Bác sĩ vùng cao - Bài 3: Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ở vùng khó khăn nhờ bác sĩ trẻ

Đặc thù có nhiều xã miền núi vùng sâu, vùng xa, vì vậy Nghệ An đang nỗ lực thực hiện các chính sách thu hút bác sĩ về công tác.

CHUYỆN CHƯA KỂ VỀ NHỮNG BÁC SĨ CHỌN NƠI KHÓ KHĂN ĐỂ TRƯỞNG THÀNH

LTS: Được đào tạo bài bản, ra trường với cơ hội rộng mở, nhưng nhiều bác sĩ trẻ đã bỏ lại sau lưng, xung phong về vùng khó khăn ở tuyến xã miền núi để khám, chữa bệnh cho bà con dân bản.

Đặc thù có nhiều xã miền núi vùng sâu, vùng xa, vì vậy Nghệ An đang nỗ lực thực hiện các chính sách thu hút bác sĩ về công tác.

Nhiều khó khăn trong đảm bảo nguồn nhân lực y tế cơ sở

Tại tỉnh Nghệ An hiện có 13 bệnh viện tuyến tỉnh, 1 trung tâm y tế tuyến tỉnh làm nhiệm vụ y tế dự phòng, 460 trạm y tế xã, phường, thị trấn và 15 bệnh viện tư nhân, 3.000 cơ sở khám chữa bệnh hành nghề y dược tư nhân.

Tuy nhiên, về nhân lực trình độ cao, ở tuyến tỉnh, nhân lực chuyên môn có trình độ sau đại học chiếm 10,2%, đội ngũ này ở tuyến cơ sở là 5,9%.

Về nhân lực tuyến xã, hiện chỉ có 360 xã/460 xã có bác sĩ cơ hữu đang công tác. Ngành y tế điều chuyển hợp đồng hưu trí tại một số cơ sở y tế tuyến xã nên hiện còn 39 trạm y tế xã không có bác sĩ.

Giám đốc Sở Y tế Nghệ An phát biểu tại HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII.

Giám đốc Sở Y tế Nghệ An phát biểu tại HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII.

Tại Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII nhiệm kỳ 2021 – 2026, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Nguyễn Thị Hồng Hoa cho biết, số lượng nhân lực y tế toàn tỉnh hiện còn thiếu so với mức tối thiểu cần đạt được vào năm 2025 theo Thông tư số 03/2023 của Bộ Y tế.

Cụ thể, Nghệ An cần 13.000 nhân viên y tế, trong đó tuyến y tế cơ sở cần tối thiểu 7.037 người. Tuy nhiên, hiện chỉ có 5.749 chỉ tiêu, thiếu 1.288 chỉ tiêu so với quy định.

"Mỗi năm có 40 bác sĩ đào tạo trên địa bàn, tuy nhiên ra trường chỉ có hơn 30% ở lại. Con em Nghệ An đi học các trường đại học Y trên cả nước cũng không muốn về, có nhiều lý do, trong đó có vấn đề chính sách thu hút, môi trường làm việc...", Giám đốc Sở Y tế Nghệ An trăn trở.

Ngoài vấn đề thiếu nhân lực, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An nêu thực trạng, phân bổ bác sĩ giữa các khu vực và đơn vị y tế không đồng đều.

Đa số bác sĩ tập trung ở các đơn vị y tế ở mức tỉnh hoặc khu vực thành thị có điều kiện kinh tế - xã hội tốt.

Đơn cử, Tp. Vinh tập trung nhiều cơ sở y tế nhất, hiện có 60 bác sĩ/1 vạn dân. Tuy nhiên tại các huyện chỉ có 8 - 12 bác sĩ, cá biệt một số huyện miền núi chỉ có 5-6 bác sĩ/1 vạn dân như: Quế phong chỉ có 5,7 bác sĩ/1 vạn dân, Anh Sơn chỉ có 5,5 bác sĩ/1 vạn dân…

Nghệ An hiện còn 39 trạm y tế xã không có bác sĩ. Ảnh CDC Nghệ An.

Nghệ An hiện còn 39 trạm y tế xã không có bác sĩ. Ảnh CDC Nghệ An.

Về vấn đề thiếu hụt nhân lực y tế này, HĐND tỉnh Nghệ An đã có cuộc làm việc với ngành khối văn hóa - xã hội theo kế hoạch giám sát của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2025.

Ông Chu Đức Thái, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cho biết, thiếu hụt nhân lực y tế so với quy định đã khiến ngành y tế tỉnh gặp không ít trở ngại trong việc đảm bảo chất lượng y tế, thực hiện nhiệm vụ y tế phổ cập về y tế dự phòng, y tế cộng đồng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, dân số phát triển.... Đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp là người bệnh, tác động đến chính sách an sinh xã hội của tỉnh.

