Bác sĩ nhận định về chấn thương và thời gian hồi phục của tiền đạo Xuân Son
Bác sĩ Trần Anh Vũ nhận định, đây là một vết gãy nhẹ nhưng vẫn cần thời gian hồi phục khoảng 10 tháng để tiền đạo Xuân Son trở lại thi đấu chuyên nghiệp.
Trưa 6/1, tiền đạo Nguyễn Xuân Son rời bệnh viện Thái Lan, nằm cáng ra sân bay để cùng đội tuyển Việt Nam về nước. CLB Nam Định - đội chủ quản của Xuân Son - cho biết cầu thủ sẽ được phẫu thuật ở một bệnh viện cao cấp trong nước, cũng là đối tác của Liên đoàn bóng đá Việt Nam.
Tối 5/1, trong trận chung kết lượt về ASEAN Cup 2024 tại sân vận động Rajamangala (Thái Lan), Nguyễn Xuân Son gặp chấn thương phải rời sân khi cố gắng chuyền bóng.
Anh tiếp đất trong tư thế gập chân đột ngột, khiến cẳng chân phải bị gập góc gần 90 độ, dẫn đến biến dạng. Ngay trong trận đấu, anh được đưa đến bệnh viện kiểm tra, kết quả chụp chiếu cho thấy Xuân Son gãy xương mác và xương chày.
Nhận định về chấn thương của Xuân Son, bác sĩ Trần Anh Vũ, Phó giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình kiêm Trưởng đơn vị Y học thể thao của Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh, cho biết nếu đây là vết gãy đơn thuần, không phải gãy xoắn thì được đánh giá nhẹ hơn so với trường hợp gãy xương của Hùng Dũng năm 2021.
Bác sĩ phân tích, quá trình điều trị của Xuân Son bắt đầu bằng phương pháp phẫu thuật cố định xương. Các bác sĩ sử dụng đinh titan để gắn hai đoạn xương bị gãy, giúp xương nhanh chóng liền lại.
Sau khoảng một tháng rưỡi, xương của Xuân Son sẽ tự lành và anh có thể bắt đầu tập luyện nhẹ nhàng. Đến tháng thứ 4, cầu thủ này có thể tham gia các bài tập chuyên sâu hơn và nếu không gặp biến chứng nào, anh sẽ trở lại sân cỏ sau khoảng 10 tháng kể từ thời điểm chấn thương.
Bác sĩ cũng lưu ý, thời gian hồi phục của Xuân Son được rút ngắn nhờ nền tảng thể lực tốt, chế độ tập luyện nghiêm khắc và sự chăm sóc từ các chuyên gia y tế. Tuy nhiên, một vấn đề cần được chú trọng khác là tâm lý thi đấu.
Bác sĩ Vũ nói: "Các cầu thủ thường ám ảnh bởi hình ảnh chân bị gập góc khi gặp chấn thương như vậy. Điều này có thể khiến họ sợ tranh chấp hoặc giành bóng quyết liệt, dẫn đến suy giảm phong độ.
Vì vậy, trong giai đoạn tháng thứ 6-8 khi Xuân Son trở lại tập luyện, cần có sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý để anh vượt qua nỗi sợ và lấy lại phong độ tốt nhất".
Bác sĩ Trần Anh Vũ cũng cho biết, thêm chấn thương gãy xương cẳng chân không chỉ xảy ra trong thể thao mà còn phổ biến ở đời sống hằng ngày, đặc biệt với các trường hợp tai nạn giao thông và tai nạn lao động.
Ông khuyến cáo rằng, điều nguy hiểm là các tổn thương đi kèm, như tổn thương mạch máu, dây chằng hoặc hệ thần kinh xung quanh, thường dễ bỏ sót trong lúc xử lý gãy xương. Vì vậy, sau khi phẫu thuật 1-2 tháng, bệnh nhân cần được kiểm tra kỹ lưỡng để bảo đảm không còn tổn thương tiềm ẩn.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Anh Vũ hiện là thành viên Hội Nội soi khớp Đông Nam Á, VOA, AAOS.
Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ Chấn thương chỉnh hình, Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, bác sĩ Trần Anh Vũ tu nghiệp tại Pháp và Tây Ban Nha để nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyên ngành.
Bác sĩ có thời gian 5 năm làm việc tại khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP. Hồ Chí Minh) trước khi đảm nhận vị trí Trưởng đơn vị Y học thể thao, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh.