Bắc Kạn phát huy tinh thần đoàn kết trong xóa nhà tạm, dột nát
BBK- Xóa nhà tạm, dột nát là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao đời sống, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. Phóng viên Báo Bắc Kạn có cuộc phỏng vấn đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Kạn, về vai trò của tinh thần đoàn kết trong thực hiện nhiệm vụ này.

Đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy Ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Kạn.
Phóng viên: Thưa đồng chí, đến thời điểm hiện tại, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng chú ý nào?
Đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa: Tính đến thời điểm hiện tại, nhờ sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành và sự chung tay của cộng đồng, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tại Bắc Kạn đã đạt được những kết quả tích cực. Năm 2024 tỉnh đã hỗ trợ xóa hơn 1.800 nhà tạm. Năm 2025, kế hoạch đặt ra là hoàn thành xóa 4.716 nhà tạm, trong đó có 3.986 nhà làm mới và 730 nhà sửa chữa.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh và sự phối hợp của các ngành, địa phương, đến nay, nhiều hộ dân đã được hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà cửa. Một số huyện có tỷ lệ hoàn thành cao, góp phần cải thiện điều kiện sống cho người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách nhà nước, tỉnh cũng đã huy động sự chung tay của các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân để hỗ trợ những hộ nghèo, cận nghèo có nhà ở kiên cố.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt là về nguồn lực tài chính, điều kiện xây dựng tại các vùng có địa hình phức tạp và sự chủ động của một số hộ dân còn hạn chế. Để đảm bảo tiến độ, tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động, lồng ghép các chương trình hỗ trợ, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát để việc xóa nhà tạm, nhà dột nát đạt hiệu quả cao nhất.
Phóng viên: Trong quá trình triển khai, MTTQ tỉnh đã phát huy vai trò của mình như thế nào trong việc huy động sự chung tay của các tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân để thực hiện mục tiêu này?
Đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa: MTTQ đã tích cực tuyên truyền, vận động các tổ chức thành viên, doanh nghiệp và nhân dân tham gia ủng hộ chương trình. Thông qua các kênh vận động như Quỹ "Vì người nghèo", “Thư kêu gọi”, chương trình an sinh xã hội, MTTQ đã kêu gọi được hàng tỷ đồng từ các nguồn xã hội hóa, qua đó hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho các hộ khó khăn.
Đồng thời, MTTQ các cấp đã chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ với vai trò là cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát các cấp trong tỉnh; chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể để rà soát đối tượng cần hỗ trợ, đảm bảo công bằng và đúng đối tượng. Một số mô hình hiệu quả như “Nhà đại đoàn kết”, “Ngôi nhà ấm tình quân dân” đã được triển khai, góp phần tạo điều kiện cho các hộ nghèo có nơi ở kiên cố.
Bên cạnh đó, MTTQ còn huy động sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là các tổ chức thiện nguyện, nhóm tình nguyện hỗ trợ nhân công, vật liệu xây dựng, giúp giảm chi phí cho các hộ dân. Tại địa phương, cơ sở, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp xã; Ban công tác Mặt trận, Trưởng Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư giữ vai trò quan trọng, hỗ trợ từng hộ gia đình với vai trò “đứng chủ”, thay chủ hộ thực hiện các công đoạn triển khai làm mới hoặc sửa chữa nhà ở, nhất là những hộ thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, đặc biệt khó khăn.
Nhờ sự vào cuộc tích cực này, nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã được hỗ trợ kịp thời, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Kạn thăm một hộ ở nhà tạm, nhà dột nát tại huyện Ba Bể.
Phóng viên: Đồng chí đánh giá như thế nào về tinh thần đoàn kết của các tầng lớp nhân dân trong việc hỗ trợ, giúp đỡ nhau xây dựng nhà ở kiên cố, đặc biệt là ở những khu vực khó khăn?
Đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa: Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của nhân dân Bắc Kạn trong công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát là rất đáng ghi nhận.
Trong quá trình triển khai, nhiều hộ không chỉ nhận được hỗ trợ từ ngân sách và các tổ chức, mà còn từ chính bà con thôn bản, dòng họ, cộng đồng dân cư. Ở nhiều địa phương, phong trào giúp đỡ nhau làm nhà đã trở thành nét đẹp trong đời sống, khi người dân cùng góp ngày công, vật liệu xây dựng để giúp đỡ các hộ nghèo. Một số thôn, bản vùng sâu còn tổ chức các đội hỗ trợ xây nhà, huy động sự chung tay của người dân để giảm chi phí và đẩy nhanh tiến độ. Đặc biệt, các tổ chức hội, đoàn thể cũng tích cực tham gia, vừa góp sức, vừa động viên tinh thần các hộ gia đình.
Những hành động này không chỉ giúp người dân có mái ấm kiên cố mà còn củng cố tinh thần đoàn kết, gắn kết cộng đồng, tạo động lực để bà con vươn lên thoát nghèo. Dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần đoàn kết và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát chắc chắn sẽ tiếp tục đạt được những kết quả tích cực hơn nữa.
Phóng viên: Thời gian tới, MTTQ tỉnh sẽ có những giải pháp gì để tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, tạo sự đồng thuận cao hơn nữa trong xã hội để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát?
Đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa: Trong thời gian tới, MTTQ tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để huy động thêm nhiều nguồn lực phục vụ công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Trước hết, MTTQ sẽ phối hợp với các cấp chính quyền và doanh nghiệp để mở rộng Quỹ "Vì người nghèo", tổ chức thêm các hoạt động gây quỹ, kêu gọi sự ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm. Đồng thời, MTTQ cũng sẽ triển khai các chương trình kết nối, giới thiệu mô hình nhà ở phù hợp với từng địa phương để giúp giảm chi phí xây dựng.
Bên cạnh đó, để tăng cường sự đồng thuận trong xã hội, MTTQ sẽ tiếp tục phát huy vai trò của các tổ chức thành viên trong việc giám sát, kiểm tra tiến độ thực hiện, đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong việc phân bổ nguồn lực hỗ trợ.
Một trong những giải pháp quan trọng là đẩy mạnh phong trào "Nhà đại đoàn kết", kêu gọi sự tham gia của cộng đồng vào việc hỗ trợ xây nhà, từ đó lan tỏa tinh thần đoàn kết trong Nhân dân. Ngoài ra, MTTQ cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương để xác định chính xác đối tượng cần hỗ trợ, tránh tình trạng bỏ sót hoặc nhầm lẫn trong quá trình thực hiện; tiếp tục vận động các hộ thuộc đối tượng hỗ trợ tích cực hưởng ứng công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát, góp phần hiệu quả vào phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025”.

Lãnh đạo thành phố Bắc Kạn thăm một ngôi nhà đang được hoàn thiện sau khi nhận được hỗ trợ nguồn hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát ở địa phương.
Với sự vào cuộc đồng bộ và tinh thần đoàn kết của toàn xã hội, Bắc Kạn tin tưởng rằng công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát sẽ đạt kết quả tốt trong thời gian tới, góp phần nâng cao chất lượng sống cho nhân dân và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!