Theo định hướng phát triển của ngành y tế và thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đưa Nghệ An trở thành trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về y tế, thì rất cần được bổ sung, đảm bảo đủ nguồn nhân lực y tế cho các tuyến.

Mở hướng giải bài toán thu hút bác sĩ về tuyến y tế cơ sở

Hiện nay, ngành Y tế Nghệ An đang thực hiện chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo theo Nghị quyết 157/2014/NQ-HĐND ngày 12/12/2014 về một số chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực y tế công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Quyết định số 01/2015/QĐ-UBND ngày 06/01/2015 của UBND tỉnh quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực y tế công lập trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, trong đó, theo Quyết định số 01/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An, bác sĩ, dược sĩ đại học và sau đại học được hỗ trợ ban đầu bằng tiền khi được tuyển dụng lần đầu vào làm việc tại các trung tâm y tế, bệnh viện, trạm y tế xã, thị trấn vùng miền núi, được hưởng mức tối đa từ 30 - 100 triệu đồng.

Quyết định số 01 đã thu hút nhiều bác sĩ trẻ đã về trạm y tế xã công tác.

Quyết định số 01 đã thu hút nhiều bác sĩ trẻ đã về trạm y tế xã công tác.

Từ năm 2020 đến năm 2023, ngành Y tế địa phương đã tuyển được 214 bác sĩ tuyến huyện và tuyến xã tuyển dụng được 12 bác sĩ…

Cụ thể, tại huyện miền núi Kỳ Sơn, đã tuyển dụng được thêm 6 bác sĩ nâng tổng số bác sĩ lên con số 22, phủ kín 21/21 trạm y tế xã, thị trấn của huyện.

Cũng trong 3 năm qua, huyện miền núi Quế Phong đã tuyển được 9 bác sĩ. Hiện nay, địa phương này đã có 13 trạm y tế xã, thị trấn với 15 bác sĩ công tác bền vững, lâu dài.

Tương tự, Trung tâm Y tế huyện Tương Dương, Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu tuyển dụng được 5 bác sĩ.

"Riêng về trạm y tế xã, tính từ năm 2019 cho đến nay, Nghệ An đã thu hút được 23 bác sĩ nhờ Quyết định số 01. Tất cả các bác sĩ này đều trẻ, đào tạo chính quy, về địa phương vô cùng nhiệt huyết với công việc. Họ đã và đang là tấm lá chắn sức khỏe cho người dân ở vùng khó", đại diện Sở Y tế thông tin.

Có thể nói, Nghị quyết 157 và Quyết định số 01 đã giúp cho ngành Y tế Nghệ An thu hút, đào tạo được nhiều bác sĩ; nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân tỉnh nhà. Tuy nhiên, so với các tỉnh, thành khác trong cả nước, chính sách thu hút của Nghệ An là chưa nhiều.

"Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị… đã ban hành chính sách thu hút rất tốt. Nhân lực trình độ tiến sĩ, các tỉnh bạn thu hút đến 400 - 500 triệu đồng, Nghệ An mới có 80 triệu đồng.

Đối với bác sĩ, họ thu hút gấp 3, gấp 4 lần Nghệ An, và thu hút ở tất cả trạm y tế chứ không phải chỉ dành cho vùng sâu, vùng xa", bà Nguyễn Thị Hồng Hoa dẫn chứng.

Tuy nhiên, so với các tỉnh, thành khác trong cả nước, chính sách thu hút của Nghệ An là chưa nhiều.

Tuy nhiên, so với các tỉnh, thành khác trong cả nước, chính sách thu hút của Nghệ An là chưa nhiều.

Vì vậy, theo đại diện Sở Y tế Nghệ An, thời gian tới Sở sẽ tiếp tục đề xuất các cấp, ngành xem xét và sớm ban hành sửa đổi, áp dụng hệ thống thang, bảng lương và các chính sách đãi ngộ, thu hút đủ lớn để khuyến khích cán bộ y tế về làm việc, đặc biệt tại tuyến cơ sở, hệ dự phòng.

Sở Y tế cũng sẽ tiếp tục quan tâm, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp cho viên chức y tế; huy động các nguồn lực khác của xã hội để hỗ trợ vật chất cho viên chức y tế nhằm giảm bớt khó khăn; đầu tư cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho cán bộ, viên chức y tế; tăng cường tổ chức các buổi giới thiệu việc làm để kết nối cung - cầu giữa sinh viên và cơ sở tuyển dụng nhân lực.

Toàn ngành Y tế Nghệ An có 19.426 nhân lực, trong đó hệ thống công lập là hơn 14.000 người (72,3%), ngoài công lập trên 5.300 người (27,7%). Riêng bác sĩ, có trên 5.000 người, chiếm 23,7%.

Nguyễn Anh Ngọc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bac-si-vung-cao-bai-3-nang-cao-chat-luong-dich-vu-y-te-o-vung-kho-khan-nho-bac-si-tre-204240730104044162.htm
Zalo