Lần đầu tiên ông mang côn nhị khúc lên màn ảnh vào năm 1972, khiến người xem không khỏi trầm trồ trước những động tác múa côn "như máy".
Hành trình chinh phục đỉnh cao côn nhị khúc
Theo Screenrant, ban đầu, Lý Tiểu Long không mấy quan tâm đến việc sử dụng vũ khí. Ông thậm chí không có ý định kết hợp vũ khí vào phong cách chiến đấu của mình. Thế nhưng, côn nhị khúc nhanh chóng trở thành một biểu tượng đặc trưng trong các bộ phim của ông. Lý Tiểu Long đã sử dụng côn nhị khúc trong 4 trên 5 bộ phim võ thuật nổi tiếng, để lại dấu ấn khó quên trong lòng khán giả.
Theo tạp chí Black Magazine, côn nhị khúc có nguồn gốc từ công cụ làm nông, được sử dụng tại nhiều quốc gia như Philippines, Nga, Trung Quốc và Nhật Bản. Kỹ năng sử dụng côn của Lý Tiểu Long được cho là chịu ảnh hưởng từ tabak-toyok của Philippines. Tuy nhiên, một số nguồn khác, như Screenrant lại cho rằng, côn nhị khúc có xuất xứ từ Okinawa với lịch sử hơn 400 năm.
Trước thập niên 1970, các nhân vật trong phim võ thuật chủ yếu sử dụng kiếm dài. Phải đến khi Lý Tiểu Long xuất hiện trong bộ phim "Tinh Võ Môn" năm 1971, côn nhị khúc mới được đưa lên màn ảnh và dần trở thành biểu tượng văn hóa.
Lý Tiểu Long, người sáng lập "Triệt Quyền Đạo", từng là học trò của võ sư Diệp Vấn – chuyên về Vịnh Xuân quyền. Tuy nhiên, Diệp Vấn chưa từng sử dụng côn nhị khúc. Vậy Lý Tiểu Long học tuyệt kỹ này từ đâu? Câu trả lời nằm ở Dan Inosanto – một võ sĩ người Mỹ gốc Philippines, đồng thời là học trò, bạn và cũng là người thầy của Lý Tiểu Long.
Trong quá trình dạy võ thuật Á Đông cho Inosanto, Lý Tiểu Long đã học từ ông những kỹ năng quý giá về các môn võ như Pencak Silat và nghệ thuật sử dụng vũ khí, trong đó có côn nhị khúc. Dù ban đầu chưa từng thử qua loại vũ khí này, nhưng nhờ tài năng thiên phú, Lý Tiểu Long đã nhanh chóng làm chủ kỹ thuật và biến côn nhị khúc trở thành biểu tượng toàn cầu.
Inosanto từng kể lại, ban đầu Lý Tiểu Long chỉ coi côn nhị khúc là một khúc gỗ vô dụng. Nhưng sau ba tháng luyện tập, ông đã thành thạo đến mức dường như đã luyện tập nó cả đời. Inosanto không ngừng ca ngợi tài năng của Lý Tiểu Long trong việc sử dụng vũ khí này.
Những trận chiến kinh điển trên màn ảnh
Theo Screenrant, côn nhị khúc là một vũ khí rất khó để thành thạo, nhưng chính điều này lại khiến khán giả ngưỡng mộ Lý Tiểu Long khi ông sử dụng chúng một cách điêu luyện trong các bộ phim.
Lần đầu tiên Lý Tiểu Long sử dụng côn nhị khúc trên màn ảnh là trong bộ phim "Tinh Võ Môn" (1971), nơi ông dùng vũ khí này để hạ gục hàng loạt đối thủ Nhật Bản. Cảnh tượng ấy đã trở thành biểu tượng trong dòng phim võ thuật. Ông tiếp tục sử dụng côn nhị khúc trong các phim "Mãnh Long Quá Giang" (1972) và "Long Tranh Hổ Đấu" (1973).
Một trong những trận đấu nổi tiếng nhất là màn giao chiến giữa Lý Tiểu Long và Dan Inosanto trong bộ phim "Tử Vong Du Hý". Cảnh này được đánh giá là một trong những trận chiến kinh điển nhất trong lịch sử phim võ thuật. Trận đấu kéo dài hơn 3 phút, khi cả hai võ sư sử dụng nhiều loại vũ khí khác nhau.
Dan Inosanto bắt đầu với đôi gậy Kali, sau đó chuyển sang côn nhị khúc, trong khi Lý Tiểu Long từ gậy tre chuyển sang côn nhị khúc để kết thúc trận chiến. Màn đọ sức đã thể hiện kỹ năng của hai người và phản ánh triết lý chiến đấu của Lý Tiểu Long về khả năng linh hoạt trong tư duy và kỹ thuật.
Hình ảnh Lý Tiểu Long với côn nhị khúc đã trở thành biểu tượng trong lòng người hâm mộ. Năm 2013, một cặp côn nhị khúc mà Lý Tiểu Long sử dụng trong "Tử Vong Du Hý" đã được đấu giá thành công với mức giá 70.000 USD, minh chứng cho sức ảnh hưởng lâu dài mà ông để lại.