Bác sĩ cảnh báo trẻ dễ bị bỏng hóa chất vào dịp Tết
Trong những ngày Tết, khi trẻ em được nghỉ học và thường xuyên vui chơi ở nhà, nguy cơ bị bỏng do tiếp xúc với các vật dụng nóng, lửa hoặc hóa chất có thể xảy ra.
Ngày 22/1, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) cho biết, vừa tiếp nhận bé trai L.N.A.K (12 tuổi, ngụ tại Bến Lức, Long An) bị bỏng nặng do đốt cồn với lúa để làm cốm nổ.
Bé K. được chuyển cấp cứu từ bệnh viện địa phương trong tình trạng sốc, với biểu hiện mạch yếu, tay chân lạnh, huyết áp tụt còn 70/50 mmHg, diện tích bỏng khoảng 48%, độ 2 - 3. Các bác sĩ nhanh chóng truyền dịch chống sốc, hỗ trợ hô hấp, giảm đau và chăm sóc vết thương bỏng, sau đó chuyển bé đến khoa Hồi sức ngoại để tiếp tục điều trị.
Theo thông tin bệnh sử, bé K. đã thử làm cốm nổ từ lúa bằng cách đổ cồn vào một thùng thiếc, cho lúa vào, rồi châm lửa. Khi lửa gần tắt, bé tiếp tục châm thêm cồn từ một can nhựa, dẫn đến lửa bùng theo dòng cồn và làm nổ bình cồn, gây bỏng nặng ở đầu, mặt, cổ, ngực, bụng và tay.
Ngay sau sự cố, bé K. lăn xuống đất để dập lửa cháy áo và nhờ người nhà xối nước khắp cơ thể để giảm nhiệt. Bé sau đó được đưa đến bệnh viện địa phương để sơ cứu, thở oxy và truyền dịch trước khi chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, bệnh nhi K đã được chăm sóc vết thương bỏng bằng các dung dịch sát trùng không gây đau và các loại gạc sinh học diệt khuẩn, tiêu mô hoại tử, kích thích tạo mô hạt, không dính mô khi thay gạc, kết hợp với dinh dưỡng hợp lý. Những vùng da bị cháy sâu được ghép da tự thân, điều trị tình trạng vết thương phỏng cải thiện lành dần.
Qua sự việc trên, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo phụ huynh cần đặc biệt lưu ý trong dịp Tết khi trẻ được nghỉ học ở nhà. Trẻ dễ có những hành vi gây nguy cơ tổn thương như chơi với lửa, tiếp cận nước sôi, đồ điện, hoặc các vật dụng nguy hiểm khác. Do đó, phụ huynh nên tránh để đồ vật nguy hiểm trong tầm với của trẻ: Đồ nóng như bàn ủi, pô xe mới chạy, bình nước sôi, chai lọ hóa chất, thuốc diệt chuột, thuốc uống điều trị, và ổ điện cần được đặt ngoài tầm tay trẻ. Cẩn thận với khu vực nhà tắm: Không để xô chậu có nước, vì trẻ có thể bị ngã vào. Hạn chế các đồ nội thất không chắc chắn như tủ, bàn ghế có nguy cơ ngã đè trẻ.
Ngoài ra, phụ huynh cũng cần tăng cường giáo dục, hướng dẫn trẻ hiểu về nguy hiểm của việc chơi với lửa, tiếp xúc với nguồn nước nóng, điện hoặc các vật liệu cháy nổ. Trong trường hợp trẻ bị bỏng nước sôi, lửa, hoặc phỏng nặng do cồn, cần xử lý ngay như: Nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi khu vực nguy hiểm; xối nước sạch và mát lên vùng bị bỏng để làm dịu vết thương, giảm đau và hạn chế tổn thương lan rộng; đưa trẻ đến bệnh viện sớm nhất có thể để được cấp cứu và điều trị kịp thời.