Bác sĩ về Bình Thuận làm việc nhận nhiều chế độ, ưu đãi

Liên quan đến một số nguồn tin đăng trên mạng xã hội (Facebook) bình luận về chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút và đãi ngộ nguồn nhân lực y tế tại Bình Thuận, Sở Y tế tỉnh cho biết kết quả đào tạo, thu hút và đãi ngộ nguồn nhân lực trong thời gian qua và thời gian đến nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở địa phương.

Phẫu thuật nội soi khớp gối tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận.

Phẫu thuật nội soi khớp gối tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận.

Những bình luận không đúng

Gần đây, một tài khoản mạng xã hội (Facebook) có đăng nội dung về chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút và đãi ngộ nguồn nhân lực y tế tại Bình Thuận như sau: “Tỉnh có chính sách cho con em học ngành y… bằng việc chăm lo hết… và cam kết về công tác tại địa phương… Tuổi trẻ nhiều ham muốn, nhiều cơ hội... nên đôi trường hợp học xong lại không chịu về địa phương làm việc... dẫn đến phải đền lại tiền… Họ tên được lên báo chí... ảnh hưởng đến uy tín không chỉ cho bác sĩ mà cả gia đình dòng họ… Đặc biệt, Bình Thuận có chính sách thu hút bác sĩ về địa phương công tác nghe đâu bác sĩ được 500 triệu... Tiến sĩ cả tỷ đồng mà đến nay vẫn chưa có một xu…”.

Khoa Cấp cứu tại Bệnh viện tỉnh Bình Thuận.

Khoa Cấp cứu tại Bệnh viện tỉnh Bình Thuận.

Trước thông tin chưa chính xác trên, Sở Y tế tỉnh cho biết: Những năm qua, thực hiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho y tế tỉnh theo nhu cầu địa phương. Và cam kết là UBND tỉnh chu cấp toàn bộ kinh phí, sinh viên phục vụ cho tỉnh theo sự phân công của cơ quan liên quan sau khi tốt nghiệp. Nếu sinh viên/bác sĩ vi phạm cam kết hợp đồng thì bồi thường. Bên cạnh số bác sĩ thực hiện đúng như cam kết, cũng có bác sĩ thực hiện không đúng cam kết, chấp nhận bồi thường. Ngành y tế tỉnh chưa bao giờ nêu tên bất cứ những trường hợp bồi thường nào lên báo chí.

Theo Sở Y tế, với chính sách đào tạo, thu hút, đãi ngộ nguồn nhân lực của HĐND tỉnh, UBND tỉnh, từ năm 2008 - 2021 UBND tỉnh cử 231 sinh viên đi đào tạo đại học y khoa theo hình thức hợp đồng đào tạo. Kết quả là đến nay có 202 sinh viên tốt nghiệp, làm việc tại các cơ sở y tế công lập trong tỉnh thì có 47 trường hợp xin nghỉ việc theo nguyện vọng cá nhân, đền bù kinh phí đào tạo theo quy định của chính sách và hợp đồng đào tạo; còn lại 29 trường hợp đang học. Ngoài ra, 15 viên chức được cử đi đào tạo liên thông đại học chuyên ngành y. Với đào tạo sau đại học, 3 năm 2021 – 2023, có 21 viên chức tại các cơ sở y tế công lập được cử đào tạo chuyên khoa cấp II, 136 viên chức học chuyên khoa cấp I và tương đương các chuyên ngành y, dược. Năm 2024, Sở Y tế đã tiếp nhận 12 đơn của các thí sinh trúng tuyển vào y khoa, khóa 2024 - 2030 tại các trường đại học y dược trên cả nước. Sở Y tế đang tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt cử đi đào tạo theo Nghị quyết số 12/2023/NQ-HĐND ngày 10/10/2023 thời gian tới.

Bác sĩ làm ở Bình Thuận nhận chế độ thu hút

HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 12/2023/NQ-HĐND ngày 10/10/2023 quy định chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút và đãi ngộ nguồn nhân lực y tế. Cụ thể, các bác sĩ mời tham gia dự án sẽ được hưởng chế độ thu hút 80 triệu đồng/tháng làm việc. Hoặc theo ngày làm việc, sẽ nhận hơn 3,6 triệu đồng/ngày và được thanh toán tiền thuê chỗ ở 1 triệu đồng/ngày, chi phí đi lại 1 lượt, được khuyến khích bằng tiền khi hoàn thành dự án.

Các bác sĩ được thu hút vào làm viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành y tế, ngành lao động - thương binh và xã hội sẽ hưởng chế độ theo 1 trong 2 hình thức. Nếu nhận chế độ một lần, bác sĩ trình độ đại học 600 triệu đồng; bác sĩ nội trú, thạc sĩ, chuyên khoa 1 là 700 triệu đồng; bác sĩ trình độ tiến sĩ, chuyên khoa II được nhận 800 triệu đồng. Nếu chọn nhận hàng năm, thời gian 10 năm, số tiền sẽ là 60 - 70 - 80 triệu đồng/năm tương ứng với các bậc trình độ như nhận 1 lần. Nhiều chính sách đãi ngộ cho bác sĩ công tác tại các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Với đào tạo đại học, viên chức được hỗ trợ 100% tiền học phí, 1,5 triệu đồng/tháng thực học cho chi phí nghiên cứu, học tập. Sinh viên học đại học ngành y được hỗ trợ 100% tiền học phí theo hợp đồng đào tạo do cơ quan có thẩm quyền ký kết với cơ sở đào tạo; 3 triệu đồng/tháng thực học cho chi phí nghiên cứu, học tập. Đào tạo sau đại học cũng được hỗ trợ 100% tiền học phí; hỗ trợ thêm chi phí nghiên cứu, học tập là 220 triệu đồng/học viên/khóa học với tiến sĩ, chuyên khoa cấp II; 120 triệu đồng/học viên/khóa học với thạc sĩ, chuyên khoa cấp I, nội trú.

Việc ban hành chính sách là mục đích giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực y tế. Ngoài ra, việc thu hút, khuyến khích bác sĩ chuyên môn sâu tham gia các dự án y tế sẽ giúp Bình Thuận nâng cao chất lượng y tế, đảm bảo người dân địa phương được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại địa phương

Để thực hiện Nghị quyết 12, đến nay, Sở Y tế đã và đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát số lượng nhân lực, chuyên ngành cụ thể ở các khoa, phòng có nhu cầu nhưng còn đang thiếu. Qua rà soát, ngành y tế tỉnh có nhu cầu thu hút hơn 150 nhân lực chất lượng cao gồm chuyên khoa cấp I, thạc sĩ chuyên ngành y, chuyên khoa cấp II, tiến sĩ chuyên ngành y vào làm việc tại các đơn vị trực thuộc Sở Y tế. Từ đó Sở Y tế tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt, thực hiện trong thời gian đến.

TRANG MINH

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/bac-si-ve-binh-thuan-lam-viec-nhan-nhieu-che-do-uu-dai-124063.html
Zalo