Bác sĩ Ngô Hải Sơn: Leo núi rèn ý chí và khả năng vượt khó
Thạc sĩ - bác sĩ Ngô Hải Sơn (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Thành phố Hà Nội) cũng là nhà leo núi có tiếng ở Việt Nam cho biết, đầu năm 2025 anh dự kiến cùng đoàn Việt Nam chinh phục Aconcagua - ngọn núi cao nhất châu Mỹ với chiều cao 6.959m, thuộc dãy núi Andes ở phía Argentina.
Bác sĩ Ngô Hải Sơn, 37 tuổi, có kinh nghiệm tập luyện thể thao đa dạng trong hơn 20 năm. Anh là người Việt Nam đầu tiên chinh phục Ama Dablam, ngọn núi cao 6.814m nhưng có địa hình hiểm trở bậc nhất dãy Himalaya (Nepal). Anh cũng chinh phục thành công đỉnh núi K2 cao 8.611m ở Pakistan, đỉnh núi cao thứ 2 thế giới song được đánh giá là khó leo hơn đỉnh Everest nhiều lần.
Vị bác sĩ mê leo núi
Bác sĩ Ngô Hải Sơn hiện công tác tại Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Điều đáng nói là bên cạnh sự nghiệp y khoa thành công và trải qua rất nhiều ca phẫu thuật chuyên môn nơi phòng mổ bệnh viện, bác sĩ Hải Sơn có niềm đam mê bất tận với thể thao và môn leo núi mạo hiểm.
Hành trình “leo núi” của cuộc đời cũng giống như việc leo núi thật sự. Nó đòi hỏi sự kiên trì, lòng can đảm và khả năng thích nghi. Cuộc sống không phải là một cuộc đua tranh với người khác, mà là một hành trình cá nhân để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Hãy tôn trọng và ngưỡng mộ hành trình của người khác, đồng thời tập trung vào việc vượt qua những thách thức của riêng mình” - bác sĩ, nhà leo núi NGÔ HẢI SƠN chia sẻ.
“Tôi mang trong mình niềm khao khát được đặt chân lên những đỉnh núi hùng vĩ, niềm đam mê với thế giới thẳng đứng của những vách đá, để tận hưởng nhịp thở của thiên nhiên từ một tầm cao khác biệt” - anh Hải Sơn bộc bạch.
Khi được hỏi về hai khía cạnh tưởng chừng rất khác và không liên quan với nhau là nghề bác sĩ phẫu thuật và leo núi, bác sĩ Hải Sơn cười vui vẻ nói: “Hóa ra là ngược lại! Nhờ tính chất đặc thù của nghề bác sĩ là những áp lực đối mặt trong công việc liên quan đến tính mạng của bệnh nhân hàng ngày, hoặc làm việc 40 tiếng liên tục là chuyện rất bình thường trong bệnh viện, tôi đã có sức chịu đựng những áp lực khác trong lúc leo núi”.
Hải Sơn cho biết anh đã trải qua sự mệt mỏi, lo lắng khi cheo leo trên những vách đá, khe băng dựng đứng ở 7 ngàn, 8 ngàn mét, hay phải chờ đợi 4 tiếng đồng hồ trong “vùng tử thần” Bottleneck cao 8.200m ở núi K2 với trên đầu là hàng ngàn tấn băng tuyết có thể đổ xuống bất kỳ lúc nào. “Công việc ở bệnh viện yêu cầu liên tục phải ra quyết định nhanh, chính xác vì liên quan đến bệnh nhân nên áp lực nhiều hơn leo núi - vốn chỉ là câu chuyện của bản thân mình thôi, nên thoải mái hơn rất nhiều. Nói không ngoa là nhờ công việc đã giúp tôi rất nhiều trong việc chinh phục thành công nhiều ngọn núi”.
Chia sẻ kinh nghiệm cộng đồng
Anh Ngô Hải Sơn có 10 năm kinh nghiệm với môn leo núi. Mỗi chuyến đi là một thử thách khác nhau. Anh kể: “Ví dụ leo núi K2 là một thử thách về mặt thể lực bởi vì đây là lần đầu tiên tôi leo lên trên 8 ngàn mét. Ba ngày leo lên đỉnh K2 và một ngày xuống Trại nền tôi gần như không ngủ được chút nào vì thời tiết xấu. Tuy không tập luyện được kỹ càng trước chuyến đi vì công việc bận bịu nhưng thật may là tôi hoàn thành mà không gặp vấn đề gì”.
Bác sĩ Sơn cũng cho rằng để lên đỉnh thành công các ngọn núi trên 6 ngàn mét ví dụ như Ama Dablam, bạn cần tích lũy đủ kinh nghiệm, kỹ thuật, sức chịu đựng của cơ thể và đặc biệt là tinh thần không bỏ cuộc.
“Khi đứng trên đỉnh núi K2 nhìn xuống dòng sông băng hun hút phía dưới, tôi chợt nghĩ về cô con gái bé nhỏ đang dần trưởng thành của mình. Mỗi bước leo núi đều nhắc tôi nhớ về hành trình dạy con tự lập từ khi còn nhỏ. Tôi luôn khuyến khích con tự mình làm mọi việc, nhìn cháu vất vả tôi cũng có thể hài lòng vì chỉ có vượt qua áp lực thì chúng ta mới có thể trưởng thành” - anh Hải Sơn tâm sự.
Anh cho biết mỗi lần leo núi có thể cảm nhận “điều giúp chúng ta vượt qua những đoạn đường khó khăn nhất không phải sức mạnh của cơ bắp, mà chính ý chí và khả năng tự xoay xở. Mỗi cú trượt chân đều là một bài học kinh nghiệm quý giá. Những gì chúng ta tự làm được đó mới là bản sắc cá nhân không bao giờ bị mất đi, sẽ rèn giũa ta thành người mạnh mẽ hơn và các giá trị đó sẽ theo ta suốt cuộc đời”.
Năm 2024, anh Hải Sơn sáng lập trung tâm tổ chức tour leo núi mạo hiểm, đào tạo huấn luyện bộ môn leo núi VietSummit. “Đây là một “mái nhà chung” cho cộng đồng các bạn trẻ có nhiệt huyết, khao khát chinh phục, khám phá thiên nhiên. VietSummit là nơi sẻ chia kinh nghiệm, hỗ trợ kiến thức, đào tạo chuyên sâu về kỹ năng leo núi, sơ cứu trong môi trường hoang dã và dinh dưỡng thi đấu trong các điều kiện khắc nghiệt” - anh Sơn cho biết.