Bắc Quang, kiến trúc bản địa kiến tạo diện mạo nông thôn
BHG - Quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn mở ra bước ngoặt quan trọng đối với huyện Bắc Quang, đánh dấu sự thay đổi căn bản trong tư duy quy hoạch và phát triển. Từ đó, kiến tạo diện mạo Nông thôn mới (NTM) khang trang, có trật tự, giàu bản sắc và thực sự đáng sống.
Với định hướng phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn, huyện Bắc Quang xác định quy hoạch là trung tâm, bản sắc văn hóa là điểm tựa cho quá trình phát triển. Đến nay, 23/23 xã, thị trấn trên địa bàn được phủ kín quy hoạch chung xây dựng; 7 đơn vị hành chính đạt chuẩn đô thị; 4 trung tâm xã được lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Riêng 10 xã gồm: Tân Lập, Tân Thành, Đồng Tiến, Đức Xuân, Hữu Sản, Đông Thành, Thượng Bình, Vô Điếm, Tiên Kiều và Liên Hiệp được phê duyệt quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn. Đây là bước đi chiến lược, cụ thể hóa quy hoạch bằng công cụ pháp lý, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý xây dựng, đảm bảo cảnh quan NTM hài hòa, văn minh, hiện đại nhưng vẫn giữ được những giá trị truyền thống.

Trung tâm xã Liên Hiệp được quy hoạch theo hướng đồng bộ, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên.
Theo Trưởng phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị huyện Bắc Quang, Hà Mạnh Thắng: Việc ban hành quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn còn là giải pháp giúp vùng nông thôn chuyển tiếp hài hòa với khu vực đô thị, tránh tình trạng phát triển tự phát, thiếu kiểm soát trong quá trình đô thị hóa ngày càng mở rộng. Ngay từ đầu, không gian kiến trúc được định hình rõ ràng thông qua các quy định cụ thể về mật độ xây dựng, hình khối công trình, kiến trúc mái, màu sắc, vật liệu, khoảng lùi. Các quy định này được phân loại theo từng khu vực chức năng như: Trung tâm xã, khu dân cư hiện hữu, khu phát triển mới, khu ven sông suối, vùng đồi núi dốc. Bên cạnh đó, quy chế còn tích hợp các tiêu chuẩn kỹ thuật về hạ tầng như giao thông, điện, nước, cây xanh, môi trường… đảm bảo phù hợp với quy chuẩn quốc gia và tuân thủ quy định của Luật Kiến trúc.
Tân Lập là một trong 4 xã vùng III đặc biệt khó khăn của huyện, với diện tích tự nhiên gần 7.500 ha và gần 2.500 nhân khẩu. Hiện, xã Tân Lập đạt 14/19 tiêu chí NTM, hạ tầng cơ bản được cải thiện. Tuy nhiên, quá trình phát triển cũng nảy sinh những hệ lụy như xây dựng tự phát, thiếu đồng bộ, tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ cảnh quan và môi trường sinh thái. Trước thực trạng trên, xã Tân Lập đã được phê duyệt quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn, giúp kiểm soát không gian phát triển, đảm bảo tính hài hòa và bền vững. Trong đó, quy định rõ các chỉ tiêu kiến trúc đối với từng loại công trình, từ trụ sở UBND xã, trường học, trạm y tế đến nhà ở dân cư. Chẳng hạn, trụ sở UBND xã có diện tích quy hoạch 3.518 m², quy mô xây dựng tối đa 1.407 m² và không cao quá 3 tầng, khoảng lùi tối thiểu 9 m so với đường Tỉnh lộ ĐT.177; Trung tâm Văn hóa – Thể thao có quy mô hơn 6.800 m², mật độ xây dựng chỉ 20%, ưu tiên không gian xanh, sinh hoạt cộng đồng. Riêng các yếu tố kiến trúc bản địa như mái dốc, vật liệu truyền thống, hàng rào cây xanh, mô hình vườn – ao – chuồng... được phát huy hiệu quả vừa tạo điểm nhấn thẩm mỹ, vừa góp phần giữ gìn bản sắc vùng quê trong tiến trình hiện đại hóa.

Phụ nữ Pà Thẻn, xã Hữu Sản gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Đặc biệt, người dân xã Tân Lập ngày càng nâng cao ý thức giữ gìn cảnh quan, tích cực tham gia xây dựng NTM. Tiêu biểu, Nhân dân tự nguyện đóng góp kinh phí, ngày công để lắp đặt gần 1,5 km đường điện chiếu sáng trên tuyến ĐT.177, đoạn qua trung tâm xã. Công trình không chỉ cải thiện hạ tầng, bảo đảm an ninh, an toàn giao thông mà còn tạo điểm nhấn cảnh quan về đêm, minh chứng cho sự chuyển mình rõ nét của vùng quê trong quá trình hiện đại hóa.
Hữu Sản là nơi sinh sống của 98 hộ đồng bào Pà Thẻn – một trong 16 dân tộc thiểu số rất ít người ở nước ta. Mặc dù chỉ chiếm 16,4% dân số toàn xã nhưng đồng bào Pà Thẻn nơi đây vẫn bền bỉ gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống qua bao thế hệ. Từng nét hoa văn, gam màu sặc sỡ trên bộ trang phục không chỉ phản ánh thẩm mỹ tinh tế, đôi tay tài hoa của người phụ nữ mà còn kết tinh bản sắc văn hóa – hồn cốt dân tộc. Đây chính là nguồn chất liệu quý để xã Hữu Sản định hình kiến trúc bản làng mang bản sắc riêng, khai mở tiềm năng phát triển du lịch trải nghiệm, kiến tạo không gian nông thôn vừa hiện đại, vừa giàu giá trị văn hóa.
Không chỉ riêng Tân Lập, Hữu Sản, 8 xã còn lại của huyện Bắc Quang đang tích cực triển khai quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn. Mục tiêu là kiến tạo không gian sống xanh – bền vững – hài hòa, gìn giữ truyền thống trong đổi mới, hiện đại nhưng vẫn đậm đà bản sắc. Các công trình công cộng như: Chợ, trường học, nhà văn hóa đều được quy hoạch rõ ràng, mang đậm bản sắc địa phương, tạo điểm nhấn kiến trúc cho từng vùng quê. Bên cạnh đó, quy chế còn mở ra cơ hội phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm nông thôn gắn với cảnh quan thiên nhiên và văn hóa bản địa.
Từ quy hoạch tổng thể đến kiến trúc công trình, từ gìn giữ cảnh quan đến bảo vệ sinh thái, tất cả cho thấy quyết tâm cao của huyện Bắc Quang trên hành trình kiến tạo không gian nông thôn phát triển có chiều sâu, trật tự và đồng bộ. Các quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn không chỉ là công cụ quản lý kỹ thuật mà còn là định hướng chiến lược “thổi hồn” vào công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, tạo nền tảng vững chắc cho một nông thôn phát triển bền vững.