Bác sĩ Hòa – CEO Nha khoa Shinbi chia sẻ lại câu chuyện gom vải giúp đỡ bà con
Trong thời gian 1 tháng, tôi đã lặn lội về Bắc Giang gom hàng trăm tấn vải mang xuống Hà Nội bán giúp bà con nông dân.
Những ngày đầu, khi quyết định về Bắc Giang, tôi bị vợ phản đối và "cách ly" 1 thời gian - Bác sĩ Hòa – CEO Nha khoa Shinbi chia sẻ!
"Anh nghĩ gì thế? Em không phản đối anh giúp bà con vùng dịch nhưng có nhiều cách mà. Anh có thể ủng hộ bằng tiền, mua hàng hóa gửi cho bà con. Anh còn là quản lý, dưới nhiều nhân viên, ở nhà còn vợ anh và 3 con nhỏ. Anh vào vùng dịch nhỡ bị lây nhiễm thì bấy nhiêu con người biết làm sao...?".
Dồn dập những câu hỏi, chất vấn, khuyên ngăn của vợ Bác sĩ Nguyễn Văn Hòa (Chủ tịch Shinbi Dentalkhi) biết anh có ý định vào tâm dịch mua vải bán giúp bà con Bắc Giang.
Thời điểm tình hình dịch Covid-19 tại Bắc Giang đang trong giai đoạn phức tạp, đây là lúc bà con bắt đầu mùa thu hoạch vải. Vải năm nay được mùa, nhưng đồng nghĩa với đó là những khó khăn trong việc vận chuyển, xuất khẩu, tiêu thụ.
Ngay lúc này, anh nảy ra suy nghĩ cần nhanh chóng làm gì đó để giúp đỡ bà con. Nghĩ là làm, anh mang theo vài chục kg vải trở về Hà Nội đi "tiếp thị" cho các đối tác, đặc biệt là các doanh nghiệp có đông nhân viên.
Tận dụng tốt các mối quan hệ, vải lại ngon nên anh Hòa nhanh chóng nhận được nhiều đơn đặt hàng. Các công ty, doanh nghiệp có nơi đặt hàng vài tạ cho nhân viên.
Tìm thấy đường đi cho quả vải, anh nói với vợ ý định về Bắc Giang thực hiện việc thu gom vải rồi chuyển xuống Hà Nội bán giúp bà con. Tuy lúc ấy, không được vợ ủng hộ nhưng anh Hòa đã quyết tâm thực hiện kế hoạch.
"Vợ tôi là giáo viên phải đến trường, nhà lại có 3 con nhỏ nên thời gian đầu mọi người rất lo lắng và phản đối. Nhưng ai cũng có quê hương để hướng về. Khi thấy người dân quê mình khó khăn tôi phải giúp hết sức mình", Bác sĩ Hòa kể lại.
Sau đó, mỗi khi anh từ Bắc Giang về nhà anh bị "cách ly" tại phòng riêng trên tầng thượng nhà mình. "Lúc đó nghĩ cũng tủi thân"- anh Hòa bộc bạch.
Vốn là bác sĩ, anh Hòa nắm rõ các quy định phòng chống dịch. Để thực hiện cho các chuyến đi, anh tiếp tục liên lạc với những người bạn đang công tác tại Trung tâm y tế huyện Lục Ngạn để được hướng dẫn, tuân thủ biện pháp y tế khi tiếp cận các địa phương.
Sau một thời gian, khi mọi người hiểu về những biện pháp phòng dịch khắt khe của anh cũng như địa phương, mọi người trong nhà mới "gỡ phong tỏa" với anh.
Tình đoàn kết trong mùa dịch
Là người quê gốc Bắc Giang, Bác sĩ Hòa hiểu rõ quả vải không để được lâu. Do đó, cứ 2h sáng anh cùng nhân viên phòng khám có mặt để thu gom vải cho bà con. Đến 4h, đoàn xuôi về Hà Nội để kịp bán vào sáng hôm đó.
Việc làm của anh đã được nhiều đơn vị biết đến và ủng hộ. Sau khi được Hội chữ thập đỏ Việt Nam giúp đỡ, các điểm bán vải được tăng thêm. Mỗi chuyến, anh Hòa chuyển từ Bắc Giang xuống Hà Nội từ 15-20 tấn vải và đều được bán hết trong ngày.
"Tôi nói với bà con, quả vải là đặc sản quê hương, chứa đựng công sức chăm sóc suốt nửa năm qua nên dù vất vả bà con cùng cố gắng thu hoạch để kịp chuyển những quả vải tươi ngon xuống Thủ đô. Quả vải tươi ngon thì người mua càng ủng hộ, để mọi người biết đến giá trị của đặc sản quê mình", anh Hòa nhắc lại.
Được lời như cởi tấm lòng, mọi người vì thế đều làm theo hướng dẫn của anh Hòa. Sau khi thu hoạch tại vườn, vải được đóng gói vào túi nilong, túi nhỏ 3kg, túi to thì 5 hoặc 10kg, được chất đầy xe cho anh Hòa chuyển xuống Hà Nội.
"Giá mình thu mua tại vườn thế nào sẽ bán đúng khi xuống Hà Nội là vậy. Bà con đóng sẵn vào túi nên khi bán hàng rất tiện cho người dân mua ủng hộ. Từ đó rút ngắn thời gian tiếp xúc", anh Hòa cho hay.
"Lượng vải chuyển xuống Hà Nội được người dân mua ủng hộ rất tốt, chúng tôi cùng Hội chữ thập đỏ Việt Nam liên hệ để được mở thêm nhiều điểm bán nữa để đạt 40-50 tấn/ngày vì đã bắt đầu vào chính vụ vải ở Bắc Giang", anh Hòa tiết lộ.
Bác sĩ Hòa chia sẻ, qua việc giúp bà con cũng như quá trình trực tiếp bán vải, anh nhận thấy lòng tương thân tương ái, sẻ chia, đùm bọc đoàn kết của mọi người mỗi khi có hoạn nạn.
"Bác sĩ Hòa đến rồi, Bác sĩ Hòa đã ăn gì chưa? Bác sĩ Hòa ở lại ăn cơm với chúng tôi, nhà tôi thịt gà rồi"… Khi nghe những câu nói ấy của bà con là mệt mỏi trong tôi bỗng tan biến. Những câu nói mộc mạc để anh em có thêm động lực góp chút sức nhỏ bé đồng hành cùng bà con vượt qua giai đoạn khó khăn", anh Hòa tâm sự.