Bạc Liêu tạo sức bật mới trong năm 2025
Năm 2025 là năm có ý nghĩa rất quan trọng đối với Bạc Liêu trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025). Đồng thời, đây cũng là năm tiến hành đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Triển khai nhiều dự án quan trọng
Quán triệt chủ đề điều hành của Chính phủ: “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tinh gọn hiệu quả, tăng tốc bứt phá”, Bạc Liêu sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức chung lòng và không ngừng vươn cao khát vọng với mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt từ 8 - 9% so với năm 2024, GRDP bình quân đầu người đạt 79 triệu đồng/người/năm và tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 37.330 tỷ đồng. Đồng thời, phát huy thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, chế biến xuất khẩu với mục tiêu đạt sản lượng thủy sản 600.000 tấn, sản lượng lúa 1.234.000 tấn và kim ngạch xuất khẩu đạt 1.264 triệu USD.
Để hoàn thành các mục tiêu chiến lược này, Bạc Liêu sẽ tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, trọng tâm là phát triển chuỗi giá trị ngành tôm và đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả. Tăng cường liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, gắn với bảo vệ môi trường; xây dựng và triển khai có hiệu quả Đề án chuyển đổi số ngành Nông nghiệp giai đoạn 2025 - 2030.
Bên cạnh đó là phát triển các cơ sở sản xuất tôm giống chất lượng cao, sạch bệnh đáp ứng nhu cầu sản xuất trong và ngoài tỉnh. Tập trung đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi trồng, nhất là Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu (giai đoạn 2), các vùng nuôi tôm siêu thâm canh theo quy trình khép kín trong nhà kín; nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh; nuôi trong nhà lưới, nhà màng; vùng sản xuất lúa - tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh gắn với xây dựng vùng nguyên liệu. Tiếp tục triển khai Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”.
Đặc biệt, Bạc Liêu sẽ quan tâm và chú trọng phát triển kinh tế biển, nâng cao hiệu quả nghề khai thác gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, nhất là nghề nuôi thủy sản trên biển. Xây dựng, triển khai Đề án “Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chuyển đổi đối tượng, mùa vụ, ngư trường khai thác theo hướng đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ, tập trung khai thác các loài hải sản có giá trị kinh tế cao.
Đồng thời, tuân thủ quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử trên địa bàn tỉnh; Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác thủy sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái; nhiệm vụ điều tra, đánh giá hiện trạng nguồn lợi thủy sản và xác định hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản ở vùng biển tỉnh Bạc Liêu đến năm 2030...
Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa và du lịch
Cùng với đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, một trong những thế mạnh khác được tập trung chỉ đạo trong năm 2025 chính là phát triển thương mại - dịch vụ và du lịch. Theo đó, Bạc Liêu sẽ phát triển thị trường nội địa và thực hiện các giải pháp khuyến khích tiêu dùng; đồng thời, chú trọng phát triển các ngành dịch vụ theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ và năng lực cạnh tranh, bảo đảm phục vụ tốt nhất nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ cho sản xuất và đời sống nhân dân.
Tiếp tục triển khai thực hiện sâu rộng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động; tăng cường tổ chức các cuộc hội chợ, các phiên chợ đưa hàng Việt về phục vụ nông thôn. Tích cực tranh thủ mọi nguồn vốn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, nhất là hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó là triển khai quyết liệt các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa theo hướng bền vững, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện để Công ty TNHH MTV Lương thực Vĩnh Lộc và Công ty Lương thực Bạc Liêu triển khai thực hiện hoạt động xuất khẩu gạo, nâng giá trị kim ngạch xuất khẩu cho địa phương. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chế biến xuất khẩu các mặt hàng mới, các dòng sản phẩm chế biến sâu vào các thị trường mới, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, tránh phụ thuộc nguồn nguyên liệu vào một thị trường.
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa; áp dụng truy xuất nguồn gốc, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, nâng cao kỹ năng quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên nền tảng trực tuyến, kỹ năng tham gia hiệu quả trên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn có uy tín, các nhà cung ứng phát triển đa dạng kênh phân phối từ các kênh truyền thống đến kênh phân phối hiện đại và kênh phân phối số.
Riêng về phát triển du lịch, tập trung đề ra giải pháp để cơ cấu lại ngành Du lịch theo hướng phát triển đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các sản phẩm và dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh và hoàn thiện, nâng cao chất lượng tại một số khu, điểm du lịch.
Trong đó, phát huy tốt 12 điểm du lịch đã được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) công nhận là điểm du lịch tiêu biểu để khai thác, kết nối tua, tuyến du lịch với khu vực và cả nước; tích cực kêu gọi đầu tư các dự án du lịch, đặc biệt là các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư để tạo động lực cho du lịch phát triển. Tiếp tục đẩy mạnh tham gia việc liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Triển khai, phát huy lợi thế các sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với các hoạt động du lịch khu vực nông thôn, đảm bảo tính liên kết, không trùng lắp trong tỉnh và với cả vùng ĐBSCL để tạo nên sản phẩm đặc trưng riêng của tỉnh. Triển khai các nội dung thuộc Dự án xây dựng và triển khai quản lý du lịch thông minh tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2024 - 2025…