Bắc Kạn: Nhiều dấu hiệu bất ổn trong sử dụng ngân sách tại Phòng GD&ĐT huyện Ngân Sơn
Doanh nghiệp quen liên tiếp trúng thầu sát giá; thiết bị có dấu hiệu đội giá so với sản phẩm có cùng thông số kỹ thuật, xuất xứ bán trên thị trường... là những dấu hiệu bất ổn trong sử dụng ngân sách tại Phòng GD&ĐT huyện Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn).
Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để kí kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để kí kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Mục đích của việc mua sắm tập trung tài sản nhà nước thông qua đấu thầu là để tiết kiệm tiền cho ngân sách nhà nước. Sẽ là đúng chủ trương, pháp luật nếu gói thầu tại Phòng GD&ĐT huyện Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn) tiết kiệm ngân sách nhà nước, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Nhưng công tác đấu thầu tại Phòng GD&ĐT huyện Ngân Sơn lại xuất hiện những điều bất hợp lý với sản phẩm trúng thầu có giá còn cao hơn giá bán trên thị trường.
Doanh nghiệp "quen" liên tiếp trúng thầu sát giá
Trong những năm gần đây, Doanh nghiệp tư nhân nội thất Sen Tuấn là nhà thầu quen tại Phòng GD&ĐT huyện Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn) khi được phê duyệt trúng nhiều gói thầu với con số tiết kiệm ngân sách không đáng kể.
Đơn cử như tháng 12/2021 tại gói thầu Mua sắm bàn ghế học sinh cho các trường học trực thuộc Phòng GD&ĐT huyện Ngân Sơn, Doanh nghiệp tư nhân nội thất Sen Tuấn được phê duyệt trúng thầu với giá 405.650.000 đồng (giá gói thầu 406.300.000 đồng) theo quyết định số 204/QĐ-PGDĐT ngày 29/12/2021 do ông Đàm Trung Thủy – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ngân Sơn ký. Tiết kiệm ngân sách ở gói thầu này chưa đến 1 triệu đồng.
Trước đó tháng 8/2021 tại gói thầu Mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho các trường học trực thuộc Phòng GD&ĐT huyện Ngân Sơn, Doanh nghiệp tư nhân nội thất Sen Tuấn tiếp tục được phê duyệt trúng thầu với giá 3.021.309.420 đồng (giá gói thầu 3.024.959.000 đồng) theo quyết định số 118/QĐ-PGDĐT ngày 31/08/2021 do ông Đàm Trung Thủy – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ngân Sơn ký. Như vậy tiết kiệm ngân sách chỉ vỏn vẹn 3 triệu đồng ở gói thầu hơn 3 tỷ đồng.
Tương tự, tháng 3/2021 tại gói thầu: Mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 năm học 2020 - 2021 cho các trường tiểu học trên địa bàn huyện Ngân Sơn, Doanh nghiệp tư nhân nội thất Sen Tuấn một lần nữa được xướng tên trúng thầu với giá 649.010.000 đồng (giá gói thầu 651.410.000 đồng) theo quyết định số 45/QĐ-PGDĐT ngày 10/03/2021 do ông Đàm Trung Thủy – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ngân Sơn ký.
Năm 2020 Doanh nghiệp tư nhân nội thất Sen Tuấn cũng được Phòng GD&ĐT huyện Ngân Sơn phê duyệt trúng gói thầu: Mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho các trường xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia với giá 323.600.700 đồng (giá gói thầu 325.600.700 đồng) theo quyết định số 185/QĐ-PGDĐT ngày 29/12/2020 do ông Đàm Trung Thủy – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ngân Sơn ký.
Đáng nói hơn là cả 4 gói thầu do Phòng GD&ĐT huyện Ngân Sơn làm chủ đầu tư và Doanh nghiệp tư nhân nội thất Sen Tuấn được phê duyệt trúng kể trên, hồ sơ mời thầu đều yêu cầu nhà thầu phải nộp hàng mẫu dù các mặt hàng trong gói thầu đều là hàng hóa thông thường, sẵn có trên thị trường.
Việc yêu cầu nhà thầu phải cung cấp hàng mẫu đối với hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường khi áp dụng đấu thầu qua mạng có thể làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
Yêu cầu nộp hàng mẫu sẽ khiến các đơn vị dự thầu phát sinh thêm chi phí không nhỏ, trong khi chưa thể khẳng định chắc chắn có được phê duyệt trúng thầu hay không. Hệ quả là không ít nhà thầu chọn cách bỏ cuộc trước yêu cầu cung cấp hàng mẫu.
Cụ thể, Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
Có dấu hiệu đội giá thiết bị trong gói thầu
Không chỉ xảy ra tình trạng doanh nghiệp quen liến tiếp trúng thầu với chỉ số tiết kiệm nhỏ giọt, nhiều gói thầu do Phòng GD&ĐT huyện Ngân Sơn làm chủ đầu tư còn có dấu hiệu “đội giá” thiết bị so với sản phẩm có cùng xuất xứ, thông số kỹ thuật bán trên thị trường.
