Bắc Ninh đề nghị Hưng Yên phối hợp xử lý ô nhiễm tại đại thủy nông Bắc Hưng Hải
UBND Bắc Ninh vừa gửi công văn đề nghị Hưng Yên phối hợp xử lý ô nhiễm nghiêm trọng tại hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải – công trình từng là niềm tự hào của nông nghiệp miền Bắc nay đối mặt nguy cơ trở thành 'dòng sông chết'.
UBND tỉnh Bắc Ninh vừa gửi công văn đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên phối hợp giải quyết tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng tại hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải – công trình từng được xem là đại thủy nông, dài 232km, nay trở thành “dòng sông chết” do nước thải sinh hoạt và công nghiệp chưa qua xử lý.
UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, mặc dù tỉnh đã áp dụng nhiều giải pháp như quy hoạch quản lý chất thải, xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, tăng cường kiểm soát nguồn thải, thanh tra môi trường và nâng cao nhận thức cộng đồng, chất lượng nước tại hệ thống Bắc Hưng Hải vẫn ô nhiễm nghiêm trọng.
Theo UBND tỉnh Bắc Ninh, nguyên nhân chủ yếu là do nước thải sinh hoạt từ các hộ dân chưa qua xử lý hoặc xử lý không đạt chuẩn, kèm theo việc một số cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ xả thẳng nước thải ra môi trường.

Công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng do do nước thải sinh hoạt từ các hộ dân và nước thải công nghiệp từ làng nghề, cụm công nghiệp được xả trực tiếp vào kênh mương mà không qua xử lý.
Ngày 21/3/2025, UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành Kế hoạch số 171/KH-UBND, tập trung tăng cường quản lý, kiểm tra và giám sát ô nhiễm môi trường, đồng thời triển khai phòng cháy chữa cháy và cứu hộ tại các làng nghề, cụm công nghiệp – những nơi có nguồn ô nhiễm nghiêm trọng.
Kế hoạch này đặt mục tiêu xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm ở hệ thống Bắc Hưng Hải, đặc biệt là tại cụm công nghiệp Xuân Lâm, và dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2025. Tuy nhiên, Bắc Ninh nằm ở hạ nguồn của hệ thống, tỉnh nhấn mạnh rằng sự phối hợp từ Hưng Yên – nơi thượng nguồn – là yếu tố then chốt để ngăn chặn và đẩy lùi ô nhiễm.
Trong công văn, Bắc Ninh đề nghị Hưng Yên chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông và đoàn thể để đạt hiệu quả cao hơn.
Đồng thời, Hưng Yên cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức xả thải chưa qua xử lý vào hệ thống Bắc Hưng Hải, yêu cầu doanh nghiệp đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn trước khi xả thải, và đình chỉ hoạt động của các cơ sở không đáp ứng tiêu chuẩn.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng yêu cầu Hưng Yên tối ưu hóa quy trình vận hành các công trình tiêu nước nhằm giảm thiểu tác động ô nhiễm. Các đơn vị khai thác và người dân được khuyến cáo nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước theo quy định của Luật Thủy lợi, đồng thời cần thực hiện các biện pháp như nạo vét, khơi thông dòng chảy và thu gom rác thải tồn đọng. Việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung cho sinh hoạt, làng nghề và cụm công nghiệp cũng được nhấn mạnh nhằm giảm dần mức độ ô nhiễm của hệ thống Bắc Hưng Hải và các nhánh sông liên quan.
Cuối cùng, Bắc Ninh đề nghị Hưng Yên rà soát, đảm bảo hoạt động của các trạm quan trắc môi trường theo yêu cầu của Cục Môi trường Bộ Nông nghiệp và Môi trường theo Công văn số 377/MT-MTMB ngày 8/4/2025, đáp ứng các quy định của Thông tư 10/2021/TT-BTNMT về kỹ thuật quan trắc và quản lý dữ liệu môi trường.
UBND tỉnh Bắc Ninh bày tỏ mong muốn được Hưng Yên phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai các biện pháp cải thiện môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, nhằm đem lại lợi ích chung cho cả hai tỉnh.
Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, hay còn gọi là đại thủy nông Bắc Hưng Hải, được khởi công xây dựng từ năm 1958 với mục tiêu ban đầu là cung cấp nước tưới tiêu cho các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên và một phần của Hà Nội. Với chiều dài vượt 232 km, đây từng là công trình thủy lợi hiện đại và quy mô lớn nhất miền Bắc, được kỳ vọng sẽ tăng năng suất nông nghiệp và giảm thiểu nguy cơ ngập lụt, trở thành biểu tượng của sự phát triển nông nghiệp Việt Nam và niềm tự hào của người dân vùng.
Sau nhiều thập kỷ vận hành, Bắc Hưng Hải hiện đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Trong những năm gần đây, nguồn nước trong lành từng có đã dần trở nên ô nhiễm, chuyển thành dòng sông với nước đen ngòm và mùi hôi khó chịu. Nguyên nhân chủ yếu là do nước thải sinh hoạt từ các hộ dân và nước thải công nghiệp từ làng nghề, cụm công nghiệp được xả trực tiếp vào kênh mương mà không qua xử lý, từ đó dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng về chất lượng nước và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống cũng như sản xuất nông nghiệp.
Theo ông Trịnh Thế Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Khai thác Công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, hiện nay hệ thống ghi nhận 3.589 nguồn thải với tổng lưu lượng ước tính hơn 502 nghìn m³/ngày đêm. Trong đó, nước thải sinh hoạt chiếm 58,81%; nước thải công nghiệp 24,60%; thủy sản 7,35%; chăn nuôi 5,53%, và phần còn lại đến từ các cơ sở sản xuất kinh doanh, y tế và làng nghề.
Qua các đợt quan trắc, có tới 75% các vị trí trong hệ thống bị đánh giá là ô nhiễm nghiêm trọng. Đặc biệt, các điểm như cống Xuân Thụy (sông Cầu Bây), cống Ngọc Đà (kênh Kiên Thành) và cống Bình Lâu (kênh T2) luôn ghi nhận mức ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng qua mọi đợt kiểm tra. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ mẫu có từ năm thông số vượt quy chuẩn đã tăng từ 17,5% năm 2005 lên 69,44% vào năm 2021, trong khi tỷ lệ mẫu bị ô nhiễm nghiêm trọng tăng từ 10,52% năm 2005 lên 75% vào cùng năm, cho thấy diễn biến ô nhiễm không ngừng trầm trọng theo thời gian.
Theo thống kê, tổng số nguồn xả thải vào hệ thống Bắc Hưng Hải thuộc diện phải được cấp phép là 1.950 cơ sở, nhưng đến cuối tháng 9/2020, chỉ có 295 cơ sở được cấp phép, trong đó chỉ 94 giấy phép vẫn còn hiệu lực. Hàng tháng, Công ty Bắc Hưng Hải đều tổ chức các đợt kiểm tra, thống kê và phát hiện các hành vi xả thải trái phép vào kênh trục chính.
Trong giai đoạn 2021-2023, Công ty đã gửi nhiều văn bản đến các tỉnh, thành phố và cơ quan chức năng liên quan, làm rõ tình trạng ô nhiễm của hệ thống, chỉ ra nguyên nhân và đưa ra các kiến nghị xử lý tình hình. Đồng thời, thông qua sự phối hợp với Đoàn thanh tra liên ngành, Công ty đã kiểm tra và xử lý vi phạm đối với 13 đơn vị xả nước thải trái phép vào công trình kể từ năm 2018 đến 2022.