Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng: Đưa vaccine Covid-19 vào chương trình tiêm chủng mở rộng là cần thiết

Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp Việt-Nga, Bộ Quốc phòng cho rằng, Covid-19 vẫn rất nguy hiểm, bởi khả năng lây truyền nhanh, có thể gây tử vong, nhất là đối với người cao tuổi, người có bệnh nền. Vì vậy, việc đưa vaccine Covid-19 vào chương trình tiêm chủng mở rộng là cần thiết.

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng cho rằng, đưa vaccine Covid-19 vào chương trình tiêm chủng mở rộng là cần thiết. (Ảnh: NVCC)

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng cho rằng, đưa vaccine Covid-19 vào chương trình tiêm chủng mở rộng là cần thiết. (Ảnh: NVCC)

Chiều 3/6 vừa qua, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thống nhất chuyển bệnh Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Bác sĩ đánh giá thế nào về tầm quan trọng của quyết định này?

Theo tôi, đây là một quyết định rất quan trọng. Thứ nhất, Chủ tịch UBND cấp tỉnh công bố dịch theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế; Bộ trưởng Bộ Y tế công bố dịch theo đề nghị của Chủ tịch UBND cấp tỉnh khi có từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố dịch. Trước đây, thẩm quyền công bố dịch là của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai, khi chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, những người mắc Covid-19 không còn phải cách ly hay điều trị bắt buộc nữa, có thể tự do đi lại.

Thực tế, khi số lượng bệnh nhân Covid-19 có chiều hướng tăng trong dịp đầu tháng 4/2023 vừa qua, rất nhiều người thắc mắc, là F0 thì có phải cách ly hay không? Quy định lúc đó là phải cách ly song thực tế vẫn có rất nhiều vẫn đi làm, đi học… do bản thân họ không có triệu chứng, không biết mình bị Covid-19 hoặc triệu chứng nhẹ, cho rằng chỉ là cảm lạnh thông thường.

Do vậy, quyết định này sẽ giúp các cơ sở tập trung đông người như xí nghiệp, nhà máy, trường học… không rơi vào tình trạng lúng túng khi có người mắc Covid-19.

Thứ ba, chi phí để đảm bảo cho phòng chống và điều trị Covid-19 giờ đây không còn do ngân sách Nhà nước đảm bảo nữa. Việc tiêm phòng vaccine, nếu không đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ phải mất phí. Các cơ sở y tế trong và ngoài công lập có thể chủ động xây dựng các gói dịch vụ về tiêm chủng vaccine và điều trị Covid-19, dựa trên nhu cầu và khả năng chi trả của người dân.

Trước đó, ngày 5/5, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Covid-19 không còn là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu. Vậy theo ông, Việt Nam có cần thiết phải xây dựng các kịch bản phòng chống linh hoạt với dịch hay không?

WHO đã tuyên bố rằng, Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Tuy nhiên, WHO vẫn khuyến cáo các quốc gia cần thận trọng và chuyển từ việc phòng, chống dịch khẩn cấp sang chiến lược kiểm soát dịch bền vững, lâu dài, với một số điểm nhấn mạnh như sau:

Không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, tiếp tục duy trì năng lực quốc gia, các thành tựu đã đạt được và chuẩn bị cho những sự kiện có thể xảy ra trong tương lai, tránh việc có thể bị quá tải hệ thống y tế.

Đồng thời, tập trung giám sát trọng tâm, trọng điểm để phát hiện sớm các biến thể mới; nâng cao năng lực điều trị để giảm số ca tử vong, giám sát chặt chẽ thay đổi trong mức độ lây truyền, mức độ nặng của ca bệnh.

Tiếp tục rà soát, cập nhật kế hoạch đáp ứng quốc gia, sẵn sàng, linh hoạt, nếu cần thiết có thể tái thiết lập các biện pháp y tế công cộng và xã hội, dựa trên tình hình dịch và đánh giá nguy cơ.

Tiếp tục các nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vaccine và tìm hiểu các tình trạng liên quan hậu Covid-19, cần giám sát chặt chẽ trong bối cảnh ca nhiễm tăng lên, sẵn sàng nâng cao năng lực chăm sóc đặc biệt để đảm bảo khi số ca tăng lên, hệ thống y tế không bị quá tải.

Thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện "Chiến lược thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19" theo Nghị quyết 128/NQ-CP từ tháng 10/2021.

Như vậy, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần cập nhật, xây dựng chiến lược đáp ứng phù hợp, không bất ngờ, vừa kiểm soát được dịch trong mọi tình huống nhưng không tốn kém, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người dân.

Thực tế, Covid-19 vẫn còn là bệnh mới và Covid-19 vẫn chưa chấm dứt, người dân cũng không được chủ quan. Sự cần thiết đưa vaccine Covid-19 vào chương trình tiêm chủng mở rộng dưới góc nhìn của ông?