Đơn cử như tại gói thầu Mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho các trường học trực thuộc Phòng GD&ĐT huyện Ngân Sơn, Doanh nghiệp tư nhân nội thất Sen Tuấn trúng thầu với giá 3.021.309.420 đồng (giá gói thầu 3.024.959.000 đồng) theo quyết định số 118/QĐ-PGDĐT ngày 31/08/2021.
Gói thầu được tổ chức theo hình thức qua mạng, công khai gồm 502 danh mục sản phẩm cần mua sắm. Thời gian thực hiện hợp đồng là 20 ngày.
Các sản phẩm được mua với giá trị cao như điều hòa âm trần, trụ bóng rổ, bàn bóng bàn, quạt tháp… với số tiền chệch lệch với giá thị trường từ vài trăm nghìn cho đến hàng chục triệu đồng.
Cụ thể, cột và lưới bóng chuyền hơi model V4443, hãng sản xuất Thăng Long Sport được Phòng GD&ĐT huyện Ngân Sơn mua với giá 10.487.000 đồng, trong khi đó cũng sản phẩm cùng thông số và hãng sản xuất nhưng trên thị trường chỉ bán 9.680.000 đồng - chênh hơn 800.000 đồng/sản phẩm.
Loa hộp Model: F-1000BT. Hãng sản xuất: TOA xuất xứ Indonesia được Phòng GD&ĐT huyện Ngân Sơn mua với giá 2.624.000 đồng, trong khi đó cũng sản phẩm cùng thông số và hãng sản xuất nhưng trên thị trường chỉ bán chưa đến 2.100.000 - chênh hơn 500.000 đồng/sản phẩm.
Amply JARGUAR Model PA-203N mua với giá 6.120.000 đồng, trong khi đó cũng sản phẩm cùng thông số và hãng sản xuất nhưng trên thị trường dao động từ 4.800.000 đồng đến 5.100.000 đồng/sản phẩm.
Micro không dây Model: BBS K-969, hãng sản xuất BBS mua với giá 3.480.000 đồng, trong khi đó cũng sản phẩm cùng thông số và hãng sản xuất nhưng trên thị trường bán là 2.900.000 đồng/sản phẩm.
Ngoài ra, sản phẩm loa kéo mode: TS-12G450, hãng sản xuất Dalton được Phòng GD&ĐT huyện Ngân Sơn mua với giá 8.565.000 đồng, trong khi đó cũng sản phẩm cùng thông số và hãng sản xuất nhưng trên thị trường bán khoảng 6.500.000 đồng/sản phẩm.
Ngoài ra, nhiều mặt hàng khác cũng có giá sau trúng thầu cao hơn so với sản phẩm cùng chủng loại, cấu hình đang bán trên thị trường như tủ sắt Hòa Phát, cột bóng rổ, đàn organ Yamaha, mic không dây hãng SHURE,....
Như vậy, mới chỉ điểm qua một vài thiết bị ngẫu nhiên trong gói thầu cũng cho thấy sự chênh lệch giá đáng kể giữa giá duyệt mua của Phòng GD&ĐT huyện Ngân Sơn so với sản phẩm có cùng thông số kỹ thuật, xuất xứ được rao bán trên thị trường.
Tài chính Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!
Được biết, tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện Ngân Sơn năm 2021 đạt hơn 22 tỷ đồng, vượt trên 141% kế hoạch. Trong đó, một số khu vực, sắc thuế vượt kế hoạch như: Khu vực kinh tế ngoài quốc doanh thu được hơn 9 tỷ đồng, đạt hơn 137% kế hoạch; lệ phí trước bạ thu hơn 3,3 tỷ đồng, đạt 100,2% kế hoạch; phí và lệ phí thu trên 3,5 tỷ đồng đạt 142,3% kế hoạch; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt hơn 44 triệu đồng, vượt 220% kế hoạch; một số xã thu ngân sách đạt cao như Đức Vân, Hiệp Lực, thị trấn Nà Phặc…
Ông Nguyễn Trọng Lăng (Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn) cho biết: Ngay từ đầu năm, UBND huyện đã chỉ đạo rà soát nhiệm vụ thu, các sắc thuế để đánh giá cụ thể và đưa ra phương hướng, nhiệm vụ cho ngành Thuế; chủ động giao chỉ tiêu thu ngân sách kịp thời cho các xã, thị trấn; thành lập Tổ chống thất thu thuế; nắm chắc đối tượng; đôn đôn các doanh nghiệp, công ty trên địa bàn đóng thuế theo quy định…
Năm 2022, huyện Ngân Sơn đặt ra chỉ tiêu thu ngân sách trên địa bàn đạt 23 tỷ đồng.