Trong 7 khuyến nghị mà Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đưa ra trong buổi họp ngày 6/5/2023 do Bộ Y tế chủ trì có một nội dung rất quan trọng, đó là: Đưa tiêm chủng vaccine Covid-19 vào tiêm chủng quốc gia (tiêm chủng suốt đời), tăng cường việc tiêm các mũi tăng cường, nhất là cho nhóm nguy cơ cao.

Covid-19 vẫn rất nguy hiểm, bởi khả năng lây truyền nhanh, có thể gây tử vong, nhất là đối với người cao tuổi, có bệnh nền. Hơn nữa, virus SARS-CoV-2 liên tục có sự biến đổi với các biến thể mới, biến thể phụ của virus tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, né tránh miễn dịch, giảm hiệu quả điều trị.

Khi Covid-19 được xếp vào nhóm các bệnh truyền nhiễm nhóm B, vai trò của y tế cơ sở, y tế dự phòng là rất quan trọng. Tuy nhiên, thực tế cho vai trò của y tế dự phòng vẫn còn hạn chế, chưa được quan tâm đầy đủ và toàn diện.

Trong khi đó, người dân còn chủ quan, không đeo khẩu trang ở những nơi có nguy cơ cao, như bệnh viện, trung tâm thương mại, nhà ga, sân bay… dù đó là biện pháp rất hiệu quả để phòng Covid-19 cũng như các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp khác.

Vì vậy, theo tôi, việc đưa vaccine Covid-19 vào chương trình tiêm chủng mở rộng là cần thiết, tuy nhiên, đưa vào như thế nào, áp dụng với những nhóm nguy cơ ra sao, là vấn đề cần bàn thảo kỹ càng.

Đối với nhóm người có nguy cơ cao thì thế nào, theo ông?

Với nhóm nguy cơ cao, như phụ nữ có thai, người cao tuổi, người có bệnh nền thì cho dù không bị Covid-19, mà bị cúm mùa hay một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác, cũng đều có thể diễn biến nặng, thậm chí tử vong, hoặc để lại nhiều di chứng.

Không chỉ với nhóm nguy cơ cao, chúng ta cũng cần phải quan tâm đến những người thường xuyên tiếp xúc gần với họ. Đó có thể là đồng ngiệp ngồi làm việc cùng phòng, các thành viên trong gia đình, hay người giúp việc, người chăm sóc… Nếu những người này chẳng may mắc Covid-19 thì rất có thể sẽ khiến cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc theo.

Do đó, việc tiêm đủ vaccine phòng Covid-19 cũng như định kỳ tiêm nhắc lại là vấn đề quan trọng trong việc giảm thiểu nguy cơ nhập viện cũng như tử vong do Covid-19 ở nhóm nguy cơ cao này.

Theo tôi, nên áp dụng việc tiêm chủng vaccine miễn phí với các nhóm nguy cơ cao này, thậm chí tiêm mũi nhắc lại hàng năm như với cúm mùa.

Ngoài Covid-19 và cúm mùa thì hiện tại cũng đã có vaccine phòng phế cầu, hemophilus influenza hay não mô cầu… là những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm không kém gì Covid-19.

Bác sĩ có lời khuyên gì cho người dân trong việc cảnh giác với dịch bệnh vào thời điểm này?

Việc phòng chống dịch bệnh luôn là vấn đề mỗi cá nhân cần quan tâm trong các thời điểm giao mùa.

Ngoài các bệnh thường xảy ra như cúm mùa, sốt xuất huyết, thủy đậu, tay chân miệng… thì bây giờ chúng ta có thêm Covid-19. Tương lai biết đâu sẽ có thêm nhiều bệnh truyền nhiễm mới nữa. Do đó, điểm quan trọng nhất là chúng ta cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể, bằng cách hạn chế rượu bia, chất kích thích, không ăn nhiều đồ ăn chế biến sẵn, tăng cường rau củ quả trong khẩu phần ăn, tăng cường thể dục nhẹ nhàng và thường xuyên, kiểm soát tốt stress, đảm bảo ngủ đủ giấc…

Bên cạnh đó, chúng ta cần chủ động phòng tránh bằng việc đeo khẩu trang và khử khuẩn, tiêm phòng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Ngoài ra, người dân cũng cần chọn lọc trong việc tiếp nhận thông tin, nên theo dõi các nguồn tin chính thống, tránh nghe theo những tin đồn thất thiệt, vô căn cứ trên mạng xã hội.

Xin cảm ơn bác sĩ!

Khi dịch Covid-19 xảy ra, Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm oxy cao áp Việt-Nga, Bộ Quốc phòng) là thành viên nhóm "Bác sĩ Quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà" và nhóm “Cộng đồng kết nối y khoa phòng chống Covid-19”.

Nguyệt Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bac-si-nguyen-huy-hoang-dua-vaccine-covid-19-vao-chuong-trinh-tiem-chung-mo-rong-la-can-thiet-230146.html
Zalo